Rất khó để có một thống kê chính xác về ngoại tình. Tuy nhiên, con số đàn ông ngoại tình nhiều hơn so với con số đàn bà ngoại tình. Tính chung, có khoảng 15-20% những người đã có gia đình ngoại tình.
Một khảo cứu khác cũng cho thấy trong số những người ngoại tình, có đến 350% cơ hội sẽ ngoại tình trở lại. Không phải chỉ tuổi trẻ, những người ngoại tình bao gồm ở tuổi 50 và 60. Phần lớn họ đã sống trong đời sống hôn nhân từ 20 đến 30 năm. [1]
Hậu quả của ngoại tình dĩ nhiên là tồi tệ, vì nó phá hoại hạnh phúc hôn nhân, gia đình, và tương lai con cái. Nhưng câu hỏi ở đây là trong những trường hợp lỡ lầm, gạo thổi thành cơm, hay ván đã đóng thuyền, có nghĩa là chuyện ngoại tình đã xảy ra rồi thì phải làm gì để cứu vãn, để sửa sai?
Câu trả lời trong hướng tích cực vẫn là tội gì thì cũng có thể tha, cũng có thể chừa miễn sao người phạm tội biết nhận ra tội của mình, nói lời xin lỗi, và quyết tâm chừa lỗi. Một lý do phụ thuộc khác nhưng cũng rất quan trọng, đó là nạn nhân trong những trường hợp này có sẵn sàng tha thứ hay không?
BA CÁI LĂNG NHĂNG
Trong tứ đổ tường là cờ bạc, rượu chè, trai gái, và nghiện hút tất cả đều khó bỏ, khó chừa một khi nó đã thành thói quen, thành nghiện. Theo tâm lý thì không ai nhận mình là say sưa, cũng như chẳng ai cho mình là đam mê bài bạc hoặc thuốc xái. Những câu trả lời chống chế như: vui thôi mà, đánh vài ván cho vui thôi, ăn thua gì… Nghiện hút và trăng hoa gái gú cũng vậy, hút điếu thuốc cho ấm lòng, đỡ nhạt miệng, hay đỡ căng thẳng. Hoặc chút tình cảm hương hoa để đời bớt tẻ nhạt, cho có chút bóng mát giữa trưa hè nóng bức của sa mạc cuộc đời… Tất cả là đẹp, là dễ thương, là hấp dẫn ở bước đầu, nhưng một khi đã đi sâu, đã rơi vào tình trạng nghiện rồi, việc từ bỏ những thứ đó không hề dễ. Nó lệ thuộc rất nhiều yếu tố: Yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan. Yếu tố tâm lý, tâm linh, và xã hội.
Với kinh nghiệm của một người ăn chơi đã được văn chương hóa đó là Tú Xương, ông đã thành thật với chính những đam mê của mình:
“Một trà, một rượu, một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta,
Chừa được thứ nào hay thứ nấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà.” [2]
Nói một cách rõ ràng là chuyện gái gú, trăng hoa là chuyện khó chừa nhất.
CẦN MỘT LÝ DO
Khi đã để mình vướng vào bất cứ tệ nạn xã hội nào thì việc chừa bỏ luôn luôn là khó. Nói là khó chứ không phải là không thể. Một số bạn hữu tôi quen biết đã bỏ rồi lại không bỏ hút thuốc. Một số khác đã chừa nhưng lại uống rượu lại. Và một số vướng vào chuyện tình cảm thì cũng đã chừa nhưng lại không chừa được.
Trong thực tế, dù chừa hay chừa rồi lại quay trở lại, hoặc chừa, bỏ dứt khoát tất cả đều cần một lý do. Cái khó khăn trong việc sửa một khuyết điểm, một lỗi lầm là người phạm lỗi bằng một hình thức nào đó nhận ra cái lỗi hay khuyết điểm của mình. Tiếp đến là dám mạnh dạn nói lời xin lỗi. Làm được như vậy đã kể như đi được một nửa con đường hoàn thiện.
Khi nói về việc nhận ra những lỗi lầm hoặc đam mê cần sửa là bước đầu của nhận thức, tôi nhớ lại câu truyện của một người. Anh là một người uống rượu mạnh. Thời trai trẻ, tửu lượng của anh được cho là không có đối thủ. Nhưng rồi sau khi miền Nam Việt Nam bị sụp đổ, mang kiếp tha hương, trong một phút của bản năng trổi dậy, trong lúc đang lái xe anh thèm một ly bia hay một ly rượu. Và anh dừng lại ở một quán bên đường mua một loon bia để tạm giãn cơn khát, đè nén sức kháng cự của nồng độ rượu. Nhưng chợt nghĩ lại, anh thấy bạn bè mình đứa còn, đứa mất, đứa đi tù trong các trại cải tạo không có ngày về. Bỗng quá khứ hiện về và lòng anh thổn thức. Anh tự nhủ: “Còn mình, mang kiếp tha hương nơi đất lạ, xứ người vui gì mà uống.” Thế rồi anh quăng loon bia vào thùng rác và từ đó đến nay anh không bao giờ đụng đến rượu, bia. Có một lần trong lúc bạn bè trên bàn ăn hỏi anh sao không uống chút cho vui, và anh đã trả lời: “Sợ bệnh cũ tái phát!”. Câu trả lời của anh cùng với quyết tâm chừa rượu của anh là một bài học rất quí giá. Theo tôi, cái giá anh phải trả không chỉ là tình cảm mà còn cả lý trí và ý chí. Bởi vì chừa rượu, chừa trà, chừa thuốc, ngay cả chừa thói trăng hoa tuy dễ, nhưng bỏ được dứt khoát là một nỗ lực đòi hỏi nhiều cố gắng. Tôi phục anh!
Nhưng tiến trình còn lại của một nửa chặng đường phía trước, đặc biệt đối với trường hợp ngoại tình, là nạn nhân hay người phối ngẫu cũng phải biết giơ tay ra nâng đỡ người trở về với sự tha thứ và khích lệ.
CẦN MỘT BÀN TAY
Trở lại vấn đề của người trở về, tuy khó nhưng theo tâm lý và trong thực hành việc duy trì được tình cảm, được quyết tâm cũng phải cần một bàn tay đưa ra, một sự nâng đỡ, và khích lệ. Trường hợp ngoại tình, bàn tay ấy chính là bàn tay của người vợ hay người chồng. Chính bàn tay này sẽ nâng dậy bước chân sa ngã, và làm vững lòng người muốn quay trở về đường chính.
Nếu một người ngoại tình đã thật tâm muốn quay trở về nhưng không được sự thông cảm, tha thứ của người phối ngẫu thì việc họ quay trở lại đường cũ là chuyện đương nhiên. Trong số những người ngoại tình, có đến 350% cơ hội sẽ ngoại tình trở lại. Sự thiếu thông cảm, nâng đỡ và tha thứ của người phối ngẫu phải chăng cũng ở trong số những cơ hội này.
CẦN SỰ THA THỨ
Hành động tha thứ của người phối ngẫu ở một khía cạnh nào đó, xét về lý thuyết cũng tương đương với hành động đứng dậy và quay trở về của người ngoại tình. Vì trong trường hợp ngoại tình, người phối ngẫu cũng bị xúc phạm và tổn thương.
“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”. [3]
Làm lẽ hay làm chánh trong chế độ đa thê luôn luôn là một đề tài tâm lý trong hôn nhân của người phụ nữ trong nền văn hóa nước ta trước đây. Không phụ nữ nào cam phận làm cái bóng của người khác trong hôn nhân. Cũng không ai cam tâm để tình yêu của mình bị lợi dụng, bị chia sẻ. Bởi đó, trong trường hợp ngoại tình, nếu việc trở về của người ngoại tình khó một, thì việc chấp nhận và tha thứ khó hơn gấp nhiều lần. Vì theo tâm lý, hình ảnh người chồng, người vợ ngoại tình là hình ảnh mà không dễ dàng quên được. Nó càng trở nên thách đố hơn, nếu thời gian và hoàn cảnh ngoại tình đã để lại những vết thương lòng trầm trọng.
Do đó, chỉ có thể nói được rằng vì tình yêu mới có thể bỏ qua một lỗi lầm như vậy. Một lỗi lầm gây tổn thương về danh dự, về tình cảm, về tâm lý, đôi khi về tài chính nữa. Và đó cũng là lý do tại sao ngoại tình là tội có thể tha, nghĩa là nó có thể được tha tùy vào mức độ hối cải và tùy vào tình yêu của người phối ngẫu. Tuy nhiên theo tâm lý, người phụ nữ tha nhưng khó quên.
THA NHƯNG KHÓ QUÊN
“Tha nhưng khó quên” hay đúng ra phải nói “tha nhưng không quên” là một tâm lý sống của người phụ nữ. Điều này có thể kiểm chứng được qua những giao tế và cách sống thường ngày. Và nó cũng là một điều nhắc nhở cho những đàn ông trăng hoa phải nghĩ lại trước khi lao vào những cái mà làm cho vợ hay người yêu của mình “khó tha thứ” hoặc “không tha thứ” cho mình.
Nhưng đó cũng là điều nhắc cho các chị em phụ nữ rằng nếu như không may có người chồng mang thói trăng hoa, ngoại tình. Tự bản chất, nếu hành động ngoại tình khiến chị em đau khổ, khó tha thứ, thì cũng nên nghĩ lại vì tình yêu, vì hạnh phúc gia đình, vì hạnh phúc và tương lai con cái để nhịn nhục và tha thứ. Tâm lý của những người sau khi phạm sai lầm nhưng thành tâm muốn ăn năn trở lại là mặc cảm tự ty. Họ rất sợ khi nghe nhắc lại quá khứ, đặc biệt, với thái độ hoài nghi và dằn vặt.
Sẽ có người nêu lên câu hỏi: “Làm sao tha khi những hình ảnh ấy luôn luôn quanh quẩn trong đầu tôi? Hoặc chính tôi đã tha nhưng xem như người ấy không thật tâm đối với sự tha thứ của tôi?
Câu trả lời là, một vết cắt luôn để lại một cái sẹo. Muốn hay không muốn cái sẹo ấy vẫn là hình ảnh nhắc nhớ về một quá khứ. Nhưng không lẽ chúng ta cứ mãi phải sống với quá khứ đó. Hãy mở lòng mình với sự tha thứ để tâm hồn được bình an, và để đời sống có ý nghĩa, “Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ”. [4] Và mỗi lần tha như vậy là ta làm cho tình yêu mình trở thành lớn lao, lòng người trở về được nhẹ nhàng, và hạnh phúc sẽ đong đầy con tim của các bạn.
___________
Nguồn:
1.
Infidelity Statistics on Men, Women, and Relationships …
https://divorce.lovetoknow.com › Divorce › About Divorce
2. Ba Cái Lăng Nhăng. Thơ Trần Tế Xương, NXB Văn hoá – Thông tin, 1998
3. Lấy Chồng Chung. Kiều Thu Hoạch, Thơ nôm Hồ Xuân Hương, NXB Văn học, 2008
4.Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô