Lòng Chúa Thương Xót:  Quà Tặng Của Phục Sinh

Lòng Chúa Thương Xót: Quà Tặng Của Phục Sinh

Thánh Thần Khấn Xin Ngự Đến
Statement of U.S. Bishops’ Chairman for Asian and Pacific Island Affairs on Discrimination Against the Asian Community
Thánh Lễ và Sống Đạo – Nghi Lễ Cũ Nhường Nghi Lễ Mới

Bài giảng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Thánh Lễ Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa đầu tiên năm 2001

Trần Mỹ Duyệt chuyển ngữ

“Đừng sợ! Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời” (Khải Huyền 1:17-18). *

Chúng ta vừa nghe những lời an ủi này trong Bài Đọc Thứ Hai trích từ sách Khải Huyền. Những lời mời gọi chúng ta hướng tầm nhìn vào Chúa Kitô, để cảm nghiệm sự hiện diện bảo đảm của Ngài. Đối với mỗi người, trong bất cứ điều kiện nào, dù cho là phức tạp và bi đát nhất, Đấng Phục Sinh đều lập lại: “Đừng sợ, Ta đã chết trên Thập Giá nhưng nay Ta sống đến muôn đời”, “Ta là đấng trước hết và sau hết, và là đấng hằng sống.”

“Đầu hết,” có nghĩa là, nguồn mạch của mọi tạo vật và là những hoa trái đầu mùa của tạo dựng mới; “sau hết,” rõ ràng là kết thúc lịch sử; “đấng hằng sống,” suối nguồn vô tận của sự sống đó đã chiến thắng trên sự chết đến muôn đời.

Trong Đấng Cứu Chuộc, đã chịu đóng đinh và sống lại, chúng ta nhận ra những đặc tính của Con Chiên đã bị sát tế trên đồi Golgotha, Đấng van xin sự tha thứ cho những kẻ hành khổ Ngài, và mở những cửa nước trời cho các tội nhân xám hối; chúng ta thoáng nhìn ra khuôn mặt của Vua muôn thuở, Đấng giờ đây đang cầm “chìa khóa của Tử thần và Âm phủ” (Khải Huyền 1:18).

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương! Thánh Vịnh 117:1. Chúng ta hãy đặt mình vào lời cảm thán của nhà Thánh Vịnh mà chúng ta đang hát trong Thánh Vịnh Đáp Ca: “Lòng từ bi Chúa tồn tại đến muôn đời!”. Để hiểu một cách tường tận sự thật của những lời này, chúng ta hãy để mình được hướng dẫn bởi phụng vụ đến trọng điểm của biến cố cứu chuộc, từ đó kết hợp sự Chết và  Phục Sinh của Chúa Kitô với đời sống của chúng ta, và với lịch sử của thế giới. Phép lạ của lòng thương xót này đã thay đổi một cách tận gốc rễ vận mạng nhân loại. Nó là một phép lạ trong đó đã mở ra sự tràn đầy tình yêu của Chúa Cha, Đấng vì cứu độ chúng ta, đã không làm khác hơn trước sự hy sinh của Người Con Duy Nhất.

Trong Chúa Cứu Thế nhục nhã và đau khổ, những người tin nhận và không tin nhận cũng có để say mê một trạng thái liên kết kinh ngạc. Nó đã trói buộc Ngài với điều kiện của con người chúng ta, vượt qua tất cả sự đo lường có thể tưởng tượng được. Thập Giá, ngay cả sau Phục Sinh của Con Thiên Chúa, “nói và không ngừng nói về Thiên Chúa là Cha, Đấng đã hoàn toàn trung thành với tình yêu muôn thuở của Ngài đối với con người… Tin tưởng vào tình yêu này cũng có nghĩa là tin tưởng vào lòng thương xót” (Rich in Mercy, 7).

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì tình yêu của Ngài, tình yêu mạnh hơn sự chết và tội lỗi. Nó được mặc khải và đem vào thực hành như lòng thương xót trong đời sống của chúng ta, và nhanh chóng thúc đẩy mọi người hãy có “lòng thương xót” với Đấng Chịu Đóng Đanh. Tình yêu Thiên Chúa và yêu anh chị em mình, và ngay cả yêu “những kẻ thù”, phải chăng không phải là chương trình của đời sống mỗi người đã chịu phép thánh tẩy và của toàn thể Giáo Hội, theo gương Chúa Giêsu?

Một niềm vui lớn lao

Với những tình cảm này, chúng ta cử hành Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh, mà ngay từ năm trước, năm Đại Toàn Xá, cũng được gọi là “Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa”. Thật là một niềm vui lớn lao đối với tôi để được hiệp thông với anh chị em, các khách hành hương và tín hữu thân mến, những người đã từ nhiều quốc gia đến để tưởng niệm, sau một năm, biến cố phong thánh cho Nữ Tu Faustina Kowalska, chứng nhân và sứ giả của tình yêu thương xót của Chúa.

Sự tôn vinh trên bàn thờ người nữ tu khiêm tốn này, người con gái của đất nước tôi, không phải chỉ là một hồng ân cho Ba Lan, nhưng còn cho tất cả nhân loại. Trên thực tế, thông điệp mà vị nữ tu mang lại là câu trả lời rõ ràng và sắc bén của Thiên Chúa cho những câu hỏi và những ước vọng của con người trong thời đại của chúng ta, được ghi dấu bằng những thảm kịch kinh hoàng. Chúa Giêsu đã nói với nữ tu Faustina vào một ngày: “Nhân loại sẽ không có bình an cho đến khi nó quay về với sự tín thác vào lòng thương xót của Cha” (Nhật ký, 300). Lòng Thương Xót Chúa! Đây là một quà tặng của lễ Phục Sinh mà Giáo Hội lãnh nhận từ Chúa Kitô phục sinh và ban cho nhân loại ở vào bình minh của đệ tam thiên niên kỷ.

Tin Mừng vừa được công bố, giúp chúng ta nắm bắt ý nghĩa và giá trị đầy đủ của hồng ân này. Thánh Ký Gioan giúp chúng ta chia sẻ xúc cảm phát xuất từ các Tông Đồ trong lần gặp gỡ của các ông với Đức Kitô sau khi Ngài Phục Sinh. Sự lưu ý của chúng ta tập trung vào cử chỉ của Thầy, Đấng truyền tải vào sự sợ hãi, kinh ngạc của các môn đệ sứ mạng trở nên những sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa. Ngài cho họ xem tay và cạnh sườn Ngài, nơi mang những dấu vết của cuộc Thương Khó, và bảo họ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Gioan 20:21).

Liền sau đó, “Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Gioan 20:22-23). Chúa Giêsu đã trao cho họ đặc ân “tha tội”, một đặc ân chảy ra từ những vết thương trên tay, chân, và đặc biệt từ cạnh sườn bị đâm thâu của Ngài. Từ đó, một cơn sóng của lòng thương xót được tưới đổ trên toàn thể nhân loại.

Chúng ta hãy làm sống lại giây phút này với một sức mạnh tinh thần lớn lao. Hôm nay, Chúa cũng chỉ cho chúng ta những vết thương và Trái Tim vinh hiển của Ngài, một suối nguồn không hề cạn của ánh sáng và sự thật, của tình yêu và sự tha thứ.

Trái Tim của Đấng Cứu Thế!

“Thánh Tâm” của Ngài đã ban cho con người mọi sự: ơn cứu chuộc, ơn cứu độ, sự thánh hóa. Thánh Faustina Kowalska nhìn thấy từ Trái Tim đó tuôn trào tình yêu vô biên bằng hai luồng sáng chiếu sáng thế giới.

Hai luồng sáng, [theo những gì chính Chúa Giêsu đã nói với chị] có nghĩa là máu và nước (Nhật Ký, 299). Máu nhắc nhở hiến tế trên đồi Golgotha và mầu nhiệm Thánh Thể; nước, theo hình ảnh tượng trưng phong phú của thánh sử Gioan, khiến chúng ta nhớ đến Phép Thánh Tẩy và Ân Huệ của Chúa Thánh Thần (x Gioan 3:5; 4:14).

Qua mầu nhiệm của Trái Tim bị thương tích này, thủy triều mạnh mẽ của tình yêu thương xót của Thiên Chúa tiếp tục tuôn tràn trên những người nam và người nữ của thời đại chúng ta. Nhưng,  duy nhất chỉ những ai tìm kiếm sự thật và hạnh phúc vĩnh cửu mới khám phá ra bí mật của nó.

“Giêsu, Con tín thác nơi Chúa!”

Lời cầu xin sốt sắng này, diễn tả một cách rõ ràng thái độ mà cả chúng con nữa cũng muốn từ bỏ chính mình cách hoàn toàn để tín thác vào Chúa. Lạy Chúa, Đấng Cứu Độ Duy Nhất của chúng con.

Chúa đang bừng lên khát vọng được yêu thương và những ai có chung những cảm thức của Trái Tim Chúa đều biết cách xây dựng nền văn minh mới của tình yêu thương. Chỉ cần một tác động tin tưởng phó thác là đủ thắng vượt được những trở ngại của tình trạng tối tăm và sầu đau, ngờ vực và tuyệt vọng. Những tia sáng của Lòng Thương Xót Chúa là những gì phục hồi niềm hy vọng, một cách đặc biệt, đối với những ai cảm thấy bị đè bẹp bởi gánh nặng tội lỗi.

Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin giúp chúng con luôn luôn đặt niềm phó thác vào Con của Mẹ, Đấng Cứu Chuộc chúng con. Cùng với Thánh Faustina, người mà chúng tôi kính nhớ hôm nay với một tình cảm mến yêu đặc biệt, xin giúp chúng tôi biết đặt cái nhìn chăm chú vào khuôn mặt Đấng Cứu Độ thần linh, để với người, chúng tôi lặp lại : “Lạy Chúa Giêsu, Con Tín Thác nơi Chúa!” Bây giờ và mãi mãi. Amen.

Chúa Nhật Chúa Tình Thương, 16 tháng Tư, 2023.

______

Nguồn: https://www.divinemercysunday.com/popes-homily.htm

Divine Mercy Sunday.com

* Những lời Thánh Kinh trong bài giảng này đều được trích dẫn từ bản dịch KINH THÁNH trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước. Nhà xuất bản thành phố HCM, 1998.