Nhiều ít trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta gặp những biến cố đặc biệt mà khi đối mặt với chúng, chúng ta thường cảm thấy mình khó chịu, càu nhàu, bực bội, cô đơn, buồn bã, mất ăn, mất ngủ, và mệt mỏi cả tinh thần lẫn thân xác. Đôi khi trong những khó khăn dồn nén đó, chúng ta có những ý nghĩ chán đời, buông thả, rút kín, cô lập, và không muốn sống nữa. Tâm lý học gọi đó là những triệu chứng của trầm cảm.
Sau hơn một năm tác oai tác quái trên trái đất, Covid-19 (dịch Vũ Hán) đã để lại không biết bao nhiêu hậu quả tiêu cực bao gồm từ lãnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, chính trị, và tôn giáo. Riêng trong lãnh vực tâm thần và tâm bệnh, nó đã và đang tạo ra một hậu chấn tâm lý gây hoang mang, sợ hãi và bất ổn.
Nhiều gia đình trở nên mất vui, bầu khí gia đình biến thành lạnh lẽo, buồn tẻ. Ngôi nhà hạnh phúc nay biến thành địa ngục. Vợ chồng xào xáo, dẫn đến gây lộn, hành hung, ly thân và ly dị vì một người hoặc cả hai bị trầm cảm.
Hậu quả dễ thấy nhất trong những gia đình này đến từ người chồng quen thói lười biếng, ươn lười viện dẫn lý do công ăn việc làm bị hạn chế, hoặc các hãng xưởng giới hạn công nhân do ảnh hưởng của Covid, cộng thêm đam mê cờ bạc, rượu, nghiện hút, games, và phim ảnh khiêu dâm trên internet…Hoặc người vợ không việc gì làm “nhàn cư vi bất thiện,” tối ngày shop trên online, đặt mua những món hàng mà chẳng bao giờ dùng tới, gây thiếu hụt ngân qũy gia đình.
Con cái vì không đến trường ở nhà tự học, hoặc giờ học không nhất định đã tạo nên sự lười biếng, điểm học xuống cấp. Cha mẹ la mắng, con cái cãi lại, hỗn hào, anh chị em hục hoặc khiến bầu khí gia đình trở thành căng thẳng. Tin tức về các trẻ em, thanh thiếu niên tự tử vì chán nản không được đến trường, không được tiếp xúc với bạn bè, gò bó trong môi trường gia đình, thiếu thông cảm giữa cha mẹ, anh chị em đã tạo ra mối quan tâm và lo lắng cho giới phụ huynh.
Tóm lại, hậu quả của trầm cảm gây ra do ảnh hưởng của Covid là một mối đe dọa cho đời sống và sự phát triển của tâm lý hiện nay. Nó đang bao trùm khắp thế giới.
TRẦM CẢM (DEPRESSION) VÀ CĂNG THẲNG (STRESS)
Một điều quan trọng mà nhiều người ít để ý và quan tâm tới là những hội chứng tâm lý cần được chữa trị. Họ nghĩ những cái đó là do tính nết sẵn có, do hoàn cảnh khó khăn, do người khác hiểu lầm, hoặc do xã hội gây nên. Lạc quan một tí thì cố gắng chịu đựng cho qua, hy vọng “ngày mai sẽ sáng!” Bi quan hơn thì nổi nóng, cáu giận, bực tức người này, người khác, hoặc chán nản, buông xuôi để mặc cho định mệnh. Và cùng quẫn, hoang mang, tự ty quá thì tìm cách kết thúc cuộc đời!!!
Sau đây là một số triệu chứng thông thường liên quan đến trầm cảm dưới cái nhìn của tâm bệnh:
Những triệu chứng thông thường của stress:
-Trầm mặc hoặc cáu gắt.
-Bực bội, tức giận hoặc bất an.
-Cảm thấy chán nản, bần thần, hoặc lơ là.
-Mất ngủ hoặc ngủ vùi cả ngày.
-Nghĩ ngợi lung tung hoặc quá lo lắng.
-Suy giảm trí nhớ hoặc khả năng chú tâm.
-Có những quyết định sai lầm.
Những triệu chứng trên lúc ẩn, lúc hiện, lúc mạnh lúc yếu, và thông thường chỉ làm ta khó chịu ở bước đầu. Nhưng nếu không tìm cách vượt qua, từ từ chúng sẽ biến thành những triệu chứng dẫn đến trầm cảm.
Triệu chứng của trầm cảm:
-Cảm thấy buồn bã, trống rỗng, vô vọng và hay khóc.
-Cáu giận, bực tức, hoặc khó chịu mặc dù chỉ là những chuyện nhỏ mọn.
-Mất hứng thú, cảm xúc trong tất cả những sinh hoạt thường ngày, kể cả như nhu cầu sinh lý vợ chồng, hoặc những thú vui, sở thích.
-Mất ngủ hoặc ngủ vùi.
-Mệt mã, mất nhiệt huyết khi làm những việc dù nhỏ mọn.
-Mất cảm giác và ăn uống mất ngon.
-Cáu giận, khó chịu và hay gây gỗ.
-Suy nghĩ, nói năng chậm chạp, hoặc di chuyển khó khăn.
-Thấy mình vô dụng hoặc tội lỗi và tự phàn nàn về mình, về những lỗi lầm quá khứ.
-Có vấn đề về suy nghĩ, chủ tâm, quyết tâm hoặc trí nhớ.
-Thường xuyên hay nghĩ đến chết, có tư tưởng tự tử hoặc muốn đi tìm cái chết.
-Có những vấn đề về thể lý không giải thích được, thí dụ, đau lưng, nhức đầu.
Đối với nhiều người những triệu chứng trên không nghiêm trọng (severe) đủ khiến họ phải lưu ý trong những công việc thường ngày như việc làm, học hành, những hoạt động xã hội hoặc những giao tiếp xã hội. Cũng có những người tự nhiên thấy mình cảm thấy như bất hạnh, đáng thương, và chán nản mà không hiểu tại sao.
Có nhiều loại trầm cảm, nhưng điều quan trọng là khi có những dấu hiệu trên một hoặc hai tuần, ta cần phải tìm sự chữa trị của bác sỹ tâm lý (psychologist) và bác sỹ tâm thần (psychiatrist). Tránh để rơi vào tình trạng trầm cảm ở giai đoạn nghiêm trọng (major depression) mà không có sự giúp đỡ của các bác sỹ tâm lý và tâm thần.
ĐỐI DIỆN VỚI TRẦM CẢM
Vì là hội chứng thuộc tâm lý và tâm thần, nên không bao giờ để mình hoặc người thân rơi vào tình trạng trầm cảm nặng. Thí dụ, mất nghị lực, mất hứng thú và tự cô lập, mất ngủ hoặc ngủ vùi triền miên, hoang mang, bi quan, vô vọng, chán sống, và có ý định tự tử.
Dưới đây là một số hướng dẫn tạm gọi là chuyên môn có thể giúp cho những ai đang cảm thấy mình bị ảnh hưởng nhẹ hoặc mới có những triệu chứng trầm cảm. Những gợi ý bao gồm:
1: Cởi mở và trao đổi với bạn bè.
2: Làm những gì mà mình cảm thấy thích thú.
3: Hoạt động và không ngồi một chỗ.
4: Ăn uống điều độ và kiểm soát chế độ ăn uống.
5: Bắt đầu bằng một ngày mới với những sinh hoạt ngoài trời.
6: Thay đổi những tư tưởng bi quan thành những tư tưởng lạc quan.
Ứng dụng thực hành, về phía người đang mang những dấu hiệu của trầm cảm, cách tốt nhất là chia sẻ những khó khăn, những uẩn khúc của hiện tại với những ai mà mình tin tưởng để tìm sự đồng cảm, khích lệ, và những hướng dẫn tích cực. Trong hoàn cảnh hiện nay là những ảnh hưởng của Covid mà mình hoặc người thân đang gặp phải.
Tiếp đến là tìm một việc gì thích hợp để giải trí lành mạnh trong những điều kiện có thể. Những sinh hoạt không bị giới hạn do khoảng cách xã hội, hoặc những đòi hỏi về mặt y tế, xã hội. Thí dụ, những sinh hoạt ngoài trời ở những nơi mà gia đình có thể tổ chức picnic, câu cá, đi dạo, hoặc leo núi…
Nhất là thay đổi, chuyển hướng những tư tưởng bi quan thành những tư tưởng lạc quan. Chỉ có những tư tưởng lạc quan, tích cực mới giúp xua tan những lo lắng tiêu cực gây ra do trầm cảm. Kinh nghiệm thực tế cho biết, tự thay đổi, và thay đổi theo chiều hướng tích cực là một việc khó làm nhất. Như những người nghiện rượu rất ít khi nhận mình là người nghiện, người mang những triệu chứng tâm lý cũng hầu như không bao giờ nhận mình là người đang gặp những khó khăn về mặt tâm lý và cần được giúp đỡ. Do đó, những người có trách nhiệm như cha mẹ, vợ chồng, anh chị em là phải tìm cách nào vừa tế nhị, vừa khôn ngoan, vừa hợp lý để giúp người có bệnh chấp nhận tìm gặp những bác sỹ chuyên môn cũng như chịu uống thuốc.
Sau cùng, với kinh nghiệm nghề nghiệp, theo tôi không gì mau chóng và đem lại kết quả tốt cho chính mình hoặc một người trong gia đình khi gặp những triệu chứng về tâm lý hoặc tâm thần là:
*Sự giúp đỡ và khích lệ của gia đình, người thân:
Những sự giúp đỡ của cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, ông bà là những giúp đỡ rất cần thiết và hiệu nghiệm để nâng đỡ tinh thần một người khi gặp những khó khăn về mặt tình cảm, tâm lý, hoặc tâm thần.
Điều này bao gồm những quan tâm, sự cảm thông, chia sẻ, những nụ cười, những lời khích lệ. Đặc biệt tránh dùng những lời lẽ nặng nề, chê trách hoặc chỉ trích người thân, con cháu, hoặc vợ chồng trong những trường hợp này. Nên nhớ, người bệnh rất nhậy cảm và rất dễ tự ty về những lời nói hoặc nhận xét tiêu cực!
*Cầu nguyện và tinh thần:
Lời cầu nguyện của người thân cũng như của chính người bệnh là phương thuốc tuyệt vời nhất cho những bệnh nhân tâm thần – cũng như thể xác. Đối với Phật Giáo, phương pháp ngồi thiền, yoga cũng là một cách cầu nguyện, giữ tâm hồn yên tĩnh. Trong những trường hợp này, thật ra không ai ngoài Thượng Đế là người có quyền năng tác động và thay đổi tâm hồn của bệnh nhân, và thổi vào đó niềm tin tưởng, lạc quan. Tôi đã có kinh nghiệm về những lời cầu này trong thời gian giúp các bệnh nhân tâm lý cũng như tâm thần. Giá trị của nó hiệu nghiệm, vượt trên mọi thứ thuốc tâm thần, những phương pháp trị liệu, cũng như những lời khuyên dù rất nhiệt tình và tha thiết của bất cứ ai.
Trong hoàn cảnh hiện nay của cơn đại dịch, không những chúng ta cần phải cầu nguyện cho người thân, vợ chồng, con cháu mà còn cầu nguyện cho thế giới, cho những nạn nhân đang phải đối đầu với những thử thách do dịch bệnh gây ra. Lời cầu nguyện là liều thuốc vạn năng có khả năng giúp chữa lành mọi tật bệnh tâm hồn và thể xác. “Không có gì mà Thiên Chúa không làm được.” (Lc 1:37)
Trần Mỹ Duyệt