Đau khổ và hệ lụy

Thánh lễ Tridentino- nét đẹp Truyền thống trong Phụng vụ Giáo hội
Lửa cháy
Biến hình

Chúa ơi, hôm nay con nhớ đến lời trối thứ tư của Người trên Thánh giá:
“Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, sao Người đã bỏ con?”(Mt 27, 46; Mc 15, 34).
Con chỉ là một thọ tạo bé mọn chẳng sao hiểu hết ý Cha, ngoài trừ là Cha tỏ lộ cho con biết. Con chỉ có thể dùng tâm tình của con người trong pham vi Cha ban, cùng với mối liên hệ mà con cảm nhận được từ Cha, mà suy gẫm. Nếu đẹp lòng Cha, thì xin cho con biết Cha muốn nói gì với con trong giây phút này, Cha nhé.
Một mình trong vườn Cây Dầu, Cha đã vâng phục mà lên tiếng:”Xin đừng theo ý Con, mà theo ý Cha vẹn toàn”, khi cầu nguyện với Chúa Cha. Con tin chắc rằng, giờ phút ấy Cha biết Cha phải chết. Cha biết Cha sẽ chết cách nào. Cha chấp nhận những nhạo báng, ngoảnh mặt. Cha biết tất cả, nhưng Cha đã không buông tay vì yêu và vâng phục. Đã trải qua bao nhiêu những việc ấy, còn chỉ vài giây phút thôi, con không cho rằng Cha trách Chúa Cha sao nỡ bỏ rơi Cha. Bởi lẽ, từ thuở đời đời Ba Ngôi: Cha, Con, Thánh Thần, nhưng là Một Thiên Chúa, duy nhất trong sự hiệp thông, đồng thời khác biệt nhưng cùng một bản thể và ngang hàng bằng nhau.
Con nhớ trong một lần đi nghỉ hè với gia đinh. Bản thân convừa sợ cao, lại không biết bơi. Nhưng vì muốn theo các con của mình, con đã gồng mình leo lên cầu tuột thật cao để trượt xuống cùng. Khi biết mình chạm vào mặt nước trong hồ, con quờ quạng tìm phao nước và đôi chân duỗi thẳng mong chạm được đáy hồ để đứng lên. Nhưng vô ích, hoàn toàn là một khoảng trống không. Mắt con không nhìn thấy gì, nhưng đầu óc lại rất tỉnh táo. Lúc đó con đã tự hỏi ít nhất là ba lần: “Chúa bỏ con sao? Con không tin. Con biết chắc không chết ở đây được “. Không biết bao nhiêu phút, đột nhiên con nghe tiếng con bé gọi: “Mẹ, are you ok?” và ngay lập tức tay con chạm vào tay con bé và đứng lên. Cảm giác trước cái chết khi ấy với con không phải là sự tuyệt vọng, mà là một khát khao mong mỏi và tin chắc rằng Chúa không bỏ mình trong giờ phút ấy.
Suy niệm đến đây, có phải Cha muốn con hiểu rằng con mang trong người hai cuộc sống. Thực tại xác thịt và sự thiêng liêng trong nội tâm. Khi đối diện với những thất bại, khổ tủi, nhọc nhằn, có thể sẽ bị thân thể yếu đuối kéo rơi vào vực thẳm. Những lúc ấy, lời trối của Cha như một nhắc nhở “hãy nhớ đến Chúa”. Hãy để lý trí hướng linh hồn, để Chúa ngự và hướng dẫn đời mình. Hãy kêu lên cùng Chúa.  Trong đời sống, khi một đứa con kêu lên lời khẩn cầu tha thiết “Cha ơi, sao Cha nỡ bỏ con“, sẽ không một người Cha nào có thể làm ngơ. Vậy thì Thiên Chúa của tình yêu và là tình yêu, sao có thể im lặng bỏ ta cho được. Ngài nhất định sẽ cứu lấy chúng con, sẽ bế con vào lòng mà xoa thuốc, làm sống lai trong chúng con một con người mới với hy vọng, đầy nghị lực và trao ban một trái tim mới biết chảy máu vì yêu anh em.
Con cho rằng lời trối này là lời nói với nhân loại hãy nhớ mình trong thân phận mỏng dòn, lúc nguy khốn dễ buông xuôi và bám víu vào những hư ảo. Thay vì than van tìm những cứu cánh ở nơi khác, hãy đến than van với Chúa, là Cha nhân từ hay xót thương. Khi ấy, những thở than, thậm chí cả trách phận, trước Thiên Nhan của Cha chí ái, sẽ trở thành ý chí và sức mạnh, nguồn hy vọng bởi vì Chúa sẽ không bỏ ai chạy đến cùng Người bao giờ.
Xin giúp con luôn biết rằng khi con người mất Thiên Chúa thì tình trạng khủng khiếp đến chừng nào. Nhưng cho dù thế nào, Chúa vẫn không ngoảnh mặt đi với nhân loại, Ngài đã hứng chịu tội lỗi và cam nhận tất cả những đớn đau bi thống vì yêu con người biết là ngần nào!

Tuần Bát Nhật Phục Sinh 2018
Thúy Hương