Mẹ Về Trời Sao Lòng Còn Mãi Vấn Vương

Mẹ Về Trời Sao Lòng Còn Mãi Vấn Vương

Đức Tổng Giám mục Oscar Romero: Nội tạng không phân hủy và các sự kiện ngạc nhiên khác
Giuse: Vị Thánh Ẩn Dật Nhưng Tỏa Sáng Vinh Quang
Thánh Lễ và Sống Đạo – Nghi Lễ Cũ Nhường Nghi Lễ Mới

“Mẹ lên trời giữa một ngày rực ánh sáng.
Đàn ca, các thánh tung hô,
nhân loại vui hát mừng,
vì xác hồn vẹn tuyền Mẹ về thiên cung.

Mẹ lên trời, ngày mừng vui cho thiên quốc.
Hào quang Mẹ Chúa Ba Ngôi,
sáng ngời khắp chín tầng,
vì xác hồn vẹn tuyền Mẹ tới Thiên Đàng.”

(Mẹ lên trời. Triệu Hà)

Những âm thanh du dương qua từng những nốt nhạc trầm bổng được hát lên trong tâm tình vui tươi, hân hoan, kính mừng Mẹ hồn xác về trời. Những dòng nhạc đưa tâm hồn nhiều tín hữu bay bổng vào cõi thiên thai, hòa cùng với muôn thần thánh cung nghinh, đón rước Nữ Vương của mình, khải hoàn vào Thiên Quốc.

Trong Sách Khải Huyền, Thánh Gioan Tông Đồ diễn tả biến cố này qua hình ảnh một nữ vương uy nghi, rạng ngời: “Một người nữ, mình mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (12:1). Hình ảnh này cũng đã được linh mục Hoàng Diệp đem vào dòng nhạc của mình, qua nhạc phẩm rất tuyệt vời:

Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông
Ðẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời
Oai hùng như đạo binh sắp hàng vào trận
Bà là ai ?

Bà là ai như huệ giữa chòm gai
Như hồng thiêng mầu nhiệm
Như đền vua vinh hiển
Như thành thánh Salem.
Bà là ai như hào quang Thiên Chúa
Như mùa xuân không úa
Như vì sao mai rạng, như chính cửa thiên đàng.
(Kìa Bà Nào. Lm. Hoàng Diệp)

Cảm nhận của trái tim dựa vào những lời Kinh Thánh trên giúp các tín hữu suy niệm về người Mẹ rất đáng yêu mến của mình vào ngày 15 tháng 8 hằng năm, ngày Giáo Hội Công Giáo khắp hoàn vũ long trọng mừng kính biến cố vô cùng trọng đại và vinh dự của Đức Maria vì được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác.

Nhưng bức tranh mà Thánh Gioan Tông Đồ đã vẽ ra trong uy nghi cao cả về Nữ Vương Thiên Đình, lại cũng có thấp thoáng bóng hình kẻ thù truyền kiếp của Thiên Chúa, của cả chính Mẹ, và của nhân loại. Thánh nhân nhìn thấy “Một dấu hiệu khác xuất hiện trên trời: một con rồng đỏ khổng lồ với bẩy đầu, mười sừng, và trên bẩy đầu có đội triều thiên.” (12:3)

Người nữ mình mặc áo mặt trời là Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Con rồng đỏ chính là Con Rắn vườn địa đàng, là tên Cám Dỗ gọi là Satan. Hắn chính là kẻ đã cám dỗ Nguyên Tổ, kéo theo những hệ quả của án phạt vườn Địa Đàng: “Và Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người nữ, giữa dòng dõi mi và dòng dõi người nữ. Người nữ sẽ đạp dập đầu mi, và mi thì rình cắn gót chân người” (Gen 3:15). Án phạt này cũng đã hé mở tương lai nhân loại về một trận chiến quyết tử giữa Satan và Đức Nữ Trinh Maria (Evà Mới). Giữa những con cái sự tối tăm và con cái sự sáng.

Sau khi Giáo Hội đã đóng sổ kho tàng Mặc Khải bằng cuốn Khải Huyền của Thánh Gioan,   chấm dứt công nhận mọi mặc khải phổ quát. Đối với Giáo Hội, những gì Thiên Chúa muốn tỏ lộ và nói với con người nhân danh tình yêu, và vì phần rỗi nhân loại thì đã được Ngài thực hiện xong. Tuy nhiên, vẫn theo Thánh Kinh, qua lời dạy của Thánh Phaolô, thì những lần hiện ra đó đây với người này, người kia vẫn được Thiên Chúa dùng như những tiếng nói nhắc nhở liên quan đến phần rỗi của một số người, hoặc chung cho nhiều người. Thánh nhân đã trình bày về giáo lý này, gọi đó là những lời tiên tri. Theo Ngài, không nên từ chối, cũng không nên vội vàng, hấp tấp, nhưng phải cẩn thận suy nghĩ, nghiệm xét (x. 1 Thes 5:19-21). Giáo Hội cho đây là những mặc khải tư, và không buộc tín hữu phải tin nhưng để tùy lòng sốt sắng và sự đón nhận của mỗi tâm hồn. Năm 1917, Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ chăn chiên, Lucia, Giaxinta và Phanxicô tại Fatima nước Bồ Đào Nha để thông báo cho thế giới biết về nạn Cộng Sản vô thần. Mẹ kêu gọi nhân loại hãy “Tôn sùng trái tim Mẹ, lần hạt Mân Côi, và cải thiện đời sống” để cứu thế giới sớm khỏi đại họa này. Hơn 300 năm trước tại La Vang, Việt Nam giữa cơn phong ba bách đạo, Mẹ cũng đã hiện ra nhắn nhủ, khuyên bảo, an ủi, và ban muôn ơn lành cho những tâm hồn thiện tâm muốn đón nghe sứ điệp của Mẹ. Và còn nhiều, nhiều lần hiển linh khác nữa trên khắp thế giới.

Tại sao Mẹ đã về trời, đang vinh hiển cùng với Thiên Chúa, cùng với muôn vàn thần thánh lại còn phải vấn vương cõi trần, và phải xuống trần gian để khóc. Những giọt nước mắt và những việc làm ấy của Mẹ mang ý nghĩa gì?

Ai trong chúng ta cũng đều biết, nước mắt Mẹ chảy ra vì Thiên Chúa đã bị xúc phạm quá nhiều. Vì rằng cánh tay công thẳng của Thiên Chúa sắp giáng xuống nhân loại nếu không mau ăn năn thống hối! Mẹ buồn vì những lời tiên tri trong vườn Diệu Quang năm xưa nay đang tiếp tục xảy ra một cách rất khủng khiếp cho nhân loại, nhưng phần đông nhân loại lại không quan tâm, hoặc giả điếc làm ngơ!

Không cắn được Mẹ, Satan và bè lũ bóng tối quay sang rình cắn “gót chân” của Mẹ là các con cái Mẹ. Những tiếng kêu cứu vang vọng tận trời cao của những đứa con tại Trung Cộng, tại các nước theo chủ thuyết Cộng Sản vô thần, tại các nước theo chủ thuyết tôn giáo cực đoan. Ở những nơi này, móng vuốt Satan luôn vươn ra để cấu xé con cái Mẹ bằng mọi hình thức. Hoặc tại các nước đang hít thở không khí của “nền văn minh sự chết” (Thánh Gioan Phaolô II), đắm chìm trong chủ thuyết luân lý tương đối (Moral Relativism). Ở những nơi này nọc độc của Satan đang phun ra để đầu độc các tâm hồn thiện chí, gây thương tích, âm thầm giết chết những người con thơ dại của Mẹ.

Từ trời cao, làm sao Mẹ không khỏi chạnh lòng khi nhìn xuống cơn đại dịch Vũ Hán (Covid-19) đang gieo kinh hoàng, sợ hãi và cướp đi bao sinh linh trên khắp hoàn cầu lúc này. Làm sao Mẹ không khỏi chảy nước mắt khi thấy lò lửa chiến tranh đang hừng hực chỉ chờ thiêu rụi thế giới. Riêng tại Hoa Kỳ, đất nước được phó dâng cho Mẹ với tước hiệu Vô Nhiễm Nguyên Tội lại đang phải đối diện với sự hận thù, hung hãn, tàn ác của con cái tối tăm, hành động theo sự xúi giục của Satan. Bọn người này đốt phá các thánh đường, giật đổ, phá vỡ, và xúc phạm đến ảnh tượng Mẹ, ảnh tượng Chúa Giêsu Con của Mẹ. Những hành động phạm thượng do sự thù ghét Thiên Chúa của Satan và của những con cái tối tăm, nhằm xóa bỏ đức tin, xóa bỏ hình ảnh Thiên Chúa trong lòng những người thiện chí.

Xưa trên đồi Gongotha, Mẹ đã âm thầm, can đảm đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu. Mẹ đã khóc thương Chúa vì bị nhân loại chối từ và đóng đinh. Mẹ đã nhận lấy sứ mạng làm mẹ nhân loại: “Hỡi bà. Này là con bà” (Jn 19:26). Ngày nay, giữa những vong ân, bội nghĩa của con cái loài người đối với Thiên Chúa, ngày càng làm ngơ trước lời mời gọi yêu thương của Ngài và của Mẹ. Tiếng mời gọi sống bác ái, yêu thương, và vâng giữ các huấn lệnh Chúa.

Không riêng gì những người không tin Chúa, nhiều người Công Giáo ngày nay cũng ly dị, phá thai, cũng đi theo lối sống đồng tính, hôn nhân đồng tính, và cũng hăm hở chạy theo những cám dỗ của đam mê, dục vọng. Một số các linh mục, giám mục, và nam nữ tu sỹ đã bỏ quên không thực hiện những lời khấn hứa: vâng phục, khiết tịnh, và khó nghèo. Nhiều vị còn để mình bị cuốn hút bởi sức mạnh quyền lực, danh vọng, dục vọng, và vì thế, đời sống tận hiến đã mất giá trị, gương chứng nhân đã bị vỡ nát, khiến cho người khác không thể nhìn thấy Chúa Giêsu qua họ. “Vì sự dữ gia tăng nên lòng mến của nhiều người sẽ nguội lạnh.” (Mt 24:12)

Mẹ đã về trời cả hồn lẫn xác, đang vinh hiển bên Con Chí Thánh, nhưng rồi cũng phải xuống trần để khóc quả là những biến cố cần chúng ta phải suy nghĩ. Không phải bằng những cảm tình nhất thời, nhưng bằng với ánh mắt Ðức Tin để nhìn ra đâu là những sứ điệp mà Mẹ muốn gửi cho từng người, gửi cho nhân loại. “Vì thời gian đã gần. Hãy ăn năn xám hối và tin vào Phúc Âm.” (Mk 1:15)

Người con ngoan thì không làm Mẹ mình phải khóc, và khiến cho lòng Mẹ phải vấn vương.