Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Dao Kéo hay Sắc Lệnh
Đạo Đức Xã Hội
Hình Ảnh Phục Sinh Qua Chiếc Khăn Liệm

Trần Mỹ Duyệt

“Tiếng nhạc oai hùng vang trên khắp cõi trời Việt Nam. Tiếng lòng tha thiết con dân nước Nam hòa khúc khải hoàn ca. Đồng thanh ta hát khen mừng bao Đấng Anh Hùng xưa đã thắng gian lao tòa cao chói lói trên trời hiển vinh muôn đời. Đồng thanh ta hát khen mừng bao Đấng Anh Hùng. Nay chiến thắng khải hoàn trên nơi phúc vinh sáng ngời”. [1]

Mỗi lần lễ kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, những dòng nhạc trên lại vang lên, kéo theo những cảm xúc bùi ngùi gợi nhớ lại một thời mà các vị anh hùng đức tin, cha ông của chúng ta đã sống, và đã chết vì niềm tin của mình.

Do sự chối bỏ và thù ghét Thiên Chúa, người ta đã giết hại các ngài. Trải qua các thể kỷ, mọi thời đại, mọi nơi trên thế giới, hàng hàng, lớp lớp những anh hùng tử đạo đã can đảm hiến dâng mạng sống mình vì đức tin, vì tình yêu mến Thiên Chúa. Lịch sử Giáo Hội cho biết, ngay từ sơ khai thời các Tông Đồ những cuộc bắt bớ, bỏ tù, tra tấn và chém giết đã xảy ra đối với các ngài và những ai theo chân Chúa Kitô. Thân xác các ngài tuy bị giết, nhưng linh hồn các ngài ở trên Thiên Đàng. Và đó là lý do tại sao chúng ta cử hành lễ mừng kính các ngài.

Chúa Kitô đang ở trên thiên đàng, Đấng đã được sinh ra trên mặt đất để những người dưới đất có thể được sinh ra trên thiên đàng. Chúng ta tôn kính, cầu xin các vị tử đạo vì gương sáng và cái chết anh hùng của các ngài để củng cố niềm tin của chúng ta. Cái chết của các ngài cũng cho chúng ta biết rằng, Kitô hữu là những người được tuyển chọn bởi Thiên Chúa, để có thể bắt chước Chúa Kitô trong cuộc sống, và chúng ta cũng có thể được ban thêm ơn chết vì Ngài.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Lịch sử Giáo Hội Việt Nam hơn 300 năm bị cấm cách, bắt bớ qua 53 sắc lệnh khởi đi từ những năm 1625 thời chúa Sãi – Nguyễn Phước Nguyên, kéo dài đến các triều đại Nhà Nguyễn gồm Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, ước tính có đến hàng trăm ngàn người đã bị giết vì đạo. Trong số đó có 117 vị đã được tôn phong Hiển Thánh, [2] và 1 vị được tôn phong Chân Phước. [3] Các ngài là những nhân chứng về cuộc đời của Chúa Kitô và đã sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì niềm tin của mình.

Tại sao các ngài được gọi là tử đạo? Tử đạo là một người tự nguyện chấp nhận cái chết hơn là chối bỏ tôn giáo của mình bằng lời nói hoặc việc làm. Đối với các vị Tử Đạo Việt Nam, hành động chối bỏ rõ ràng nhất là “bước qua thánh giá”, hoặc “đạp trên thánh giá”. Lòng trung kiên này phải trả bằng mạng sống. Danh xưng tử đạo cũng có thể chỉ về những người đã hy sinh đời mình hoặc việc gì mà giá trị lớn lao vì chân lý. Thí dụ, Thánh Maximilian Kolbe (1894-1941) đã chấp nhận chết thay cho một bạn tù thời Đức Quốc Xã. Thánh Damien (1840-1889) đã hy sinh phục vụ những người cùi tại Molokai, Hawaii. Ngài đã lây bệnh cùi và chết như một người cùi.

117 Thánh Tử đạo Việt Nam, tuy nhiên, xét về nguồn gốc quốc tịch, một số đến từ Tây Ban Nha và Pháp. Trong đó gồm:

Tây Ban Nha: 11 vị gồm 6 Giám Mục và 5 linh mục dòng Đa Minh.

Pháp: 10 vị gồm 2 Giám Mục và 8 linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris (Société des Missions étrangères de Paris).

Việt Nam: 96 vị gồm 37 linh mục và 59 giáo dân – trong đó có 14 thầy giảng, 1 chủng sinh và 1 phụ nữ là bà Anê Lê Thị Thành.

Các ngài đã bị giết dưới những triều đại sau đây:

Chúa Trịnh Doanh (1740-1767): 2 vị.

Chúa Trịnh Sâm (1767-1782): 2 vị.

Vua Cảnh Thịnh (1782-1802): 2 vị.

Vua Minh Mạng (1820-1841): 58 vị.

Vua Thiệu Trị (1841-1847): 3 vị.

Vua Tự Đức (1847-1883): 50 vị.

Những cái chết Tử Đạo 

Các vị Tử Đạo nói chung đã bị giết bằng nhiều cách, thời gian đầu của Kitô giáo, đa số các ngài bị đóng đinh, bị chém đầu, một số bị lột da, bị cắt từng miếng, bị nướng trên vỉ sắt, bị bỏ vào vạc dầu sôi, hoặc bị nhốt và chết rũ tù… Cái chết của các vị Tử Đạo Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các ngài đã chịu nhiều tra tấn, cực hình và hy sinh mạng sống dưới nhiều hình thức:

– Bá đao : bị lý hình dùng dao cắt xẻo từng miếng thịt trên thân thể cho dù 100 miếng. Cách chết này có 1 vị.

– Lăng trì : chặt chân chặt tay trước khi bị chém đầu. Cách chết này có 4 vị.

– Thiêu sinh : bị thiêu sống. Chết cách này có 6 vị.

– Xử trảm : bị chém đầu. Chết cách này có 75 vị.

– Xử giảo : bị tròng dây vào cổ và bị lý hình kéo hai đầu dây cho đến chết. Cách chết này có 22 vị.

– Chết rũ tù : bị tra tấn, hành hạ, rồi bỏ đói cho tới khi kiệt sức và chết gục trong tù. Chết cách này có 9 vị. [4]

Riêng Chân Phước Andrê Phú Yên (1625-1644), tử đạo tại Gò Xử, Thành Chiêm, Điện Bàn, Quảng Nam. Nay thuộc giáo họ Phước Kiều, giáo phận Đà Nẵng. Ngài được cho là đã bị đâm sau lưng bằng giáo, trước khi bị chém đầu vào chiều hôm 26 tháng 07 năm 1644.

Được tôn phong

Ngành vạn tuế Tử Đạo đã được trao cho các ngài trên Thiên Quốc. Trong số 117 vị tử đạo Việt Nam từ 1745 đến 1862, đã được Giáo Hội tôn phong Chân Phước qua 4 đợt:

64 vị do Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, ngày 27 tháng 5 năm 1900.

8 vị do Thánh Giáo Hoàng Piô X, ngày 20 tháng 5 năm 1906.

20 vị do Thánh Giáo Hoàng Piô X, ngày 2 tháng 5 năm 1909.

25 vị do Đức Giáo Hoàng Piô XII, ngày 29 tháng 4 năm 1951.

Các ngài đã được tuyên phong Hiển Thánh do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngày 19 tháng 6 năm 1988. Thầy giảng Andrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi, cũng được tuyên phong Chân Phước ngày 5 tháng 3 năm 2000 do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Giáo hội Công Giáo khắp thế giới cử hành lễ kính chung cho các Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 24 tháng 11với bậc lễ nhớ theo Lịch Chung Rôma. Riêng Giáo Hội Việt Nam mừng kính trọng thể các ngài vào Chúa Nhật giữa tháng 11, trước lễ Chúa Kitô Vua.

Mừng kính các Thánh Tử Đạo, chúng ta nhớ đến những dòng máu mà các ngài đã đổ ra vì danh Chúa, vì tình yêu mến Ngài. Những dòng máu đức tin. Hơn 100 ngàn anh hùng tử đạo, máu ngập tràn chảy suốt hơn 3 thế kỷ truyền giáo tại Việt Nam. Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Hà nội, trong Thánh Lễ Đại Trào kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện – Tổng Giáo Phận Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2009, đã suy niệm về ý nghĩa của những dòng máu này:

“Có điều máu lênh láng nhưng không tanh tưởi bởi không phải là những thứ máu oan khốc nơi chiến trường tuôn chảy trong hờn căm oán ghét. Máu đẹp như những cánh hoa vì xuất phát từ tình yêu cao quý. Máu dường như tỏa hương thơm bởi khơi nguồn từ những trái tim chan chứa yêu thương. Máu không ghê tởm nhưng gợi lòng kính trọng. Máu không tạo oán thù nhưng vực dậy yêu thương. Đó là những dòng máu làm chứng cho tình yêu.”[5]

“Hồi chiêng dứt tiếng đầu rơi chốn pháp trường. Hồn thiêng lâng lâng về thiên quốc xa vời. Từ nay thôi những ngày tân khổ u buồn, về quê phúc vinh hưởng nhan Chúa muôn đời”. [6] Xin các Thánh Tử Đạo cầu cho chúng con biết trung kiên sống đức tin, sẵn sàng chấp nhận tử đạo bằng lòng mến Chúa qua những việc thường ngày dù bị gian khổ, vất vả, bắt bớ để cũng như các ngài, ngày sau chung phần vinh phúc trên thiên đàng.

24 tháng 11 năm 2023

 

___________

Tài liệu tham khảo:

1.Tiếng Nhạc Oai Hùng. Hải Linh

2.Trịnh Việt Yên. Máu Tử Đạo Trên Đất Việt Nam

3.https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/chan-phuoc-anre-phu-yen-tu-dao-ngay-26-thang-7-nam-1644-48970

  1. https://www.tapsanmucdong.net/2018/08/nguoi-cong-giao-da-bi-bach-hai-nhu-the-nao.html
  2. https://youtu.be/y6hF93EfCr8.Vinh Ca Anh Hùng Tử Đao. Văn Duy Tùng

6.Lòng Trung Nghĩa. Nguyễn Bang Hanh