Trần Mỹ Duyệt
Thưa chú, hôm nay cháu có mấy câu hỏi nhờ chú giúp ý kiến:
Con của cháu nó hỏi con: “Một người tin vào Chúa thì được lên Thiên đàng? Nhưng nếu một người sinh ra ở North Korea nơi bị cấm giảng đạo thì làm sao họ biết Chúa được, không lẽ họ không được lên Thiên đàng sao?”
Và : “Một người tội ác ngập đầu, nhưng biết tin Chúa vào phút cuối cuộc đời thì lại được lên thẳng Thiên đàng (như người trộm lành), như vậy có công bằng không? Còn những người suốt đời như mẹ tin Chúa, tối ngày lo đọc kinh, đi lễ không lẽ cũng bằng một người chỉ tin vào phút chót mà cả đời toàn là tội lỗi sao? Như vậy Chúa có “fair” trong trường hợp này không? Con thấy người Công giáo nào cũng khoe mình tin Chúa, vậy họ lên thiên đàng hết sao?”
Những câu hỏi mà nó làm cháu nhức óc. Cháu cãi không lại nó thưa chú.
TN Ph.
Trả lời góp ý:
Hai câu hỏi bao gồm một số vấn đề của con cháu cũng là những câu hỏi mà rất, rất nhiều bạn trẻ đã hỏi, đã thách thức với cha mẹ. Cũng như cháu, nhiều cha mẹ “cãi” không lại với bọn trẻ. Vậy sau đây là vài tư tưởng góp ý, hy vọng cháu sẽ dùng để có dịp nói chuyện lại với con của cháu.
Trước khi đi vào những chi tiết, có một điều mà tôi muốn nói ngay, đó là khi một số phụ phụ đến than thở với linh mục về tình trạng con cái bỏ nhà thờ, bỏ cầu nguyện, bỏ sống đạo thì thường được nghe những câu, đại khái: “Con cái thời nay là thế. Mình đã cố gắng hết sức rồi, hãy để mặc Chúa lo liệu. Sẽ có ngày nó quay về với Chúa, với Giáo Hội.” Phụ huynh nào nghe những câu an ủi như vậy cũng thấy được an lòng, tuy nhiên vấn đề không đơn giản và dễ dàng như vậy. Thế nào là “đã cố gắng hết sức?” Thế nào là “Hãy để mặc Chúa lo liệu?” Nói như vậy là nói huề vốn, nói cho vui tai, và vừa lòng người hỏi.
Điểm quan trọng là khi con cái bỏ nhà thờ, bỏ lễ lạy, kinh hạt, bỏ cầu nguyện, bỏ Chúa thì người có trách nhiệm trực tiếp nhất vẫn là cha mẹ, vẫn phụ huynh. Và điều mà chúng ta phải hỏi lòng mình là thực sự “đã cố gắng hết sức chưa?” Bằng cách nào? Có phải là bằng những việc làm rõ ràng, cụ thể và những cố gắng đôi khi đòi phải hy sinh, chịu đựng, nhẫn nại và bền bỉ, hay chỉ bằng những hành động, lời nói sơ sài, chiếu lệ như khuyên bảo vài câu, la mắng vài lần rồi bỏ mặc. Trong thực hành, vợ chồng, cha mẹ có siêng năng đọc kinh, cầu nguyện sáng tối với nhau không? Có tham dự thánh lễ mỗi ngày, tham dự các giờ kinh nguyện, giờ chầu Thánh Thể trong giáo xứ, có tha thứ, chịu đựng, làm gương sáng cho con cái không? Hay ngược lại, vẫn rượu chè, vẫn cãi vã, vẫn chôm chỉa, vẫn gian lận, vẫn ngoại tình, vẫn chửi thề, vẫn khô khan, nguội lạnh, vẫn lười biếng cầu nguyện, bỏ lễ, bỏ thực hành đạo?
Sau khi đã cố gắng hết sức thì “hãy để mặc Chúa lo liệu?”. Đúng vậy, đây cũng là cách mà Monica đã áp dụng, có nghĩa là thánh nữ đã phải mất ròng rã 17 năm trong hy sinh, trong kinh nguyện, và trong nước mắt để mới có một Augustine trở lại. Đó cũng là cách thức mà bố mẹ của Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã làm, là đã phó thác cho Chúa khi trọn đời sống đạo tốt lành để nêu gương sáng cho các con. Thánh nữ đã nói về cha mẹ mình: “Thiên Chúa đã ban cho con một người cha mẹ xứng với Thiên Đàng hơn trần thế.” Kết quả là chính hai ông bà đã được phong thánh, Têrêsa cũng được phong thánh, mà hơn thế, còn được phong làm Tiến Sỹ Hội Thánh và Bổn Mạng Các Xứ Truyền Giáo. Còn lại 4 người chị của thánh nữ đều là những nữ tu thánh thiện, 3 trong đan viện Carmelô ở Lisieux, và 1 thuộc Dòng Thăm Viếng. Đó mới là trọn vẹn ý nghĩa của “cố gắng hết sức” và “phó mặc cho Chúa”.
Sau đây là bước vào phần những câu hỏi:
“Một người tin vào Chúa thì được lên Thiên đàng? Nhưng nếu một người sinh ra ở North Korea nơi bị cấm giảng đạo thì làm sao họ biết Chúa được, không lẽ họ không được lên Thiên đàng sao?”
Đúng vậy, “Những ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu rỗi, còn những ai không tin thì sẽ bị luận phạt.” (Mác-cô 16:16). Đây là điều kiện cần phải có để được lên Thiên Đàng. Nhưng lời Chúa nói tự nó đã diễn tả giữa hai trạng thái lên hoặc không được lên Thiên Đàng. Đó là “tin” hoặc “không tin.”
“Không biết không có tội.” Một người không được nghe, không được biết, không được giảng giải làm sao bắt tội người ta là “không tin”. Chỉ có những người đã biết, đã nghe, và đã được học hỏi về Chúa, về giáo lý của Chúa và về ơn cứu độ, mà vẫn không tin, không chấp nhận, và không thực hành mới là đối tượng của luận phạt – mất hạnh phúc Thiên Đàng. Vậy đừng lo cho những người ở North Korea hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới mà ở những nơi đó ánh sáng Phúc Âm chưa chiếu soi, và Tin Mừng của Chúa chưa được truyền rao đến. Chúa có cách cứu độ những người ấy, vì theo Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, thì trên trái đất có bao nhiêu người là có bấy nhiêu con đường lên Thiên Đàng. Tại sao?
Vì mỗi người khi sinh vào đời, Thiên Chúa đều ban cho một lương tâm, hay còn được gọi là cán cân lành dữ. Nếu không được học cách sử dụng cán cân này bằng những giáo lý, giáo huấn của Giáo Hội, những hướng dẫn của đạo đức của luân lý, và những soi dẫn Phúc Âm, thì ít nhất cũng phải sống và hành động theo hướng dẫn của lương tâm chân chính, của luật lành và dữ. Sống và thực hành những điều lương tâm mách bảo với một niềm tin tưởng vào Đấng Tối Cao như vậy cũng đủ để được Ngài ân thưởng. Tuy nhiên, nếu đã biết Ngài, đã nghe nói về Ngài, và đã được hướng dẫn đầy đủ mà vẫn nhất định không tuân theo thì lúc ấy không những Ngài sẽ loại bỏ, mà chính lương tâm người ấy cũng sẽ loại bỏ họ.
Và : “Một người tội ác ngập đầu, nhưng chỉ cần biết tin Chúa vào phút cuối cuộc đời như người trộm lành mà cũng được lên thẳng Thiên đàng, như vậy có công bằng không? Còn những người suốt đời như mẹ tin Chúa, tối ngày lo đọc kinh, đi lễ không lẽ cũng bằng một người chỉ tin vào phút chót mà cả đời toàn là tội lỗi sao? Như vậy Chúa có “faire” trong trường hợp này không? Con thấy người Công giáo nào cũng khoe mình tin Chúa, vậy họ lên thiên đàng hết sao?”
Không phải vậy. Đây là một ý nghĩ phiến diện và cho thấy là chưa thông hiểu về tình thương Thiên Chúa và đức công chính của Ngài. Người trộm lành. Tôi không thích danh từ này, vì đã đi ăn trộm, ăn cướp thì không bao giờ gọi là “lành”, đúng ra phải gọi anh ta là “người trộm thống hối”, bởi vì anh ta đã nhận ra tội của mình, đã thống hối, ăn năn và xin Chúa thương xót:
“Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Ðấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Ðức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng”. (Luca 23: 39-43)
Cái giá Thiên Đàng cho anh trộm thống hối không hề rẻ. Anh ta không chỉ nhận ra lỗi lầm của mình, chấp nhận hình phạt, và còn dám tuyên xưng Đức Tin và tin vào Đấng Cứu Thế. Dĩ nhiên, Thiên Chúa không thể nào không đón nhận một người con thống hối. Chúng ta hãy nghe để hiểu được tình thương của Cha trên trời đối với những đứa con tội lỗi nhưng biết xám hối:
“Nhưng nếu kẻ gian ác từ bỏ mọi tội lỗi mình đã phạm mà tuân giữ mọi quy tắc của Ta, cùng thi hành điều chính trực công minh, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết. Mọi tội phản nghịch nó phạm, người ta sẽ không còn nhớ đến; nó sẽ được sống vì đã thi hành lẽ công minh. Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng – Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?” (Ezekiel 18:21-23).
Nhưng thử hỏi là được bao nhiêu tội nhân suốt đời ăn chơi, hoang đàng, đĩ điếm, gian dâm, trộm cướp, tham lam, giết người… mà trước giờ chết biết nhận ra lỗi lầm, biết xin lỗi, và biết kêu cầu lòng thương xót Chúa? Điều này xét theo mặt tự nhiên đã là khó, và càng khó hơn nữa khi lúc đó còn có ma quỉ vây quanh cám dỗ, làm cho mất niềm tin, và sự cậy trông nơi Thiên Chúa thì việc ăn năn, hối lỗi không hề dễ.
Trở lại việc người trộm thống hối và những tội nhân thống hối khác nếu được vào Thiên Đàng thì chắc chắn phần thưởng, hạnh phúc và sự cảm thấu về Thiên Chúa sẽ không bằng những vị suốt đời hy sinh, cầu nguyện, sống tiết độ, làm việc thiện. Lý do vì Thiên Chúa yêu thương hết mọi người nhưng cũng công bình với hết mọi người. Thánh nữ Têrêsa diễn giải về hạnh phúc Thiên Đàng bằng một hình ảnh rất hay, rất dễ hiểu và rất ý nghĩa. Đại khái có chị em hỏi Thánh Nữ về Thiên Đàng và hạnh phúc trên đó có đồng đều như nhau không, thì Thánh Nữ đã trả lời qua một thí dụ:
Nếu gọi hạnh phúc Thiên Đàng như suối nguồn hạnh phúc, thì khi lên đó nếu ta có một chiếc ly, một chiếc bát, một chiếc bình, một cái thùng, một cái hũ…là những gì chúng ta tạo được trên cõi đời này bằng hy sinh, cầu nguyện, chịu khó và những việc lành phúc đức, thì lúc đó Thiên Chúa sẽ làm tràn đầy những chiếc ly, chiếc bát, chiếc bình, cái thùng, cái hũ…đó. Điều này có nghĩa là mọi người đều được hạnh phúc tràn đầy, nhưng rõ ràng là mức độ tràn đầy không như nhau.
Như vậy thì cháu cứ việc hy sinh, cầu nguyện và sống tốt lành. Phần thưởng Thiên Đàng của cháu sẽ tràn đầy theo những gì đã sắm được trên cõi đời này trước khi đem vào cõi trường sinh. Thiên Chúa sẽ không unfair (bất công) với cháu, hoặc cũng không thiên vị với bất cứ ai. Vì mỗi người đều lãnh công theo việc lành mình đã làm: “Kẻ trồng người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình.” (1 Corintho 3: 8)
Và sau cùng là “Con thấy người Công giáo nào cũng khoe mình tin Chúa, vậy họ lên thiên đàng hết?”
Ồ! Không. Chính Chúa Giêsu đã dạy rằng:
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ, Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7: 21-23)
Căn cứ vào lời Chúa vừa trưng dẫn trên, thì việc lên Thiên Đàng hay được cứu rỗi chắc chắn không hề lệ thuộc vào việc ai đó xưng mình là người Công Giáo. Theo như Chúa Giêsu thì “nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ” mà còn bị Chúa coi như không hề biết, huống hồ chỉ mang danh Công Giáo mà lại sống như người không có Đức Tin. Thiên Chúa không cưỡng ép ai lên Thiên Đàng, nhưng Ngài cũng không ném ai vào hỏa ngục. Lên hay xuống là tùy mỗi người, tùy sự đón nhận, và đáp lại tiếng mời gọi đầy tình thương của Ngài.
Hy vọng những gì vừa trình bày trên giúp cháu có thêm chút kiến thức để nói chuyện với tuổi trẻ ngày nay.
Trần Mỹ Duyệt