Con Hư Tại Mẹ Cháu Hư Tại Bà?

Con Hư Tại Mẹ Cháu Hư Tại Bà?

Đại Dịch COVID, Nhớ Đến Hồng Thủy
Có kỳ lạ không khi người Công giáo tôn kính các Thánh tích?
Những điều bạn cần biết về Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Chào Chú con đang lo lắng cho con của mình cháu được 2 tuổi và đang ở nhà với bà nội. Vì nó còn nhỏ và ông nội mới mất vì thế mà cháu chưa cho con đi học, xong chồng cháu đang tự dưng mất viêc nghỉ ở nhà một mình cháu đi làm nên về đến nhà là cảm thấy uể oải và mệt mỏi rồi con thì lì mà quậy mà Bà nội bênh mà chiều một cách vô lí cháu đánh phạt thì Bà bênh nên tối đến nó đòi ngủ với Bà nhưng cháu không chịu. Nói ban ngày con ngủ Bà tối ngủ với mẹ, nhưng cháu thấy Bà hơi buồn. Cháu có thói quen đi ngủ hay nói chuyện và dạy con. Nhưng Bà lại muốn cháu ngủ với Bà. Vậy Cháu phải làm sao cho tốt cả hai bên.
Con cám ơn chú,
Th. L
Câu hỏi có thể được tóm lại 3 điểm chính như sau:
-Một đứa bé 2 tuổi, được bà nội chiều nên lì và quậy.
-Bà nội bênh cháu khi bị mẹ sửa phạt.
-Bà nội muốn cháu ngủ với mình.
Ca dao Việt Nam có câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Có hai mâu thuẫn giữa bà nội và mẹ trong trường hợp này. Cả hai nếu không sử sự khôn ngoan và khéo léo sẽ làm “hư” đứa trẻ, mặc dù cả hai đều nhân danh tình yêu và sự chăm sóc dành cho đứa trẻ.
Trước khi tìm câu trả lời cho tính lỳ lợm, quậy phá và khó bảo, là hai mâu thuẫn căn bản có thể dẫn đến tình trạng “hư” của đứa bé 2 tuổi: Mâu thuẫn về phương pháp giáo dục, và mâu thuẫn về quyền “sở hữu” em bé.
-Mâu thuẫn về giáo dục:
Ta không biết cả một ngày trong khi người mẹ đi làm bà cháu ở nhà tình cảm dành cho nhau như thế nào, nhưng khi về nhà thấy con lỳ, quậy có nghĩa là đứa trẻ không vâng lời, không như ý mẹ muốn. Và kết luận trước mắt là ở nhà đứa trẻ được bà chiều chuộng, hay ít là cách giáo dục của bà khác với của mẹ.
Đây là mâu thuẫn thường thấy đến từ sự khác biệt giữa hai thế hệ, thế hệ người bà và thế hệ người mẹ. Mỗi thế hệ có một quan niệm, một cái nhìn khác nhau về nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Cũng có thể là sự khác nhau giữa hai nền văn hóa. Ảnh hưởng văn hóa truyền thống của mẹ chồng khác với ảnh hưởng văn hóa tân tiến hiện nay của nàng dâu liên quan đến việc nuôi dưỡng và giáo dục.
 
-Mâu thuẫn về sở hữu:
Người Việt Nam từ xưa vẫn cho rằng: “Cháu bà nội, tội bà ngoại”, và con trai lấy vợ là để có con nối dõi tông đường, nhất là người con ấy là trai trưởng, và đứa cháu ấy cũng là cháu trai đầu lòng (cháu đích tôn).
Trong tâm thức ấy, bà nội muốn cho mình cái quyền được chiếm hữu, chăm sóc và đôi khi chiếm đoạt tình cảm đứa cháu sẽ nối dõi tông đường sau này. Ngược lại người mẹ, nhất là những người mẹ trẻ thời nay thì cái nhìn ấy không hoàn toàn như vậy. Nó là con tôi, tôi đẻ nó ra, đương nhiên nó thuộc về tôi, việc nối dõi tông đường là chuyện sau này.
Tóm lại, cả 2 mâu thuẫn trên; nhất là mâu thuẫn về quan điểm giáo dục, có thể được coi là khó hòa giải nếu như hai người lớn không vì đứa trẻ mà tìm được mẫu số chung. Mà điều này bắt buộc phải làm vì tương lai của đứa trẻ.
-Tâm tính ban sơ của đứa trẻ:
Theo tâm lý học thì mỗi người con sinh ra đời đều mang trong mình tính di truyền của cha mẹ cả về tri thức, tâm tính lẫn thể chất. Sự phối hợp của cha mẹ, do đó, sẽ tạo nên một cá tính cá biệt của từng đứa con. Tuy nhiên, đứa trẻ mới 2 tuổi thì không thể gọi nó là đứa trẻ lỳ lợm, hoặc quậy phá: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Ở tuổi này cá tính, cách sống của một em bé chưa có dịp phát triển đầy đủ, và cũng chưa bị ảnh hưởng bởi môi trường, xã hội, hoàn cảnh chung quanh để trở thành một đứa trẻ lỳ lợm, quậy phá…
Có thể là vì gánh nặng gia đình, gánh nặng công ăn việc làm, và một phần vì không hài lòng với mẹ chồng trong cách thức nuôi dậy con mình, nên cháu đã nhìn con của mình và đối xử với nó như vậy. Nhưng cháu cũng nên biết, đứa trẻ tuy hai tuổi vẫn có thể cảm nhận ra ai là người thương nó, và ai là người không thương nó. Kết quả là nó sẽ nghiêng về phía người thương nó, dễ dàng hòa hợp hơn với người thương nó.
Trả lời góp ý:
-Về phía người mẹ:
Có hai việc phải làm trong hoàn cảnh này:
*Tìm hiểu thêm, học hỏi thêm về cách thức giáo dục con, đặc biệt là tuổi thơ của con. Để ý xem những thái độ tiêu cực nào thường có đối với con như sự bẳn gắt, thiếu nhẫn nại, hoặc đối xử với con bằng cách mắng, la, hét, hay đánh phạt nặng tay.
*Để ý tự kìm hãm tính nóng nảy, giận hờn vô cớ đối với con. Nếu đi làm mệt nhọc thì đó là trách nhiệm và bổn phận của mình. Nếu gánh nặng kinh tế vì người chồng thất nghiệp, cũng như nếu có những xung khắc với mẹ chồng thì đó cũng là chuyện giữa những người lớn, không thể “giận cá chém thớt”. Không được biến con trở thành đối tượng gánh chịu sự bất mãn, khó chịu của mình. Đứa trẻ lên 2 tuổi rất cần tình thương và phải được thương, vì nó vô tội và còn rất nhỏ bé.
 
-Mâu thuẫn giữa bà và mẹ:
Mâu thuẫn về giáo dục, về cách quan tâm đến đứa trẻ đương nhiên là có như đã trình bày trên. Mâu thuẫn về ý tưởng quyền sở hữu đứa trẻ cũng đương nhiên là có, vì cả hai đều nghĩ rằng đó là quan hệ máu mủ, ruột rà là của mình. Nhưng con là con, và cháu là cháu. Mẹ là mẹ, và bà là bà. Sự khác biệt rất rõ ràng mặc dù vẫn có những mối dây liên hệ huyết thống. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người mẹ trẻ (con dâu) phải là người nhún nhường, đi bước trước trong việc hòa giải những bất đồng với mẹ chồng. Làm vậy sẽ tránh cho chồng phải khó nghĩ, và cũng là điều hợp tâm lý vì tạo được sự quí mến hơn đối với mẹ chồng, bằng cách:
– Tìm dịp thuận tiện để chia sẻ với mẹ chồng những gì mình nghĩ, mình biết, và những gì cần thiết mình đang quan tâm trong vấn đề giáo dục một đứa trẻ, đặc biệt, trong môi trường và hoàn cảnh sống hiện tại. Nếu sự chia sẻ gặp khó khăn, hãy nhờ chồng cùng chung góp ý.
– Khéo léo nhắc nhở mẹ chồng, nếu thương cháu cũng đừng chiều nó quá. Đừng cho cháu tất cả những gì nó muốn, nó đòi vì làm như thế sẽ tập cho cháu tính vòi vĩnh, khóc lóc, lè nhè và lười biếng sau này, vì thấy mình được cưng chiều quá.
– Tế nhị nói với mẹ rằng, đứa trẻ 2 tuổi cần mẹ ruột cũng như cần bà nội, cháu đã ở nhà với bà cả ngày rồi, còn ít thời gian mẹ có thể gần gũi con, nhất là ban đêm trước khi ngủ, và xin mẹ nhường lại cho mình thời gian ít ỏi đó. Sự khéo léo, tế nhị, và biết ơn đối với sự săn sóc mà mẹ chồng đã dành cho con mình chắc chắn sẽ làm cho bà cảm thấy hài lòng, sẽ để con mình ngủ với mình. Mặc dù đứa trẻ có ngủ với mẹ đi nữa, thì khi em lên 3 tuổi, nếu có hoàn cảnh thì cũng phải tập cho em ngủ riêng. Đây là lãnh vực thuộc tâm lý phát triển và tâm lý giáo dục.
Tóm lại, theo tôi, thái độ tế nhị, khéo léo, nhẹ nhàng và khiêm tốn của cháu sẽ là chìa khóa tháo gỡ những khúc mắc hiện nay trong tương quan giữa cháu và mẹ chồng, giữa cháu và con cháu…
Ngoài ra, tôi vẫn nhấn mạnh đến sự học hỏi, tìm hiểu và cầu tiến trong lãnh vực giáo dục để cháu có thể trở thành một người mẹ tốt, và cầu mong con của cháu sẽ lớn lên trong đức hạnh và trí tuệ.
Trần Mỹ Duyệt