Sự Im Lặng Của Thánh Giuse Phản Ảnh Tâm Lý Tích Cực

Sự Im Lặng Của Thánh Giuse Phản Ảnh Tâm Lý Tích Cực

Tôn Giáo và Xã Hội
Giuse: Vị Thánh Ẩn Dật Nhưng Tỏa Sáng Vinh Quang
Thư của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Vigano

Ngoại trừ một số ít thánh nhân đã để lại các bút tích, sách vở, các bài giảng thuyết, hay những câu nói thời danh, nhưng đa số các vị khác người đời sau biết rất ít về các ngài. Điều này dễ hiểu vì có vị sống cách chúng ta hàng thế kỷ, hàng thiên niên kỷ nên việc xác định các ngài đã sinh hoạt ra sao, nói năng, hành động như thế nào là điều hầu như không dễ dàng. Thánh Giuse cũng không ngoại lệ.

Trường hợp im lặng của thánh Giuse khiến chúng ta nêu lên câu hỏi: “Liệu đây có phải là một sự im lặng tiêu cực?” Ngài là người công chính. Là một trong ba vị của Gia Đình Nazareth. Ngài sống giữa Đức Maria và Chúa Giêsu. Ngài cũng sống giữa anh em và đồng hương, bạn bè. Thế nên, sự im lặng của Ngài phải có một ý nghĩa quan trọng. Nó chắc chắn đem lại cho chúng ta một bài học trong cuộc sống, và trên con đường tu đức của mỗi người. Và điều này sẽ giúp chúng ta noi gương Ngài sống tốt, sống nên cuộc sống mình dù trong ơn gọi độc thân, hôn nhân, gia đình, hay tu trì.

Thế nên sự im lặng của Ngài không thể cắt nghĩa hoặc cho rằng đó là sự im lặng mang mầu sắc, thái độ bi quan, tiêu cực. Nếu như vậy, Ngài có vấn đề về tâm lý, và Ngài không thể được coi là người công chính, người thánh thiện. “Muốn nên thánh phải là người trước đã” (St. Gioan Don Bosco). Một người trưởng thành đầy đủ về thể lý, tâm lý và tâm linh. Do đó, chắc chắn chúng ta phải tìm hiểu và nhìn vào sự im lặng này bằng cái nhìn tích cực.

Câu hỏi về sự im lặng của Thánh Giuse bắt nguồn từ Thánh Kinh. Trong 4 Phúc Âm, các thánh sử được coi như sống đồng thời với Đức Mẹ, với Chúa Giêsu, hoặc nếu có thì cũng chỉ sau đó một thời gian ngắn. Tóm lại, những con người ấy ít nhiều cũng có dịp gặp gỡ Thánh Giuse, trao đổi với Ngài, hoặc nghe kể về Ngài để ghi lại một vài câu nói của Ngài, trong một số trường hợp. Rất tiếc, điều này đã không xảy ra!

Nhưng nếu chúng ta hiểu rằng Thánh Kinh là lời của Chúa, lời được linh ứng cho phần rỗi con người, thì việc không ghi lại những câu nói, hoặc những phát biểu của Thánh Giuse cũng là điều dễ hiểu. Ngay cả Đức Mẹ, các thánh ký cũng chỉ ghi lại một vài câu ít ỏi liên quan đến sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu mà thôi. Tuy nhiên, ai dám khẳng định rằng trong đời thường, giữa tương quan gia đình, xã hội và bạn bè Thánh Giuse lúc nào cũng giữ thái độ im lặng. Nếu việc này xảy ra, chắc chắn cuộc đời của Ngài sẽ buồn tẻ. Đời sống chung và xã hội của Ngài sẽ làm cho những người chung quanh cảm thấy chán ngán, khó hiểu, mất hứng thú. Điều này còn ảnh hưởng đến công việc làm ăn của Ngài vì Ngài là một người thợ mộc, đến việc giáo dục, dạy dỗ trẻ Giêsu vì Ngài là người cha trong gia đình.

Một trong những phương pháp trị liệu những khủng hoảng, tranh cãi, chia rẽ trong gia đình, bạn bè, và xã hội là “chia sẻ”, là “trao đổi”, là “lắng nghe.” Đó là lý do tại sao có những cuộc họp thượng đỉnh, những hội nghị, những buổi gặp gỡ bạn bè, những cuộc đối thoại với nhau. Điều này có nghĩa là trong rất nhiều trường hợp, nếu không nói hay hoàn toàn im lặng cũng không phải là tốt, là xây dựng, là tích cực, vì ngôn ngữ là một cách thức tốt nhất để chuyển tải, để trao đổi và chia sẻ những suy nghĩ, những tình cảm, và những điều mình muốn người khác hiểu cũng như hiểu và biết về người khác. Để làm việc này, ngôn ngữ không chỉ là lời (đàm thoại), mà còn bằng chữ viết (bút đàm), và cử chỉ (ngôn ngữ cơ thể).

Con người không phải là thần thánh để biết hết những gì người khác nghĩ và những gì người khác muốn. Do đó, nói lên những cảm nghĩ của mình, viết ra hoặc diễn tả những suy nghĩ của mình chính là cách thức thông thường nhất để dẫn đến hiểu biết, chia sẻ và thông cảm. Nếu không, trong đời sống chung sẽ dẫn đến rất nhiều hiểu lầm nhau vì sự im lặng, câm nín của chính mình hay của người khác. Và Thánh Giuse sẽ bị cho là không tốt, không trọn lành nếu như vì thái độ im lặng của Ngài đã làm ngăn trở những chia sẻ, thông cảm, và trao đổi thường ngày trong tương quan vợ chồng giữa Ngài và Đức Maria, trong tương quan cha con giữa Ngài và Chúa Giêsu, trong tương quan giữa Ngài và những người thân tín, bạn bè, cũng như trong tương quan công việc giữa Ngài và các thân chủ.

Như vậy nếu Thánh Giuse không để lại, hoặc không được ghi lại câu nói nào, những lời phát biểu nào thì phải hiểu là Ngài đã không dư thừa, không lạm dụng lời nói. Ngài không dùng ngôn từ để khiến ai phải mất lòng, gây đau khổ cho những người chung quanh, hoặc đánh bóng mình. Ngài là người biết dùng lời, biết nói đúng nơi và đúng lúc, với đúng người. Thánh Kinh đã ca tụng người biết kiềm chế, biết dùng lời nói và gọi họ là người “hoàn hảo” – những thánh nhân:

“Thưa anh em, đừng có nhiều người trong anh em ham làm thầy thiên hạ, vì anh em biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn. Thật vậy, tất cả chúng ta thường hay vấp ngã. Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân. Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng. Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè : dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái. Cái lưỡi cũng vậy : nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao ! Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác. Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hoả ngục đốt cháy. Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được : nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người. Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được. Chẳng lẽ một mạch nước lại có thể phun ra, từ một nguồn, cả nước ngọt lẫn nước chua sao ? Thưa anh em, làm sao cây vả lại có thể sinh ra trái ô-liu, hoặc cây nho sinh trái vả ? Nước mặn cũng không thể sinh ra nước ngọt.” (Giacôbê 3:1-12)

Người biết kiềm chế, tiết độ được lời nói là một người thánh. Đó là hình ảnh của Thánh Giuse trong ơn gọi hôn nhân, gia đình, đời thường, và nghề nghiệp. Ngài đã biết kìm hãm con người của mình để khôn ngoan điều khiển gia đình trong những lúc tưởng như nghiệt ngã, đầy thử thách.

Nếu trong Năm Thánh Giuse, noi gương Ngài chúng ta có thể thay đổi gì, thì theo tôi, thay đổi tích cực nhất là thay đổi cách nói năng, chia sẻ, và cảm thông với nhau trong gia đình, trong những tương quan bạn bè, tương quan xã hội.

“Những ai yêu sự sống và mong muốn được nhìn thấy những ngày tốt đẹp, hãy giữ miệng lưỡi khỏi điều xấu và đôi môi khỏi nói những lời dối trá.” (Thánh Vịnh 34:12-13)

Và:

“Miệng người công chính là suối nước sự sống.” (Cách Ngôn 10:11)

 

Lễ Thánh Giuse Thợ

1 tháng 5 năm 2021

Trần Mỹ Duyệt