Khi Tha Thứ Là Tự Tha Cho Chính Mình

Đức Tổng Giám mục Oscar Romero: Nội tạng không phân hủy và các sự kiện ngạc nhiên khác
Ái Mộ Những Sự Trên Trời
Chúa Cỡi Lừa Vào Thành

Trần Mỹ Duyệt

“Tha thứ là tự tha cho chính mình”. Tư tưởng này xem ra như không hợp với suy nghĩ và lối sống của nhiều người. Làm gì có chuyện tha cho kẻ cướp chồng mình, kẻ phản bội mình vì một người đàn bà khác, kẻ cướp của, giết hại cha mẹ, anh chị em mình, hoặc kẻ tham ô khiến mình phải mất đất, mất nhà, mất việc làm để rồi đến nỗi táng gia bại sản, thân bại danh liệt, gia đình đổ vỡ, con cái nheo nhóc, lâm cảnh tù tội… mà lại nói đó là tự tha cho chính mình. Phải “mắt đền mắt, răng thế răng”, “ăn miếng, trả miếng” mới công bằng!

Một trong những quan niệm tai hại nhất đối với sự tha thứ là quan niệm cho rằng: “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn!” Hoặc những câu nói tương tự: “Tôi giận người ấy thâm gan tím ruột. Nếu có thể giết được mà không phải vào tù, tôi đã giết nó”, hay “Sống để bụng, chết mang đi”. Những suy nghĩ như vậy không thay đổi gì về tình trạng hận thù, không làm bớt đi những tội ác xã hội, những hành động do tính tham lam, nham hiểm, và ích kỷ của con người. Ngược lại, chỉ khiến cho việc tha thứ trở nên khó lòng hơn, nếu không muốn nói là không có thể! Nhưng không lẽ do lỗi lầm của người khác mà mình lại mang trong người sự bất an đến bất hạnh? Liệu trong đời sống chẳng có lần ta đã trở thành nạn nhân của chính mình, do những khuyết điểm và yếu đuối của mình? Hoặc cũng do khuyết điểm mà bằng cách này hay cách khác, ta làm cho người khác trở thành nạn nhân của ta? Như vậy cái vòng luẩn quẩn tha, không tha, giận hờn, thù ghét chẳng lẽ cứ đè nặng trên cuộc sống, khiến ta không bao giờ có một giây phút bằng an, vui vẻ và hạnh phúc?

Trong thực tế, nhiều người đã mất ăn, mất ngủ và trở nên điên loạn vì giận hờn, thù ghét. Đối với những người này, trong họ luôn có một ngọn lửa thiêu đốt. Họ không bao giờ có được bình an. Và trên bước đường đời, họ luôn luôn có cảm tưởng như mang một khối đá nặng trên vai.

Truyện kể về một người giữ lòng thù hận. Anh ta cứ khư khư mang mãi mối hận và không tha cho người đã làm mất lòng, đã xúc phạm đến anh. Một ngày kia khi anh đang mệt mỏi bước đi trên con đường nắng gắt. Bỗng anh gặp một ông lão cũng đang rảo bước trên cùng một con đường. Nhìn điệu bộ mệt mã, chán nản của anh, ông liền hỏi:

-Anh đang mang gì trên lưng của mình vậy?

-Tôi có mang gì đâu, tôi đang bước đi một mình ông không thấy sao?

-Không! Tôi muốn nói anh đang suy nghĩ gì mà xem chừng như có một bao sỏi đá đè nặng trên vai anh kìa!

Thấy có người đoán đúng tâm trạng của mình, lại gặp ngay một bóng cây rợp mát bên đường, anh đứng lại và tâm sự:

-Sao ông biết tôi đang có tâm sự? Thật ra, tôi đã mang sự tức giận và buồn bực nhiều năm với người hàng xóm của tôi. Người ấy xúc phạm đến tôi, và khiến tôi mất thể diện với nhiều người trong bà con, dòng họ. Tôi rất giận ông ta.

Nghe anh trải lòng mình, ông lão lúc này mới chậm rãi giải thích:

-Chuyện cũng đã xảy ra lâu rồi, giữ mãi sự thù hận làm chi. Tôi không bảo anh tha ngay cho người hàng xóm đó. Nhưng anh hãy làm theo tôi đề nghị. Hãy tưởng tượng anh đang mang trên vai một bao chứa đầy sỏi đá lớn nhỏ và phải bước đi với nó. Cứ đi khoảng chừng 100 hay 200 mét, anh thò tay vào bao lấy ra một cục rồi ném đi. Chỉ một cục mỗi lần thôi. Khi mệt thì anh ngồi nghỉ và tiếp tục làm như vậy cho đến khi hết, anh sẽ cảm thấy những bước chân tiếp theo sau của anh thật là nhẹ nhõm.

Không phải người thường, mà ngay cả các vị thánh nhân đôi khi cũng có những quan niệm hẹp hòi về sự tha thứ. Thánh Kinh viết: “Bấy giờ Phêrô đến và nói với Ngài: “Thưa Ngài, nếu anh em tôi có lỗi với tôi, tôi phải tha mấy lần? Đến bẩy lần không?” Đức Giêsu nói với ông: “Ta không nói đến bẩy lần, mà đến bẩy mươi lần bẩy lần” (Mt 18:21-22).

Vậy tha thứ là gì mà nó cần thiết và quan trọng đến thế? Tại sao lại phải tha nhiều như vậy?

 

Tha thứ nghĩa là gì?

Tha thứ là gì? Tha thứ mang nhiều ý nghĩa khác nhau đối với từng người và trong từng trường hợp. Thông thường, tha thứ có liên quan đến quyết tâm để bỏ qua sự giận hờn và cảm xúc đắng đót vì bị đối xử bất công hoặc bị xúc phạm. Hình ảnh và cảm xúc của những hành động làm ta đau khổ, hoặc nhục nhã luôn luôn theo sát ta. Nhưng khi tha thứ là ta bỏ đi những hành động và cảm giác ấy. 

Tha thứ, theo cái nhìn tâm lý, là tiến trình tự nguyện hay có suy nghĩ trong đó một người cảm thấy mình là nạn nhân bị đối xử bất công, vượt qua để chuyển đổi ý nghĩ và thái độ từ những chuyện làm cho họ bị đau đớn ấy.

Tha thứ còn có nghĩa là bỏ qua những sợi dây đang trói buộc ta vào điều sai trái ngược lại với mình. Nó cũng có nghĩa là chữa lành và đẩy đời sống tiến về phía trước mà không cho phép giận hờn, buồn bực hoặc suy nghĩ thiếu tích cực làm tiêu hao khả năng hoặc nghị lực của chính ta.

 

Tha thứ là tha cho chính mình

Tha thứ là một hành động chữa lành. Nó sẽ giúp ta có thể xóa bỏ, hóa giải những tội lỗi hoặc giảm thiểu mức độ sai trái. Đối với người đang chiến đấu để vượt qua những khó khăn về lạm dụng hoặc bất công có thể có những cái nhìn khác nhau. Do đó, người ta không tha thứ, vì sợ nếu tha thứ sẽ làm cho họ trở nên yếu đuối, hoặc nhu nhược.

 Nhưng một trong những lợi ích quan trọng nhất của tha thứ là đem lại sự bình an tâm hồn, loại bỏ những cảm giác ích kỷ, hận thù và cay đắng. Giữa những biến cố gây khủng hoảng làm sụp đổ cá nhân, hoặc khi đứng trước một người làm điều gì thiệt hại đến ta, ta thường có cảm tưởng như không muốn làm gì về nó. Nhưng hành động tha thứ giúp ta phục hồi lại sức mạnh. [1]

Khi tức giận, người ta thường bị ảnh hưởng tâm lý tác hại trên thể lý. Không chỉ “giận mất khôn”, nó còn làm cho ăn mất ngon, ngủ không yên giấc. Đôi khi vì giận dữ quá dẫn đến tai biến mạch máu não, hoặc lên cơn đau tim. Trong trường hợp này, tha thứ rõ ràng đem lại mối lợi cho chính mình. Không chỉ về phương diện thể lý, nó còn đem lại bình an, hoan lạc và hạnh phúc cho tâm hồn nữa.

Ngoài giá trị trị liệu về tâm lý, tha thứ còn là một nhân đức, một hành động đạo đức xã hội. Đơn giản là: “Vì nếu các ngươi tha cho những người đã xúc phạm đến các ngươi, Cha các ngươi trên trời cũng tha cho các ngươi. Nhưng nếu các người không tha tội cho người khác, Cha các ngươi cũng sẽ không tha tội cho các ngươi” (Mt 6:14-15). Đã là con người, chúng ta ai cũng có lỗi: trong tư tưởng, lời nói, và việc làm. Lỗi vì sai sót, thiếu đạo đức. Lỗi với trời, với người và với chính mình. Vì thế lời cầu nguyện sau đây mang một ý nghĩa chữa lành hết sức quan trọng: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6:12). Tha thứ để được thứ tha. Đặc biệt, biết tha thứ để tha cho chính mình.

 

Thực hành tha thứ 

 Tha thứ là một hành động vừa có tính cách tâm lý, tâm linh và đạo đức nên cần phải có sự tập luyện. Để việc tha thứ trở thành một tập quán tốt, một đức tính tốt, có ít nhất 7 bước cần được suy nghĩ và áp dụng mỗi khi ta gặp bất bình, va chạm hoặc xúc phạm bởi người khác:

 -Nhận thức. Đừng lừa dối rằng mình không đau, không nhục hoặc không bị tổn thương. Nhận thức và chấp nhận những cảm xúc ấy. Thông thường khi có người làm gì hại, hoặc xúc phạm đến ta, ta thường có kinh nghiệm thù ghét hoặc trả thù.

-Suy nghĩ. Suy nghĩ trước khi quyết định bất cứ hành động nào, trong đó có hành động trả thù và hành động tha thứ.

-Với quá khứ. Dĩ nhiên, đây là những phút giây mà mình bị tổn thương. Nhưng quá khứ là quá khứ, không để nó ảnh hưởng đến sinh hoạt hiện tại, nhất là khi lỗi lầm đó được lập đi, lập lại.

-Quyết định. Trong đó quyết định lớn lao nhất, đòi hỏi sự hy sinh nhất là quyết định tha thứ cho người đã gây đau khổ, thiệt thòi cho mình. Đặc biệt, là tha cho chính mình. Không để mình phải gánh chịu những gậm nhấm, khổ sở vì lỗi lầm của người khác.

-Sửa đổi. Sửa lại quan niệm và cái nhìn về người đã làm mình phải đau khổ, thiệt thòi. Học nhìn đời bằng cái nhìn tích cực, thân thiện thay vì cay đắng và thiên kiến.

-Học bài học. Rút ra từ bài học bản thân, ta cần phải đặt ra những làn ranh cho sự tha thứ. Thực hành từ những việc làm nhỏ để trở thành một tập quán tha thứ.

-Tha để quên. Tha để quên. Đây là bước cuối cùng và cao nhất của hành động tha thứ. Khi có ai đó xúc phạm đến ta, tuy đã sẵn sàng tha thứ và bỏ qua nhưng lại khó hoặc không quên được cái lỗi hoặc sự thiệt hại mà người ấy đã làm cho mình. Nhưng để đạt được hoa trái bình an của sự tha thứ, thì tha là phải quên. [2]

_________

 

Tham khảo:

 

1.  https://westcoastrecoverycenters.com › why-is-forgivenes..

Why Is Forgiveness Important In Healing?

2. calmsage.com

https://www.calmsage.com › steps-of-forgiveness

&
thriveworks.com

https://thriveworks.com › wp-content › uploads › 2013/08