Cha Mẹ Bắt Đầu Dạy Con Từ Lúc Nào?

Cha Mẹ Bắt Đầu Dạy Con Từ Lúc Nào?

Sinh Con. Nuôi Con. Dạy Con
Satan Với Cuộc Chiến Hôn Nhân
Yêu Nhau Khi Tuổi Đã Về Chiều

Trần Mỹ Duyệt

“Phải bắt đầu dạy đứa trẻ 20 năm trước khi nó chào đời”. Câu nói này được cho là của Napoleon, nhưng quan niệm về tâm lý giáo dục thì cho rằng đứa trẻ không chỉ “sẵn sàng để học”, mà nó đã thực sự học ngay vừa khi chào đời.

Thời gian gần đây thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được những cuộc gọi nhờ giúp đỡ hoặc hỏi ý kiến qua điện thoại. Phần lớn những thắc mắc đều quy về hai điểm chính: Hôn nhân và giáo dục con cái.

Những vấn nạn của cha mẹ đối với con cái chung quy gồm: những em nhỏ mang các hội chứng Tự Kỷ (Autism), ADHD (Attention-Deficit/Hyperactivity Disorder), Tâm Lý Chậm Phát Triển (Mental Retardation). Những em ở tuổi vị thành niên với hành động bỏ nhà đi hoang, băng đảng, nghiện ngập. Và thanh thiếu niên từ 20 trở lên thông thường mắc vào các chứng Trầm Cảm (Depression), Tâm Thần Phân Liệt (Schizophrenia), gồm những triệu chứng như ảo tưởng, ảo giác, những suy nghĩ và hành động lệch lạc, và Lưỡng Cực (Bipolar). Đó là những hội chứng tâm thần và tâm lý. Một số phụ huynh còn thắc mắc, lo lắng đến các trào lưu hiện nay như đồng tính (Homosexual), hôn nhân đồng tính (Same-Sex marriage) hoặc chuyển giới (Transsexual).

Tôi rất thông cảm với các bậc cha mẹ, phụ huynh, và trong thâm tâm tôi nghĩ đến câu nói của người xưa: “Bé không vin, cả gẫy ngành”. Khi còn nhỏ không lo dạy dỗ, đợi đến khi con bước vào tuổi vị thành niên, thành niên hay trưởng thành với những triệu chứng tâm lý và tâm thần như vậy liệu có thể làm gì được lúc này? Thật ra, với những phương tiện khoa học tiến bộ, với các thứ thuốc hiện nay, việc chữa trị 100% những hội chứng trên là không phải là không có thể. Chỉ tiếc một điều là việc chữa trị đôi khi chậm trễ, rất tốn kém, đòi hỏi nhiều hy sinh và kiên nhẫn không chỉ đối với các bệnh nhân, mà còn cả với các bậc cha mẹ hay phụ huynh. Đó cũng là lý do được đề cập đến trong chủ đề giáo dục này. Hy vọng sẽ giúp các bậc phụ huynh và cha mẹ có thời gian chuẩn bị để không phải đối diện với những trăn trở quá phức tạp khi con em mình bước vào tuổi dậy thì, và tiếp theo là thời gian trưởng thành.

GIÁO DỤC LÀ GÌ?

Giáo dục là gì? Và cha mẹ phải bắt đầu công việc giáo dục từ lúc nào? Ngay từ khi đứa trẻ chào đời hay 20 năm trước khi chúng chào đời? Đâu là thời điểm tốt cho việc giáo dục?

Giáo dục “education” trong Anh ngữ xuất phát từ tiếng Latinh “ ēducātiō” (nuôi dưỡng, nuôi dạy) bao gồm ēdūcō (tôi giáo dục, tôi đào tạo), liên quan đến từ đồng âm ēdūcō (tôi tiến tới, tôi lấy ra; tôi đứng dậy). Theo tiếng Việt “giáo (教) có nghĩa là dạy cho biết, “dục (育) có nghĩa là nuôi nấng. [1]

Theo tâm lý giáo dục, giáo dục có nghĩa là ngành học để biết cách học hỏi, bao gồm những phương pháp giảng dạy, những tiến trình hướng dẫn, và những khác biệt cá nhân trong việc học tập. Nó là hành động học hỏi cách tìm hiểu tri thức, thái độ, cảm xúc, và những ảnh hưởng xã  hội. [2]

Tóm lại, giáo dục có nghĩa nuôi dưỡng và dạy dỗ. Trong khi nuôi dưỡng con khôn lớn, cha mẹ cũng có bổn phận và trách nhiệm dạy dỗ con nên người trưởng thành, tốt cho mình và cũng tốt cho đời. Công việc giáo dục cần dựa trên những cột trụ nền tảng, bao gồm: Học để hiểu biết, Học để hành động, Học để sống với nhau, và Học để trở nên một con người. 4 trong những nền tảng giáo dục này con người phải học cho đến già, và đến chết. [3]

DẠY CON TỪ THUỞ CON THƠ

Ca dao Việt Nam có câu: “Dạy con, dạy thuở còn thơ”. [4]. Hoặc: “Dạy con từ thuở hài đề”, tức là lúc trẻ con trong thời gian bú mớm.

Theo Jean Piaget, ông tổ của ngành tâm lý trẻ em, thì nhận thức hay tri thức của trẻ em phát triển theo 4 giai đoạn: [5]

 

1.The Sensorimotor Stage (Giai Đoạn Cảm Xúc): 0-2 tuổi.

Bước đầu tiên của việc mở mang tri thức trẻ em. Trong thời gian này, trẻ em đầu tiên học biết về môi trường chung quanh qua những cảm giác và chuyển động tự nhiên. Ở cuối giai đoạn này (18-14 tháng), trẻ em tùy thuộc trên những nhận thức để giải quyết những vấn đề, dùng cử chỉ và ngôn ngữ để truyền đạt, và có thể giả bộ. Các em bắt đầu khả năng chọn lựa.

2. The Preoperational Stage (Giai Đoạn Tiền Nhận Thức): 2-7 tuổi.

Ở cuối giai đoạn 1, trẻ em bắt đầu dùng khả năng trìu tượng. Các em có khả năng dùng những diễn tả trìu tượng hơn bằng những dáng vẻ thể lý bề ngoài. Các em có chủ ý khi chơi và nói về những gì xảy ra trong quá khứ, hoặc một người vắng mặt trong phòng.

Các em có khả năng định giá dựa trên những gì giống nhau hoặc khác nhau, và bắt đầu hiểu về số lượng và chất lượng. Thí dụ, lớn hơn hoặc nhiều hơn. Nên biết rằng, một đứa trẻ 7 tuổi có khả năng nói dối (nói dối) một cách chuyên nghiệp.

3. The Concrete Operational Stage (Giai Đoạn Nhận Thức Cụ Thể ): 7-11 tuổi.

Giai đoạn này bắt đầu khi trẻ em lên 7 tuổi. Trong thời gian này, các em có khả năng giải quyết các khó khăn bằng lý luận, nhờ quan sát những chuyện này xảy ra chung quanh mình. Những khả năng tri thức đều phát triển tốt hơn ở thời điểm này.

Đặc biệt ở giai đoạn này, trẻ em hiểu được nội dung của câu chuyện đàm đạo hơn, và có thể giải quyết những khó khăn khi nói năng. Trao đổi liên quan đến ý tưởng mà các vật có thể giống nhau, ngay cả nếu chúng nhìn khác nhau. Thí dụ, một ly nước chia ra làm hai, một ly nhỏ và cao, trong khi ly kia thấp và to.

Mặt khác ở giai đoạn này, các em có thể:

– Hiểu được sự hoán chuyển của một vật thể. Thí dụ, một vật có thể trả về tình trạng ban đầu.

– Nhận ra sự thay đổi các vị trí khác nhau. Thí dụ, đường kính của nhiều vật, thay vì chỉ có một.

– Biết nhận diện người hay vật. Thí dụ, các vật cùng một thứ mặc dù chúng nhìn khác nhau.

4. The Formal Operational Stage (Giai Đoạn Minh Xác Nhận Thức): 11 tuổi – trưởng thành.

Lên 11 tuổi, trẻ em có khả năng suy luận về những ý tưởng trìu tượng, thời gian, con người và sự việc.

Các em có khả năng nghĩ về những giả thiết và những điều kiện khả thể khác nhau. Thí dụ những chuyện không tồn tại, không bao giờ tồn tại, hoặc là không thực tế và lạ lùng.

Không giống như các em nhỏ khi đối diện với những chuyện nguy hiểm. Thời kỳ này các em có thể ứng dụng những khả năng lý luận để nhận ra những khó khăn trong một hệ thống, hoặc tính cách lý luận. Bắt nhận định về một hành vi nhân tính. Đây cũng là thời gian phát triển về tâm lý đạo đức. Nó sẽ là nền tảng đạo đức cho một người trưởng thành sau này.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC GIÁO DỤC TUỔI THƠ

Thế giới hôm nay với những phát triển vượt bực về khoa tâm lý và giáo dục, cùng với những tiến bộ về khoa học, việc sử dụng những ứng dụng điện tử, những lạm dụng và lợi dụng của những ứng dụng này, vấn đề giáo dục càng ngày càng trở nên rất cần thiết, đặc biệt là nền giáo dục gia đình.  Từ đó, vai trò giáo dục của cha mẹ lại càng trở nên hết sức cần thiết. Câu hỏi là cha mẹ dành bao nhiêu thời giờ với con cái? Bao nhiêu thời giờ dành để giáo dục và hướng dẫn con cái?

“Đẻ con chẳng dạy, chẳng răn,
Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng”. [6]

Sai lầm lớn nhất hiện nay của nhiều cha mẹ là khoán trắng việc hướng dẫn và giáo dục cho học đường, cho nhà thờ, chùa chiền, hoặc các cơ sở giáo dục. Xã hội ngày nay vai trò giáo dục luân lý và đạo đức không thuộc phạm vi, trách nhiệm của học đường, các trung tâm giáo dục công hay tư nhân. Nhiều cha mẹ chỉ nhận ra sai lỗi này khi con em bước vào tuổi vị thành niên tức là khoảng 13 tuổi. Lúc đó họ mới giật mình, ngỡ ngàng và buồn bã vì con họ bắt đầu biểu hiện những cung cách, lời nói và hành động mà họ không nghĩ hoặc không lường trước. Thí dụ, quan niệm về đồng tính, hôn nhân đồng tính, phá thai, gia nhập băng đảng, tập tành hút sách, xâm mình, hoặc những ý nghĩ chuyển đổi giới tính. Không chỉ những thanh thiếu niên chưa trưởng thành, nhiều phụ huynh cũng đã than thở và tỏ ra thất vọng khi con họ dù đã tốt nghiệp đại học, có bằng cấp, có việc làm nhưng lại không màng gì đến chuyện lập gia đình. Một số tuy có lập gia đình lại không muốn sinh con, hoặc nếu sinh con thì lại khoán trắng cho học đường, nhà thờ, nhà chùa hay các cơ sở giáo dục…

Trở lại thời gian tốt nhất cho việc giáo dục là lúc đứa trẻ lên 3. Từ Điển Thành Ngữ Việt Nam có câu: “Con lên ba, cả nhà học nói”. Kinh nghiệm dân gian này được chứng minh của khoa tâm lý giáo dục, khi cho thấy rằng lên 3 tuổi, đứa trẻ đã sẵn sàng để bước vào những khuôn mẫu giáo dục, vì não bộ của em đã phát triển đầy đủ. Ngược lại, nhiều cha mẹ dường như ít để ý đến yếu tố này, và vì thế không mấy quan tâm và dành thời gian cho con. Đây là điều mà rất nhiều cha mẹ đã phải hối hận khi con mình bước vào tuổi dậy thì và sau này đã không như ý mình muốn. Hơn thế nữa còn gây ra bao nỗi đau kinh hoàng và sự thất vọng.

“Học khôn đến chết, học nết đến già”.  Câu tục ngữ này áp dụng cho việc học hỏi kinh nghiệm sống. Riêng về vấn đề giáo dục luân lý, đạo đức, nhân cách và đức tính của một con người thì thời gian thích hợp nhất là khi đứa trẻ lên ba, từ từ phát triển và dừng lại ở tuổi 17. Thời gian này được cho là nhân cách, cá tính, thói quen, tập quán của một cá nhân tạm định hình và đạt tới mức trưởng thành ở tuổi 30, “tam thập nhi lập”.

Tóm lại, từ 3 đến 17 tuổi là thời gian đứa trẻ rất cần cha mẹ, và ảnh hưởng giáo dục của cha mẹ có tác dụng lớn lao đến con cái. Bỏ lỡ cơ hội này cả cha mẹ và con cái đều là những người thua thiệt, dù rằng, cha mẹ có thể để lại gia tài kếch xù hay tiền triệu trong ngân hàng cho con cái. Tiền bạc chúng có thể làm được và kiếm ra được, nhưng nhân cách và đạo đức con người thì không thể mua bán hoặc đổi chác bằng tiền hay bằng địa vị xã hội.

___________

Tài liệu tham khảo:

  1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1o_d%E1%BB%A5c
  2. https://www.verywellmind.com› Psychology › Basics
  3. https://eduedify.com› four-pillars-of-learning-and-their-.
  4. Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. Tục Ngữ Phong Dao. Sống Mới xuất bản 1978.
  5. https://positivepsychology.com/piaget-stages-theory/
  6. Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. Tục Ngữ Phong Dao. Sống Mới xuất bản 1978.