Bách Đạo Trong Thời Đại Mới

Bách Đạo Trong Thời Đại Mới

Maria, Người Mẹ và Lịch Sử Thế Giới
Đi Tìm Ý Nghĩa Mùa Vọng
Kinh Mân Côi Trong Cơn Đại Dịch

Công Giáo là một tôn giáo có nguồn gốc bị bách hại, trù dập và ghét bỏ. Ngay từ ban đầu. Chúa Giêsu, Đấng sáng lập và là đầu của Giáo Hội này đã nói tiên tri: “Vì danh Thầy, người ta sẽ ghét bỏ anh em, nhưng ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ” (Mt 10:22). – You will be hated by everyone on account of My name, but the one who perseveres to the end will be saved. Bản thân Ngài, Chúa Giêsu cũng chịu cùng số phận.

Qua dòng lịch sử, với lời tiên tri của Đấng sáng lập, người ta thấy rằng ngay từ ban đầu và trải qua hơn 2000 năm, định mệnh Giáo Hội Công Giáo luôn gắn liền với bắt bớ, cấm cách, thử thách, tù tội, và tử đạo.

Sau khi Đấng Sáng Lập bị bắt, bị xỉ nhục, và bị đóng đinh trên thập giá là đến các môn đệ, các tông đồ, và những người muốn theo chân Ngài. Stêphanô, vị phó tế đầu tiên bị ném đá chết, tiếp đến Tông Đồ Giacôbê bị chém đầu, rồi lần lượt các Tông Đồ khác, ngoại trừ Gioan, đều bị giết hại. 300 năm đầu dưới thời bạo Chúa Neron, những Kitô hữu đầu tiên đã phải sống chui rúc dưới các hang toại đạo. Lịch sử đạo Công Giáo tại Việt Nam cũng đã trải qua 300 năm bách hại, cấm cách, tù tội. 117 vị thánh và 1 chân phước tử đạo, và hàng trăm ngàn tín hữu đã bị giết vì trung thành với Đức Tin Công Giáo. Ngày nay, sự bách hại, thù ghét ấy vẫn không thay đổi trên khắp thế giới, chỉ khác về hình thức.

Không như những lối cấm cách, bắt bớ thuộc các thế kỷ trước, khi đó các bạo chúa, các hoàng đế, gian quan lùng sục, bắt giam, bỏ tù, rồi dùng khổ hình tra tấn và cái chết để bắt các tín hữu phải bỏ đạo, hoặc chấp nhận cúng tế ngẫu tượng kể cả các vua chúa như những chúa tể. Những hình thức cấm đạo ngày nay văn minh hơn, thâm hiểm hơn, và ghê gớm hơn. Thay vì dùng nhục hình, tra tấn, bỏ tù hoặc giết chết thể lý, người ta dùng quyền tự do, dùng nhân quyền, dùng luật pháp để loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn nhiều người. Người ta đã danh quyền sống, bảo vệ và phát triển sự sống để khủng bố, để cấm cách, và để lung lạc đức tin nơi các tín hữu. Joe Biden, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ mới đây ngày 8 tháng 7 trong lúc vận động tranh cử đã đưa ra lời thề buộc phải mua bảo hiểm ngừa thai và phá thai, theo sau phán quyết của Tối Cao Pháp Viện ủng hộ Dòng Tiểu Muội Của Người Nghèo trong vụ kiện chống lại tiểu bang Pennsylvania. Với phán quyết này của Tối Cao Pháp Viện, các nữ tu sẽ được miễn trừ không bị bắt buộc phải đóng bảo hiểm ngừa thai cho nhân viên thông qua các kế hoạch chăm sóc sức khỏe của họ. Theo ông đây là quyền kiểm soát sinh đẻ và phá thai của nhân viên. (Đặng Tự Do. Vietcatholic.net. 09/Jul/2020).

Những giá trị vĩnh cửu của niềm tin, của giáo lý Công Giáo đang gặp những thử thách, chống đối, và hầu như bị xã hội thời nay tự ý loại bỏ. Bất cứ ai trung thành với những điều này thường bị coi như những thành phần cổ hủ, thiếu văn minh, không theo kịp đà tiến hóa của xã hội, là cản trở bước tiến nhân loại.

Sự chống đối Giáo Hội, bắt bớ Giáo Hội và các Kitô hữu rõ ràng nhất hiện nay là tại Trung Cộng. Nơi đó những tin tức về các cuộc bắt bớ giáo phẩm, linh mục, giáo dân được phổ biến hàng ngày trên các cơ sở truyền thông. Tiếp đến là tại các nước theo xã hội chủ nghĩa, các quốc gia theo chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Giáo Hội và giáo dân thật sự phải tử đạo hằng ngày. Thánh Giá theo Chúa, trung thành với Chúa không hề nhẹ tại những nơi này. Ngoài ra, tại các quốc gia bị ảnh hưởng “nền văn minh sự chết” (Thánh Gioan Phaolô II), thì việc cấm đạo chính là những chủ thuyết duy lý, duy tâm, duy vật, hiện sinh và khoái lạc chủ nghĩa. Ở những quốc gia này, đạo đức xã hội được định giá bằng chủ thuyết “luân lý tương đối” (Moral Relativism), một chủ thuyết đã được Đức Bênêđíctô XVI cực lực lên án. Một triết lý sống “Ai sao tôi vậy”. Không có chân lý tuyệt đối. Con người sống như không có Chúa, không có linh hồn, và không có đời sau. Tội hay không tội là do mỗi người nghĩ ra. Tội nhiều hay tội ít cũng là do phán đoán của từng người theo chung quần chúng.

Tuy không trực tiếp trực diện với phạm vi đức tin, tín lý và Thánh Kinh, nhưng người ta nhân danh bình quyền, nhân danh tự do, và nhân danh những khám phá của khoa học, tâm lý, sinh lý, và tâm thức chung để xói mòn vào niềm tin, vào đạo đức và đời sống tâm linh. Cổ võ lối sống buông thả theo quan niệm chung của nhiều người với sự cho phép, hợp pháp, hợp hiến những hành động như chuyển đổi giới tính, đồng tính, hôn nhân đồng tính, ly dị, phá thai, và ở nhiều quốc gia còn cưỡng bức phá thai, triệt sản.

Tại Trung Cộng, chính quyền cộng sản còn đi xa hơn khi chủ trương viết lại Thánh Kinh theo đường lối Đảng Cộng Sản nhằm tục hóa ý nghĩa cao cả của lời Chúa, phục vụ cho chủ thuyết vô thần, chối bỏ Thiên Chúa. Nhiều thánh đường thánh giá bị hạ bỏ, hình của Tập Cận Bình được treo ngang hình Chúa Mẹ. Tại quốc gia khác, người ta dùng nguyên tắc “xin cho” hầu bóp nghẹt, hạn chế sinh hoạt tôn giáo. Tại Úc, nhân danh bảo vệ các trẻ vị thành niên khỏi tệ nạn xâm phạm tình dục, người ta đòi bỏ ấn tín tòa giải tội, một phạm vi thần học và đức tin, để buộc các linh mục phải khai báo các hối nhân trong trường hợp liên quan đến tội xâm phạm tình dục. Ý tưởng này cũng đã một thời được dấy lên tại quốc hội tiểu bang California.

Không chỉ có thế giới quay mặt lại với Thiên Chúa, với giáo huấn tốt lành của Ngài. Thật đáng buồn, ngay trong lòng Giáo Hội cũng có những dấu hiệu rạn nứt, chia cắt, phản loạn. Đức tin bị chao đảo, bị hướng dẫn sai lạc bởi thành phần được thánh hiến và có trách nhiệm bảo vệ, hướng dẫn, dạy dỗ chân lý. Tại Đức, nguy cơ ly giáo vẫn đang ngày càng âm ỷ. Đầu mùa vọng 2019, Hội Đồng Giám Mục Đức và Ủy Ban Trung Ương Công Giáo Đức đã khai mạc phiên họp đầu tiên trong một quá trình kéo dài đến nay để nghiên cứu và cải cách các vấn đề được cho là tổn hại đến đời sống Giáo Hội Công Giáo Đức. Bao gồm:

– Tình trạng độc thân linh mục trong Giáo Hội.
– Vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội.
– Tính dục và đạo đức tính dục trong Giáo Hội.
– Quyền lực và kiểm soát quyền lực trong Giáo Hội.

Riêng tại Hoa Kỳ trong thời gian gần đây, lợi dụng dịch bệnh Vũ Hán (Covid-19), và vụ George Floyd đã và đang xảy ra những xáo trộn về chính trị, văn hóa, xã hội, và tôn giáo. Những âm mưu đen tối bùng lên khi từng nhóm người quá khích đập phá, đốt, và giật sập không chỉ những di tích lịch sử, những công trình văn hóa, nghệ thuật, mà còn đốt phá các thánh đường, đập phá, xúc phạm đến các ảnh tượng thánh. Chúa Giêsu, các thánh, bị coi là biểu tượng tối quyền của người da trắng, và vì lý do đó, nhiều thánh tượng của Chúa, của các thánh bị những con người mất nhân tính ấy kéo đổ trong tiếng reo hò, sung sướng. Các thánh đường bị cấm mở cửa. Các nghi lễ phụng tự bị hạn chế trong những điều kiện khắt khe đến nỗi số giáo dân tham dự chỉ là những con số nhỏ khiêm tốn. Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York cho đây như một cuộc cách mạng Văn Hóa đã xảy ra tại Trung Cộng dưới thời Mao Trạch Đông.

Người ta nhân danh dịch bệnh. Người ta nhân danh bảo vệ sức khỏe quần chúng nhưng lại làm ngơ thả lổng hàng ngàn, hàng vạn người chen chúc nhau ngoài đường, ngoài công viên để biểu tình, để chống đối, để reo hò. Phải chăng những thị trưởng (mayor), những thống đốc (governor), những dân biểu, nghị sỹ đại diện cho các tỉnh lỵ, thành phố, và tiểu bang kia không biết đến sự lan lây nguy hiểm của dịch bệnh, những giá trị tinh thần của các di tích lịch sử, nghệ thuật của thành phố mình, của tiểu bang mình. Có những lý do chính trị tiềm ẩn, nhưng đặc biệt, xét về mặt tôn giáo thì họ là những người dùng sức mạnh của đám đông, lợi dụng tâm lý quần chúng để triệt tiêu niềm tin Công Giáo.

Con người ngày nay văn minh hơn, thông minh hơn, và tiến bộ hơn, nên những cách thức, những phương pháp, và những đường lối cấm đạo, phá đạo cũng văn minh hơn. Sống và hít thở “nền văn hóa sự chết” qua ảnh hưởng của triết lý sống “luân lý tương đối”, và hương khói Satan đang bao trùm vũ trụ, người Công Giáo nào còn tin vào Chúa, không khỏi sợ hãi mỗi khi nhớ lại lời Ngài: “Không biết khi Con Người đến, liệu còn thấy đức tin trên mặt đất hay không?” (Luca 18:8).

Và chỉ còn biết ngước mặt lên trời cầu xin:

“Lạy Chúa xin cứu thoát con khỏi tay kẻ gian tà, khỏi nanh vuốt của phường bất lương và nham hiểm. Vì lạy Chúa, chính Ngài là hy vọng của con. Lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con tin tưởng ngay từ thời niên thiếu” (Ps 71:4-5) – Deliver me, O my God, from the hand of the wicked, from the grasp of the unjust and ruthless. For You are my hope, O Lord GOD, my confidence from my youth…