Thánh Nhân Là Những Ai?  Làm Sao Tôi Có Thể Nên Thánh

Thánh Nhân Là Những Ai? Làm Sao Tôi Có Thể Nên Thánh

Sự Im Lặng Của Thánh Giuse Phản Ảnh Tâm Lý Tích Cực
CÁC TÔNG ĐỒ ĐÃ SỐNG VÀ CHẾT NHƯ THẾ NÀO SAU KHI CHÚA VỀ TRỜI? *
Monica Xưa và Nay

Trần Mỹ Duyệt

Tuổi trẻ tôi rất say mê đọc truyện các thánh. Cho đến nay, tôi vẫn còn nhớ nhiều vị với những chi tiết về gia đình, tuổi thơ, đời sống, ơn gọi và những nhân đức của các ngài. Tôi tự hỏi, so với các ngài, liệu mình có thể nên thánh được hay không? Chắc là không, vì làm sao mà bắt chước nổi những nhân đức phi thường ấy. Đặc biệt là các vị tử đạo, đấng bị lột da, đấng bị cắt từng miếng,  đấng bị nướng chín, đấng bị voi dày, đấng bị ngựa xé, và thông thường nhất là bị chém đầu. Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, ước tính có đến 10.000 vị thánh, mặc dù tên tuổi và lịch sử của một số vị đã bị thất lạc theo thời gian. [1]

Nhưng lời Chúa Giêsu đã khiến tôi phải suy nghĩ đến sự trọn lành của mình: “Hãy trở nên trọn lành như Cha các ngươi trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5:48). Như vậy, nên thánh hay nên trọn lành đối với con cái Chúa là một đòi hỏi, một bổn phận. Điều này phù hợp với lời của Chúa ở một nơi khác: “Trong nhà Cha thầy có nhiều chỗ” (Jn 14:2). Nếu có chỗ cho các vị ẩn tu, đồng trinh, tu hành, tử đạo, giáo hoàng, hồng y, giám mục, linh mục, nam nữ tu sỹ, thì cũng có chỗ cho giáo dân, cho người làm cha mẹ, con cái. Ngày nay các thánh thuộc mọi thành phần dân Chúa, có cả một số các thánh thuộc giới trẻ, hoặc tuổi vị thành niên. Các ngài sinh sống bằng những nghề nghiệp khác nhau, sống ở những thời điểm khác nhau, và trong những môi trường khác nhau.

 

Thánh nhân là những ai?

Không ai sinh ra đã là thánh, nhưng thánh là phần thưởng do những cố gắng nên trọn lành của một người. Theo Giáo Lý Công Giáo và một số truyền thống Kitô giáo khác, thánh nhân (được tôn phong hay không) là những người hiện được tin là đang ở trên thiên đàng. Họ là những người đã sống một đời sống nhân đức anh hùng, hy sinh cho người khác, hoặc bị giết vì đức tin. Các ngài xứng đáng để chúng ta bắt chước.  Từ ngữ trong Thánh Kinh, thánh còn có một nghĩa khác. Theo đó, thánh nhân là “người thánh thiện”, được Thiên Chúa tuyển chọn cho những mục đích đặc biệt. Là những người theo Chúa Giêsu Kitô, sống và thực hành theo ơn gọi mà Ngài đã kêu mời.

Mọi Kitô hữu đều có được cơ hội để trở nên những vị thánh. “Các thánh nhân”, theo Thư Thứ Nhất Thánh Phaolô Tông Đồ gửi giáo đoàn Côrinthô (Corinthians) được “thánh hóa nhờ danh thánh Chúa Giêsu Kitô trong Thánh Thần của Thiên Chúa chúng ta” (1:31).  Các thánh cũng được hiểu như những Kitô hữu, những người một cách nhiệt thành hoàn tất những đòi hỏi của sự thánh thiện trong đức vâng lời Thiên Chúa, bằng tình yêu mến của mình.

Các thánh được tôn phong

 

Trong thời gian 1000 năm đầu của Giáo Hội, các thánh được các tín hữu công nhận. Không có tài liệu chính xác về những vị thánh trong thời gian này, nhưng ước tính là trên 10.000 vị. Ngoại trừ Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các thánh, và Thánh Gioan Tông Đồ, tất cả những vị được cho là thánh trong thời gian này đều là những vị tử đạo. Các ngài bị giết trong thời kỳ bắt bớ của Roma.

Giáo Hội bắt đầu tôn kính các vị tử đạo vào khoảng năm AD 100, gọi các ngài là những vị tử đạo tiên khởi.

Thời gian sau 400 năm, các giám mục là những vị dùng thẩm quyền tuyên phong cho một bị thánh. Việc phong thánh như vậy tồn tại trong các giáo hội địa phương đến khoảng năm 1100, sau đó thuộc về quyền Giáo Hội hoàn vũ. Năm 993, Thánh Ulrich thành Augsburg là người đầu tiên được phong thánh bởi Đức Giáo Hoàng Gioan XV. Cũng từ đó, việc phong thánh thuộc quyền Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, khi nhắc đến các thánh, người ta thường nghĩ ngay đến các vị đã được Giáo Hội tôn phong. Nhưng đây chỉ là con số ít ỏi so với hằng hà, sa số những người con Chúa đã sống một cuộc sống tốt lành mà nay đang hưởng phúc thiên đàng. Tất cả đều là những vị thánh. Các ngài được Giáo Hội mừng kính chung vào ngày 1 tháng 11 hàng năm, gọi là ngày LỄ CÁC THÁNH.

Những vị đã được Thiên Chúa an bài, hướng dẫn Giáo Hội tuyên phong với những mục đích riêng để trở thành gương sáng, khích lệ và hướng dẫn dân Chúa tùy từng thời đại, và từng bối cảnh lịch sử. Những vị như Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Gioan Phaolô II, Mẹ Têrêsa Calcutta, Phanxicô Khó Khăn, Đaminh, Ignatiô Loyola, Alphonsus Liguori, Gioan Bosco… đều là những vị thánh của thời đại.

Tiến trình phong thánh

Và để tôn vinh đời sống nhân đức anh hùng của các thánh, Giáo Hội cũng đã điều tra, tìm hiểu, khảo cứu rất kỹ về lịch sử, thân thế, sự nghiệp, ơn gọi và đời sống các ngài qua 5 giai đoạn của tiến trình phong thánh gồm:

1.Giám Mục sở tại mở hồ sơ Phong Chân Phước và Phong Thánh.

2.“Đầy tớ Chúa”.

3.“Đáng Kính”.

4.“Chân Phước” (Á Thánh).

5.“Thánh”.

Khi một người qua đời trong hương thơm đạo đức, được các tín hữu yêu mến, tôn trọng vì những gương sáng, công việc bác ái, và nhân đức. Dân Chúa sẽ yêu cầu giám mục địa phương điều tra về đời sống và những thành quả đạo đức của người ấy. Đức giám mục bản quyền khi thấy không có gì ngăn trở, ngài sẽ kêu gọi giáo dân cầu nguyện với người quá cố. Nếu có những dấu lạ xảy ra nhờ sự chuyển cầu của người đó, một cuộc điều tra chính thức sẽ bắt đầu.

Tiếp theo Giáo Hội điều tra và nhận ra người này đã sống một đời sống bằng những nhân đức anh hùng, hoặc đã chết vì tử đạo, sẽ được gọi là “Đầy Tớ Chúa”. Tiếp theo, những nhân chứng sẽ được thẩm vấn, những tài liệu sẽ tiếp tục được thu thập, những bác sỹ, hồ sơ bệnh lý, kết quả khảo cứu nếu có… liên quan đến những dấu lạ sẽ được gửi về Roma.

Một cáo thỉnh viên được chỉ định để hoàn tất mọi đòi hỏi của Giáo Luật. 9 nhà thần học sẽ duyệt xét hồ sơ do Cáo Thỉnh Viên đệ trình. Nếu mọi sự tốt đẹp, hồ sơ sau cùng sẽ đệ trình Đức Giáo Hoàng để ngài có quyết định cuối cùng là có nên tiếp tục án phong thánh hay không. Nếu Đức Giáo Hoàng ra lệnh tiếp tục, ngài sẽ tuyên bố Đầy Tớ Chúa nay là “Đấng Đáng Kính”.  Việt Nam hiện nay có Đấng Đáng Kính Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận.

Sau khi được gọi là Đấng Đáng Kính, để được phong Chân Phước, vị Đáng Kính này phải thực hiện một phép lạ do lời cầu bầu của mình.

Và sau cùng vị Chân Phước cũng cần thể hiện một phép lạ thứ hai trước khi chính thức được Giáo Hội phong thánh.  [2]

Việc phong chân phước hoặc thánh thông thường chỉ bắt đầu ít nhất là năm năm sau khi đương sự qua đời. Lịch sử phong thánh gần đây của Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chuẩn chước thời gian chờ đợi cho Mẹ Têrêsa Calcutta vì những việc tốt lành và đời sống đạo đức của Mẹ. Mẹ Têrêsa qua đời ngày 5 tháng 9, 1997. Được phong chân phước ngày 19 tháng 10, 2003, và hiển thánh ngày 4 tháng 9, 2016 do Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Đến đến lượt ngài, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng được phép chuẩn tương tự. Ngài qua đời ngày 2 tháng 4, 2005, được phong chân phước ngày 1 tháng 5, 2011 do Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, và hiển thánh ngày 27 tháng 4, 2014 do Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Vị thánh phải chờ lâu nhất trong lịch sử phong thánh là Joan d’Arc. Thánh nữ phải chờ đợi 500 năm sau ngày qua đời. Thánh nữ qua đời ngày 30 tháng 5, 1431, được Đức Giáo Hoàng Benedict XV phong thánh ngày 16 tháng 5, 1920.

“Ông kia bà nọ nên thánh, tại sao tôi không?” 

 

Thánh Augustine (354-430), đã nói câu trên để khuyến khích mình sau khi trở lại. Và câu nói này cũng là câu nói cho tôi, cho bạn, và cho chúng ta trên con đường về quê hương thiên quốc.

Danh xưng “Thánh” nói cho chúng ta biết rằng, người đó, vị đó đã sống một đời sống tốt, hoàn thiện trong ơn gọi, và được tôn vinh bởi Giáo Hội hoàn vũ. Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là việc phong thánh không “làm” cho một người trở thành vị thánh. Nó chỉ để nhận ra những gì mà Thiên Chúa đã làm nơi con người đó. Trong khi một số được phong thánh gọi là thánh, nhưng không phải hết mọi vị thánh đều được phong thánh ở trần gian.

Dù ta là bất cứ ai, giầu, nghèo, sang, hèn, học thức, không học thức, đàn ông, đàn bà, trai, gái, tu hành, giáo dân… cả đến tội nhân tất cả đều có thể nên thánh: “Mỗi vị thánh đều có một quá khứ, mỗi tội nhân đều có một tương lai”. Miễn sao chúng ta thành tâm, và cương quyết sống xứng đáng với ơn làm con Thiên Chúa.

Nhưng có lẽ câu nói của Thánh Gioan Bosco: “Muốn làm thánh phải làm người trước”, là một câu nói mang tính ứng dụng thực tế nhất vừa tâm linh, vừa tâm lý. Con người mà Thánh Gioan Bosco đề cập đến ở đây mang trọn vẹn cuộc sống thể lý, tâm lý, và tâm linh, một con người trưởng thành đúng nghĩa. Trong tình trạng ấy, chúng ta chỉ cần hướng chủ đích hành động mình lên bằng ý tưởng cao thượng, bác ái, và trọn lành. Chừng đó, những hành động của chúng ta kết hợp với ý muốn của Thiên Chúa, sẽ thánh hóa cuộc sống mình trong tình yêu của Ngài. Theo thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu thì “làm mọi việc nhỏ mọn với tình yêu lớn lao”. Sống như vậy là sống thánh, sống như vậy là sống trọn lành mặc dù chúng ta chưa trọn lành ngay, và cũng chưa nên thánh ngay, nhưng mỗi ngày sẽ đưa chúng ta đến sự thánh thiện, trọn lành. Đây cũng là phương châm hành động của Thánh Têrêsa Calcutta: “Không phải ai trong chúng ta cũng có thể làm những việc lớn lao, nhưng chúng ta có thể làm những việc nhỏ mọn với tình yêu lớn lao” (Not all of us can do great things, but we can do small things with great love).

Lễ Các Thánh

1 tháng 11 năm 2023

_________

Tham khảo:

  1. Britannica

https://www.britannica.com › Demystified › World History

  1. https://wedaretosay.com/what-steps-are-in-the-beatification-and-canonization-process/