Mùa Vọng là gì?
Từ tiếng Anh “Advent” hay Mùa Vọng xuất phát từ chữ Adventus Latin, có nghĩa là “trông đợi”. Đó là thời gian để suy ngẫm trong thinh lặng, cầu nguyện với lòng mong đợi ngày Chúa Giáng sinh. Các bài đọc và phụng vụ trong Mùa Vọng chuẩn bị cho người tín hữu đón nhận ngày Chúa sinh ra đời, nhưng đồng thời cũng chuẩn bị cho ngày Chúa sống lại trong ngày sau hết. Mùa Vọng là cơ hội để cùng chia sẻ niềm khát khao của tổ phụ chúng ta đã mong chờ cho sự xuất hiện của Con Người, và nhắc nhở chúng ta hãy tỉnh thức để sẵn sàng đón Đấng cứu thế sẽ đến trong ngày sau hết. Mùa Vọng bắt đầu với bốn Chúa Nhật trước Giáng sinh và kết thúc lúc vào đêm Giáng sinh. Vì Giáng sinh xảy ra vào các ngày khác nhau trong tuần, nên Mùa Vọng có thể kéo dài trong 22 ngày nếu Giáng sinh rơi vào ngày thứ Hai và sẽ kéo dài 28 ngày nếu Giáng sinh rơi vào ngày Chúa nhật. Mùa Vọng cũng đánh dấu sự khởi đầu của năm Phụng vụ. Không giống như lịch thường, lịch Phụng vụ đánh dấu thời gian, năm phụng vụ kỷ niệm những mầu nhiệm thiêng liêng của sự ra đời, cuộc sống, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Năm phụng vụ bắt đầu vào Mùa Vọng với tiên đoán về sự xuất hiện của Chúa Giêsu và lời tiên tri của dân Do Thái hằng mong đợi Đấng Cứu thế giáng trần.
Những màu sắc của Mùa Vọng mang ý nghĩa gì?
Màu tím hoặc xanh đậm là một biểu tượng của quyền năng với tiên đoán về sự ra đời của Chúa Giêsu. Màu sắc ấy cũng phản ánh tinh thần sám hối và sự cần thiết để chuẩn bị tâm hồn của người tín hữu. Màu hồng là màu thứ hai của Mùa Vọng tượng trưng cho vui mừng. Mầu xanh ở vòng lá cây (wreath) của Lễ Vọng tượng trưng cho cuộc sống vĩnh cửu đem đến cho chúng ta qua Chúa Giêsu.
Ăn chay và hãm mình trong Mùa Vọng như thế nào?
Ngày nay Giáo hội Công giáo không còn những ngày “chính thức” buộc phải ăn chay hãm mình trong Mùa Vọng, nhưng người tín hữu Công giáo được khuyến khích chuẩn bị tâm hồn trong Mùa Vọng bằng cách cầu nguyện, ăn chay và sám hối.
Truyền thống: Posadas hoặc Trú ẩn
Posadas, một từ có nghĩa là “trú ẩn” hay “chỗ ở”, là một phong tục của Mùa Vọng ở Mexico. Phong tục này lập lại cảnh của Mẹ Maria và Thánh Giuse đi tìm nơi trú ẩn khi từ Natzareth tới Bethlehem. Posadas diễn ra trong chín ngày, từ ngày 16 đến 24 tháng 12, tượng trưng cho chín tháng mang thai của Mẹ Maria. Họ đi từ nhà này sang nhà khác để tìm chỗ ở, nhưng “chủ quán trọ” đã từ chối. Vào đêm Giáng sinh, cuối cùng họ đã tìm được nơi trú ẩn, nơi họ đón mừng sự giáng sinh của Chúa Giêsu.
Thánh Gioan Thánh giá (1542-1591) được cho là người đã lập ra phong tục. Ngài cũng là người đã mang các bức tượng của Thánh Giuse và Đức Mẹ qua Tu viện Cát Minh ở Tây Ban Nha tìm kiếm một nơi để ở. Vị linh mục truyền giáo này đã mang phong tục này sang Mexico và dùng người thật thay vì dùng những bức tượng.
Ngày nay các gia đình tiếp tục với truyền thống này bằng cách sử dụng những hình tượng để nhắc lại hình ảnh của Mẹ Maria và Thánh Giuse tìm nơi ẩn dật tại Bêlem. Bắt đầu với một cái chòi trống. Họ đặt các hình của Mẹ Maria và Thánh Giusse ở phía bên kia phòng và di chuyển gần lai mỗi ngày. Vào đêm Giáng sinh, đặt thêm Chúa Hài Nhi và những thiên thần cùng những người mục đồng. Sau đó là tượng những nhà đạo sỹ bắt đầu cuộc hành trình của họ đến tìm Chúa và họ đến đúng vào ngày lễ Hiển Linh.
Truyền thống của Lịch Mùa Vọng
Lịch Mùa Vọng bắt đầu ở nước Đức trong niên kỷ 1800. Các gia đình đã vẽ một đường phấn hoặc thắp sáng một ngọn nến mỗi đêm để đánh dấu các ngày cho đến Giáng sinh. Gerhard Lang đã in ra cuốn lịch Mùa Vọng đầu tiên, trong đó có những ảnh nhỏ có thể dán vào một miếng bìa mỗi ngày.
Theo thời gian, lịch Mùa Vọng trở nên tinh vi hơn với những cửa nhỏ chứa kẹo bánh hoặc câu Kinh Thánh. Trong Thế chiến II, việc sản xuất Lịch Mùa Vọng đã bị ngưng ở Đức. Sau chiến tranh, phong tục này được du nhập vào Hoa Kỳ. Nhiều gia đình tự làm lịch của họ bằng những hình ảnh, kẹo bánh hoặc đồ trang sức.
Truyền thống những vòng giấy trong Mùa Vọng.
Một chuỗi ngày của Mùa Vọng là một cách để đánh dấu tiến trình của Mùa Vọng. Người ta cắt một dải giấy cứng mầu tím cho mỗi ngày của Mùa Vọng. Dùng một dải màu hồng cho Chúa Nhật thứ ba của Mùa Vọng và một dải trắng cho Giáng sinh. Một số gia đình muốn viết một câu gì đó đặc biệt trên mỗi dải giấy như: “Hãy gọi cho bà ngoại ngày hôm nay.” “Làm cái gì đó tốt đẹp cho ai đó.” “Hãy đọc Kinh Kính Mừng cho người đau ốm.” “Đọc một cuốn sách về một vị thánh.” Và mọi người trong gia đình suy nghĩ những điều khác để viết. Sau đó dán hoặc ghim các dải giấy với nhau để tạo ra các vòng kết nối với nhau để tạo thành một chuỗi vòng tròn. Mỗi buổi sáng họ tách ra một vòng và đọc những lời đã ghi trong khi bạn vẫn chuẩn bị Giáng sinh.
Các truyền thống: Cây Jesse
Cây Jesse là một cây nhân tạo nhỏ, được tự trang trí để tiêu biểu cho một người, một địa điểm hoặc một sự kiện quan trọng từ lịch sử của gia đình Chúa Giêsu. Tên của nó được đặt từ tiên tri Isaia 11:1: “Những chồi non sẽ mọc ra từ gốc cây của Jesse, và nhánh sẽ mọc ra từ rễ của nó.”
Jesse là cha của Vua Đavít. Một số gia đình treo những biểu hiệu trên cây mỗi ngày và đọc một đoạn Kinh Thánh về biểu tượng ấy. Dưới đây là những ví dụ:
Hình ảnh thế giới tượng trưng cho sự sáng tạo của Thiên Chúa (Gn 1: 26-31) Tầu của ông của Nôe (Sáng thế ký chương 6, 7, 8 và 9) Tảng đá tượng trưng cho Mười Điều Răn (Ex 20: 1-7) Áo khoác nhiều màu tượng trưng cho Giuse (Gn 37) Vương miện tượng trưng cho Vua Đavít (2 Sm 5: 1-5) Nước chảy đại diện cho Thánh Gioan Tẩy giả (Mk 1: 1-8) Một bức hình Đức Mẹ (Lc 1: 26-38) Một cái búa tượng trưng cho Thánh Giuse thợ (Mt 1: 18-25) Một ngôi sao trên hang lừa ở Bê lem (Lc 2: 6-2) Chúa Giêsu Hài đồng trong máng cỏ (Lc 2: 1-20).
Truyền thống: Vòng cành cây (Advent Wreath)
Trong nhiều thế kỷ, người Công giáo đã thắp sáng những vòng làm từ cành cây xanh như là một phần của sự chuẩn bị tâm hồn của họ cho Giáng sinh. Các nhánh thường kết bằng cành cây nhân tạo hoặc cây tươi mầu xanh hình một vòng tròn tượng trưng cho cuộc sống vĩnh cửu qua lời giao ước của Chúa Giêsu. Mùa Vọng xảy ra vào thời gian tối nhất trong năm nên ánh sáng của những ngọn nến nhắc chúng ta rằng Chúa Giêsu đã đến thế gian để xua tan bóng tối và đem ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại.
Để có được vòng lá cây xanh, bạn cần bốn cái giá cắm nến, ba cây nến tím, một cây nến hồng và các cành cây xanh nhân tạo hoặc cây thật rồi đặt các ngọn nến theo hình vòng tròn. Một số gia đình muốn thêm một cây nến trắng ở giữa, tượng trưng cho Chúa Giêsu được thắp sáng vào đêm Giáng sinh.
Có nhiều cách giải thích khác nhau về sự tượng trưng của mỗi ngọn nến. Đối với một số người, những cây nến tượng trưng cho một cá nhân như Thánh Gioan Tẩy Giả hay Đức Mẹ. Đối với những người khác, những cây nến tượng trưng cho những nơi như Bêlem hoặc Nazareth. Có những người khác lại nghĩ rằng những cây nến tượng trưng cho một đức tính, như đức tin, niềm hy vọng, niềm vui và tình yêu.
Đây là một buổi đốt nến đơn giản với những ý tưởng về cách bạn có thể kết hợp biểu tượng và cầu nguyện vào vòng cành cây của bạn:
Tuần thứ nhất của Mùa vọng: Nến màu tím đầu tiên biểu tượng cho hy vọng. Đốt nến và cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp mỗi người trong gia đình con được kiên nhẫn chờ đón Chúa đến. Xin cho chúng con được tràn đầy niềm hy vọng. Amen.
Tuần lễ thứ 2: Nến màu tím thứ hai biểu tượng sự bình an. Đốt hai ngọn nến tím và cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp mỗi người trong gia đình của chúng con được cảm nghiệm những điều kỳ diệu của Chúa trong khi chúng con đang trông chờ ngày Chúa Hài đồng giáng thế. Xin cho chúng con được cảm thấy tràn đầy bình an của Chúa. Amen.
Tuần lễ thứ 3: Nến màu hồng biểu tượng cho niềm vui. Đốt sáng hai cây nến màu tím, một cây nến màu hồng và cầu nguyện: Lạy Chúa xin giúp mỗi người trong gia đình chúng con hiểu được ý nghĩa thực sự của Lễ Giáng Sinh. Xin hãy đổ tràn đầy niềm vui khi chúng con đang mong chờ sự giáng sinh của Chúa Giêsu. Amen.
Tuần lễ thứ tư: Nến thứ tư biểu tượng cho tình yêu. Đốt sáng tất cả những cây nến và cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp mỗi người trong gia đình chúng con được lớn mạnh trong khi biết tạ ơn nhau khi chúng con đang chuẩn bị cho ngày Giáng sinh của Chúa. Xin hãy ban nhiều yêu thương để chúng con được tới gần Chúa hơn. Amen
Những ngày của Mùa Vọng với những thức ăn và vui chơi
Những ngày vui mừng của Mùa Vọng đã tạo ra những phong tục đầy màu sắc ở các quốc gia khắp nơi trên thế giới. Dưới đây là một số ý tưởng về cách bạn có thể áp dụng tùy ý thích để làm phong phú trải nghiệm của bạn về Mùa Vọng năm nay:
Lễ kính Thánh Nicholas ngày 6 tháng 12
Thánh Nicholas, một giám mục của thế kỷ thứ ba, được biết đến như là một người kỳ diệu và là người tặng quà bí mật. Ở một số nước Bắc Âu, trẻ em để giày của mình chỗ cửa vào đêm trước ngày lễ thánh Nicholas. Họ thức dậy sáng hôm sau để tìm kẹo bánh và đồ chơi đã để lại bởi vị thánh cao quý. Bánh ngọt là những món ăn truyền thống cho ngày lễ thánh Nicholas.
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày 8 tháng 12
Ngày lễ buộc này là để tôn vinh Đức Mẹ, người đã được tác tạo mà không vướng tội nguyên tổ. Bạn hãy chuẩn bị để đưa gia đình đi tham dự thánh lễ cho ngày lễ này. Sau đó sửa soạn một bữa ăn tối để tôn vinh Đức Mẹ. Trước khi ăn tối, cả gia đình cùng nhau đọc kinh Kính Mừng. Hoặc cùng hát một bài ca về Mẹ mà bạn yêu thích. Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là bổn mạng của Giáo hội Hoa Kỳ
Lễ Đức Mẹ Guadalupe 12 tháng 12
Ngày lễ này kỷ niệm sự hiện ra của Đức Mẹ với một nông dân người Mexico tên là Juan Diego. Lúc ấy không ai tin ông, kể cả giám mục. Vị giám mục nói với Juan Diego hãy cầu xin một dấu hiệu. Đức Mẹ đã hướng dẫn ông ta đi đến một ngọn đồi gần đó, nơi mà ông ta đã tìm thấy đóa hoa hồng- mặc dù đó là Tháng Mười Hai! Đó là một ngày tuyệt vời để có một bữa ăn tối Mễ tây cơ với đóa hoa hồng nhân tạo hoặc hoa tươi đặt giữa bàn ăn. Và sau bữa ăn tối, đọc câu chuyện của Juan Diego.
Lễ Thánh Lucy ngày 13 tháng 12
Thánh Lucy là một trinh nữ tử đạo vào thế kỷ thứ tư, tên và ngày lễ của Ngài có liên quan đến ánh sáng. Tại Na Uy, trẻ em đốt nến và mang bánh ngọt được gọi là Lussekattor đến cho bố mẹ chúng vào buổi sáng ngày mừng lễ của thánh Lucy. Tại Thụy Điển, họ ăn một cái bánh quy gừng tên là Luciapepperkakor. Các cô gái thì mặc quần áo như thánh Lucy mang bánh quy và bánh nướng khác và vừa đi rước vừa cùng hát với nhau. Những đứa con trai thì có những vai trò khác nhau liên quan đến Giáng sinh. Người ta tin rằng mừng kính thánh Lucy sẽ giúp người ta có đủ ánh sáng để sống những ngày mùa đông dài.
Tại Ý, Thánh Lucy mang những món quà nhỏ cho trẻ em ngoan. Tại Hung gia lợi, có một truyền thống trồng hạt lúa mì trong một cái nồi trong bữa tiệc của thánh Lucy. Trẻ em theo dõi lúa mì mọc và dùng để làm máng cỏ của gia đình họ. Một truyền thống khác nữa là làm vương miện của thánh Lucy, bao gồm hai ổ bánh mì ngọt kết thành một vương miện, và gắn thêm những quả chery, kẹo và nến.
Thánh Lucy được xem là vị thánh quan thầy của những người mù.
Các chủ đề về Kinh Thánh cho Mùa Vọng
Thánh Vịnh (O Antiphons)
Thánh Vịnh là bảy câu trong Phụng vụ Thánh lễ có những lời cầu khẩn thiết tha cho sự giáng sinh của Chúa. Được dùng để đọc trong kinh nguyện trong bảy ngày cuối cùng của Mùa Vọng. Đó là:
Ngày 17/12: O Sapientia (O Wisdom, Lời của Thiên Chúa, Ngài cai trị tất cả các tạo vật bằng quyền uy dũng mãnh nhưng nhân ái dịu dàng.) Xin Ngài hãy đến và chỉ cho dân Ngài con đường đến với sự cứu rỗi.)
Ngày 18/12: O Adonai (Ôi Thiên Chúa Chí Thánh tổ phụ của dân Do Thái, người đã hiện ra với Môi-se trong bụi gai, đã ban phát luật thiêng trên núi Sinai: Hãy đến và giang cánh tay oai phong để giải thoát chúng con)
Ngày 19/12: O Radix Jesse (O Hoa của cây Jesse, người đã được nâng lên như là một dấu hiệu cho tất cả mọi dân tộc, các vị vua đã phải tiếng trong sự hiện diện của người, các quốc gia phải thờ lạy trước nhan người. Đừng để bất cứ điều gì cản bước của người đến cứu giúp chúng tôi.)
Ngày 20/12: O Clavis David (Chìa khóa của Đa-vít, Quyền lực của Ít ra en quyền năng cửa ngõ nước Trời) Hãy đến mà phá tan tù ngục của những kẻ sống trong bóng tối của sự chết và hãy giải thoát dân người.)
Ngày 21/12: O Oriens ( Sự ấm áp của Bình minh, sự huy hoàng của ánh sáng vĩnh cửu, mặt trời của công lý: Hãy đến, soi sáng cho những người sống trong bóng tối của sự chết.)
Ngày 22/12: O Rex Gentium (Vua của các quốc gia, niềm vui duy nhất của mỗi trái tim con người, là nền tảng của muôn dân, hãy đến và cứu muôn vật mà Người đã tạo tác từ bụi đất).
Ngày 23/12: O Emmanuel (Chúa ở cùng chúng ta, là vua ban phát các điều luật, Đấng Cứu thế của muôn loài, lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con xin đến và giải thoát chúng con.)
Những câu Thánh Vịnh (O Antifons) đã truyền cảm hứng cho nhiều bài thánh ca Mùa Vọng, điều quen thuộc nhất là: “O Come, O Come Emmanuel” đã được kết hợp vào các bài thánh ca.
Sự khác biệt giữa Mùa Vọng và Mùa Chay là gì?
Mùa Vọng là thời kỳ chuẩn bị cho Giáng Sinh giống như Mùa Chay là thời kỳ chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh. Trang trí nhà thờ cho cả hai mùa là đơn sơ. Màu tím là mầu chính dùng cho cả hai mùa. Cả hai mùa đều sử dụng màu hồng là màu trong phụng vụ vào giữa mùa và được gọi là Chúa nhật Gaudate trong Mùa Vọng và “Chúa Nhật Laetare” trong Mùa Chay. Cả hai từ đều có nghĩa là “Vui mừng!”
Cũng có một số khác biệt đáng kể giữa hai mùa. Có bốn Chúa Nhật trong Mùa Vọng và sáu Chúa Nhật trong Mùa Chay. Trong khi cả hai mùa đều kêu gọi chúng ta thay đổi tâm hồn nhưng trọng tâm của Mùa Vọng là sự mong đợi Đấng Cứu thế đến, còn Mùa Chay kêu gọi chúng ta hãm mình đền tội và ăn năn xám hối.
(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết của Lorene Hanley Duquin trên OSV Newsweekly)