Trần Mỹ Duyệt
Đức Maria hồn xác lên trời là một trong bốn tín điều về Đức Mẹ. Bốn tín điều đó gồm: Mẹ Thiên Chúa, Đầu Thai Vô Nhiễm Tội, Trọn Đời Đồng Trinh, và Hồn Xác Lên Trời. Tất cả những tín điều này đều đặt nền tảng trên Thánh Kinh, truyền thống Giáo Hội, và suy niệm thần học.
Tín Điều Mẹ Hồn Xác Lên Trời được định tín do Đức Giáo Hoàng Piô XII, ngày 1 tháng Mười Một, 1950 bằng hiến chế Munificentissimus Deus (Thiên Chúa vô cùng vinh hiển). Theo đó: “Sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa vừa vô nhiễm vừa mãi mãi đồng trinh, đã được đưa vào vinh quang thiên quốc cả hồn lẫn xác.”
Đức Maria được đưa về trời cả hồn lẫn xác sau khi đã hoàn tất hành trình dương thế, theo như hiến chế, vì: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa; thân xác Đức Giêsu sinh ra từ thân xác Đức Maria “caro Jesu est caro Mariae”. Thân xác đó không hề sa sút nhưng vẫn trinh khiết vẹn toàn, và bởi đó thật xứng đáng nếu thân xác ấy không bị hư nát sau khi chết; và vì đã liên kết chặt chẽ với Đức Kitô trong sứ mạng cứu độ của Người ở trần gian, nên Đức Maria cũng thật xứng đáng được chia sẻ tình trạng vinh quang của thân xác. [1]
Bằng cặp mắt của phượng hoàng đảo Patmos, Thánh Gioan trong cơn ngất trí đã nhìn ngắm Đức Trinh Nữ Maria lên trời qua hình ảnh: “Một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Khải Huyền 12:1). Trong niềm vui hân hoan ấy, Giáo Hội đã ca lên: “Alleluia, alleluia. – Đức Maria được mời gọi lên trời; đạo binh các thiên thần mừng rỡ hân hoan – Alleluia”.
Những gì Giáo Hội và truyền thống đã dạy về Đức Maria ngày Mẹ được đưa về trời trong cao sang, uy nghi, và cao cả có liên quan gì đến con cái Evà đang lang thang giữa vũng châu lụy, ngày đêm phải chiến đấu với ma quỉ, thế gian, và xác thịt. Phải đối diện với những khó khăn, gian nan, nghèo đói, bệnh tật, và muôn vàn hiểm nguy hay không?
Rất may, giữa những phân vân và lo lắng ấy, những tâm hồn yêu mến Đức Mẹ đã tìm được những lời êm dịu, làm yên ủi lòng người. Đó là những gì mà Thánh Luca đã ghi lại trong câu truyện thăm viếng giữa Maria và chị họ là Isave. Trong lúc chị em gặp nhau, Isave đầy tràn Chúa Thánh Thần đã chào người em có phúc của mình: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và con lòng bà cũng được chúc phúc” (Luca 1:42). Vì sao? Cũng từ miệng Isave nói ra: “Phúc cho bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng bà sẽ được thực hiện” (Lc 1:45). Đó là đầu mối mọi phúc đức, mọi ơn lành kể cả diễm phúc được lên trời cả hồn lẫn xác của Mẹ sau này.
“Con lòng bà cũng được chúc phúc”. Theo đó thì Mẹ đã mang thai Con Thiên Chúa. Đã trở nên Mẹ của Thiên Chúa. Qua mối tương quan giữa Mẹ và Con ấy, trong bài giảng Lễ Mẹ Lên Trời, 15 tháng 8 năm 2006, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nói:
“Như vậy, trở nên nơi cư ngụ của Thiên Chúa trên trái đất, trong người một chỗ ở vĩnh viễn đã được chuẩn bị, nó đã được sửa soạn từ muôn thuở. Và điều này thiết lập toàn nội dung Tín Điều Lên Trời của Đức Maria, được diễn tả ở đây bằng những lời này, cả hồn lẫn xác trong vinh quang thiên quốc. Đức Maria “được chúc phúc” – một cách hoàn toàn, trong thân xác và linh hồn và cho đến muôn đời – người đã trở nên nơi cư ngụ của Chúa”.
Những lời của Đức Thánh Cha khi nói về đặc ân Hồn Xác Lên Trời của Đức Mẹ đã mở ra cho những ai có lòng yêu mến người một niềm hy vọng. Ngài tiếp:
“Nếu điều này là thật, Đức Maria không chỉ thu hút lòng tôn kính và sùng mộ của chúng ta, nhưng còn hướng dẫn chúng ta, chỉ cho chúng ta con đường sự sống, chỉ cho chúng ta làm cách nào chúng ta có thể được chúc phúc, bằng cách nào tìm được con đường dẫn tới hạnh phúc. [2]
Bằng cách nào Mẹ Maria sẽ hướng dẫn, sẽ chỉ cho chúng ta con đường sự sống, cũng như làm cách nào để chúng ta có thể được chúc phúc? Những điều ấy có thể tìm thấy trong Phúc Âm khi Thánh Luca ghi lại lúc một người phụ nữ đã ca tụng Đức Mẹ vì cho rằng người đã sinh ra một tiên tri, một đấng thánh cao cả như Đức Kitô: “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú” (Luca 11:27).
Đối với con mắt người đời, và với cảm nhận của một người phụ nữ, người làm mẹ có người con như Đức Kitô, thì người mẹ ấy rất xứng đáng đón nhận lời khen như vậy. Một lời khen mà tất cả những ai đã làm mẹ đều muốn nghe, muốn có. Tuy nhiên, lời ca khen của Giáo Hội, lời chúc tụng của người phụ nữ trên đối với Chúa Giêsu chỉ là những gì mà con người có thể nói về mẹ của Ngài. Phần Ngài, Chúa Giêsu nhìn thấy cái lý do tiềm ẩn từ trong lòng: “Phúc hơn cho những ai nghe và thực hành lời Thiên Chúa” (Luca 11:28).
Câu trả lời của Chúa Giêsu đã bao gồm mọi lời ca tụng, mọi phúc lành và ơn điển mà Đức Mẹ có được từ việc Mẹ đầu thai vô nhiễm tội, trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa, và lên trời cả hồn lẫn xác. Tất cả vì Mẹ đã nghe, đã đón nhận, và đã thực hành lời Thiên Chúa. Trong ngày Truyền Tin, Mẹ đã trả lời với Tổng Thần Gabriel: “Tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa. Xin thực hiện nơi tôi những gì ngài nói” (Luca 1:38). Và cũng từ tinh thần ấy, các con cái Mẹ có thể bắt chước Mẹ để sống và thực hành lời Chúa, để nên giống Mẹ.
Hôm nay nhìn ngắm Mẹ về trời, lòng con hướng về quê hương vĩnh cửu với lời cầu xin: “Xin cho chúng con được thưởng cùng Mẹ trên nước thiên đàng” khi thời gian viên mãn, khi chúng con từ giã cõi đời để về với Chúa, về bên Mẹ. “Ôi khoan thay. Ôi nhân thay. Ôi êm thay. Thánh Maria trọn đời đồng trinh”.
________
1. Đức Mẹ lên trời. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
2. BÀI GIẢNG LỄ TRỌNG KÍNH ĐỨC TRINH NỮ MARIA LÊN TRỜI CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICT XVI. Thánh đường Giáo Xứ St. Thomas of Villanova, Castel Gandolfo. Thứ Tư, 15 tháng Tám, 2006. Trần Mỹ Duyệt chuyển ngữ.