Hãy Tạ Ơn Trong Mọi Hoàn Cảnh

Hãy Tạ Ơn Trong Mọi Hoàn Cảnh

Ăn Chúa Để Sống Như Ngài
Tại Sao Chúa Chết?
Cơn Cám Dỗ Phận Người

Thực tế cho thấy cả trong Đạo lẫn ngoài đời đều đề cao lòng biết ơn: “Nợ ai một chút chớ quên. Ơn ai một chút phải nên đáp đền.” Vì thế, vô ơn bạc nghĩa bị khinh thường. Tuy nhiên, vô ơn không phải là chuyện hiếm trong đời sống. Phúc Âm cũng kể chuyện 10 người phong hủi được Chúa chữa lành, mà chỉ có mỗi 1 người trở lại tạ ơn. Vì sao thế nhỉ?

  1. Không nhận ra ơn. 10 người đều được ơn, nhưng chị có 1 người NHẬN RA ơn. Trong đời, con cái được hưởng công ơn cha mẹ nhiều lắm, con người được hưởng ơn phúc Chúa ban nhiều lắm. Điều quan trọng là có nhận ra ơn không. Cùng được ơn cả đấy, nhưng nếu không nhận ra ơn thì thấy đời mình bất hạnh buồn bã, còn nhận ra ơn thì thấy đời mình hạnh phúc vui vẻ.
  2. Quên Đấng ban ơn. Khi còn bé, đứa trẻ chỉ để ý đến việc nhận quà, ít để ý đến người cho quà. Khi lớn lên, người ta thường chú ý đến ân huệ, mà không chú ý đến ân nhân. Chúng ta rất quan tâm sức khỏe, trình độ, thành công của mình, mà lại không quan tâm đến ai nuôi ta khôn lớn? Ai cho ta sức khỏe trí khôn?
  3. Gần không cần cảm ơn. Người quay lại tạ ơn Chúa là người Samaria, người ngoài, còn 9 người Itraen là người nhà thì không. Ôi, giống chúng ta nhỉ. Với người ngoài xã hội ta dễ dàng nói lời cảm ơn – thank you, với người trong gia đình thì mở miệng nói lời cảm ơn sao khó thế. Người ngoài mời ăn một bữa, ta cảm ơn rối rít, ở nhà vợ nấu ăn cho cả đời thì ta lại cứ im thin thít. Đã không cảm ơn thì chớ, nhiều khi lại còn chê mới buồn chứ!

Phải chăng vì thấy người ta ít biết ơn nên thánh Phaolô mới kêu gọi các tín hữu “anh em hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh, đó chính là điều Thiên Chúa muốn.” Sống tâm tình biết ơn thì không chỉ làm cho Chúa vui, người làm ơn vui, mà chính bản thân mình cũng được vui hạnh phúc.Amen.