Nguồn Hy Vọng Của Chúng Con

Nguồn Hy Vọng Của Chúng Con

Trầm Cảm Do Ảnh Hưởng Của COVID
Kinh Cầu Trong Cơn Dịch Bệnh CoronaVirus
Linh mục người Ý đồng tế Thánh lễ mừng sinh nhật lần thứ 100 của mình với 4 người con linh mục

Spes nostra, salve

Trần Mỹ Duyệt chuyển ngữ

“De Maria numquam satis” (Thánh Bênađô) – Nói về Mẹ thì không bao giờ cùng. Trong thời buổi hiện nay trước bao hiểm nguy giăng mắc, bao xáo trộn, thử thách trong và ngoài Giáo Hội khiến nhân loại trở nên hoang mang lo lắng và sợ hãi. Vì thế, nói về lòng nhân từ và xót thương của Mẹ Maria, khuyến khích con người chạy đến với Mẹ để Mẹ chỉ dẫn cho biết cách tìm được hy vọng nơi Chúa là điều rất cần thiết.

Những dòng sau đây được chuyển ngữ từ phần I, chương 3 phiên bản Anh ngữ tác phẩm The Glories of Mary do The American Society for the Defense of Tradition, Family and Property thực hiện. Nguyên ngữ bằng tiếng Ý của Thánh Anphonsus Maria de Liguori Sáng Lập Dòng Chúa Cứu Thế, Giám Mục và Tiến Sỹ Hội Thánh trước tác.

***

Những kẻ tà đạo tân thời không thể chấp nhận điều mà chúng ta xưng tụng Đức Maria bằng cách gọi người là hy vọng của chúng ta. Kính chào hy vọng của chúng con, “spes nostra salve”. Họ nói chỉ mình Thiên Chúa mới là hy vọng của chúng ta, và rằng đặt hy vọng của Ngài nơi một tạo vật là làm nhục cho Thiên Chúa. Đức Maria, đối với họ chỉ là một tạo vật, và như một tạo vật, làm cách nào người có thể là hy vọng của chúng ta? Chính vì vậy, thay vì những điều các người tà đạo nói, Giáo Hội đòi hỏi các giáo sỹ, tu sỹ hằng ngày dâng lời thay cho toàn thể các tín hữu kêu cầu Đức Maria bằng một tên gọi hy vọng ngọt ngào của chúng ta, niềm hy vọng của toàn thể nhân loại: “Kính chào hy vọng của chúng con!”

Hai hình ảnh Thánh tiến sỹ thiên thần Thoma đã dùng để giải thích làm cách nào chúng ta có thể đặt hy vọng của mình nơi một người: như chính nguồn, và như trung gian. Đối với những ai hy vọng một ân huệ nào từ một ông vua, người ấy hy vọng ân huệ đó đến từ ông vua như đấng tối cao, hoặc đến từ một đại thần được sủng ái như người trung gian chuyển cầu. Nếu ân huệ ấy thay vì được ban cho trước tiên từ nhà vua, nhưng lại đến từ trung gian mà chúng ta nhờ cậy, thì người đó là hy vọng của chúng ta. Vua trên trời, vì Ngài tốt lành tuyệt đối, luôn mong muốn làm giầu cho chúng ta bằng những ân huệ của Ngài. Nhưng về phần tin tưởng của chúng ta, để tăng lòng tin tưởng của chúng ta, Thiên Chúa đã ban người mẹ của Ngài làm mẹ chúng ta và là đấng cầu bầu của chúng ta, và Ngài còn ban cho mẹ mọi quyền năng để hỗ trợ chúng ta. Từ đó, Ngài muốn chúng ta đặt tất cả niềm hy vọng cứu độ và mọi phúc lành của chúng ta. Đối với những ai đặt tất cả hy vọng của họ trên các tạo vật, mà không lệ thuộc vào Thiên Chúa, như những tội nhân làm, những người tìm kiếm muốn liên hệ và ân huệ của con người, chúng sẽ làm buồn lòng Thiên Chúa, và dĩ nhiên, bị Thiên Chúa nguyền rủa như lời tiên tri Isaia đã nói. Nhưng với những ai hy vọng nơi Mẹ Maria, như người mẹ của Thiên Chúa, quyền năng để kêu cầu cho họ những ơn phúc và sự sống đời đời, sẽ được chúc lành và làm Thiên Chúa vui lòng, Đấng muốn nhìn thấy tạo vật cao sang của Ngài được vinh hiển, vì Người vượt trên các thần thánh và muôn loài tạo vật đã yêu mến và tôn vinh Ngài trên thế giới này.

Vì vậy, chúng ta mới gọi Đức Trinh Nữ là hy vọng của chúng ta, như Hồng Y Bellarmine [1] đã nói, để đón nhận, qua sự bầu cử của Mẹ những gì chúng ta không thể nhận được bằng lời cầu của riêng mình. Chúng ta cầu xin Người, Thánh Anselmô nói, là để sự cao trọng của lời cầu xin của đấng bầu cử phù giúp cho sự bất xứng của chúng ta. Vì vậy, thánh nhân thêm rằng, để van xin Đức Trinh Nữ với niềm hy vọng như vậy, không có nghĩa là thiếu tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng chỉ là lo sợ về sự bất xứng của mình.

Với những lý do Giáo Hội đã áp dụng cho Đức Maria, và qua lời Hội Thánh, Thánh Anselmô ca tụng mẹ: “Mẹ của hy vọng thánh thiện”. Người Mẹ ấy đã khuyến khích chúng ta không bằng hy vọng hão huyền vào tình thương và những chuyển hóa đang đến của cuộc đời, nhưng với hy vọng thánh thiện của phúc lộc thiêng liêng và vô biên của đời sống được chúc phúc sẽ tới. Thánh Ephrem vì thế cũng đã chúc mừng Mẹ thánh đức: “Kính mừng hy vọng của các tâm hồn! Kính mừng ơn cứu độ vững chắc của các Tín Hữu! Kính chào Đấng phù hộ các tội nhân! Kính chào Đấng bào chữa các tín hữu, và sự cứu rỗi của thế giới!” Thánh Basiliô dạy rằng sau Thiên Chúa, chúng ta không có hy vọng nào khác ngoài Đức Maria, vì thế, ngài đã gọi Mẹ: Hy vọng duy nhất của chúng ta sau Thiên Chúa, “Post Deum sola spes nostra”; và Thánh Ephrem, suy diễn về thứ tự Quan Phòng trong cuộc đời này, từ đó Thiên Chúa đã thiết lập (như Thánh Bênađô (Bernard) nói, và chúng tôi đã giải thích) rằng tất cả những ai được cứu rỗi nhờ Mẹ Maria, hãy van xin người: “Ôi! Lạy Mẹ, là đấng không ngừng đón nhận và là chỗ nương náu của chúng con dưới áo choàng che chở của Mẹ. Vì sau Thiên Chúa ra, chúng con không có hy vọng nào khác ngoài Mẹ. Cùng một cách nói, Thánh Thomas thành Villanova gọi Mẹ là nơi trú ẩn duy nhất, phù giúp, và bảo vệ duy nhất của chúng ta. Thánh Bênađô, đưa ra lý do cho nhận xét này bằng câu nói: Hỡi con người, nhìn đây dự định của Thiên Chúa, một lòng thương xót chan hòa; vì, ước muốn cứu độ nhân loại, Ngài đã đặt cái giá cứu chuộc trong bàn tay Đức Maria, để người có thể ban phát nó tùy ý.

Thiên Chúa đã lệnh cho Maisen làm một tòa thương xót bằng vàng ròng, và nói với ông rằng từ nơi đó Ngài sẽ nói với ông: “Ngươi sẽ làm một tòa thương xót bằng vàng ròng. Từ nơi đây Ta sẽ ban những huấn lệnh, và sẽ nói với ngươi.” Một số tác giả giải thích tòa thương xót này là Đức Maria, qua người, Chúa nói với con người, và ban phát cho chúng lòng thương xót, ân sủng, và muôn ơn lành. Vì vậy, Thánh Irênê nói rằng Ngôi Lời, trước khi đầu thai trong lòng Đức Maria, đã sai tổng lãnh thiên thần đến xin sự ưng thuận của Người, vì Ngài muốn thế giới nợ Mẹ lòng thương xót và ơn nhập thể. Cũng thế, Đấng Tự Hạ nhấn mạnh rằng mọi phép lành, mọi sự giúp đỡ, mọi ơn phúc mà con người nhận được hoặc sẽ nhận được từ Thiên Chúa cho đến tận thế đã được ban cho và sẽ được ban cho qua lời cầu bầu và qua Mẹ Maria. Từ đó, Blosius [2] một tu sỹ đạo đức kêu lên: Ôi lạy Maria, Đấng rất đáng ca tụng, và rất có phúc cho ai có lòng yêu mến Mẹ, và sẽ rất nguy xuẩn và bất hạnh cho những ai không yêu mến Mẹ! Trong lúc lo âu và nghi nan, Mẹ soi sáng trí lòng cho những ai phó thác những gian nan của họ cho Mẹ. Mẹ là nguồn an ủi cho những ai tín thác nơi Mẹ trong những giờ phút nguy nan. Mẹ giúp đỡ những ai kêu cầu. Và Blosius tiếp tục, Mẹ ở bên Con chí thánh của Mẹ, bảo đảm ơn cứu độ cho những đầy tớ của Mẹ. Kính chào, ôi, hy vọng của sự thất vọng. Kính chào Đấng phù trợ những người nghèo khổ! Ôi Maria, Mẹ là nữ vương, vì Con Mẹ đã muốn tôn vinh Mẹ bằng cách thực hành ngay mọi ý muốn của Mẹ.

Thánh Germanus nhìn nhận Đức Maria như suối nguồn mọi phúc lành, và giải thoát khỏi mọi sự dữ, đối với những ai kêu xin Mẹ: Lạy Mẹ, Mẹ là người duy nhất giúp đỡ con, được Thiên Chúa ban tặng cho con. Mẹ là Đấng hướng dẫn bước đường con đi, nâng đỡ những yếu đuối của con, làm giầu sự khó nghèo của con, là người đem con từ tình trạng nô lệ tới hy vọng của ơn cứu độ của con. Xin hãy lắng nghe, con cầu xin Mẹ cho con những ơn phù giúp, ghé mắt xót thương về bên con. Mẹ là nữ vương của con, là nơi con nương náu, sự sống của con, ơn cứu giúp, niềm hy vọng, và sức mạnh của con.

Một cách xác tín, tiếp đó, Thánh Antoninus áp dụng vào Đức Maria lời sách Khôn Ngoan: “Giờ đây tất cả mọi sự lành đến với tôi cùng với Mẹ”. Vì Đức Maria là mẹ của Thiên Chúa và là đại lý mọi ơn lành. Thế giới có thể nói một cách chính xác và một cách đặc biệt, những ai trong đó tận hiến cho nữ vương này, rằng, cùng nhau với lòng sùng kính Đức Maria, họ nhận lãnh mọi ơn lành. Vì thế, Viện Phụ của Celles đã nói một cách quả quyết: Ai đã tìm thấy Đức Maria, người ấy tìm được mọi sự lành. Người ấy tìm thấy mọi ân huệ và mọi nhân đức; vì Mẹ do lời cầu bầu quyền năng của người nhận lấy cho người ấy một sự tràn trề những nhu cầu làm cho mình trở nên giầu có trong ân sủng. Mẹ ban cho chúng ta hiểu rằng Mẹ có mọi sự từ sự sung mãn của Thiên Chúa, đó là, lòng thương xót, để người có thể ban những ơn phúc cho những ai yêu mến Mẹ: “Với ta là sự giầu có và vinh quang, rằng ta có thể làm giầu cho những ai yêu mến ta.” Vì thế, Thánh Bonaventura (Bonaventure) nói: Chúng ta phải gắn chặt đôi mắt mình chăm chú nhìn vào bàn tay của Đức Maria, vì qua Người chúng ta có thể nhận được những phúc lành mà chúng ta ao ước.

Thật vậy! Có bao người kiêu căng đã tìm được sự khiêm nhu qua lòng sùng kính Đức Maria; có bao người độc ác tìm được sự nhu mì; mù lòa thấy ánh sáng; thất vọng trở nên tự tin, hư đi tìm được ơn cứu độ! Và một cách chắc chắn, như Mẹ đã từng tiên tri về mình khi đến thăm bà Isave mà sau này được vang lên trong thi ca: “Rồi đây muôn đời sẽ gọi tôi diễm phúc”. Những lời này Thánh Bênađô lập lại, và nói: Mọi dân nước sẽ gọi tôi diễm phúc, vì mọi dân nước người đã ban cho sự sống và vinh quang. Trong người những tội nhân tìm được ơn tha thứ, và chỉ tìm thấy sự bền đỗ trong ơn thánh. Từ đó đan sỹ Lanspergius [3] đại diện cho Chúa nói với thế giới: Hãy tôn kính mẹ Ta với lòng kính tôn đặc biệt. Hỡi con người, Ngài nói, con cháu đáng thương của Adong, những kẻ sống giữa muôn kẻ thù và quá nhiều đau khổ, hãy cố gắng tôn vinh với lòng sốt sắng mẹ của Ta và cũng là Mẹ của các ngươi. Ta đã ban người cho thế giới như một mẫu gương của sự trinh trong, nơi ẩn náu và nương nhờ trong những lúc sầu khổ. Một cách chính xác, Ta đã ban Đức Maria cho thế giới để trở nên một tấm gương cho các người, để từ Người, các ngươi có thể học để sống như các ngươi phải sống, và trở nên nơi nương náu cho các ngươi, để các ngươi có thể nghỉ dưỡng nơi người, trong những thời kỳ khốn khó của các ngươi. Đây là con Ta, Thiên Chúa nói, Ta đã tạo dựng như vậy để không một ai có thể sợ Người, hoặc không muốn nương nhờ Người, vì Ta đã tạo dựng Người từ trước muôn thuở và bản tính trắc ẩn, để Người không ngừng ban ơn cho những ai tìm kiếm sự chở che của Người, và Người sẽ không từ chối ân huệ đối với bất cứ ai kêu cầu Người. Người phủ áo choàng của lòng thương xót trên tất cả, và không bao giờ để ai trở về tay không. Ước chi lòng lân tuất hải hà của Thiên Chúa chúng ta vì thế luôn được chúc phúc, Đấng đã ban cho chúng ta người mẹ cao cả và trạng sư rất mực yêu thương, nhân từ này. Ôi! Nhân từ biết bao những cảm tình của lòng tín nhiệm đã đổ đầy trái tim rất yêu mến của Thánh Bonaventura, đối với Chúa Giêsu Cứu Thế của ngài, và Đức Maria, Đấng bầu cử yêu thương của chúng ta! Xin Chúa tẩy rửa tôi bao lâu để xứng đáng với Ngài. Tôi biết rằng Ngài sẽ không từ chối chính Ngài đối với những ai yêu mến Ngài, và những ai tìm kiếm Ngài với trái tim trong sạch. Tôi sẽ ôm lấy Ngài bằng tình yêu, và tôi sẽ không để Ngài lìa khỏi tôi cho đến khi Ngài chúc phúc cho tôi, và Ngài sẽ không xa lìa khỏi tôi. Nếu tôi không thể làm được gì khác, thì ít nhất tôi sẽ ẩn náu mình trong những vết thương của Ngài; ở đó tôi sẽ định cư, và Ngài sẽ không tìm thấy tôi ở đâu ngoài Ngài. Sau cùng, ngài thêm, nếu Đấng Cứu Chuộc, vì tội tôi mà đuổi tôi ra khỏi chân Ngài, tôi sẽ ném mình tôi dưới chân mẹ Ngài là Đức Maria, và phủ phục ở đó. Tôi sẽ không rời đi cho đến khi Người xin cho tôi ơn tha thứ dưới chân Người, vì người mẹ thương xót này chưa bao giờ quên mà không xót thương và an ủi nỗi bất hạnh những ai chạy đến kêu xin Mẹ giúp; và vì thế, nếu không vì bắt buộc, ít vì lòng xót thương, Người không thất bại khi nài xin Con mẹ tha thứ cho tôi.

Giờ đây, xin hãy nhìn đến chúng con, và, chúng con sẽ kết thúc bằng những lời của Euthymius [4], xin nhìn đến chúng con, bằng cặp mắt xót thương. Ôi! Mẹ rất xót thương của chúng con, vì chúng con là những tôi tớ của Người, và trong Người chúng con đặt trọn niềm hy vọng.

_____________________

Ghi chú của người dịch:

  1. Thánh Robert Bellarmine, SJ (1542-1621)tu sỹ Dòng Tên người Ý. Ngài là Hồng Y của Giáo Hội. Ngài được phong thánh năm 1930. Ngài là một trong 37 vị thánh được nâng lên hàng Tiến Sỹ Hội Thánh.
  2. Louis de Blois, O.S.B. (1506-1566), đan sỹ và văn sỹ huyền bí. Ngài được gọi với tên quen thuộc là Blosius.
  3. John Justus. Tu sỹ Carthusian và là nhà văn người Đức. Ngài thường được biết đến với tên gọi Lanspergius, nơi sinh của ngài.
  4. Thánh Euthymius Cả (377 – 473) là viện phụ ở Palestine. Ngài được kính cả trong Giáo Hội Công Giáo Roma và Các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương.