Theo cái nhìn Sáng Thế Ký (18:16-33)
Nước Mỹ đang trải qua thời gian đen tối trong lịch sử. Đại dịch Vũ Hán (Covid-19) vừa tạm ổn thì vụ George Floyd bỗng nhiên bùng nổ. Lần này sự khó khăn không đến từ Trung Cộng mà phát xuất ngay tại quê hương mình, ở Mineapolis, Minnesota.
Ngày 25 tháng Năm, 2020, George Floyd, 46 tuổi một người da đen bị bắt, chống cự và bị cảnh sát đè cổ khiến anh chết vì ngạt thở. Những cuộc biểu tình rầm rộ đã xảy ra trên khắp cả nước. Tiếp theo là bạo loạn, cướp của và giết người. Nhiều thánh đường, di tích lịch sử bị đốt phá. Nhiều tượng đài lịch sử bị giật đổ. Người biểu tình quá khích còn đe dọa giật sập các pho tượng Chúa Giêsu, tượng các Thánh, và đòi phá vỡ các cửa kính màu có hình Chúa Mẹ hoặc hình các thánh tại các thánh đường. Họ lý luận là vì tất cả những thứ đó đều biểu tượng cho hình thức thượng tôn người da trắng, là những dấu hiệu của kỳ thị chủng tộc. Giữa lúc rối ren như vậy, thình lình bệnh dịch lại tái phát.
Tình hình xã hội và chính trị của Hoa Kỳ đã phức tạp nay càng thêm phức tạp. Phe này đổ lỗi cho phe kia. Đảng này chỉ trích đảng nọ. Một bên Dân chủ, một bên Cộng Hòa. Kẻ chống, người bênh đã và đang tạo nên một xã hội nát như tương, đặc biệt chỉ còn ít tháng nữa là tới ngày bầu cử tổng thống. Các đảng phái chính trị, các phe nhóm lo chạy nước rút, tung mọi đòn hiểm độc, mọi kế sách cho dù là hạ cấp, kể cả việc cấu kết với các thế lực ngoại lai để mong đạt thắng lợi là chiếc ghế tổng thống. Nước Mỹ chưa bao giờ trải qua những cơn biến động như vậy.
Bình diện chung thế giới cũng không hề yên ổn. Tranh chấp chủng tộc, biên giới. Chiến tranh thương mại, chiến tranh kinh tế. Bất đồng chính kiến, tôn giáo, ý thức hệ. Tất cả là những viên than hồng âm ỉ chỉ chờ thổi bùng lên ngọn lửa chiến tranh bom đạn. Nhiều suy diễn còn dẫn đến đại chiến thứ ba, hoặc xa hơn nữa là ngày thế mạt của thế giới.
Mặc dù những suy luận trên chỉ là những ý kiến chủ quan của mỗi người, vì thực sự chẳng ai biết và nắm vững hiện tình thế giới lúc này như thế nào. Có cường quốc nào dám ấn nút hỏa tiễn, phi đạn, nguyên tử trước không? Có quốc gia nào mang chiến đấu cơ, chiến hạm, tiềm thủy đỉnh, hàng không mẫu hạm xâm lấn nước khác không? Chưa ai biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng căn cứ theo các cơ quan truyền thông, các tin tức truyền thanh, truyền hình thì cái chết của thế giới cũng như đang gần kề! Hốt hoảng, sợ hãi và thất vọng là những phản ứng tự nhiên khi đứng trước tình hình nhân loại, tình hình thế giới như hiện nay. Nhưng đối với những ai tin vào Thiên Chúa, thì giờ chết của thế giới, của cả nhân loại chỉ có Chúa Cha trên trời mới biết. Từ hơn 2000 năm trước, chính Chúa Giêsu đã nói:
“Anh em sẽ nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã; coi chừng, đừng khiếp sợ, vì những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là tận cùng. Quả thế, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những cơn đói kém, và những trận động đất ở nhiều nơi. Nhưng tất cả những sự việc ấy chỉ là khởi đầu các cơn đau đớn. Nếu những ngày ấy không được rút ngắn lại, thì không ai được cứu thoát; nhưng vì những người được tuyển chọn, các ngày ấy sẽ được rút ngắn.” (Mt 24:6-8,22).
Tuy nhiên, “các cơn đau đớn” tiếp theo giặc giã, chiến tranh, động đất, đói kém mà Chúa Giêsu nhắc đến kia là gì đối với thế giới trước ngày thế mạt, trong đó có nước Mỹ?
Nhân loại sau một thời gian ngắn thái bình từ ngày chế độ Cộng Sản Nga sô sụp đổ, bây giờ sóng gió lại nổi lên. Con người đã không tận dụng thời giờ, tài năng, và tài nguyên Chúa ban để xây dựng hòa bình, biến trái đất thành một mái nhà chung hạnh phúc; ngược lại, đã xây dựng, chế tạo các vũ khí tối tân hòng tiêu diệt và thống trị nhau. Ngạo mạn và muốn đặt mình làm những chúa tể. Covid-19 phải chăng là một hình thức chiến tranh thế giới.
Thiên Chúa có lẽ không tiêu diệt con người bằng một đại chiến nguyên tử, san bằng trái đất như đại hồng thủy thời Noe. Nhưng liệu Ngài có nên tiêu hủy các quốc gia, các thành phố, các nhóm người ngang nhiên chống lại Ngài, phạm thượng, và ngạo nghễ trước mặt Ngài như Ngài đã làm đối với Sôđôma và Gôrôma không? Nếu Ngài làm thế thì số phận những người lành, những người công chính ở những nơi đó sẽ ra như thế nào.
Thánh Kinh kể lại, trước khi khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy Sôđôma và Gôrôma, Thiên Chúa đã trải lòng mình với Abraham. Thực ra, Ngài không muốn hành động ấy, và cả Abraham cũng không muốn thế vì những người lành. Ông thưa với Chúa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? (23).
Không biết dân số của hai thành ấy lúc bấy giờ là bao nhiêu và có bao nhiêu người công chính, nhưng ông đã đề nghị với Chúa con số 50 người. Và Thiên Chúa đã chấp nhận:
“Nếu Ta tìm được trong thành Sôđôma năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó” (26).
Tuy nhiên con số 50 người là con số khó kiếm nên đã khiến Abraham phải năn nỉ với Chúa để giảm dần, giảm dần.
Từ 50 xuống 45.
Từ 45 xuống 40.
Từ 40 xuống 30.
Từ 30 xuống 20.
Và từ 20 xuống 10.
Lòng từ bi của Thiên Chúa rất cao vời. Ngài sẵn sàng vì số ít người công chính mà tha cho cả dân thành: “Ví mười người đó, Ta sẽ không phá hủy Sôđôma” (32). Nhưng rồi dù chỉ là 10 người mà Abraham cũng kiếm không ra. Cuối cùng thì Kinh Thánh kết luận: “Sau khi phán với ông Abraham, Đức Chúa đi, còn ông Apbraham thì trở về nhà” (33). Và chuyện gì xảy ra đã xảy ra.
Người công chính hiếm lắm sao? Những kẻ đạo đức ít lắm sao? Mỗi thánh lễ, các thánh đường vẫn chật ních các tín đồ. Các hội đoàn vẫn đông đảo người tham dự. Các cuộc rước sách vẫn linh đình, trọng thể. Vậy Chúa còn tìm đâu ra mà không có được 50 người công chính nói chi là 10 người trong những trường hợp như thế. Thế giới gồm cả tỷ người, không lẽ Ngài không tìm được một số nhỏ người công chính để tha thứ và xót thương cho toàn thể nhân loại.
Chúa sẽ vì 10 người công chính mà tha thứ cho thành Sôđôma. Hy vọng nếu hôm nay Thiên Chúa từ trời cao nhìn xuống cộng đoàn bạn, xứ đạo bạn, thành phố bạn, quê hương bạn, Ngài thấy bạn trong số 10 hay 50 người công chính hiếm hoi đó.
Trần Mỹ Duyệt