Tôn Giáo và Xã Hội

Tôn Giáo và Xã Hội

Phá Thai Luật Con Người. Cấm Giết Người Luật Thiên Chúa
Sự Im Lặng Của Thánh Giuse Phản Ảnh Tâm Lý Tích Cực
Thư của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Vigano

TÔI TIN GIÁO HỘI DUY NHẤT “THÁNH THIỆN”

Trần Mỹ Duyệt

Bạn tôi là một nhà trí thức, khoa bảng và nhiệt thành với Giáo Hội. Sau khi đọc bài “Hãy hãnh diện, vì bạn là người Công Giáo” của Sam Miller – một người Do Thái không phải Công Giáo viết – đã nêu lên câu hỏi: “Tại sao một số báo chí và dư luận tấn công một cách bất công đạo CG ? Anh em trả lời ra sao ?” Tôi tuy không có câu trả lời, nhưng Đấng sáng lập Giáo Hội này đã có câu trả lời một cách rất rõ ràng:

18Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. 19Nếu các con thuộc về thế gian, thế gian sẽ yêu những gì thuộc về nó; nhưng vì các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con từ giữa thế gian, nên thế gian ghét các con. 20Các con hãy nhớ lại Lời Thầy đã nói với các con: tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ các con; nếu họ tuân giữ Lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời các con. 21Nhưng vì Danh Thầy, họ đã làm cho các con những điều ấy, bởi vì họ không biết Đấng đã sai Thầy. 22Nếu Thầy không đến và không nói cho họ biết, thì họ không có tội; nhưng bây giờ thì họ không thể chối tội của họ. 23Ai ghét Thầy thì cũng ghét Cha Thầy. 24Nếu Thầy không làm giữa họ những việc chưa hề có ai đã làm được, thì họ không có tội; nhưng bây giờ họ đã thấy mà họ vẫn ghét Thầy và Cha Thầy. 25Nhưng như thế là để cho Lời đã viết trong Lề Luật được nên trọn: “Họ đã oán ghét Ta cách vô cớ”. (Gioan 15: 18-25)

NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ THÙ GHÉT

1-Căm thù Thiên Chúa

Để tìm hiểu lý do tại sao Giáo Hội Công Giáo bị thế gian thù ghét, trù dập, vu khống và bắt bớ, chúng ta phải lui về quá khứ trong buổi đầu tạo dựng.

Lịch sử sáng thế đã mang dấu vết căm thù ngay từ bước đầu, khởi đi từ cuộc chiến giữa thần lành và thần dữ. Thần dữ (Lucifer) – thiên thần ánh sáng – đã phản loạn và muốn mình ngang hàng với Đấng Tạo Hóa. Kết quả hắn đã bị đuổi ra khỏi vinh quang Thiên Chúa, giáng xuống âm phủ bằng tên gọi Satan, và kéo theo một số lớn thần theo hắn. Cuộc chiến này cho đến nay vẫn chưa kết thúc. Mối căm thù bắt đầu từ đây:

12 Hỡi tinh tú rạng ngời, con của bình minh,

chẳng lẽ ngươi đã từ trời sa xuống rồi sao?

Này, kẻ chế ngự các dân tộc, ngươi đã bị hạ xuống đất rồi ư?

13 Chính ngươi đã tự nhủ: “Ta sẽ lên trời:

ta sẽ dựng ngai vàng của ta trên cả các vì sao của Thiên Chúa;

ta sẽ ngự trên núi Hội Ngộ, chốn bồng lai cực bắc.

14 Ta sẽ vượt ngàn mây thẳm, sẽ nên như Ðấng Tối Cao.”

15 Nhưng ngươi lại phải nhào xuống âm phủ,

xuống tận đáy vực sâu. (Isaiah 14:12-15)

2-Mặc cảm tự ty

Sở dĩ truyền thông thiên tả và những người theo lối sống thế gian điên cuồng chống đối, đả phá, và chê trách Giáo Hội Công Giáo vì họ mang trong mình mặc cảm tự ty. Trong Thánh Kinh, chính Chúa Giêsu đã nói về thái độ này của họ. “Nếu Thầy không đến và không nói cho họ biết, thì họ không có tội; nhưng bây giờ thì họ không thể chối tội của họ.” (Gioan 15:22)

Họ phạm tội gì? Họ đã phạm những tội mà trong thâm tâm không mấy hãnh diện như mê theo dục vọng, đồng tính luyến ái, hôn nhân đồng tính, chuyển giới, phá thai, ly dị… những điều mà theo giáo lý Công Giáo họ không được làm.

Theo tâm lý, tự ty thường sinh ra tự tôn, và tự đại. Nó dẫn đến thái độ dấu diếm, che đậy, và đổ lỗi cho người khác. Và đó cũng là lý do tại sao Giáo Hội trở thành mục tiêu cho sự thù ghét, đánh phá.

 

3-Giáo Hội của những con người bất toàn 

Giáo Hội bị chống đối, chê bai là do khuyết điểm của chính mình. Trong kinh Cáo Mình bắt đầu mỗi thánh lễ, Giáo Hội đã đấm ngực vì nhận ra mình còn có nhiều khiếm khuyết, sai lỗi: “Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi mọi đàng!”

Khi lập Giáo Hội, Chúa Giêsu chỉ chọn 12 Tông Đồ. Con số nhỏ nhoi này bao gồm thành phần chài lưới, quê mùa trong đó có Mátthêu thu thuế. Những người theo Ngài lúc sinh thời hầu hết thuộc tầng lớp bình dân, dốt nát và nghèo đói. Sinh hoạt ban đầu của Giáo Hội quanh quẩn tại Giêrusalem và vài miền phụ cận. Nhờ có Phaolô, Giáo Hội đã được lan rộng đến một số nơi trong vùng Địa Trung Hải. Trước khi Phêrô và Phaolô bị hành quyết, lịch sử ghi nhận sự có mặt của hai ông tại Rôma.

Trải qua hơn 2000 năm, Giáo Hội hiện nay đã vươn tới tận chân trời góc biển, con số người tin theo ngày càng nhiều.

Hiện nay trong Giáo Hội, ngoài vị Giáo Hoàng là người lãnh đạo tối cao còn bao gồm nhiều thành phần chức thánh nắm giữ những trọng trách khác nhau. Con số tính đến nay là:

-222 Hồng Y, 124 vị có quyền bầu chọn Giáo Hoàng.[1]

-5.600 Giám Mục thuộc Giáo Hội Công Giáo, các Giáo Hội Latin và Đông Phương.[2]

-414.582 linh mục theo thống kê tính đến năm 2017. [3]

– Và 1,2 tỷ người Công Giáo trên khắp thế giới. Hơn 40% trong số này ở Châu Mỹ Latinh, nhưng Phi Châu hiện nay được coi là đại lục có số người Công Giáo tăng nhiều nhất. [4]

Với thời gian và sự phát triển, Giáo Hội nay đã trở thành một cỗ máy cồng kềnh, phức tạp được điều hành bởi những người có chức thánh. Điều này đã dẫn đến quan niệm và lối sống “giáo sỹ trị”. Yếu điểm nhất của quan niệm này là “thần thánh hóa” những con người tuy chỉ là xác thịt yếu đuối thành những “đại diện” bất khả xâm phạm của Thiên Chúa. Hậu quả của nó là khi những người này sa ngã đã trở nên cớ vấp phạm cho nhiều người, và để cho kẻ thù chống đối Giáo Hội.

Thành quả Giáo Hội thật lớn lao, nhưng khuyết điểm của con người cũng không ít. Mà vì Giáo Hội khoác trên mình một chiếc áo choàng trắng nên những vết đen kia dù nhỏ mấy cũng sẽ dễ dàng được nhận diện. Tuy nhiên, nếu nhìn chung vào những thành quả ấy, người ta phải công bằng mà nhận thật rằng, giữa sa mạc cuộc đời, Giáo Hội Công Giáo vẫn là một cây cao tỏa bóng mát cho rất nhiều bộ hành.

GIÁO HỘI DUY NHẤT THÁNH THIỆN

Giáo Hội là dự án cứu độ của Thiên Chúa do Chúa Giêsu sáng lập, nhưng điều hành lại do con người mà Phêrô là người đầu tiên được trao cho sứ vụ này: “Hãy chăn dắt các chiên thầy” (Gioan 21:16).

Điều xem như nghịch lý ấy đã giải thích tại sao trong cái gọi là “Thánh Thiện” lại có những con người đủ thành phần nắm giữ mọi chức vụ đã không sống thánh, không là thánh.

Nhưng như đã dẫn chứng ở trên, việc phê bình, chê bai, chống đối, đàn áp, bắt bớ Giáo Hội là việc làm của Satan, của ma quỉ, và của những người do ma quỉ lợi dụng. Phát xuất từ sự căm thù Thiên Chúa, Satan đã dồn đổ trên con người – tạo vật tốt lành của Ngài – những mưu ma, chước quỉ và sự gian ác để tìm mọi cách tách lìa con người ra khỏi tình thương của Thiên Chúa. Thua trận chiến trên Thiên Đình, Satan cố dành dật phần thắng trong vườn Diệu Quang. Trong trận chiến này tuy hắn đã thắng con người, nhưng không thắng nổi Thiên Chúa, thắng nổi tình thương Ngài dành cho con người.[5]

Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ (và cả chúng ta) trước khi Ngài về trời:

    16Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến.17Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.18Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.19Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,20dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mat 28:16-20)

Lời hứa này chỉ có những ai dám tin vào Chúa Giêsu mới cho là thật, nhất là giữa những gian nan thử thách, giữa những khuyết điểm và yếu đuối của một số hồng y, tổng giám mục, giám mục, linh mục, và giáo dân.

Một Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập, nhưng cũng là Giáo Hội của những con người bất toàn. Nhưng tôi vẫn tin vào sự thánh thiện của Giáo Hội: “Tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo, và tông truyền.” Đối với tôi, được gia nhập và sống trong Giáo Hội Công Giáo là một ân huệ đặc biệt đến từ Thiên Chúa.

_______

Nguồn:

  1. List of living cardinals – Wikipedia
  2. Bishops in the Catholic Church – Wikipedia
  3. Priest shortage in the Catholic Church – Wikipedia
  4. BBC News – How many Roman Catholics are there in the world?
  5. Sáng Thế Ký, chương 3.
Newer Post
Older Post