Thánh Tâm Là Thánh Thể

Thánh Tâm Là Thánh Thể

Ngỡ Ngàng Tình Vua Giêsu
Vì Tình Quên Mình, Hy Sinh Vinh Quang
Lấy Xà Ra Khỏi Mắt

Trần Mỹ Duyệt chuyển ngữ

Tháng Sáu theo truyền thống của Giáo Hội là tháng biệt kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong tháng này có hai lễ trọng liên quan đến mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa: lễ Mình Máu Thánh Chúa và lễ Thánh Tâm Chúa. Sự liên kết giữa hai lễ này là gì? Tình yêu được thể hiện qua Phép Thánh Thể và Trái Tim Chúa Giêsu mang ý nghĩa gì? Phải chăng chỉ là một, một Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu đã yêu thương con người với tất cả trái tim, và luôn khao khát được ở với con người mọi ngày cho đến tận thế? Đầy Tớ Chúa là Cha John Anthony Harson (1914-2000) dòng Tên, nhà văn, giáo sư và thần học gia đã nối kết Thánh Thể và Thánh Tâm thành một bằng cái nhìn thần học trong ý nghĩa của tình yêu. Sau đây là bài suy luận của cha với tựa đề “The Sacred Heart Is The Holy Eucharist”.

Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu có nguồn gốc từ những ngày đầu của Giáo Hội. Giống như những lòng sùng kính thánh thiện khác trong Giáo Hội Công Giáo, lòng sùng kính Thánh Tâm dựa trên chân lý thần linh đã được mặc khải.

Hai trích đoạn trong Sách Thánh là những mặc khải căn bản về lòng sùng kính Thánh Tâm. Thứ nhất là lời mời gọi của Chúa Kitô với các môn đệ: “Hãy học cùng ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11:29). Thứ hai là lần Trái Tim của Đấng Cứu Thế bị người lính lấy đòng đâm thủng (x. Gn 19:34). Ngay từ đầu, những người theo Chúa Giêsu đã sùng kính Thánh Tâm ngài. Điều đáng chú trọng ở đây là mối tương quan giữa Thánh Tâm Chúa và Thánh Thể. Từ đó chúng ta sẽ hiểu tại sao phải tỏ lòng yêu mến, sùng mộ Thánh Tâm Chúa.

Thánh Tâm là Thánh Thể

Tại sao Thánh Tâm lại là Thánh Thể? Điều này có ý nghĩa gì? Để tìm hiểu về mối liên hệ mật thiết này, chúng ta hãy nhìn lại lời dạy của Giáo Hội hàng thế kỷ trước về hai chữ “Thánh Tâm”. Thánh Tâm chỉ về tình yêu Chúa Kitô với ba ý nghĩa: Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa yêu thương và Thiên Chúa yêu với cảm giác của con người.

Thiên Chúa là tình yêu (1 Gn 4:8). Thánh Tâm là biểu tượng của tình yêu mà tình yêu là Thiên Chúa. Từ đời đời, Thiên Chúa là tình yêu. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa như một Cộng Đồng Thần Linh, và không phải là một cá thể riêng biệt. Căn bản của tình yêu là cho đi, và trong Ba Ngôi, mỗi Ngôi từ muôn thuở đã chia sẻ sự thần linh mà các Ngôi sở hữu. Khi nói Thiên Chúa là tình yêu, chúng ta định nghĩa Thiên Chúa như một Cộng Đồng của Ba Ngôi Vị, từ muôn thuở, mỗi Ngôi thông chia với các Ngôi kia toàn bộ những gì không chỉ Ngôi ấy có, nhưng còn là những gì mà Ngôi ấy là.

Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa yêu không chỉ bằng cách đưa chúng ta vào hiện hữu, nhưng còn tạo dựng chúng ta như một tạo vật có thể yêu. Thiên Chúa đã không tạo dựng chúng ta như những loài côn trùng, hoặc những động vật, hoặc cây cối, hoặc núi đồi, mà tất cả đều không có khả năng suy nghĩ và yêu. Khi Thiên Chúa yêu thương chọn để tạo dựng con người, chỉ vì Ngài yêu và muốn chia sẻ những gì Ngài như một Thiên Chúa đã có từ trước (tình yêu) với con người, mà Ngài biết chúng không thể tồn tại nếu thiếu tình yêu của Ngài. Từ giây phút tạo dựng và cho đến tận cùng, Thiên Chúa tiếp tục yêu thương chúng ta. Nếu Ngài ngưng không yêu chúng ta, chúng ta không thể tồn tại. Ngài làm cho tình yêu được tỏa sáng khi Ngài yêu bằng cách đem chúng ta trở thành hiện hữu, và làm cho chúng ta trở thành những tạo vật có khả năng yêu.

Nhưng Thiên Chúa cũng được vinh hiển bằng cách trở nên mỗi người chúng ta, và trở thành một người như chúng ta. Ngài ở cùng và sẽ ở cùng chúng ta cho đến muôn thế hệ. Khi Ngôi Lời trở thành Xác Phàm, Ngôi Lời đã không chỉ trở thành Xác Phàm vào một thời điểm, nhưng cho đến muôn thuở. Thiên Chúa sẽ ở trong trạng thái Nhập Thể đến muôn đời. Ngài là Thiên Chúa tình yêu, Đấng vì tình yêu chúng ta, đã trở nên con người và chết trên Thập Giá để minh chúng tình yêu Ngài đối với chúng ta. Ở đây, Thiên Chúa đã trở nên con người và mãi mãi là con người, và Ngài còn lưu lại với con người trên mặt đất.

Không có gì là quá đáng khi cho rằng Thánh Tâm là Thánh Thể. Thánh Thể cũng cùng Tình Yêu Muôn Thuở, Đấng là Thiên Chúa, và vì yêu thương chúng ta đã trở nên con người và ở với con người trên trái đất. Khi chúng ta đón nhận Ngài, cùng lúc Ngài ở trong chúng ta. Tình yêu muốn chúng ta thân thiết. Tình yêu muốn chúng ta cận kề. Tình yêu muốn chúng ta gần gũi với người mình yêu. Thánh Thể là sự khôn ngoan thần linh!

Thiên Chúa yêu với cảm tình con người. Ý nghĩa thứ ba mà Giáo Hội đưa ra đối với Thánh Tâm như một biểu hiện tình yêu Thiên Chúa là Thiên Chúa không chỉ yêu như một vì Thiên Chúa, nhưng còn như một Thiên Chúa làm người với cảm giác, với xao xuyến, với tình cảm, và với khả năng xúc động như con người. Chúng ta được tạo dựng với nhu cầu tình cảm, thổn thức và cảm xúc để nhận ra được điều này. Thiên Chúa trong Thánh Thể chính là một con người, nhưng với cảm tình thần linh. Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể là Đức Kitô biết rung động. Ngài cảm xúc. Thánh Margareth Maria nói với chúng ta rằng Chúa Kitô trong Thánh Thể cảm nhận trong cùng một cách thức như những con người rất mực tình cảm (hypersensitive human beings) có thể hiểu.

Khi nghe những người vợ phàn nàn, “Tôi mất hàng giờ nấu nướng dọn bữa, và những gì mà chồng tôi làm là ngồi xuống, ăn, và ngay cả là muốn ăn thêm. Nhưng ông ấy không bao giờ biết nói tiếng cám ơn!” Hoặc ngay trong các dòng tu, “Thưa cha, cha có biết mỗi khi chúng ta gặp nhau trong hành lang tu viện mà cha không hề nhìn mặt tôi, điều ấy đã làm tôi đau lòng như thế nào không!” Trong những trường hợp ấy, cảm giác của chúng ta như thế nào! Chúng ta cần gì để hiểu rằng Thiên Chúa đã trở thành một người tình cảm! Khi chúng ta đến với Ngài trong Phép Thánh Thể, Ngài muốn chúng ta kể cho Ngài nghe chúng ta cảm thấy thế nào, và Ngài sẽ kể cho chúng ta Ngài cảm thấy ra sao. Khi chúng ta đến thánh đường, chúng ta đừng để con tim mình ở ngoài xe. Khi Chúa Kitô đến với thế gian, Ngài đã không để Trái Tim Ngài ở trên thiên đàng.

Tại sao Thánh Tâm là Thánh Thể?

Sẽ không thể nào có được nhận thức một cách hết sức rõ ràng, đầy đủ giữa Thánh Thể với Chúa Giêsu Cứu Thế. Hãy nhớ rằng Ngài ở trong Thánh Thể không chỉ với nguyên bản thể của Ngài. Trong nhiều năm dạy học, tôi đã nghe một số sinh viên nói với tôi rằng “Biến đổi bản thể (transubstantiation) nghĩa là bản thể của bánh và rượu trở thành bản thể của Chúa Giêsu Kitô.” Tôi đã trả lời họ, “Không. Biến đổi bản thể có nghĩa là bản thể bánh và rượu không còn nữa. Bản thể của bánh và rượu được thay thế không chỉ bằng bản thể của Mình và Máu của Chúa Cứu Thế. Những gì được thay thế bản thể của bánh và rượu là Chúa Giêsu Kitô!” Tất cả đều làm nên Chúa Kitô, Chúa Kitô thay thế những gì là bản thể của bánh và rượu. Bản thể của bánh và rượu trở nên toàn thể Chúa Kitô.

Vì thế, trong Phép Thánh Thể, Chúa Giêsu ở đó với trái tim nhân loại của Ngài. Một trái tim có sống động không? Có! Đây là lý do khi mặc khải cho Thánh Margaret Maria, Chúa đã nói về lòng sùng kính Thánh Tâm mà tất cả đều đến từ Thánh Thể.

Tại sao chúng ta so sánh Thánh Tâm với Thánh Thể? Bởi vì Thánh Thể là toàn vẹn Chúa Cứu Thế với trái tim nhân loại của Ngài. Theo Thánh Margaret Maria, Thánh Tâm là Thánh Thể. Bởi vậy, tôn sùng Thánh Tâm là tôn sùng Thánh Thể. Tình Yêu Nhập Thể đời đời đang sống giữa chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể.

Sùng kính Thánh Tâm

Lòng sùng kính Thánh Tâm được thực hành như thế nào? Câu trả lời cho câu hỏi này hầu như quá hấp dẫn, nhưng lại rất khó để chúng ta đem vào đời sống. Vì là chúng ta phải yêu mến Ngài bằng  cách Ngài yêu chúng ta, và bằng cách thức mà Ngài hiện đang yêu chúng ta.

Trước hết, Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế nào? Ngài đã đem chúng ta từ hư vô thành hiện hữu. Đã tạo thành chúng ta là những con người với trí óc để suy nghĩ, và với ý muốn để lựa chọn. Rồi, Thiên Chúa trở nên con người và chết vì yêu chúng ta. Chúng ta có thể gom những từ ngữ này lại với nhau thành : yêu và chết. Yêu thật sự là muốn bày tỏ tình yêu cho người mình yêu. Đó chính là tại sao Thiên Chúa đã mang lấy thân phận con người: để Ngài có thể làm sáng tỏ bằng ngôn ngữ mạnh mẽ nhất, hầu cho con người có thể đạt tới một cách thâm sâu tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Trong con người của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã chết vì yêu. Chúng ta hiểu rằng nếu chúng ta yêu, chúng ta sẽ chết vì người mình yêu, và cái chết về thân xác là hình ảnh của cái chết tinh thần, hoàn toàn hiến mình theo ý muốn Thiên Chúa.

Tiếp đến, Thiên Chúa thể hiện tình yêu của Ngài với chúng ta như thế nào trong Thánh Thể? Bằng cách hoàn toàn trao hiến Chính Mình! Lấy một thí dụ, trong Thánh Lễ, khi truyền phép nếu tôi nhận ra thánh giá trên bánh thánh không được ngay ngắn, tôi có thể xoay Bánh Thánh lại một chút. Đây như một hình ảnh giải thích rằng tình yêu để Mình được quay trở lại. Từ trong thâm tâm, Thiên Chúa bằng một cách mạnh mẽ và yêu thương luôn thúc đẩy, thay đổi, chuyển động và thôi thúc chúng ta. Ngài muốn chúng ta thay đổi. Ngài muốn thay đổi ý muốn chúng ta, ngay cả khi chúng ta cho đó là tốt đẹp.

Chúng ta trở lại tình yêu mà Chúa Kitô đã có cho chúng ta, và hiện diện vì chúng ta như thế nào? Bằng cách hoàn toàn và mau mắn vâng lời, hàng phục và trao phó đời sống chúng ta cho Ngài. Đó là điều Thiên Chúa Tự Hiến muốn nơi chúng ta trong cuộc đời chúng ta – cho phép Ngài chuyển đổi ý muốn chúng ta. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta tự do. Ngọai trừ chúng ta có tự do, chúng ta không thể yêu. Thiên Chúa không bao giờ cưỡng ép chúng ta, nhưng mời gọi chúng ta hoán chuyển tình yêu của chúng ta cho tình yêu từ bỏ của Ngài vì chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta làm điều này vì vâng phục, trao hiến và hy sinh ý muốn của chúng ta cho ý muốn của Ngài. Không phải ý muốn người khác, nhưng là hy sinh ý muốn của chúng ta.

Chúng ta làm cách nào để cho đi? Tôi muốn nói rằng: cho đi! Chúng ta có thể cho đi bằng đôi tay chúng ta, với nụ cười khi làm việc ấy. Tận cùng trong ta, chúng ta vẫn muốn tiếp tục giữ lại, vì thế chúng ta phải cho đi ý muốn một cách hoàn toàn và vô điều kiện. Trong tất cả những gì chúng ta làm, chúng ta phải nói rằng, “Lạy Chúa, con sẽ làm những gì Chúa muốn con làm.” “Không phải ý con, nhưng Ý Cha” (Matthew 26:39, Mark 14:36, Luke 22:42, John 6:38). Mọi giây phút của đời sống đều được Thiên Chúa quan phòng. Ngài mời gọi chúng ta đáp trả những gì xảy đến cho cuộc đời chúng ta.

_________

Nguồn:

http://www.therealpresence.org/eucharst/intro/sacred.htm