Trần Mỹ Duyệt
Nhân loại ngày nay đang trải qua thời kỳ đen tối và đảo lộn về những giá trị luân lý, đạo đức, cũng như xã hội. Chiến tranh, thiên tai, động đất, hỏa hoạn, sóng thần, và gần đây nhất là đại dịch Vũ Hán (Covid 19). Cơn đại dịch bùng phát ngày 12 tháng 12 năm 2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc và kéo dài đến tận bây giờ, gieo kinh hoàng, chết chóc, khiếp sợ, và thiệt hại cho nhân loại. Nếu chỉ nhìn những biến cố này bằng con mắt bình thường, người ta sẽ cho đây là những sự kiện tự nhiên của đất trời, của thay đổi khí hậu, của tiến hóa về suy tư, và về văn minh con người. Nhưng chiều sâu của vấn đề không phải hoàn toàn như vậy. Nó có một trận chiến tiềm ẩn đã được tiên báo trước từ cơn xuất thần của Đức Giáo Hoàng Leo XIII (1878-1903)), và được lặp lại bởi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (1963-1978), cũng như được gọi tên bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005). Bài viết sau đây dựa trên nội dung và tài liệu của bài The New (& the Old) EvangelizationThe 100 year test do Joe Tremblay đăng trên CNA – Catholic News Agency, Feb 1, 2013.
Ngày 13 tháng 10 năm 1884, Đức Leo XIII khi vừa kết thúc thánh lễ, ngài bỗng trở nên xanh mét rồi ngã quỵ xuống dưới chân bàn thờ như chết. Những người đứng gần đã tiến lại bên ngài. Họ thấy ngài còn sống, nhưng rất mệt mã. Hồi tưởng lại thị kiến lúc đó, ngài kể rằng ngài thấy Satan đến trước ngai Thiên Chúa, thách thức là có thể phá hủy Giáo Hội của Chúa. Nhưng Thiên Chúa đã bảo hắn rằng Giáo Hội của Ngài không thể phá hủy được. Satan bèn đáp lại, “Xin cho tôi một thế kỷ và nhiều hơn quyền lực cho những kẻ phục vụ tôi, và tôi sẽ phá hủy được.” Chúa chúng ta đã bằng lòng cho hắn 100 năm cũng như những gì hắn xin.
Cùng lúc đó, Thiên Chúa đã cho ngài thấy trước những biến cố sẽ xảy ra trong thế kỷ 20. Ngài nhìn thấy những cuộc chiến, sự vô luân, thảm sát và bách hại tôn giáo khắp nơi.
Sau thị kiến, Đức Leo XIII đã viết kinh cầu Tổng Lãnh Thiên Thần Micae để xin Ngài cứu chữa Hội Thánh, đồng thời ra lệnh toàn thể Giáo Hội đọc sau mỗi thánh lễ.
Lạy ơn Tổng Lãnh Thiên Thần Micae,
xin giúp chúng con trong cơn giao chiến,
đánh phá sự hiểm ác mưu sâu quỷ dữ.
Chúng con sấp mình nguyện xin Chúa chế trị nó,
cùng xin Nguyên Soái cơ binh trên trời
lấy quyền phép Chúa mà hạ Satan cùng các quỷ dữ,
đang rong ruổi khắp thế làm hại các linh hồn,
bắt chúng giam cầm trong hỏa ngục. Amen.
Kinh này đã được đọc cho đến hết thập niên 60. Giống như nhiều lời cầu cho Giáo Hội, nó đã không còn được đọc vào hậu bán thế kỷ 20. Gần đây đại dịch Vũ Hán đã giết chết hàng triệu sinh linh, gây đau khổ và kinh hoàng trên khắp thế giới nên nhiều nơi giáo quyền đã lệnh cho đọc lại kinh này sau mỗi thánh lễ.
Một số phân tích cho rằng “thế kỷ trắc nghiệm Giáo Hội” của Satan bắt đầu từ năm 1914. Bỏ qua thời gian chính thức bắt đầu cuộc thử thách này, điểm quan trọng được ghi nhận là ba năm của Thế Chiến I năm 1917, cùng năm cuộc cách mạng của Đảng Cộng Sản Xô Viết xuất hiện và tung hoành khắp thế giới, đã khiến Đức Giáo Hoàng Benedict XV (1914-1922) viết thông điệp “Rao Truyền Lời Chúa” (On Preaching the Word). Thông điệp này được coi như một lời tiên tri. Trong đó, ngài đã quảng diễn vấn đề và cho rằng, nó phải được “quan tâm đặc biệt như một sự kiện liên quan lớn lao nhất và quan trọng nhất.”
Ngài đã bàn nhiều hơn về “điều quan tâm quan trọng” này trong toàn thông điệp.
Năm 1917 cũng là khởi đầu Cuộc Cách Tây Phương thổi bay mọi ảnh hưởng của ánh sáng Phúc Âm. Cuộc cách mạng Cải Cách (The Reformation) của Pháp, và như đã nhắc nhở tới, cuộc Cách Mạng của Nga, là dụng cụ được đề cao trong kỷ nguyên duy vật chủ nghĩa (secularism). Chúng đã khiến cho Đức Benedict đi đến kết luật rằng thế giới đang thay đổi. Ngài tiếp tục viết trong thông điệp:
“Nếu ở mặt khác, khi kiểm nghiệm tình trạng luân lý công cũng như tư, hiến pháp và luật lệ của các quốc gia, chúng ta sẽ thấy rằng có một sự khinh thường và quên sót lớn lao về siêu nhiên, một sự suy sụp tiếp nối từ nền tảng chính xác của nhân đức Kitô Giáo, và rằng nhân loại đang ngày càng quay trở lại những thực hành xấu xa của chủ thuyết ngoại đạo.”
Cùng với sự trở lại của chủ thuyết tà đạo, dẫn tới sự bất khoan dung về Kitô Giáo. Thực tế, Giáo Hội đã có nhiều vị tử đạo hơn trong thế kỷ 20 hơn bất cứ thế kỷ nào khác. Nhưng như những gì tồi tệ đã xảy ra trên thế giới, bản trắc nghiệm đối với Giáo Hội đã xảy ra năm mươi năm sau cuộc Cách Mạng Tình Dục (Sexual Revolution) vào năm 1960. Một cuộc cách mạng tương tự đã xảy ra năm 1517, kéo theo một số người Công Giáo lìa bỏ Giáo Hội. Ơn kêu gọi linh mục, tu sỹ giảm sút. Số người tham dự thánh lễ giảm một cách đáng kể. Hàng giáo sỹ và giáo dân Công Giáo không còn có chung những thái độ và cách biểu lộ niềm tin. Và đối với một số người vẫn duy trì việc tới thánh đường, luân lý và lối sống của họ cũng bị thử thách như những người ngoài Công Giáo.
Phải chăng, đó là sự bội giáo mà Đức Leo XIII đã thấy trong thị kiến của ngài. Chúa đã chẳng nói trong Tin Mừng của Luca, “Không biết khi Con Người đến, liệu còn tìm thấy đức tin trên mặt đất hay không?” (Luca 18:8)
Những gì Đức Leo XIII đã nhìn thấy vào ngày 13 tháng 10 năm 1884, một cách chính xác 33 năm trước ngày phép lạ mặt trời xảy ra ở Fatima – đã quả quyết, không chỉ bằng những biến cố theo sau đó, nhưng còn bằng những nguồn đáng tin cậy khác. Việc xấu xa tội lỗi đánh dấu bên ngoài Giáo Hội cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đã xảy ra liên quan đến kỷ luật của Giáo Hội. Nó đã khiến Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII (1958-1063) sau này là Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII khi vừa được bầu lên ngôi giáo hoàng ở tuổi 77, đã nghĩ ngay đến việc phải triệu tập Công Đồng Vatican II để cứu vãn Giáo Hội và cứu vãn dân Thiên Chúa. Và Công Đồng đã như một lễ Hiện Xuống Mới đối với Giáo Hội cũng như toàn thể nhân loại. Nhưng Satan vẫn không ngừng lôi cuốn và ảnh hưởng trên sinh hoạt của Giáo Hội, của toàn dân Chúa, cũng như của nhân loại. Phong trào canh tân quá đà cùng với những phản đối của nhóm người bảo thủ đã làm dấy lên trận chiến ngay trong lòng Giáo Hội. Đặc biệt là những ô uế, xấu xa và ghê tởm của nạn lạm dụng tình dục nơi hàng giáo sỹ.
Đối với nhiều người thì thời hạn 100 năm Chúa cho phép Satan đã qua. Nhưng thực tế không phải vậy. Ngày 29 tháng 6 năm 1972, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (1963-1978), giờ là Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã quả quyết khi ngài nói trong một cuộc triều yết: “Như một vết nứt mầu nhiệm, không, nó không phải là một cái gì mầu nhiệm, nhưng từ vết nứt đó hương khói của Satan đã bay vào đền thờ Thiên Chúa.”
Tai họa lớn nhất của thế kỷ 20 mà Satan đã muốn gây thiệt hại cho Giáo Hội, đó là ngày 13 tháng 5 năm 1981, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005) – Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – bị ám sát tại công trường Thánh Phêrô bởi Mehmet Ali Agca, một kẻ giết người chuyên nghiệp, người Thổ Nhĩ Kỳ. Mẹ Thiên Chúa đã ra tay can thiệp và đã cứu mạng sống của ngài. Đây cũng là điều trong Bí Mật Thứ Ba của Fatima sau này đã được công bố. Ngài cũng là vị Giáo Hoàng phải xin lỗi thay cho hàng giáo phẩm, giáo sỹ, và tu sỹ của mình về những lạm dụng tình dục đáng xấu hổ và gây gương xấu trong Giáo Hội. Và mặc dù tiếp theo 10 năm sau đó, Liên Bang Xô Viết đã sụp đổ ngày 26 tháng 12 năm 1991, nhưng tàn dư của chủ nghĩa cộng sản còn rơi rớt tại một số quốc gia vẫn là mối đe dọa cho nền hòa bình thế giới, cũng như hoạt động của Giáo Hội.
Khoảng một năm sau, ngày 13 tháng 10 năm 1973, Đức Mẹ Akita tại Nhật Bản đã xác nhận điều Đấng đại diện Chúa Kitô tuyên bố về “hương khói” ấy. Mẹ phán: “Công việc của quỉ ma sẽ len lỏi ngay cả vào trong Giáo Hội qua cách thức mà người ta sẽ nhìn các vị hồng y chống đối hồng y, giám mục chống đối giám mục… Giáo Hội sẽ đầy dẫy những kẻ thỏa hiệp, cùng với thần dữ sẽ thúc đẩy nhiều linh mục và các linh hồn tận hiến rời bỏ công việc phục vụ Chúa.”
Kết quả của 100 năm nỗ lực ra tay khủng bố Giáo Hội, hãm hại các linh hồn mà Đức Leo XIII đã nhìn thấy, ngày nay vẫn đang âm ỷ, lan tỏa trong Giáo Hội, ngay giữa hàng ngũ giám mục, linh mục, và các linh hồn tận hiến qua những phong trào phong chức cho nữ giới bị ảnh hưởng bởi Anh Giáo khi Giáo Hội này phong chức cho một con số đông phụ nữ vào thập niên 1970, phong trào đòi linh mục lập gia đình, phong trào phong chức linh mục cho người đã có gia đình. Tất cả những suy nghĩ và đòi hỏi ấy không phải là những hương khói Satan đang thổi vào Giáo Hội qua những kẻ nứt về quan điểm thần học, và sự cắt nghĩa lệch lạc truyền thống Giáo Hội hay sao? Đặc biệt nhất, điều đang làm cho Giáo Hội đau lòng là chủ trương và đường lối của hàng giám mục Đức, của Giáo Hội Đức qua con đường Đồng Nghị hiện nay. Nó như hình thức một cuộc trưng cầu dân ý để phổ biến những lý thuyết xem ra rất nhân bản, rất con người, nhưng lại đi ngược với giáo quyền, giáo huấn, và truyền thống Giáo Hội.
Ngoài những trận chiến trong lòng Giáo Hội, đời sống xã hội của con người cũng đang bị Satan ảnh hưởng và tung hỏa mù. Hương khói của nó mà con người ngày nay đang hít thở, là bầu khí của nền văn minh mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi là “văn hóa sự chết”, như phong trào ly thân, ly dị, phong trào bình quyền nữ giới, phong trào phá thai, phong trào đồng tính luyến ái, phong trào hôn nhân đồng tính, và phong trào chuyển giới. Nhất là mối đe dọa của việc hình thành trật tự thế giới mới, một thế giới mà nơi đó Thiên Chúa không có mặt!
Với những ai thực hành niềm tin Công Giáo, là giáo sỹ, tu sỹ, hay giáo dân, là người rao giảng Tin Mừng hay thầy dạy đều cần phải quan tâm đến cả những lý do tự nhiên và siêu nhiên đang được Satan sử dụng vào những vấn nạn mà nó hiện hữu bên trong hoặc bên ngoài Giáo Hội cũng như toàn thế giới.
Năm 1944, linh mục Paul Furley, cựu giáo sư và khoa trưởng Phân Khoa Xã Hội (Department of Sociology) Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ (the Catholic University of America) đã xuất bản cuốn sách có tựa đề Bí Mật Sự Dữ (The Mystery of Iniquity). Trong cuốn sách này, ngài đưa ra những cái nhìn chuyên môn về công tác cần thiết để đối phó với những dấu hiệu mà chúng đang xuất hiện trước con mắt trần của con người. Nhưng ngài không dừng ở đó. Ngài nói rằng những phương cách cứu chữa đầy đủ đối với các vấn nạn xã hội đang lan tràn hàng ngày, đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn bên kia những nguyên nhân:
“Bí hiểm (bí mật) của tội ác ở ngay trong hành động. Những biểu hiện của nó không thường xuyên xuất hiện trên bề mặt của những biến cố; đúng hơn, nó hoạt động xuyên qua những nguyên nhân thứ hai. Vì thế, khi tìm kiếm những lý do của các vấn nạn xã hội, người ta chỉ chú trọng đến những nguyên nhân đối với các vấn đề đó một cách thường tình tự nhiên và dễ hiểu đối với lý do con người. Nó chỉ theo sau một chuỗi nguyên nhân từ xa đủ để con người tìm ra những công việc của Quỉ dữ.”
Nhưng làm cách nào để có thể nhận ra những hương khói của Satan, và tránh không để chúng ảnh hưởng đến sức sống tâm linh? Năm 1971, cha Valinho, cháu của Nữ tu Lucia (1907-2005) một trong ba trẻ em của biến cố Fatima, đã viết cho chị một lá thư hỏi về những biến động của Giáo Hội. Trong thư hồi âm, chị Lucia đã trả lời: “Thực tế đau lòng là có nhiều người đã để mình bị nhận chìm bởi làn sóng sùng bái ma quỉ đang phủ kín thế giới, và họ quá mù tối để không nhìn ra khuyết điểm của họ.” Và chị tiếp tục viết:
“Dì xác tín rằng, nguyên nhân chính của ma quỉ trong thế giới hôm nay và sự sa ngã của nhiều linh hồn tận hiến là thiếu sót sự kết hợp với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện. Ma quỉ rất mực khôn ngoan và tìm kiếm những điểm yếu kém của chúng ta để tấn công. Nếu chúng ta không cẩn thận và cậy dựa vào sức mạnh từ Thiên Chúa, chúng ta sẽ sa ngã, bởi vì chúng ta đang sống trong một thời điểm quá xấu, mà chúng ta lại yếu đuối, mỏng dòn.”
Lơ là cầu nguyện. Thiếu sức sống nội tâm đến từ nguồn mạch Thánh Lễ, Thánh Thể và Lời Chúa là những kẽ hở của đời sống tinh thần, của đời sống Giáo Hội. Không trừ một ai dù là giáo hoàng, hồng y, giám mục, linh mục, tu sỹ hay giáo dân, nếu không có ơn Chúa sẽ rất dễ trở thành mồi ngon trước những cám dỗ của Satan và bè lũ của chúng. Đức Leo XIII đã nói trước cho Giáo Hội biết về chương trình của Satan là dùng thời gian và quyền lực vô song của những kẻ phục vụ hắn để phá vỡ Giáo Hội. Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã cảm nghiệm được ảnh hưởng của chương trình này như hương khói Satan đang len lỏi vào Đền Thờ của Thiên Chúa. Và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi nó bằng cái tên “văn minh sự chết.” Sống trong thế giới hôm nay, để tránh khỏi ảnh hưởng và hít thở phải hương khói ấy, chúng ta không còn cách nào khác hơn là suy niệm và thực hành lời của Chúa: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ. Vì tinh thần mau mắn, nhưng xác thịt nặng nề.” (Mt 26:41) Và hằng ngày khiêm tốn cầu xin: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ.” (Mt 6:14)