Chạnh Lòng Thương

Chạnh Lòng Thương

Có Nghe Tình Yêu Thức Dậy Trong Lòng
Chúa nhật I Mùa Vọng – Năm B
Chúa nhật thứ II Thường niên Năm B

Trần Mỹ Duyệt

Trong một trích đoạn Tin Mừng, Thánh Sử Luca đã ghi lại một bức tranh cảm động, diễn tả một người lữ hành giữa đường bị rơi vào tay bọn cướp. Người này bị chúng đánh nửa sống, nửa chết nhưng may nhờ có người hảo tâm cứu sống. Những nét chính của đoạn Phúc Âm này có thể được tóm lại như sau:

Có người thông luật kia đứng lên hỏi Chúa Giêsu để thử Ngài: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp.” Khi biết rõ điều mình phải làm đó là thương yêu anh chị em mình, luật sỹ này còn muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Có lẽ chỉ chờ dịp này, Ngài đã đưa ra một câu truyện thay cho lời giải đáp về một người từ Giêrusalem xuống Giêricô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Cuối cùng là một người Samari đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông lại gần, lấy dầu, lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, trước khi tiếp tục cuộc hành trình, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” Kết luận, Chúa Giêsu đã nói với luật sỹ ấy câu này: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” (10:25-37)

Suy niệm kỹ hơn về đoạn Tin Mừng này, có những điểm mới đọc qua tưởng như nhỏ mọn, không đáng quan tâm, nhưng thực sự nó lại rất quan trọng và gần gũi với đời sống tâm linh của mỗi người, cũng như rất gần gũi với đời sống tâm linh của từng người chúng ta.

Con đường mà người bị cướp đánh đó dài ba mươi cây số từ Giêrusalem đến Giêricô, băng qua giữa sa mạc, có những khúc quanh đầy trộm cướp. Đó chính là biểu tượng cho hành trình của mỗi người chúng ta từ nơi mình được sinh ra chào đời cho đến khi về đến Giêrusalem trên trời là thiên đàng. Đường đời của mỗi người dài hay ngắn: 20, 30, 50, 70, 90 hay 100 năm, nhưng chắc chắn một điều là trên con đường này bằng cách này hay cách khác, chúng ta sẽ bị bọn cướp (Satan và bè lũ chúng) đón đánh nhiều trận. Đó là những lúc chúng ta bị ma quỉ, thế gian, xác thịt cám dỗ, rồi sa ngã, và phạm tội!

Nhưng tại sao cho đến hôm nay chúng ta vẫn sống sót, đó phải chăng là chúng ta đã gặp được những người quyền thế, thông thái, giầu có, đạo đức, nhất là thân thiết ra tay giải cứu và giúp đỡ?  Không. Những người như vị tư tế và Lêvi trong câu truyện thường coi những tội nhân, những kẻ yếu đuối, những người nghèo khó là xấu xa, dơ bẩn, và họ sẽ tránh qua một bên không dám động tới.

Chúng ta được cứu sống là nhờ vào người Samari, một người xa lạ đã ra tay giúp đỡ  chính là Chúa Giêsu. Ngài là người khách lạ đối với toàn thể nhân loại, với thế gian tội lỗi, đau khổ đã bị Satan và bè lũ chúng đón đánh giữa đường về quê trời. Ngài đã băng qua các tầng trời để đến với mỗi người chúng ta. Dầu và rượu Ngài dùng xức trên những vết thương tâm hồn của chúng ta là Máu và Nước từ Trái Tim yêu dấu của Ngài đổ ra trên thánh giá. Ngày nay, Ngài vẫn dùng tòa giải tội làm nơi băng bó những vết thương ấy cho các tội nhân.

Ngôi nhà trọ kia chính là Giáo Hội, nơi Ngài đã cứu chúng ta khỏi chết giữa đường, đem chúng ta vào để tạm thời chữa trị, tĩnh dưỡng, và phục hồi sức khỏe. Các bí tích hằng ngày chúng ta lãnh nhận, nhất là Bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Thánh Thể là hai đồng xu Ngài trả trước cho Giáo Hội, hay đúng ra Ngài để lại cho Giáo Hội.

Kết luận của trích đoạn Tin Mừng, Thánh Luca đã viết lại lời Chúa Giêsu nói với người luật sỹ đã vặn hỏi Ngài: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” Đây cũng là lời mà Chúa muốn nói với mỗi người, là chúng ta phải biết chạnh lòng thương mà theo nguyên ngữ Hy Lạp là phải biết “rung động đến ruột gan” khi chứng kiến những bất hạnh tinh thần cũng như thể xác của cận thân.

Nhưng làm sao chúng ta có thể hiểu được, cảm được những bất hạnh của anh chị em đồng loại trừ khi chính chúng ta nhận ra thân phận nạn nhân của mình. Và Bí Tích Hòa Giải kia chính là nơi mà mình cảm nhận được sự băng bó và săn sóc như thế nào. Tiếp đến, chúng ta đã được bồi bổ, tĩnh dưỡng bằng Bí Tích Thánh Thể. Thánh Thể là nguồn mạch sự sống, là sự phục hồi tâm linh.

Cảm được sự yếu đuối, đau khổ, mất mát và đau xót của mình, chúng ta mới biết “rung động đến ruột gan” trước những mất mát, những lỗi lầm, và những yếu đuối của tha nhân. Cảm nhận được sự săn sóc, chữa trị mà mình đã lãnh nhận sẽ giúp chúng ta hiểu biết để lau lọt, băng bó vết thương cho tha nhân. Được bồi bổ, tăng thêm sức mạnh, chúng ta mới có đủ nghị lực để lo cho những kẻ yếu đuối, xấu số và bất hạnh hơn mình. Và chỉ như vậy chúng ta mới thực sự biết cảm, biết thương, biết “rung động đến ruột gan” như Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương đối với thân phận tội nhân của chúng ta trên đường về Giêrusalem vĩnh cửu.