Thánh Lễ và Sống Đạo – Nghi Lễ Cũ Nhường Nghi Lễ Mới

Thánh Lễ và Sống Đạo – Nghi Lễ Cũ Nhường Nghi Lễ Mới

Nguồn Hy Vọng Của Chúng Con
Vương cung thánh đường St. Bartholomew được dâng hiến cho các vị tử đạo của thế kỷ 20
Thụ Thai Do Con Người Đặt Tay

Trần Mỹ Duyệt

“Et antiquum documentum. Novo cedat ritui.” (Nghi lễ cũ nhường nghi lễ mới). Trong kinh Tantum Ergo được hát trước khi ban phép lành Thánh Thể, Thánh Tôma Aquinas  đã ca tụng nghi lễ hiến tế Thánh Thể thay cho các nghi lễ trong Cựu Ước. Chúa Giêsu đã trở nên tâm điểm của mọi nghi lễ. Trong Thánh Thể, Ngài là lễ vật và là Đấng tế lễ.

Nhưng một trong những thay đổi gần đây có liên quan tới Phụng Vụ của Giáo Hội đang gây nhiều tranh cãi là việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngày 16 July 2021 đã ban hành Tông Thư dưới dạng Tự Sắc Traditionis Custodes – Những người bảo vệ truyền thống –  nhằm thống nhất và hệ thống hóa việc cử hành thánh lễ theo Công Đồng Trent (1545 và 1563) đã được Đức Bênêđíctô XVI trước đây cho phép.

Trong số những người tỏ ý bất bình với quyết định của Giáo Hoàng gồm hồng y, tổng giám mục, giám mục và giáo sỹ. Tôi không thuộc thành phần giáo phẩm, giáo sỹ. Tôi cũng không phải là một nhà thần học, một giáo sư phụng vụ hay lịch sử Giáo Hội. Những gì tôi trình bày ở đây thuộc cảm nghiệm của một người đã từng có trải nghiệm về cả hai hình thức Thánh lễ: Thánh lễ Công Đồng Trent và Thánh Lễ Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, cũng được gọi là thánh lễ theo nghi thức Roma sau công đồng Vaticanô II (1962-65).

Nhớ lại khoảng 70 năm trước, mỗi khi đi lễ, một hành động bị coi như bắt buộc, miễn cưỡng và không mấy thích thú, vì không đi là bị bố đánh đòn. Thánh lễ thời đó được cử hành bằng tiếng Latin, linh mục quay lưng về phía giáo dân. Đến với nhà thờ bằng tâm thức miễn cưỡng lại không hiểu cha đọc gì, nói gì, làm gì mà còn phải ngồi nghe một bài giảng dài, thường thì hay ít giở nhiều, nên tham dự thánh lễ kiểu đó đúng với nghĩa là đi xem lễ. “Đi xem lễ” hợp với cách diễn tả của phần đông các linh mục khi nói về việc cử hành thánh lễ là “đi làm lễ”. Chỉ tiếc một điều là việc làm ấy được nhiều vị lập đi, lập lại thường xuyên một cách rất nhàm chán. Với suy nghĩ non nớt của tôi lúc bấy giờ, thà ở nhà ngủ còn sướng hơn!

Nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, sau Công Đồng Vaticanô II, thánh lễ và các nghi thức phụng vụ kể cả các bí tích được canh tân và chuyển qua thành tiếng địa phương (tiếng mẹ đẻ), nên ít nhất ngoài phần giảng giải ra, tôi cũng còn nghe và hiểu lơ mơ về các lời cầu, nhất là các bài đọc trong đó có Phúc Âm để biết Chúa nói gì, làm gì, và những gì Ngài đã thực hiện cho phần rỗi của tôi và của nhân loại. Thích nhất là phần thánh ca với những bài thánh ca hoàn toàn bằng tiếng Việt nghe đến đâu hiểu đến đó. Nó khác hẳn với phần thánh nhạc trước đó hát bằng tiếng Latin mà người hát cũng như người nghe chẳng biết nó như thế nào? Trong tinh thần đổi mới này, tôi thấy mình không phải miễn cưỡng đi lễ và không nhàm chán xem lễ, nhưng ít nhất là được cùng với linh mục, giáo dân dâng lễ, hay hiệp dâng thánh lễ.

Vậy tại sao ở các nước Âu Mỹ, ngày nay lại có một số thành phần cứ đòi cho được cử hành thánh lễ cổ điển theo tinh thần công đồng Trent? Tôi thực sự không biết, nhưng có lẽ nó phát xuất từ quan điểm của Tổng Giám Mục Marcel François Marie Joseph Lefebvre người Pháp. Ông là nghị phụ tham dự công đồng Vaticanô II, nhưng rồi cũng chính ông đã phản đối quyết định của công đồng trong việc canh tân thánh lễ. Dĩ nhiên, phong trào nào cũng vậy, quan điểm của ông cũng thu hút được một số người theo ông. Năm 1970 ông lập Huynh Đoàn Thánh Piô X để quyết tâm duy trì thánh lễ Latin. Sinh hoạt này đã gây ra nhiều phiền toái cho Giáo Hội. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã cố gắng đối thoại với nhóm này nhưng vẫn không kết quả.

Tại Việt Nam không có cái cảnh đòi hỏi này nên Giáo Hội Việt Nam xem ra nhẹ nhõm, nhưng ở các nước Âu Mỹ thì không phải vậy, nên vẫn có những thánh lễ quay lên và bằng Latin ở một số địa điểm, một số nơi, thu hút một số người. Kinh nghiệm của tôi về thánh lễ kiểu này bỗng sống lại khoảng thời gian gần đây khi tham dự thánh lễ an táng của mẹ một người bạn sinh hoạt cùng nhóm. Bà này thuộc thành phần bảo thủ theo nhóm Lefebvre nên quyết định phải được làm lễ qui lăng (lễ an táng) trong một nhà thờ có cử hành thánh lễ Latin và theo nghi thức cũ. Tham dự thánh lễ (đúng hơn là xem lễ) hôm đó mọi người nữ phải trùm đầu bằng khăn choàng đen. Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Latin, linh mục quay lưng về phía giáo dân. Ký ức quay về thời xa xưa và thật sự hôm đó tôi phải giục lòng tin nhiều hơn mới cầm lòng, cầm trí mà “xem” cho hết ván lễ (tiếng người xưa vẫn gọi là thánh lễ). Dĩ nhiên cuối cùng thì cũng xong, ra về và không hiểu, không biết gì hết. Tôi tự hỏi, như vậy thì có ích gì? Làm như vậy để làm gì?

Theo tôi, so sánh với Thánh lễ Tridentine cũng được gọi là Thánh Lễ Latin Truyền Thống, được cử hành theo nghi lễ trong Giáo Hội Công Giáo theo sách lễ Roma từ năm 1570 đến 1962, và thánh lễ được cử hành từ năm 1962 tới giờ thì thánh lễ vẫn là thánh lễ. Chúa Giêsu vẫn là Đấng Tế Lễ và là Của Lễ. Hy lễ thập giá năm xưa vẫn tái hiện trên bàn thờ. Người tham dự kể cả linh mục lẫn giáo dân đều được nuôi dưỡng bằng bàn tiệc thiên đình gồm Lời của Chúa và Thánh Thể. Tuy nhiên, nếu được hỏi ý kiến, tôi vẫn thấy thánh lễ được cử hành như hiện nay gần gũi, dễ hiểu, và hấp dẫn người tham dự hơn. Bởi thế, tôi dùng từ tham dự hay dự lễ thay cho từ đi lễ hoặc xem lễ.

-Phẩm phục linh mục nhẹ nhàng hơn, không nặng nề, hình thức và hoa văn rườm rà như trước đây mỗi khi tôi thấy linh mục từ trong phòng thánh bước ra.

-Có tính cách cộng đồng hơn khi chủ tế cùng quay xuống, hòa đồng và cùng dâng lễ với cộng đoàn giáo dân tham dự. Thánh lễ mà chỉ có chủ tế thì thầm gì với Chúa, quay lưng về phía giáo dân thì như xa lạ, chia cách và thiếu tính cách hiệp thông cộng đoàn.

-Giáo dân tham dự được chia sẻ qua các bài đọc, lời nguyện, lời ca tiếng hát. Nhờ được cử hành bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, thánh lễ dưới hình thức này như tôi đã trình bày, thu hút được sự chú tâm, hiệp ý và tạo điều kiện cho người tham dự kết hợp, sống thánh lễ và thực hành thánh lễ trong đời sống.

-Câu hỏi tôi vẫn suy nghĩ mà sợ nói ra bị mang tiếng xúc phạm, đó là có mấy linh mục am hiểu, đọc thông, viết thạo, và nói rõ ràng tiếng Latin như tiếng mẹ đẻ? Nếu vậy, có nên nêu lên nghi vấn về những gì họ đọc và những gì họ làm không?

Một câu truyện cười nhà đạo kể về khả năng Latin của các linh mục như sau. Trong lúc truyền phép Mình Máu Thánh Chúa, khi đọc lời truyền phép một vị linh mục thay vì đọc:

HOC EST ENIM CORPUS MEUM.

(Này là Mình Ta)

Do quên sót hay sốt sắng thế nào lại đọc chữ Corpus thành Corbus (con quạ), thế là một đàn quạ bay đầy nhà thờ. Không biết trong quá khứ có bao nhiêu lần các linh mục đã đọc nhầm lời truyền phép như thế này, và nếu có thì khi rước lễ giáo dân ăn thịt Chúa hay ăn thịt quạ?!

Tóm lại, thánh lễ là vô giá, nơi Thiên Chúa đối thoại, lắng nghe dân Ngài. Ngài ban Lời và Thịt Máu Ngài làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn tín hữu trên đường về quê trời. Chúng ta được khuyến khích siêng năng tham dự thánh lễ. Ngoài ra, chủ tế cũng không nên dùng thánh lễ như những cơ hội để khoe áo mũ, gậy gộc. Càng không nên biến tòa giảng thành nơi khoa trương kiến thức, tài hùng biện, nơi kể truyện rông rài, hoặc kết án người này, người khác. Tòa giảng là tòa chân lý, nơi công bố Lời Chúa.

Như vậy không cần phải thánh lễ quay lên hay quay xuống, thánh lễ Latin hay thánh lễ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp… Nếu thánh lễ được dâng với tinh thần cung kính, nghiêm trang và sốt sắng thì người tín hữu sẽ không coi việc tham dự thánh lễ là xem lễ, và chủ tế không còn coi đó là việc làm nhàm chán, miễn cưỡng mà là dâng thánh lễ.