Tại Sao Tha Nhưng Lại Không Quên.  Lý Do?

Tại Sao Tha Nhưng Lại Không Quên. Lý Do?

Khi Tha Thứ Là Tự Tha Cho Chính Mình
Trạng Thái Thiếu Tự Tin
Chồng Già Vợ Trẻ Là Tiên?

Trần Mỹ Duyệt

Sau khi đọc bài “KHI THA THỨ LÀ TỰ THA CHÍNH MÌNH”, một độc giả đã email phản ảnh ý kiến của mình. Ông viết: “Bài học này tôi đã học mãi mà chưa thuộc. Tha đã khó mà quên những điều người khác làm cho mình phải khổ, phải thiệt thòi, hoặc phải mất danh dự thì càng khó hơn”. Và ông kết luận: “Nhưng cũng phải học bài cho đến khi thuộc. Có điều là học bao lâu thì vẫn chưa biết!”.

Liên quan đến đề tài tha và quên, một vị điều hành một cơ quan truyền thông tại Việt Nam đã gọi điện thoại cho người viết: “Có nhiều độc giả muốn biết làm cách nào mà quên được những lỗi lầm, sai sót của người khác sau khi họ đã tha thứ. Và họ đã xin tác giả viết một bài phân tích thêm để giúp cho họ có thể quên được quá khứ và những gì mà họ đã tha.”

Thật ra, tha và quên là hai việc hoàn toàn riêng biệt. Không có luật nào nói rằng hễ anh hay chị tha cho tôi là phải quên những gì tôi đã làm cho anh hoặc cho chị. Tha là quyền của anh, của chị, cũng như quên hay không quên là thuộc khả năng trí nhớ của anh chị. Nhưng xét về mặt tâm lý và đạo đức, tha thứ là một việc làm cao thượng, còn quên được điều đau khổ, thiệt thòi và xỉ nhục mà người khác đã làm cho mình sẽ đem lại bình an cho chính người tha thứ.

Tình yêu vợ chồng, trai gái, cha mẹ và con cái, anh chị em, họ hàng, hoặc tha nhân, bạn bè luôn dẫn đến những bất ngờ. Một trong những bất ngờ nhất mà chúng ta muốn tránh, đó là làm tổn thương nhau và cắt đứt mối dây thân tình ấy. Ca dao Việt Nam có câu: “Yêu nhau lắm, cắn nhau đau.” Kinh nghiệm này ai cũng một lần cảm nghiệm, không chỉ trong lãnh vực yêu đương mà còn trong những tương quan gia đình, họ hàng, xã hội hoặc bạn bè. Và khi một tình huống xấu xảy đến nó sẽ khiến chúng ta phải thao thức, băn khoăn, và hết sức khó xử: tha cho người đã làm khổ mình, đã khiến mình mất ăn, mất ngủ, đã khiến mình tang gia, bại sản, hoặc mất hết tương lai? Tha thứ là một chuyện khó, đôi khi không bao giờ xảy ra. Còn bảo quên đi quá khứ lại là điều xem ra càng khó hơn nữa. Lý do vì bất cứ nỗi đau nào cũng đều ảnh hưởng đến lý trí và thái độ của chúng ta trong những hoàn cảnh mà chúng ta không thể luôn luôn hiểu nổi.

Vậy đâu là những lý do khiến cho trái tim bị tổn thương khó lòng quên, và những phương pháp, kỹ năng nào có thể giúp để chúng ta đối diện với kinh nghiệm khó khăn này.

“Làm cách nào để có thể quên được những gì mà người khác đã làm khổ cho mình?” Vì “tha nhưng khó hoặc không quên”. Câu trả lời là: Tôi tha, tôi quên, rồi lúc khác tôi nhớ lại là tình trạng bình thường của tình cảm và trí khôn con người. Nó là cái vòng tròn luẩn quẩn của trí óc. Thực tế, không có chuyện quên một cách lựa chọn, hoặc nhớ những gì mình muốn nhớ.

Tha được định nghĩa là: 1. Bỏ qua, không bắt lỗi. 2. Trả lại tự do, không giam giữ nữa. Và, tha thứ là: Rộng lượng bỏ qua; không bắt lỗi; không làm tội. [1]

Từ Điển Văn Học Việt Nam của Lm. Anthony Trần Văn Kiệm, tha có 2 nghĩa: Thả ra; Tha bổng. Hoặc Bỏ qua; Tha lỗi; Tha tội; Tha thứ; Tha nợ. [2]

Như vậy khi tha cho ai cái gì là chúng ta bỏ qua, hoặc buông bỏ đi không nhớ điều đó nữa. Hoặc không còn bắt lỗi, lưu lại bất cứ hình ảnh hay cảm nghĩ nào về điều mà người khác đã làm cho mình.

Còn quên, cũng theo Từ Điển Tiếng Việt, là không nhớ. Và quên lãng là “quên vì không còn chú tâm”. [3]

Quên theo Từ Điển Merriam-Webster định nghĩa: “to lose the remembrance of : be unable to think of or recall. I forget his name”. (mất trí nhớ: không có khả năng nghĩ về hoặc nhắc lại. Tôi quên mất tên hắn. [4]

TẠI SAO KHÓ ĐỂ QUÊN

 Tha và quên theo những gì vừa được giải thích hoặc định nghĩa trên bổ túc cho mục đích là làm cho chúng ta không còn nhớ đến điều mà mình đã tha thứ. Nhưng tại sao trên thực tế, hai việc này lại xem như đối nghịch nhau: Tha nhưng không quên?

Theo tâm lý, điều làm chúng ta khó hoặc không quên được thuộc đối tượng mà mình muốn tha thứ, vì họ là:

-Những người mình yêu, mình thương.

-Những người mình đã hy sinh nhiều cho họ.

-Những người mình đặt nhiều kỳ vọng.

-Những người mình hiểu và hiểu mình.

-Những người mình không nỡ nhìn thấy họ phải khổ.

Chính vì vậy, những lỗi phạm ấy trở thành những vết cắt rạch nát trái tim:

-Nói ra đã chưa chắc có ai nghe.

-Nói ra sẽ tạo thêm hiểu lầm.

-Nói ra sẽ bị cho là hẹp hòi, ích kỷ.

Như vậy khi tha cho ai điều gì mà không quên được thì không phải là chúng ta không tha, không muốn quên đi quá khứ mà do bộ nhớ của chúng ta vẫn còn hoạt động tốt. Chúng ta chưa mất trí nhớ hoặc chưa bị rơi vào tình trạng lú lẫn hoặc quên sót.

Theo y khoa, lú lẫn hoặc quên sót (Alzheimer’s disease) là một bệnh lý của não bộ. Nó phá hủy một cách tiệm tiến trí nhớ và khả năng suy nghĩ, để từ từ cản trở người bệnh không làm được những việc dù rất đơn giản. Phần lớn những người mắc bệnh này ở tuổi cao niên. [5] Trung bình là giữa hoặc sau 60 tuổi. Nếu tình trạng quên sót xảy ra trước tuổi 65, nó có thể được cho là bước đầu của bệnh này. Tuy nhiên, nó cũng có thể bắt đầu sớm ở tuổi 30, nhưng trường hợp này rất ít khi xảy ra. [6] Do đó, muốn quên không nhớ đến những lỗi lầm của người khác làm cho mình là một chuyện không bao giờ có thể, trừ khi chúng ta đang bước vào hội chứng Alzheimer hoặc Dementia. Và nguyên do của việc quên hay nhớ, hoặc lúc quên lúc nhớ nằm ở khả năng của trí nhớ (remember). Vì nhớ được định nghĩa là: have in or be able to bring to one’s mind an awareness of (someone or something that one has seen, known, or experienced in the past). “I remember the screech of the horn as the car came toward me”. (Có hoặc có khả năng ghi lại trong trí khôn sự nhận thức (những người hoặc những vấn đề mà người đó đã thấy, đã biết, hoặc đã kinh nghiệm trong quá khứ). “Tôi nhớ lại tiếng còi vang lên khi chiếc xe lao tới tôi”. [7]

Ngoài ra, trong bộ nhớ của não bộ gồm có hai hình thức: primary memory và secondary memory. Nhớ những điều xảy ra ở hiện tại và những gì xảy ra trong quá khứ. Phần lớn những kinh nghiệm trong đời sống như vui, buồn, sướng, khổ, hạnh phúc hay bất hạnh lại thuộc về quá khứ. Nếu quên những điều ấy tức là trí nhớ chúng ta có vấn đề.

BẨY MƯƠI LẦN BẨY

Hành động tha và quên, quên và nhớ vẫn luôn là hành động lặp đi, lặp lại khiến chúng ta khó chịu, đôi khi nghi ngờ thiện chí tốt của mình. Nhưng với cái nhìn của khoa học, việc tha và quên, quên rồi nhớ là những hành động tự nhiên và bình thường. Hiểu như vậy, chúng ta chỉ cần nhẫn nại với chính mình và áp dụng một số nguyên tắc như:

Nguyên tắc tự nhiên:

-Đối diện và chấp nhận rằng mình bị đau khổ, xỉ nhục, hoặc thiệt thòi.

-Chú tâm vào để lo lắng cho mình, đừng quá quan tâm vào những gì mình đang phải chịu.

-Làm một việc gì đó để giúp mình nguôi ngoai.

-Nói và suy nghĩ tích cực về biến cố mà mình vừa trải qua.

-Tránh trực diện với người gây đau khổ cho mình.

-Nhìn về tương lai. Không quay lại quá khứ. Quá khứ đã qua và không bao giờ trở lại.

-Không ngồi đó để nguyền rủa cuộc đời.

-Tìm sự giúp đỡ, nhất là sự giúp đỡ chuyên môn của các linh mục tuyên úy, các tâm lý gia, hoặc các vị cao niên nhiều kinh nghiệm. [8]

Nguyên tắc siêu nhiên:

Quan trọng nhất, hữu hiệu nhất là cầu nguyện để xin ơn tha thứ cho mình và cho người đã xúc phạm đến mình: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6:12). Bao lâu chúng ta còn mang nợ với Thượng Đế, với người và với chính mình, bấy lâu chúng ta phải học để tha thứ. Ý nghĩa của lời khôn ngoan sau đây không chỉ liên quan đến khía cạnh tâm linh, mà còn là một bài học tâm lý trị liệu hết sức cần thiết và giá trị. Thánh Kinh viết: “Bấy giờ Phêrô đến và nói với Ngài: “Thưa Ngài, nếu anh em tôi có lỗi với tôi, tôi phải tha mấy lần? Đến bẩy lần không?” Đức Giêsu nói với ông: “Ta không nói đến bẩy lần, mà đến bẩy mươi lần bẩy lần” (Mt 18:21-22). Tha thứ bẩy mươi lần bẩy cho một lỗi lầm là tha 490 lần cho lỗi lầm đó. Điều này cũng hiểu rằng, lỗi đó có thể được lập lại hoặc được nhắc lại nhiều lần trong trí nhớ.

Tóm lại, câu trả lời cho vị độc giả đã email hỏi, cũng như những ai đang muốn tìm lý do để làm cách nào quên được những lỗi mà người khác xúc phạm đến mình mặc dù đã tha là “không có”, trừ khi muốn ông Trời để mình rơi vào tình trạng quên sót, lẩn thẩn hoặc lú lẫn. Chúng ta luôn luôn phải học để tha, cũng như luôn luôn sẵn sàng để tha. Đó là lý do tại sao đã tha nhưng lại không quên! Và đó cũng là lý do phải tha đến bẩy mươi lần bẩy!

_______

Tham khảo:

  1. Từ Điển Tiếng Việt. Nhà Xuất Bản Hồng Phúc.
  2. Từ Điển Văn Học Việt Nam, Phần Thứ Nhì – cuốn 2. Lm. Anthony Trần Văn Kiệm. 2007.
  3. Từ Điển Tiếng Việt. Nhà Xuất Bản Hồng Phúc.
  4. Merriam-Webster

https://www.merriam-webster.com › dictionary › forget

  1. National Institute on Aging (.gov)

https://www.nia.nih.gov › alzheimers-disease-fact-shee

  1. National Institute on Aging (.gov)

https://www.nia.nih.gov › health › what-are-signs-alzhei..

  1. Definitions fromOxford Languages· Learn more

8.https://www.couples-experience.com/why-is-it-so-hard-to-forget-someone-who-broke-your-heart/