Lễ Kính Thánh Gia
30 tháng 12 năm 2022
Trần Mỹ Duyệt
Thánh Gia, một gia đình Thánh gồm người chồng, người vợ và người con. Đó là Thánh Giuse, Mẹ Maria, và Chúa Giêsu.
Hơn lúc nào hết, trong thế giới hôm nay nền tảng và giá trị gia đình đang bị phá vỡ và coi thường. Suy niệm về Lễ Thánh Gia mở ra cho chúng ta một cái nhìn trung thực, giá trị, và ý nghĩa thánh thiện của ơn gọi hôn nhân, và của gia đình.
Chị Lucia trước khi qua đời đã tiết lộ, trận chiến cuối cùng giữa Satan và Thiên Chúa là trận chiến gia đình. Nó và các quỉ thần đang cố gắng làm mọi việc kể cả những gì xấu xa nhất để phá vỡ ơn gọi hôn nhân, phá đổ nền tảng của gia đình. Chúng tìm mọi cách để đưa con người vào những suy nghĩ phản văn hóa, phản giá trị luân lý và đạo đức về gia đình, như việc sống với nhau mà không cần cưới hỏi, coi nhẹ và bình thường hóa việc ly dị, phá thai, và hôn nhân đồng tính.
Phá vỡ, hủy diệt nền tảng của ơn gọi hôn nhân và gia đình, vì Satan hiểu rằng gia đình là hình ảnh của Gia Đình Thiên Chúa Ba Ngôi, một gia đình được nối kết bằng tình yêu. Chúa Cha yêu Chúa Con. Chúa Con yêu Chúa Cha và tình yêu của hai Đấng phát sinh ra Chúa Thánh Thần. Gia đình cũng phản ảnh tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người khi Ngài phối hợp Adong và Evà, gia đình đầu tiên của nhân loại. Adong đã say đắm và gọi Evà là “xương và thịt” của mình: “Đây là xương của xương tôi và thịt của thịt tôi.” (Gen 2:23)
Thánh Gia Nazareth phản ảnh đúng nghĩa một gia đình với vai trò, chức năng của người chồng là Thánh Giuse, người vợ là Đức Maria, và người con là Đức Giêsu Kitô. Trong gia đình này mọi người đã sống, đã sinh hoạt, đã trải qua những gian nan, thử thách, và vất vả như bao gia đình khác. Các Ngài đã trải qua cái nghèo ở hang bò lừa Belem, ở trong căn nhà tại Nazareth. Các ngài đã trải qua những giây phút lặn lội, vất vả, nguy hiểm trên đường trốn chạy Hêrôđê. Các ngài cũng đối diện với những hiểu lầm, những khó khăn khi tìm hiểu ý nghĩa công việc của nhau. Trong vai trò làm cha mẹ, các Ngài đã phải băn khoăn, lo lắng khi lạc mất con, khi nghe con trả lời những câu hỏi mà các Ngài không hiểu. Và cuối đời, Mẹ Maria đã trải qua cuộc sống góa bụa, sống với Gioan, vị Tông Đồ do Chúa Giêsu trối lại trên thập giá.
Những hình ảnh ấy rất gần gũi, rất thân thiết, và cũng rất chân thật với cuộc đời của phần đông chúng ta trong vai trò làm chồng, làm vợ, làm cha mẹ, và làm con cái. Nhiều lúc vui, hạnh phúc, nhưng cũng nhiều lúc rất lo lắng, phân vân, rất buồn khổ vì không được những người thân trong gia đình hiểu, thông cảm và chia sẻ những gì mình nghĩ, cũng như những gì mình làm.
Đi sâu vào thực tế và để áp dụng trong cuộc sống khi suy niệm về Gia Đình Nazareth, chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa của nó dựa theo trích đoạn Tin Mừng của Thánh Luca phối hợp với Tin Mừng của Thánh Mátthêu.
Thánh Luca ghi lại cảnh các mục đồng sau khi đến Belem, đầu tiên là họ “thấy Maria, và Giuse, và Hài Nhi nằm trong máng cỏ” (Luca 2:16). Một cách tương tự, Thánh Mátthêu ghi lại cảnh ba vua khi đến kính viếng Chúa Hài Đồng, các ngài “đã thấy hài nhi cùng với mẹ mình là Maria…” (Mat 2:11).
Những gì các thánh ký đã diễn tả trên cho ta cảm nhận rằng, vai trò người phụ nữ rất quan trọng trong việc duy trì và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Khi vào nhà ai, việc đầu tiên người khách thường để ý đến là sự ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ, và cách tiếp đón niềm nở của người vợ. Điều này phản ảnh rất đúng văn hóa Đông Phương khi cho rằng, “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm.”
Chính Đức Maria đã xây nên tổ ấm Nazareth. Mẹ đã làm cho tổ ấm này trở nên cái nôi hạnh phúc để cùng với Thánh Giuse nuôi dưỡng và giáo dục Con Thiên Chúa. Mẹ là người đàn bà, người phụ nữ làm tăng giá trị và sự hãnh diện của ngôi nhà, đúng hơn là người chủ nhà là thánh Giuse. Đây cũng là điều mà văn hóa Việt Nam, văn hóa Á Đông đã từng ca ngợi những người chồng may mắn: “Giầu vì bạn, sang vì vợ.” Đức Maria là người đầu tiên được nhìn thấy khi bước vào căn nhà Nazareth.
Tuy nhiên khi nhìn vào mái ấm Nazareth, chúng ta không được quên những gì mà Thánh sử Mátthêu đã viết về thánh Giuse.
Trong biến cố trốn chạy qua Ai Cập, Thánh sử ghi lại những lời thiên thần đã nói với Giuse: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy !” (2:13). Và trong khi đang ở Ai Cập: “ Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.” (2:20).
Cả hai câu Thánh Kinh trên nói lên trách nhiệm bao bọc, che chở, và quan tâm lo lắng cho gia đình, cho những người thân thuộc về người chồng, mà trong trường hợp này là của Thánh Giuse. Không hề quản ngại gian nan, khốn khó. Không sợ phải hy sinh chính mình dù là bất cứ lúc nào, dưới bất cứ hoàn cảnh nào. Thánh Mátthêu ghi rõ, hai lần Thánh Giuse bị gọi dậy: một lần ban đêm, và một lần có thể là ban ngày để hoàn thành sứ mạng lo lắng, bao bọc, và che chở cho sự an nguy của những người thân trong gia đình. Cả hai trường hợp ấy, Ngài đã mau mắn “chỗi dậy”. Hình ảnh thánh Giuse cũng chính là hình ảnh của những người chồng đúng nghĩa, mà ta thường nói: “Đàn ông xây nhà”.
Nếu mong muốn có một gia đình hạnh phúc. Muốn bảo vệ và nâng đỡ những người mình thương thì hình ảnh ngôi nhà là hình ảnh thân thuộc nhất. Người Mỹ có câu: “Home sweet home” – Không đâu bằng nhà. Và xây dựng một ngôi nhà hạnh phúc không hẳn là một ngôi nhà vật chất, to lớn, đồ sộ, nguy nga, tráng lệ với nhiều phòng ốc; đúng hơn, là ngôi nhà tinh thần, đó là một tâm hồn quảng đại, vị tha, yêu thương và sẵn sàng hy sinh vì vợ, vì con.
Sau cùng không thể thiếu khi nói về gia đình, là người con. Trong Gia Đình Thánh Gia, người con đó là Chúa Giêsu.
Nhưng nói đến những người con, chúng ta không thể không quan tâm đến giới trẻ hiện nay. Bởi vì ngày nay, các em cũng đang gặp nhiều cám dỗ, cạm bẫy trong các môi trường từ nhà ra đến ngoài xã hội. Nhiều em bất hạnh bị sinh ra trong các gia đình nghèo khổ, túng thiếu rồi bị bỏ rơi, quên lãng, hoặc bị lợi dụng và hành hạ. Nhiều thai nhi đã phải chết vì bị phá thai. Các em không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng mặt trời! Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ đến vai trò, trách nhiệm giáo dục của cha mẹ… Trong nhà Nazareth: “Giêsu lớn lên trong khôn ngoan và nhân đức, và ân nghĩa đối với Thiên Chúa và con người.” (Luca 2: 52). Làm sao để người con được lớn lên khôn khoan, nhân đức, và ân nghĩa trước Thiên Chúa và con người? Đây là câu hỏi mà những người làm cha mẹ phải thường xuyên tự hỏi mình?
“Xin biến đổi gia đình chúng con thành một gia đình Nazareth khác.
Nơi mà bình an, hoan lạc và yêu thương ngự trị.”
(Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta).
Lễ Thánh Gia,
30 tháng 12 năm 2022