Trần Mỹ Duyệt
Chúa Cứu Thế giáng trần. Ngài đến đem bình an, ơn cứu độ và giải thoát con người khỏi ách thống trị của Satan. Nhưng Ngài đã hạ sinh nơi một chuồng nuôi súc vật ngoài thành Giêrusalem, trong một đêm trường tuyết rơi, lạnh giá. Vậy làm cách nào chúng ta có thể nhận biết Ngài?
Có những biến cố gần nhất liên quan đến mầu nhiệm giáng trần của Ngài mà Thánh Kinh đã kể, Tin vui mà thiên sứ đã loan báo cho các mục đồng: “Thiên thần Chúa đứng trước mặt họ, và vinh quang Chúa bao phủ họ khiến họ bỡ ngỡ. Nhưng thiên thần nói với họ, “Đừng sợ! Đây ta mang cho các ngươi một tin vui lớn, và cũng là tin vui cho toàn dân: Hôm nay trong thành Đavít một Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho các ngươi. Ngài là Đấng Kitô, Đức Chúa.” (Luc 2: 9-11) Tin vui này đã được công bố trong Đêm Giáng Sinh, khi chào đón Chúa Cứu Thế ra đời.
Và chỉ ít ngày sau, Thiên Chúa lại mạc khải cho Simêon khi cha mẹ Ngài đem Ngài dâng trong Đền Thánh. Tin vui mà Simêon đã trông chờ suốt đời ông, và nay ông đã mãn nguyện đến nỗi ông không còn muốn sống thêm nữa. “Simêon bồng Ngài trong tay và dâng lời chúc tụng Thiên Chúa: “Lạy Chúa thống trị muôn dân, như lời Ngài đã hứa, giờ đây xin Ngài hãy cho tôi tới Ngài ra đi bình an. Vì mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ của Ngài, mà Ngài đã chuẩn bị sẵn cho muôn dân nước: một ánh sáng đã chiếu soi các Dân Ngoại, và vinh quang của Israel dân Chúa.” (Luc 2:28-32)
Như vậy, từ những người dân tầm thường như các mục đồng, đến người cao niên, thánh đức như Simêon, sự xuất hiện của Ngài đã được tỏ lộ. Hơn nữa, qua lời tiên tri của cụ Simêon, thì sự xuất hiện ấy không chỉ là vinh quang của dân Israel, mà còn là ánh sáng chiếu soi trên các dân tộc. Và đó là lý do tại sao có sự xuất hiện của ba nhà đạo sỹ phương Đông. Họ cũng được mặc khải để đến thờ lạy Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần.
Luca nói với dân Do Thái về sự xuất hiện của Ngôi Hai Thiên Chúa, trong khi đó Mátthêu lại kể về những người không thuộc dòng dõi Do Thái tìm đến với Chúa: “Sau khi Chúa Giêsu sinh tại Belem miền Giuđêa, trong thời vua Hêrôđê, các nhà đạo sỹ từ Đông phương đã đến Giêrusalem và hỏi: “Vua dân Do Thái mới sinh ra ở đâu? Chúng tôi đã nhìn thấy ngôi sao của Ngài ở phương Đông, và chúng tôi đến thờ lạy Ngài! Khi vua Hêrôđê nghe vậy, ông và cả thành Giêrusalem đều sửng sốt.” (Mat 2:1-3)
Giáo Hội đã coi biến cố ba nhà đạo sỹ tìm đến Belem như một hành động hiển linh, trong đó Thiên Chúa tỏ mình ra cho các dân tộc qua các vị là những người đại diện. Họ không hẹn mà lại trùng hợp tìm đến thờ lạy Đấng Cứu Thế vừa giáng sinh. Dựa vào những lễ vật mang ý nghĩa cung đình mà họ dâng tiến là vàng, nhũ hương, mộc dược, nên họ cũng được gọi là những vị vua. Tên của các ngài là: Gaspar (hay Caspar), Melchior, và Balthasar.
Việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho các ngài đến việc các ngài tìm đến thờ lạy Ngài, một hình ảnh mà có lẽ chúng ta rất ít khi để tâm suy niệm, nhưng nó lại là một mấu chốt rất quan trọng trong hành trình đức tin của mỗi người. Thánh Mátthêu đã ghi lại: “Sau khi nghe nhà vua, họ lên đường. Và kìa ngôi sao mà họ đã thấy đi trước họ đến và đỗ nơi Hài Nhi ở. Họ đã thấy ngôi sao và vui mừng. Bước vào nhà, họ thấy Hài Nhi, Maria mẹ Ngài, và họ quì gối thờ lạy Ngài. Rồi họ mở những báu vật ra dâng tiến gồm vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi được lời báo trong giấc mộng, họ không trở lại với Hêrôđê, nhưng theo đường khác mà trở về quê hương mình.” (Mat 2: 9-12)
Câu hỏi ở đây, là tại sao ngôi sao dẫn các ngài lại bỗng biến mất trên bầu trời Giêrusalem? Tại sao ngôi sao ấy lại xuất hiện trở lại sau khi các ngài rời Hêrôđê? Và rồi tại sao sau đó, các ngài đã không trở lại chào tạm biệt Hêrôđê để báo cho ông biết nơi sinh của Chúa Cứu Thế?
Các nhà chiêm tinh hướng về Giêrusalem, vì cho rằng đây là trung tâm quyền lực, văn hóa, chính trị và tôn giáo. Nơi của Ấu Chúa ra đời. Họ không nghĩ rằng căn cứ vào lời Thánh Kinh thì nơi Đấng Cứu Thế giáng trần là Belem, một vùng quê hẻo lánh và nghèo nàn. Và đó cũng là lý do mà ngôi sao vẫn dẫn đường cho các ngài tự nhiên biến mất khi các ngài ghé vào Giêrusalem.
Chỉ khi nào các ngài ra khỏi chốn quyền quí, cao sang ấy, ngôi sao dẫn đường mới lại xuất hiện. Và việc các ngài không trở lại với Hêrôđê nhưng phải đi theo đường mới mà về bản quán là một hình thức từ bỏ quá khứ, từ bỏ quyền lực trần thế để đi theo một con đường mới, con đường cứu độ của Chúa Cứu Thế mà các ngài mới vừa gặp, và chiêm bái. Ngoài ra việc các ngài về lại bản quán lần này còn mang ý nghĩa phúc âm hóa. Một khi đã được biết Chúa, đã được Chúa yêu thương gọi mời, không ai được giữ riêng cho một mình, mà phải loan truyền, phải chia sẻ tin vui ấy đến với mọi người.
Ba nhà đạo sỹ hay ba vị chiêm tinh, hoặc ba vua. Các ngài đã dùng sự hiểu biết tự nhiên Chúa ban (khả năng thiên văn), cộng với lời mời gọi của Chúa (ngôi sao sáng xuất hiện) để tìm đến gặp Ngài. Nhưng các ngài vẫn không thấy Chúa ở một nơi mà các ngài tưởng rằng Ngài đang ở đó, nơi của quyền lực, giầu sang, chức tước, và những sang trọng hào nhoáng mà Giêrusalem, mà Hêrôđê là đại diện. Các ngài phải dùng ơn Chúa ban, cộng với sự cố gắng, và đi theo hướng dẫn của lương tâm ngay chính để tìm gặp và thờ lạy Đấng Cứu Thế. Rồi sau khi đã tìm gặp Ngài, các vị cũng lại trở về với cuộc sống bình thường của mình mà ca dao tình yêu Thiên Chúa.
Ánh sáng Chúa đã chiếu soi trên các dân tộc. Theo gương của ba nhà đạo sỹ, qua những chặng đường tăm tối trên hành trình tìm kiếm Chúa; đặc biệt, mỗi khi bị ánh sáng hào nhoáng của thế gian che khuất, chúng ta hãy xin được NHÌN THẤY NGÔI SAO NGÀI XUẤT HIỆN trên bầu trời đức tin của mình!