Nữ Vương Cao Sang

Nữ Vương Cao Sang

Tháng 9 : Mười cách để tôn vinh Đức Mẹ Sầu Bi
Yêu Thương Kẻ Thù – MT 5, 43-48
Tâm Thần Hay Quỷ Ám?

Trần Mỹ Duyệt

 

Mẹ đã được đưa về trời cả hồn lẫn xác, và được tôn vinh Nữ Vương trời đất. Công Đồng Vaticanô II, sau khi nhắc lại việc Đức Trinh Nữ Maria “cả xác lẫn hồn vào vinh quang thiên quốc”, đã giải thích rằng “Mẹ được Chúa tôn làm Nữ Vương trên tất cả mọi sự, để Mẹ có thể hoàn toàn nên giống hơn Con Mẹ là Chúa các chúa (x Rev 19:16) và là Đấng chiến thắng tội lỗi cùng sự chết” (Lumen Gentium, 59).

Tước hiệu Nữ Vương của Đức Maria bắt đầu từ thế kỷ thứ năm, hầu như trong cùng một giai đoạn Công Đồng Êphêsô. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong bài giáo lý về Thánh Mẫu đã dạy rằng: “Sau khi công bố Mẹ là “Mẹ Thiên Chúa”, tước hiệu Nữ Vương cũng đã được bắt đầu được gán cho Mẹ, vì các tín hữu muốn đặt Mẹ lên trên tất cả mọi thụ tạo, vinh thăng vai trò và tầm quan trọng của Mẹ nơi đời sống của hết mọi người cũng như của cả thế giới.” [1]

“Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành.” Không phải chờ đến ngày Mẹ về trời, vai trò “nữ vương” của Mẹ mới được biết đến và ca tụng. Ngay khi còn sống trên mặt đất này, trái tim của người mẹ đã thúc đẩy Mẹ thực hiện những gì thuộc về bản năng và quyền hạn của một người Mẹ. Trong Thánh Kinh, khi ghi lại biến cố tiệc cưới Cana, thánh Gioan đã diễn tả hình ảnh ấy và cho thấy Đức Maria đã can thiệp một phép lạ, theo Chúa Giêsu, giờ làm việc ấy chưa tới. Thánh Gioan ghi lại mẩu đối đáp giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria:

-Họ hết rượu rồi! (Gioan 2:3)

-Chuyện đó có can gì đến bà và tôi. Giờ tôi chưa đến. (Gioan 2:4)

Nhưng câu truyện không dừng lại ở đó, vì Mẹ đã biết mình phải làm gì, và Chúa Giêsu cũng biết mẹ mình muốn gì, còn Ngài thì phải làm gì. Bởi đó, Mẹ vẫn nói với các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Gioan 2: 5) Thử hỏi nếu không phải là người có quyền, có mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết và thiêng liêng như Mẹ Maria và Chúa Giêsu, ai dám mạnh dạn nói những lời như thế? Dĩ nhiên, trong trường hợp ấy, khía cạnh khiêm nhường, tin tưởng đối với quyết định của Chúa Giêsu, cũng như tình thương mà Đức Maria đối với đôi tân hôn là những điểm được nhấn mạnh, và đề cao.

Tân Ước đã diễn tả hình ảnh nữ vương của Mẹ khi can thiệp trong tiệc cưới Cana cho một người, hay một số người. Nhưng trong Cựu Ước, hình ảnh nữ vương của Mẹ đã xuất hiện như người che chở và cứu tinh cả nhân loại tội tình qua hình ảnh của hoàng hậu Esther. Trước câu hỏi của hoàn đế Ashasuerus: “Hoàng Hậu Esther, ái khanh muốn gì? Trẫm sẽ ban cho. Ái khanh xin gì? Dù một nửa nước, trẫm cũng sẽ cho.” (Esther 7:2) Lúc đó vì nghĩ đến dân nước mình sắp sửa bị tru diệt, bị bán làm nô lệ, Hoàng Hậu Esther đã quên không nghĩ đến mình nên đã thưa: “Nếu thần thiếp đẹp lòng hoàng thượng, và nếu hoàng thượng vui lòng, xin cho thiếp được sống. Xin cho dân thiếp được sống. Vì thiếp và dân tộc của thiếp đã bị đem bán để bị tiêu diệt, bị giết và sát hại.” (Esther 7:3-4)

Hoàng Hậu Esther đó chính là hình ảnh của Nữ Vương Maria trước mặt Thiên Chúa. Dân tộc Israel lúc bấy giờ là nhân loại sau này được trao vào quyền nữ vương của Mẹ. Haman là Satan và bè lũ của hắn. Khi nhìn thấy nhân loại, thần dân của mình bị Satan dụ dỗ, bị đưa vào con đường trầm luân, hư mất, cũng như Esther trước mặt hoàng đế Ashasuerus, Nữ Vương Maria đã cầu xin cho từng người, và chung cho toàn thể con cái của mình.

Chúng ta biết điều này là Mẹ đã lưu lại cõi đời này một thời gian dài để cảm nhận, để thấu hiểu và để chia sẻ với những nỗi thống khổ tân toan của đoàn con nơi dương thế. Và khi về tới Thiên Đình, Mẹ sẽ trình lên Thiên Chúa tất cả những điều ấy như Hoàng Hậu Esther đã thưa với hoàng đế Ashasuerus về những bất hạnh của dân bà.

Thánh Germanus I thành Contantinôpôli viết về sức mạnh lời cầu của Đức Maria: “Chúa Kitô muốn “có một kết nối giữa môi miệng của Mẹ với lòng trí của Mẹ; bởi thế Người đồng ý với tất cả mọi ước muốn Mẹ bày tỏ cùng Người, khi Mẹ chịu đựng vì con cái của Mẹ, Người làm tất cả mọi sự Mẹ kêu xin Người bằng quyền năng thần linh của Người” (Hom. 1 PG 98, 348).  [2]

Trên nơi cao xanh kia và trong vai trò Nữ Vương. hẳn là lòng Mẹ không thể không bồi hồi, xúc động mỗi khi nghe con cái mình kêu lên: “Chúng con, con cháu Evà ở chốn khách đày kêu đến cùng Mẹ.” Nơi đây chúng con đang bị móng vuốt Satan cấu xé, mưu ma chước quỉ của nó làm hại. Do đó, những lần hiện ra đó đây như Fatima, Lộ Đức, và La Vang… chính là để Mẹ an ủi, vỗ về, nâng đỡ đoàn con. Như lời Mẹ nhắn nhủ: “Mẹ đang ở đây. Mẹ có mặt đây. Chúng con hãy an lòng.”

Trích lại Trọng Sắc Ineffabilis Deus của Đức Piô IX, Đức Piô XII nhấn mạnh đến chiều kích làm mẹ nơi vai trò nữ vương của Đức Trinh Nữ: “Cảm thương chúng ta với lòng từ mẫu và quan tâm đến phần rỗi của chúng ta, Mẹ vươn vòng tay săn sóc của Mẹ ra ôm ấp tất cả loài người. Được Chúa cắt đặt làm Nữ Vương trời đất, được nâng lên trên tất cả mọi ca đoàn thiên thần cũng như tất cả mọi hàng ngũ các thánh trên trời, ngự bên hữu Người Con duy nhất của mình là Chúa Giêsu Kitô, Mẹ chắc chắn chiếm được những gì Mẹ muốn dùng lời nguyện cầu từ mẫu của Mẹ mà kêu xin; Mẹ chiếm được những gì Mẹ tìm kiếm và không bị khước từ” (xem AAS 46 [1954] 636-637). [3]

Khi màn đêm buông xuống, trong thinh lặng và nguyện cầu trước ảnh Mẹ khi kế thúc một ngày lưu đày nơi dương thế. Với tấm lòng người con tin tưởng, phó thác, chúng ta hãy vững lòng cầu xin cùng nữ vương và cũng là người Mẹ nhân lành: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời. Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Và khi qua khỏi đời này, xin cho chúng con được thấy Chúa Giêsu quả phúc của lòng Mẹ. Ôi khoan thay! Ôi nhân thay! Ôi êm thay! Thánh Maria, trọn đời đồng trinh.”

_________

[1], [2], [3]. Giáo Lý Thánh Mẫu: Kitô Hữu Nhìn Lên Nữ Vương Maria. Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ ngày 30/7/1997.