Hai Tiếng Xin Vâng

Hai Tiếng Xin Vâng

CÁC TÔNG ĐỒ ĐÃ SỐNG VÀ CHẾT NHƯ THẾ NÀO SAU KHI CHÚA VỀ TRỜI? *
Happy Birthday Mom
THÁNH SỬ LUCA

Xin vâng (Fiat) là hai tiếng huyền nhiệm đã được Đức Trinh Nữ Maria nói lên trong cuộc đối thoại giữa Người và Tổng Lãnh Thiên Thần Gabririen. Có thể khi đáp lại lời thiên sứ Mẹ vẫn không hiểu hoàn toàn thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, nhưng vì lòng tùng phục và yêu mến thẳm sâu đối Ngài nên Mẹ đã thưa “xin vâng”. Nhưng đó lại là hai tiếng đã làm Thiên Chúa vui lòng. Và ngay sau những lời này, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể trong lòng Mẹ.

Ngôi Lời Nhập Thể [1]

…khởi đầu từ căn phòng nhỏ bé tại Nazareth, nơi người thôn nữ khiêm hạ Maria đón nhận lời truyền tin của Tổng Thần Gabrien để làm Mẹ Thiên Chúa. Cũng tại nơi này, qua lời xin vâng (fiat) của Đức Maria, Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và đến giữa nhân loại.

Thánh Sử Luca đã diễn tả chi tiết về biến cố Truyền Tin. Người được Thiên Chúa sai xuống đem tin vui là Tổng Thần Gabirien. Người đón nhận tin vui ấy là Trinh Nữ Maria. Nơi chốn xảy ra biến cố truyền tin là căn phòng nhỏ trong căn nhà ở Nazareth, thuộc xứ Galilêa. (x. Luca 1:26-38)

Nếu chỉ đọc lướt qua câu truyện Truyền Tin có thể sẽ chẳng mấy ai cảm thấy xúc động, cảm thấy biết ơn Thiên Chúa, và cũng chẳng mấy ai để ý tìm hiểu tại sao nó lại quan trọng đến thế đối với toàn thể nhân loại và riêng cho mỗi người. Điều này cũng đã xảy ra với tôi, cho đến khi được đến tận nơi ghi dấu Tổng Lãnh Thiên Thần Gabririen đã đến và đã nói với Đức Maria những lời này: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ. Trinh nữ có phúc hơn mọi người nữ” (Lc 1:28). Tại sao? Tại sao lại có một món quà thần linh to lớn, quí giá như thế được Tổng Lãnh Thiên Thần mang đến nhân danh Chúa các đạo binh cho người thôn nữ đơn sơ, nghèo nàn như Đức Maria? Lý do gì đây? Thưa chính là lời đề nghị tiếp sau của Thiên Chúa: “Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai và đặt tên là Giêsu.” (Lc 1:31)

Emmanuel [2]

“Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Đấng mà nhờ Người ý muốn cứu độ của Thiên Chúa Ngôi Cha được hoàn tất. Tuy nhiên, ngày của mọi ngày hôm nay đây chúng ta chiêm ngưỡng khía cạnh này của mầu nhiệm ấy – khía cạnh suối nguồn thần linh tuôn chảy qua một mạch nước đặc biệt đó là Trinh Nữ Maria. Thánh Bênađô đã nói về điều này bằng hình ảnh ‘aquaeductus’ sống động (cf. “Sermo in Nativitate B.V. Mariae”: PL 183, 437-448).” Thế nên, khi cử hành việc nhập thể của Người Con, chúng ta không thể không tôn vinh Mẹ của Người.

Lời thiên thần loan báo cho Mẹ, Mẹ đã chấp nhận, và khi Mẹ đáp lại bằng tất cả tâm hồn của mình là ‘Này tôi… xin vâng như lời ngài truyền’ (Lk 1:38), thì Lời hằng hữu bắt đầu hiện hữu như là một con người trong thời gian.

Mầu nhiệm khôn lường này không ngừng trở thành những gì là bàng hoàng ngỡ ngàng từ đời nọ đến đời kia. Thánh Augustine tưởng tượng ra một cuộc đối thoại giữa ngài và vị thiên thần Truyền Tin, khi đặt vấn đề là: ‘Ôi Thiên Thần, xin nói cho tôi hay là tại sao điều này đã xẩy ra nơi Mẹ Maria?’ Câu trả lời được vị thiên sứ đáp lại chất chứa chính những lời chào kính: ‘Kính mừng đầy ơn phúc’ (x Sermo 291.6). Thật vậy, vị thiên thần, ‘khi hiện ra với Mẹ’, đã không gọi Mẹ theo tên trần gian của Mẹ là Maria, mà bằng tên thần linh của Mẹ, ‘Đầy ơn phúc – gratia plena’, một tên theo nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là ‘yêu dấu’ (x Lk 1:28) vì Mẹ luôn được Thiên Chúa biết đến và mang dấu vết Thiên Chúa. Giáo phụ Origen đã nhận định rằng không có danh xưng nào như thế được ban cho bất cứ một con người nào, và là một danh xưng duy nhất trong toàn bộ Thánh Kinh (cf ‘In Lucam’ 6:7).

Nó là một danh hiệu ở thể thụ động, thế nhưng ‘cái thụ động’ này của Mẹ Maria, người luôn được và đang được Chúa mãi mãi ‘yêu thương’, bao gồm việc tự do ưng thuận của Mẹ, việc đáp ứng cá nhân và nguyên vẹn của Mẹ: Khi được yêu thương, Mẹ Maria hoàn toàn chủ động, vì Mẹ chấp nhận một cách quảng đại làn sóng yêu thương của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên Mẹ. Cả ở việc này nữa, Mẹ cũng là người môn đệ trọn hảo của Con Mẹ, Đấng hiện thực tất cả tự do của mình qua việc tuân phục Chúa Cha.

Chúng ta hãy nghe một đoạn tuyệt vời được tác giả của bức Thư gửi Do Thái viết khi dẫn giải Thánh Vịnh 39 theo ý nghĩa nhập thể của Chúa Kitô: “Khi Chúa Kitô vào trần gian, Người đã thưa… ‘Này Con đây, Con xin đến để làm theo ý Cha, Ôi Thiên Chúa’” (10:5-7). Trước mầu nhiệm của hai lời ‘Này con đây’ của Chúa Kitô và Vị Trinh Nữ, lời này phản ảnh trong lời kia, làm nên câu Amen duy nhất dâng lên ý muốn yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy đầy những ngỡ ngàng và tri ân cảm tạ, và chúng ta cúi mình xuống tôn thờ.”

Song lộc triều nguyên

Hàn Mặc Tử ở trong trại cùi Qui Hòa, Qui Nhơn. Ông không đến được để kính viếng nơi Thiên sứ truyền tin, nhưng ông như được nhiệm hiệp, ngụp lặn trong ánh hào quang rực rỡ của giây phút Truyền Tin:

Như song lộc triều nguyên: ơn phước cả,
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng.
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.
Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ
Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa.
Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa:
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.

[…]

Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel,
Khi người xuống truyền tin cho Thánh nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú,
Người có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng, – bằng hương hoa sáng láng,
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng,
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh?

(Ave Maria – Hàn Mặc Tử)

Tâm hồn thi sĩ như hòa cùng những dòng chảy dạt dào của tư tưởng mà Đức Bênêđíctô XVI đã diễn tả. Tất cả là một bài ca dâng lên Thiên Chúa, chúc tụng danh Ngài và tình yêu Ngài đã thương nhìn đến người tớ nữ khiêm cung là Trinh Nữ Maria. Và cũng là lời chúc tụng Trinh Nữ diễm phúc vì đã được Thiên Chúa tuyển chọn để đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể, và để làm Mẹ Chúa Con, Đấng cứu độ nhân loại.

Hòa cùng muôn thần thánh, chúng ta hãy dâng lên Nữ Vương rất thánh lời chúc mừng như Isave đã làm xưa trong lúc được đón tiếp Mẹ vào nhà mình: “Bà được chúc phúc trong các người nữ…Phúc cho bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa sẽ được thực hiện.” (Luca 1: 42,45)

Lễ Mẹ Chịu Truyền Tin

25 tháng 3 năm 2021

Trần Mỹ Duyệt

______

  1. Hồi Ký Tìm Về Dấu Chân Chúa, 2019. Trần Mỹ Duyệt
  2. ĐTC Biển Đức XVI chủ tế và giảng lễ Thánh Lễ Đồng Tế Với Tân 15 Hồng Y Thứ Bảy Lễ Mẹ Thai Lời ngày 25/3/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh chuyển ngữ.