THÁNH SỬ LUCA

THÁNH SỬ LUCA

Cò Cha, Cò Mẹ, Cò Con Cáy
Mẹ Sầu Bi Dưới Chân Thập Giá
Monica Xưa và Nay

Trần Mỹ Duyệt

 

 

Thánh Luca (Luke), tác giả Tin Mừng thứ ba và sách Tông Đồ Công Vụ (Acts).

 

Sinh tại Antioch, Syria, Đế Quốc Roma, ngày nay là Antakya, Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) vào giữa năm 1AD và 16 AD.

 

Qua đời tại Thebes, Boeotia, Achaea, Đế Quốc Roma, nay là Thebes, Hy Lạp (Greece), giữa năm 84 AD và 100 AD. Hưởng thọ 84 tuổi.

 

Bổn mạng giới y sỹ, bác sỹ và họa sỹ.

 

Lễ kính ngày 18 tháng 10.

 

Sơ lược tiểu sử:

 

Thánh Luca sinh ra trong một gia đình giầu có, nề nếp tại Antiokia. Tuổi trẻ ngài được giáo dục và học hỏi đầy đủ về khoa học cũng như văn minh Hy Lạp. Ngài sinh sống bằng nghề lương y. Ngài cũng được cho là người đã vẽ bức tranh Đức Maria và Chúa Giêsu mà sau này gọi là Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

 

Khởi đầu bước đường tông đồ của ngài là khi nghe Thánh Phaolô giảng về Chúa tại thành Troas. Cảm nhận được ý nghĩa và sự thâm thúy của một chân lý mới, ngài đã chịu phép rửa tội và xin theo Thánh Phaolô. Sau khi gặp Thánh Phaolô vào năm 51, Thánh Luca đã đồng hành với thánh nhân từ Macedonia tới Philippi, nhưng sau đó hai người đã chia tay. Theo như ngài viết trong Tông Đồ Công Vụ thì sau khi Thánh Phaolô và Silas, một cách nhiệm mầu, thoát khỏi nhà tù ở Philippi, hai ngài đã rời khỏi đó (Acts 16:40). Có lẽ Thánh Phaolô đã để Thánh Luca lại đó giúp đỡ và hướng dẫn những người mới trở lại. Ngài được cho là mục tử đầu tiên của Philippi.  Sau một thời gian dài, hai người gặp nhau tại Philippi, từ đó, Thánh Luca đã toàn tâm, toàn lực theo cộng tác với Thánh Phaolô.

 

Sau khi thánh Phaolô tử đạo năm c. 62 – 64 ce,  tại Rome [Italy], có tài lài liệu cho rằng Thánh Luca đã giảng đạo tại Achaie và Beotie. Ngài là giám mục Thèbes. Thánh Giêrônimô trong tác phẩm Chú Giải Tin Mừng Thánh Mátthêu nói rõ, Thánh Luca viết Phúc Âm thứ ba tại Achaie và Beotie. Thánh Gaudence de Bresciaa cũng quả quyết rằng Thánh Luca tử đạo cùng với Thánh Andrê tại Patras một thành phố nhỏ thuộc vùng Achaie. Xác ngài được đưa về Constantinople khoảng 338 CE, sau đó đã rời về Padua, Ý, và an nghỉ trong Vương Cung Thánh Đường Santa Giustina. Một cái xương sườn của ngài được cho là vẫn còn được cất giữ tại nơi an táng ở Thebes.

 

Một số tài liệu sau này cho rằng Thánh Luca là một trong 70 môn đệ được Chúa sai đi, và ngài là người đồng hành cùng với Cleopas.

 

Thánh Luca được nhắc đến trong Thư Thánh Phaolô gửi Philemon (v.24), và trong hai thư khác gửi Colossians 4:14 và 2 Timothy 4:11. Hầu hết các nguồn cổ xưa do Irenaeus, Tertullian, Clement của Alexandria, Origen, và the Muratorian Canon đều công nhận Thánh Luca là tác giả của Phúc Âm thứ ba và Sách Tông Đồ Công Vụ.

 

Viết Phúc Âm và Tông Đồ Công Vụ:

 

Phúc Âm thứ ba và sách Tông Đồ Công Vụ được các học giả Thánh Kinh công nhận là của Thánh Luca. Theo truyền thống Giáo Hội, và căn cứ theo Irenaeus (c. 130 – c. 202 AD), đa số các nhà chú giải Thánh Kinh cũng cho rằng Thánh Luca viết hai sách này vào khoảng 80–90 AD, mặc dù có một số khác lại cho rằng vào khoảng năm 90-110.

 

Cả hai tác phẩm, Thánh Luca đã đề bạt cho Theophilus, có thể là tên một cộng đoàn Kitô Hữu, như ý nghĩa của chữ Theophilus là “Những Người Được Chúa Yêu Thương” (Beloved of God). Thánh Luca đã xác nhận rằng ngài đã không tận mắt chứng kiến những biến cố trong Phúc Âm, hoặc những biến cố trước khi Phaolô tới Troas được ghi trong Tông Đồ Công Vụ 16:8, nhưng đã ghi lại những biến cố này, những sự kiện ấy sau khi đã “cẩn thận tìm hiểu” (careful investigation), và trao lại cho chúng ta và muốn cho chúng ta tuân giữ “handed down to us”.

 

Nhìn chung lối hành văn của ngài, trong Phúc Âm thứ ba và trong sách Tông Đồ Công Vụ, thánh Luca đã tỏ ra là một nhà văn với lối dùng chữ rất văn chương và thức giả. Ngài cũng tỏ ra là một nhà tâm lý, vì trong các câu truyện ngài kể đều lồng vào tâm lý của từng nhân vật qua ngôn ngữ và thái độ diễn tả của những nhân vật này. Hobart năm 1882 đã cho rằng văn chương được Thánh Luca dùng trong Tông Đồ Công Vụ nói lên ngài là một người được đào tạo trong giới y sỹ. Và lần đầu tiên sách này dùng chữ “chúng tôi” (16:10). Từ “we” chúng tôi mà Thánh Luca dùng cho thấy ngài đã tham dự trong những biến cố mà ngài nói đến, và là người đồng hành cùng với Thánh Phaolô trên hành trình truyền giáo.

 

Điểm nổi bật của Phúc Âm Thánh Luca:

 

-Tin Mừng của tuổi thơ Giêsu.

(Luca 2: 1-20; 8; 51-52)

 

Hai trong bốn Thánh Ký đã nói về biến cố giáng trần của Chúa Giêsu là Thánh Mátthêu và Thánh Luca. Riêng Thánh Luca đã cẩn thận ghi lại biến cố này và cho biết, Chúa Giêsu đã sinh ra trong hoàn cảnh nào? Và ở đâu? Ngài cũng vẽ ra một đêm Giáng Sinh huy hoàng với các thiên thần bay lượn, ca hát, với các mục đồng hối hả đến Belem, và có cả đàn vật vây quanh máng cỏ nơi Chúa Hài Nhi nằm như thế nào? Các mục đồng đã được thiên thần bảo đảm rằng họ không phải sợ hãi gì, vì Đấng mà họ sẽ chiêm bái là Đức Kitô, cứu Chúa. Bài ca Đêm Giáng Sinh của ca đoàn thiên quốc có câu: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương” (2:14), khiến lòng con người cảm thấy bình an.

 

Tuổi thơ của Chúa Giêsu cũng đã để lại những thời khắc khiến cho cha mẹ Ngài vừa mừng vừa lo. Điển hình là biến cố lạc mất và gia đình đoàn tụ sau ba ngày Chúa Giêsu tự ý tách rời cha mẹ, ở lại Giêrusalem. Trong giây phút gặp lại con sau đó, Đức Maria đã vui mừng nói với con: “Hỡi con, sao con đối sử với chúng ta như vậy? Cha con và mẹ đã đau khổ tìm con” (2:48). Điểm đáng chú ý nhất là Chúa Giêsu sau đó đã theo cha mẹ về Nazareth, lớn lên trong khôn ngoan, và đẹp lòng Thiên Chúa và con người” (51-52).

 

-Tin Mừng của lòng nhân hậu:

 

Lòng nhân hậu của Thiên Chúa cũng là một trong những điểm nổi bật của Phúc Âm Thánh Luca. Thánh ký đã ghi lại điểm này qua những câu truyện như: “Đứa con hoang đàng”, “Người Samaritano nhân hậu”, “Ông Giakêu”, “Người trộm thống hối”. Tất cả những dụ ngôn này đều   diễn tả lòng yêu thương của Thiên Chúa dành cho những người thu thế, những người tội lỗi, những người bơ vơ, nghèo đói. Cả câu truyện Lazarus và người phú hộ cũng là một thí dụ làm nổi bật lòng nhân hậu Thiên Chúa khi nghĩ đến thái độ của người Samaritan nhân hậu đối với nạn nhân bị cướp đánh giữa đường. Theo Thánh Augustine, thì người Samaritan hiền hậu ấy là hình ảnh của Chúa Giêsu, Đấng đã từ ngai trời xuống cứu độ nhân loại.

 

-Tin Mừng Cầu Nguyện: 

 

“Ta và Cha Ta là một” (Gioan 10:30). Chúa Giêsu đã thực hành một cách đầy đủ sự kết hợp mật thiết giữa Ngài và Chúa Cha. Ngài luôn luôn tìm kiếm Thánh Ý Chúa Cha trong việc cầu nguyện. Thánh Luca đã ghi lại cảnh Chúa Giêsu cầu nguyện khi chịu phép rửa (3:21). Trước khi chọn các Tông Đồ (6:12). Trước khi biến hình trên núi Tabor (9:28). Lúc hấp hối trong vườn Cây Dầu (22:39-44). Khi treo trên thập giá: “Lạy Cha xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (23:34), và trước khi tắt thở: “Lạy Cha, con xin phó linh hồn trong tay Cha” (23:46).

 

-Tin Mừng vui mừng và hy vọng:

 

Đặc biệt trong chương 15, Thánh Luca đã viết lại những dụ ngôn đầy vui mừng và an ủi. Dụ ngôn khi tìm thấy con chiên lạc (4-7), người đàn bà tìm được đồng tiền đánh mất (8-10), người cha ôm người con hoang trở về (11-32), và các Tông Đồ hân hoan khi trở lại Giêrusalem để đón chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống (24: 50-53).  

 

Chỉ có trong Phúc Âm Thánh Luca mà câu truyện Truyền Tin (1: 26-38), việc Mẹ Maria đi thăm Elizabeth (1:39-45), bài ca Ngợi Khen (Magnificat) (1: 46-55), biến cố dâng Chúa vào đền thờ được kể lại. Trong ngày truyền tin, Tổng Thần Gabriel đã chào mừng Đức Maria: “Kính chào Maria đầy ơn phúc” và lời chúc tụng của bà Elizabeth: “Bà là người có phúc và quả phúc Giêsu trong lòng bà được chúc phúc”. Giữa những vui mừng và hy vọng này, Thánh Luca cũng kể đến niềm vui của gia đình Zacharia-Elizabeth khi bà Elizabeth mang thai trong lúc tuổi già, và bài ca của Zacharia trong ngày đặt tên cho Gioan (1:69-79).

 

-Tin Mừng cho nữ giới:

 

Phúc Âm Luca còn được gọi là Tin Mừng cho nữ giới, vì ngài là người đã đưa vài trò của phụ nữ liên quan đến công cuộc cứu chuộc của Chúa Cứu Thế. Thánh Luca đã nhấn mạnh đến những phụ nữ đi theo Chúa và phục vụ Chúa trên đường truyền giáo như Maria Magdalene, Joanna, Susanna, và “nhiều phụ nữ đã dùng tài sản của mình để giúp Chúa và các môn đệ” (8:1-3). Đặc biệt tình cảm mà Chúa Giêsu dành cho chị em Martha và Maria (10: 38-42).

 

Sau cùng, trong Tin Mừng của ngài, thánh Luca đã nhắc đến những điều kiện rõ ràng để được nước trời, đó là đức tin, lòng khiêm nhường, thống hối, chấp nhận những khó khăn, sống bác ái, và trung thành trong đau khổ.

 

Riêng trong sách Tông Đồ Công Vụ, Thánh Luca đã tường thuật lại những bước đầu của Giáo Hội sơ khai, hoa trái và hoạt động của Chúa Thánh Thần qua các hoạt động truyền giáo của các Tông Đồ, nhất là Tông Đồ Phaolô và Phêrô. Tinh thần bác ái và hiệp nhất của các tín hữu sơ khai. Họ đã cầu nguyện, bẻ bánh như thế nào?

 

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã gọi Thánh Luca thánh sử và lương y. Xin cho những liều thuốc thiêng liêng của thánh nhân được ban qua Phúc Âm của ngài, mọi bệnh tật linh hồn chúng con được chữa trị, nhờ danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen. 

 

Thánh Luca cầu cho chúng con.

 

18 tháng 10, 2023.

 

 

___________

 

Tham khảo:

 

Wikipedia, the free encyclopedia

https://en.wikipedia.org/wiki/Authorship_of_Luke-Acts

https://stlukes-parish.org/biography-of-st-luke

https://www.britannica.com/biography/Saint-Luke

Historical reliability of the Acts of the Apostles