Suy niệm Lễ Các Thánh
Trần Mỹ Duyệt
Câu truyện được nghe kể từ hồi còn rất nhỏ nhưng cho đến hôm nay nó vẫn còn âm vang trong tâm trí tôi mỗi lần suy niệm về ngày Lễ Các Thánh.
Ở vào những giai đoạn đầu khi ánh sáng Tin Mừng được truyền vào Việt Nam, phần đông các cố Tây – những nhà truyền giáo người Tây Phương như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, và Pháp – đến với đất nước mình rao giảng Phúc Âm, và truyền bá đạo Công Giáo. Vốn liếng ngoại ngữ hạn hẹp, lại thêm tiếng Việt Nam với vần, với dấu, nói và đọc rất khó. Nhưng một hôm vào dịp Lễ Các Thánh, vị cố Tây nọ lên tòa giảng, bằng với tất cả khả năng và kiến thức ngôn ngữ, ngài giảng về ý nghĩa buổi lễ, về sự xum họp của các linh hồn lành thánh trên Thiên Đàng bằng một câu truyện mang hình ảnh thực tế. Đại khái, ngài nói rằng trên Thiên Đàng sau này ở trên đó sẽ có cha, có mẹ và con cái. Nhưng qua phát âm, bổn đạo nghe rằng: “cò cha, cò me, cò con cáy”. Cố Tây dĩ nhiên biết mình nói gì, còn con chiên bổn đạo thì đành phải ngồi chờ xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng cho mà hiểu.
Tuy nhiên, những lời đơn sơ trên đã bao hàm một giáo lý rất quan trọng về việc “các thánh cùng thông công”. Về việc các linh hồn lành thánh được hưởng thiên đàng, và cũng trở thành những thánh nhân của Thiên Chúa. Thật ra nếu tính đến các vị mà ta gọi là “thánh” thì từ ngày có Giáo Hội đến nay đã có bao nhiêu vị được phong thánh? Không lẽ trên Thiên Đàng chỉ có mấy thánh tổ tông, tiên tri, và một số vị đã được tuyên phong trong thời Tân Ước này sao? Và đó là lý do Giáo Hội đã mừng chung tất cả các linh hồn đã chết trong ơn nghĩa Chúa nay đang hưởng phúc trường sinh mà ta gọi là các thánh nhân của Thiên Chúa. Và các ngài là những ai?
Chúa Giêsu đã gọi các ngài là những người được chúc phúc (Matthêu 5: 1-12a), vì các ngài:
Có tinh thần nghèo khó,
Ăn ở hiền lành,
Chấp nhận đau khổ,
Khao khát điều công chính,
Biết thương xót người,
Giữ lòng trí trong sạch,
Ăn ở thuận hoà,
Bị bách hại vì lẽ công chính,
Những người mà bởi vì ghét Chúa, họ bị vu khống cho mọi điều gian ác…
Bằng ngôn ngữ Khải Huyền, các thánh chính là những người“từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”. (Khải Huyền 7:14)
Con người tất cả đều được sinh ra vào đời, nhưng khác biệt giữa một thánh nhân và một phàm nhân là tuy cả hai cùng đến từ những đau khổ lớn lao, mang trên mình những chiếc áo đẵm mồ hôi với những thử thách, thăng trầm, vất vả, và đắng đót của cuộc đời. Nhưng một người biết giặt cái áo đau khổ ấy và tẩy nó trong máu Con Chiên. Nói cách khác, là biết lợi dụng đời sống này để thánh hóa nó, để nên trọn lành nhờ vào cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô – con chiên Thiên Chúa. Ngược lại là những người phủ nhận giá trị đời sống tâm linh, chối bỏ và trốn chạy cuộc sống để sống theo những ham muốn, đam mê và lạc thú trần gian.
Thánh Gioan trong Khải Huyền đã cho biết con dân số “các thánh” – những công dân của nước trời – là một con số hết sức đông đảo, đếm không được: “Sau đó, tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế.” (7:9)
Đọc những điều này, nhiều người không khỏi thắc mắc: Với một con số quá lớn như vậy, với thời gian sống chết cách nhau và đôi khi người sống cũng không có cơ hội nhìn mặt người chết thì làm sao tổ tiên, ông bà, cha mẹ con cháu, anh chị em, chú bác, cô dì, bạn bè, người thân có thể tìm được nhau, nhận ra nhau khi về thiên đàng? Đối với con người thì không nhưng đối với Thiên Chúa thì có gì mà Ngài không làm được. Nhờ mấy ông Sadducees thách thức và hoài nghi về sự sống lại (Matthew 22: 23-33; Luke 20: 27-40; Mark 12: 18-27), mà chúng ta biết được điều này. Họ lấy một trường hợp cá biệt để thách đố Chúa Giêsu, trong đó có 7 người anh em trai theo luật Maisen lần lượt đã cưới một người phụ nữ. Họ hỏi Chúa vậy khi sống lại, người phụ nữ này là vợ của ai? Trong câu trả lời, Chúa đã nói với họ: “Các ông lầm, vì không biết Kinh Thánh, cũng chẳng biết quyền năng Thiên Chúa. Quả thế, trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. (Mt 22: 29-30)
Một cách tương tự, trong Luca, Chúa đã bảo họ: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” (Lc 20: 34-36)
Sau cùng câu trả lời của Ngài đã được thánh Marco ghi lại như sau: “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên.” (Mk 12: 24-25)
Tóm lại, cả ba thánh ký đều ghi lại một cách tương tự, đó là khi sống lại, trên nơi cao xanh kia, con người sẽ không còn lấy vợ, lấy chồng, sinh con, đẻ cái nữa. Các ngài sống với nhau như các thiên thần. Khi không còn thuộc về thế giới vật chất, thế giới kẻ chết thì những ngăn trở về thể lý không ảnh hưởng gì đến con người. Và như bản tính các thiên thần, chúng ta liên lạc, trao đổi với nhau bằng sự thấu hiểu thiêng liêng, phi thường. Như vậy, những người thân lúc này dù đã qua đời trước khi ta được sinh ra, hoặc đã bị mất tích… tất cả đều hiện diện trước mắt chúng ta qua một tầm nhìn siêu hình và với sự kết hợp rất mật thiết trong tình thương của con cái sự sống lại. Chỉ có một điều khiến đôi khi chúng ta phải băn khoăn lo lắng, đó là khoảng cách giữa những người thân trên thiên đàng và dưới hỏa ngục.
Đặt trường hợp có ai đó trong gia đình, họ hàng không may mà phải rơi vào hỏa ngục, có nghĩa là số phận đời đời của người ấy hoàn toàn khác biệt với số phận đời đời của mình. Ta thì ở một nơi hạnh phúc vĩnh viễn, còn người ấy phải trầm luân đời đời, như vậy hoàn cảnh này có tạo nên sự khác biệt, thù ghé, hoặc đau đớn cho người hưởng phúc thiên đàng không? Có ảnh hưởng gì đến hạnh phúc mà mình đang có không?
Câu trả lời đã được thánh ký Luca ghi lại trong cuộc đối thọai giữa người giầu có bị trầm luân và Tổ Phụ Abraham: “Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được.” (Luca 16: 26).
Một khoảng cách do sự lựa chọn của mỗi người. Bởi vì thiên đàng hay địa ngục là một chọn lựa rất tự do và riêng tư. Thiên Chúa không cưỡng bức ai phải lên Thiên Đàng, và Ngài cũng không bắt ai để bỏ xuống hỏa ngục khi người đó không muốn xuống. Như vậy, người trên hay người dưới không có lý do phiền trách hoặc phải hối hận thay cho nhau.
***
Cám ơn cố Tây đã nhắc nhở con về hạnh phúc thiên đàng, về nơi chốn mà mọi người chúng con đều mong mỏi đến cũng như mong gặp nhau trên đó.
Chớ gì trong gia đình mọi người hãy sống tốt và hết lòng yêu thương nhau, cùng nhau chung vui, sẻ sầu giúp chia sớt thánh giá, đau khổ, và cùng giúp nhau thánh hóa cuộc đời, thánh hóa bản thân để một ngày không xa, tất cả đều họp nhau trên nước trời. Nơi đó “có cha, có mẹ và con cái”. Và cả cố Tây nữa để nói lời “merci beaucoup” với ngài bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của ngài.
Lễ Các Thánh
1 tháng 11, 2022