Sự phản chiếu

Lúa đã chín vàng đồng
NHA TRANG – ÔI CÒN ĐÂU!…
NHỚ MẸ

Mỗi thánh lễ, chẳng hiểu sao như một trùng hợp tình cờ, tôi luôn ngồi ghế ngay sau lưng chị. Tôi để ý đến cả ba mẹ con chị,  vì đi lễ chị luôn mặc..đồ bộ, kiểu bộ đồ thun rẻ tiền bán  ngoài chợ. Mỗi lần gặp chị đi lễ, tôi  lại tự giải thích với chính mình:  có lẽ sau phiên chợ chiều chị tranh thủ đưa các con đến nhà thờ. Trên tay chị luôn bế đứa bé gái trạc hai tuổi, mà nếu không mặc áo đầm thì tôi lại tưởng là một bé trai vì mái tóc rất…ít ỏi , lác đác vài sợi. Nhưng để ban thưởng cho chị,  Chúa ban cho chị thằng con trai khoảng 10 tuổi khuôn mặt sáng bừng. Cậu bé là giúp lễ, ăn mặc rất chỉnh chu,  luôn hăng hái trả lời trong giờ cha giảng, và siêng năng đi lễ mỗi ngày. Không nhìn cậu bé nâng niu em gái trên tay, khó tin rằng họ là một gia đình .Cái vẻ quê mùa, cục mịch của người mẹ và gương mặt thiên thần của cậu con trai, tuy tương phản về hình thức nhưng lại rất hài hòa trong một tổng thể của bức tranh yêu thương.

*

Sáng đưa con gái đi học. Tôi đã rất lo lắng khi năm nay tôi không “chạy trường” cho con mà tuân thủ theo sự “phân chia khu vực”. Trường con tôi học những năm trước rất nổi tiếng về sự ngỗ ngược của học trò. Tôi đã từng hoảng sợ khi nghe những “tiếng đệm” trong lời nói từ cửa miệng các cô cậu học trò cấp 2 trung học …. Nhưng, một ngôi trường mới khang trang đã được xây mới và tôi hy vọng mọi thứ cũng sẽ mới. Con gái đi học về rất hoan hỉ:  lớp chuyên Anh văn có khác mẹ ạ, lớp con ngoan lắm không có bạn nào dùng “từ lạ” trong lớp… hơi thở nhẹ hắt ra chút lo lắng đi qua.

*

Hôm nay, đi lễ Chúa Nhật, dâng lễ là cha khách đến từ miền Tây. Cha ốm, cao, đen thui khi đứng cạnh hai chú giúp lễ dân Sài gòn trắng mũm mĩm. Nụ cười của cha thật hiền giọng nói đặc Nam Bộ: “Xứ  tôi nghèo, nước dâng quanh năm, giáo dân đi lễ bằng xuồng, đa số là nông dân nghèo, tiền xin lễ là củ khoai củ mì, bao gạo… nên xây cất lại ngôi thánh đường cũ kỹ xuống cấp, từng thanh gỗ mục nát là điều không tưởng… Vì vậy tôi được phép của cha sở đến đây kêu gọi lòng từ tâm của quý vị  chung tay giúp cho giáo xứ tôi viên gạch, bao xi măng…Tôi xin cám ơn lòng hảo tâm của mọi người”
Nhìn cha cúi thấp đầu thay lời cám ơn tôi thấy cuộc đời của các linh mục nào phải trải toàn hoa hồng. Đời Mục tử nào phải toàn ghế trên nhận sự cung kính của người đời. Chẳng phải cha cũng đang phải hạ mình để thực hiện công việc của người mục tử hay sao?  Có vị nhạt nào đó trong câu nói cửa miệng: Ôi làm ông cha thật sướng…

Phương Chi