(Thơ Thánh Giacôbê 1: 16-27)
Trần Mỹ Duyệt
Để hiểu hơn về ý nghĩa của những lời này, tưởng cũng nên biết sơ qua về Tông Đồ Giacôbê trước khi chúng ta đọc và suy ngắm những gì mà ngài đã viết.
Thánh Giacôbê còn được gọi là Giacôbê Cả hay Giacôbê Tiền, là một trong 12 tông đồ của Chúa Giêsu. Tên Giacôbê Cả hay Giacôbê Tiền của ngài là để phân biệt ngài với một tông đồ khác cũng có tên là Giacôbê. Ông này được gọi là Giacôbê Hậu hay Giacôbê Thứ. Theo Thánh Kinh , ngài là tông đồ thứ hai đã chết, và là tông đồ thứ nhất được phúc tử đạo. Ngài chết sau Giuđa Iscariot, kẻ đã bán Chúa và treo cổ tự tử.
Ngài là con của ông Zebedee và bà Salome, anh của Tông Đồ Gioan. Mẹ của ngài là một người chị của Đức Maria, mẹ Chúa Giêsu. Như vậy ngài và em ngài là những người anh em họ với Chúa Giêsu. Cả hai anh em đã được Chúa gọi khi đang vá lưới dưới thuyền với cha mình.
Sau khi theo Chúa, ngài cùng với em là Gioan và Phêrô làm thành bộ ba luôn đi bên Chúa, được Chúa cho chứng kiến cảnh Ngài phục sinh Lazaro, cảnh vinh quang Ngài biến hình trên núi Tabor, cũng như được Chúa đem vào vườn Cây Dầu hầu chứng kiến những giây phút hấp hối của Ngài.
Ngài cùng em là người được mẹ mình xin với Chúa cho ngồi hai bên tả hữu trong nước của Chúa. Để đáp lại lời đề nghị ấy, Ngài đã hỏi hai anh em có uống nổi chén mà Ngài sắp uống không, và cả hai đều bằng lòng uống chung chén với Chúa, mặc dù lúc đó các ngài không biết chén ấy là chén gì? Hai anh em ngài còn được cho là “con sấm sét” với lòng nhiệt thành muốn đem lửa trời đốt dân Samaritans vì họ đã từ chối không đón tiếp Chúa Giêsu.
Ngài đã bị chém đầu bằng gươm do lệnh của vua Herod. Như vậy, ngài là tông đồ tử đạo đầu tiên và Gioan em ngài là tông đồ chết cuối cùng. Cả hai đều thỏa lòng với chén mà Chúa trao cho các ngài uống. Và cả hai đều xứng đáng với danh nghĩa tông đồ cao cả, trong nhóm bộ ba luôn luôn được sát cánh bên Chúa.
Hiểu được mối tương quan giữa thánh nhân và Chúa Giêsu, lòng sốt sắng và yêu mến Thầy cũng là Chúa của ngài, và lòng khao khát, cứu rỗi các linh hồn; từ đó, chúng ta mới hiểu rõ ý nghĩa những lời mà ngài đã viết.
Trong trích đoạn thư của ngài chương 1 từ câu 16 đến câu 27, có ít nhất ba điều mà chúng ta cần suy niệm. Đó là : “Người đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người.” (c 18) Câu này nói lên rằng, chúng ta là những tạo vật vô cùng quí giá, đặc biệt của Thiên Chúa, được Ngài trực tiếp tạo dựng. Sự có mặt của chúng ta trên trái đất là một huyền nhiệm, một ân huệ do lòng thương xót Chúa. Và chúng ta phải sống với danh hiệu và thân phận này.
Tiếp đến, trong thực hành ngài khuyên chúng ta: “Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa.” (c 19-20) Đây là một ứng dụng thực hành vừa có tính cách luân lý, vừa có tính cách tâm lý. Khi viết những lời này, phải chăng Thánh Giacôbê đã nhớ lại lời Thầy dạy: “Vì lòng có đầy mới tràn ra ngoài miệng.” (Mt 12:34) Một người nóng giận rất khó kìm hãm được bản thân. Hành vi nhân tính của họ trong lúc nóng giận bị loại bỏ, và được thay thế bằng hành động theo bản năng. Con người trong điều kiện ấy không còn mang hình ảnh tạo vật được Thiên Chúa sinh ra bằng “Lời Chân Lý” nữa.
Đọc những lời ngài viết, chúng ta có lý để tin rằng trong đời thường Thánh nhân là con người kiệm lời, chín chắn về lời ăn tiếng nói. Chính vì vậy, ở chương ba, ngài đã dùng nhiều hình ảnh và so sánh để nói về cái lưỡi. Ngài gọi cái lưỡi là “bất trị”, không thể kìm hãm, có khả năng phá hoại khủng khiếp. Ngài so sánh nó như bánh lái có thể chuyển hướng con tàu (c 4), như một ngọn lửa nhỏ làm bùng lên một đám cháy lớn. Nó dùng để ca tụng Thiên Chúa, nhưng cũng để xúc phạm đến anh chị em mình là hình ảnh của Ngài (c 9). Về sự dữ do cái lưỡi gây ra, ngài viết: “Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác giữa các phần thân thể chúng ta. Nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hỏa ngục đốt cháy.” (c 6)
Rút ra từ bài học của chính mình, ngài tiếp tục khuyên chúng ta khi nghe và đón nhận lời Thiên Chúa: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.” (c 22) Vì: “Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão.” ( c 26) Như vậy, theo gương ngài, chúng ta cũng phải đón nhận Lời Chúa với tấm lòng cung kính, miệng đọc tâm suy. Tin vào những gì mình đọc, và sống với những gì mình tin.
Sau cùng là: “Thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn bách, và giữ mình khỏi mọi ô uế đời này.” (c 27) Nói một cách dễ hiểu, Thánh Giacôbê khuyên chúng ta phải có lòng bác ái, yêu người, và phải biết tự chế, không chỉ ở lời ăn tiếng nói, mà còn phải biết kìm hãm những đam mê, dục vọng bất chính. Nếu chúng ta đã bác ái với người khác, thì bắt buộc chúng ta cũng phải bác ái với mình, bằng cách tránh xa tội lỗi và đến gần với Chúa mỗi ngày một hơn. Bởi vì : “Người đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta.”