Thiếu nhi Thánh Thể Palawan hội ngộ 2018: Để nhớ, để Thương.

Ngày trở lại
Tia chớp đổi đời
Xét đoán

Trại tỵ nạn Palawan là một đảo nhỏ hẹp và dài thuộc nước Phi Luật Tân, sát với quần đảo Trường Sa, Việt Nam.
Trại tỵ nạn Palawan được thành lập từ năm 1979 do cao ủy tỵ nạn Liên hiệp quốc, qua sự giúp đỡ của chính phủ và Giáo hội Công giáo Phi Luật Tân, vì nhu cầu tăng cao làn sóng thuyền nhân từ Việt Nam qua đường biển.  Trại có 12 khu với 75 căn nhà lá hai tầng.  Mỗi nhà lá chứa được 12 người.
Khoảng năm 1989-1990, trại Palawan có số lượng thuyền nhân Vietnam trên dưới 10,000 người.  Bên cạnh các đoàn thể Công giáo tiến hành khác trong trại như ca đoàn, Legio Mariae, thanh niên Công giáo…, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể Việt Nam cứ nối tiếp tham gia sinh hoạt liên tục trong suốt thời gian dài dành cho tất cả các em thiếu nhi và qúy anh chị huynh trưởng đủ mọi lứa tuổi.  Nơi đây, những thổn thức đau thương của đời tỵ nạn, những tuyệt vọng khi bị các phái đoàn từ chối, những đau thương mất mát  người thân, bạn bè trên đường vượt biên, được thổ lộ và cầu nguyện tha thiết, trong những buổi tối đầy ưu sầu và cô đơn, mênh mang vô định.
Người tỵ nạn Việt Nam mất tất cả, chỉ còn tự do và niềm tin.  Bao nhiêu cảnh đoạn trường của kiếp sống trong trại tỵ nạn. Những thổn thức của đoàn con tỵ nạn Việt Nam lếch thếch lang thang và mỏi mệt sau chuyến vượt biên kinh hoàng đối diện với cái chết trên biển cả.  Tất cả đều tạ ơn Mẹ.
Ngày 14/3/1989, các trại tị nạn Đông Nam Á tuyên bố đóng cửa.  Riêng tại Phi Luật Tân, để biểu lộ lòng nhân đạo của chính phủ và Giáo hội, trại Palawan đóng cửa sau một tuần –  21/3/1989.  Các thuyền nhân Việt Nam đến sau ngày này không được nhận là tỵ nạn, họ phải qua một cuộc thanh lọc để xét xem có đủ tư cách tỵ nạn chính trị hay không.  Những tàu đến đảo Palawan sau ngày này rất đau khổ, chán nản, và tuyệt vọng…họ phải mang số danh bộ mới là PS, có nghĩa phải trải qua thanh lọc.
Lịch sử thuyền nhân Việt Nam không bao giờ lặp lại nữa… Tạ ơn Chúa. Tạ Ơn Mẹ Maria. Tạ Ơn đất nước và dân tộc Philippines đã đón nhận những thân phận tỵ nạn Việt Nam tại Palawan.
Trại tỵ nạn Palawan là trại chuyển tiếp,  các bạn đến và đi định cư ở các nước thứ ba trên khắp thế giới.  Đã hơn 30 năm từ ngày rời trại, TNTT Palawan vẫn tồn tại liên kết sinh hoạt rất sống động,  chính là nhờ kinh Mân Côi.  Hiện tại,chuỗi kinh Mân Côi của TNTT Palawan liên tục đọc mỗi ngày  khắp nơi trên thế giới: Hoa Kỳ, Úc Châu, Canada, Nauy, Đan Mạch, Nhật Bản…nơi nào có mặt  TNTT Palawan, nơi đó có kinh Mân Côi.  Bất kể bạn đang làm gì và ở đâu, bạn cũng có thể đọc kinh Mân Côi, mỗi người mỗi chục, năm người thành một chuỗi.  Tất cả lời kinh Mân Côi đều trở thành những hạt Thương, hạt Nhớ, hạt Vui, hạt Mừng  của TNTT Palawan.
Đến với Chúa qua Mẹ Maria. Trong cuộc sống cũng có những lúc gặp trắc trở và ít nhiều khó khăn, bạn đọc kinh Mân Côi. Mầu nhiệm kinh Mân Côi Đức Mẹ sẽ hóa giải và ban ơn lành.
Linh mục là một ơn gọi huyền nhiệm.  TNTT Palawan rất vinh dự và hãnh diện có hai huynh trưởng và một đoàn sinh được Anh Cả Giêsu chọn trở thành linh mục:  linh mục Kim Sơn đang phục vụ tại Melbourne Úc Châu, linh mục Lê Sơn, Dòng truyền giáo Ngôi Lời Hoa Kỳ, và linh mục Bình, đang phục vụ tai giáo phận Kalamazoo, Michigan.
Linh mục Lê Sơn ngay sau chịu chức, để tỏ lòng tri ân dân tộc Phi Luật Tân, ngài đã xin đi phục vụ một thời gian tại Phillippine.  Ngài cùng với nhóm Thiếu nhi Thánh Thể Palawan  đã tổ chức và đang kêu gọi mọi người hưởng ứng chương trình “ Give me a drink”  mục đích tạo nguồn nước uống thanh sạch cho đồng bào nghèo Phi Luật Tân. Một trong những việc nhỏ mà chúng ta có thể làm được là cho họ những giọt nước. Tuy việc làm nhỏ, nhưng lại có thể cứu mạng sống biết bao nhiêu người đang có nguy cơ bị ung thư  và gia đình của họ phải liên lụy đau khổ chữa chạy cho người bệnh và họ phải chết sớm.
Linh Hướng TNTT Palawan, ngoài quý vị tiền nhiệm trước và Cha Cố CrawFord,  quý linh  mục nhạc sĩ Chu Văn Chi, quý thầy tỵ nạn:  thầy Chỉnh , thầy Liêm… Linh mục Nguyễn Trọng Tước ngay sau khi thụ phong  tại Hoa kỳ 1989, vì đồng cảm thân phận tỵ nạn, ngài đã vội vã lên đường giúp trại tỵ nạn Palawan. Mặc dù bận rộn các khóa Linh Thao và giảng tĩnh tâm  khắp nơi, ngài chưa bỏ sót buổi hội ngộ nào của TNTT Palawan.  Ngài là vị linh hướng đặc biệt lâu đời nhất trong lịch sử TNTT Palawan.  Các năm gần đây có thêm các cha Lê Sơn,  cha Kim Sơn, cha Bình.
V
ới tình hình Việt Nam hiện nay, TNTT Palawan hướng về quê mẹ, dâng lời kinh Mân Côi.  Xin Chúa và Mẹ Maria La Vang ban cho đồng bào chúng con được sống trong yên vui và hạnh phúc. Xin cải hóa tâm hồn các nhà lãnh đạo, để họ biết lo cho dân và gìn giữ chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
Tôn chỉ và mục đích TNTT là cầu nguyện, rước lễ, hy sinh và làm việc tông đồ – bốn khẩu hiệu thiếu nhi luôn hằng tâm ghi nhớ, bốn khẩu hiệu thiếu nhi chẳng quên bao giờ.
TNTT Palawan đã có nhiều cuộc hội ngộ trong các năm qua, đặc biệt  năm nay 2018 số thành viên và gia đình tham gia đông nhất từ khắp nơi trên thế giới.
Chúng ta phó dâng trong tay Chúa, Mẹ Maira tất cả những sinh hoạt, những chương trình của ba ngày hội ngộ TNTT Palawan 2018,  những người đang hiện diện nơi đây, hoặc vì lý do không thể có mặt,  đang hiệp thông với chúng ta trong các thánh lễ và lời kinh Mân Côi.  Xin Chúa, Mẹ Maria ban cho mọi người sức khỏe, niềm vui, sự bình an.
Đến rồi đi… Tất cả là một hồng ân.

Kỷ niệm ngày hội ngộ TNTN Palawan 2018
Đinh Quang Phước, cựu huynh trường ngành thiếu