Trần Mỹ Duyệt
“Tôi tin Giáo Hội duy nhất Thánh Thiện, Công Giáo, và Tông Truyền”. Dường như đây là những gì mà đức tin và lý trí xung khắc nhau nhất; đặc biệt, đối với Giáo Hội trong hoàn cảnh xã hội hiện nay.
Có thật sự Giáo Hội của người Công Giáo là giáo hội duy nhất, thánh thiện và Tông Truyền không? Xét về phương diện tự nhiên và suy nghĩ bằng lý trí bình thường thì những điều đó xem như hão huyền nếu không muốn nói là cuồng tín. Hằng ngày chúng ta vẫn chứng kiến, vẫn nghe, và vẫn đọc biết bao câu chuyện chẳng mấy gì là thánh thiện, tông truyền, và công giáo tí nào? Và điều này thật sự khiến nhiều người phải chiến đấu với lý trí, với sự hiểu biết của mình để có được “đức tin”.
Thỉnh thoảng tôi gặp vài người bạn xấp sỉ 70, 80, cái tuổi hay nhìn về quá khứ để thương, để tiếc, và để nhớ. Mỗi lần gặp nhau như thế thì ngoài những kỷ niệm về tuổi thơ, về tuổi trẻ hào hùng, về quê hương, lại được đem ra kể cho nhau nghe. Dĩ nhiên, là không bỏ qua những chuyện đạo như nhà thờ, nhà thánh, rước sách, đọc kinh, xem lễ. Đa số đều cho rằng đạo đức ngày nay nó làm sao ấy!
Giáo Hội như con thuyền vượt đại dương, trên mặt biển nó đi qua đều để lại những dấu vết. Nhưng những bọt sóng của con thuyền đã bị dòng nước cuốn trôi, và nếu nhìn lại từ đàng xa vẫn chỉ thấy mặt biển bình lặng. Cứ như thế, con thuyền hướng về phía trước. Tuy nhiên, ở vào thời điểm hiện nay, có lẽ con thuyền này đang gặp phải những cơn sóng dữ, và sự chòng chành của nó khiến nhiều người hoảng sợ.
Theo “Sách Thống Kê Của Giáo Hội” mới xuất bản cho thấy con số tín hữu giảm so với số dân số tăng trên thế giới. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, dân số thế giới là 7.785.769.000, tăng 118.633.000 so với năm trước. Cùng thời điểm, số người Công Giáo trên thế giới đạt 1.375.852.000 trên tổng mức tăng 16.240.000 so với năm trước.
Tỷ lệ người Công Giáo trên thế giới giảm nhẹ (-0,06) so với năm trước đạt 17,67%. Tổng số Giám Mục giảm 23 vị, xuống còn 5.340. Các linh mục giảm xuống còn 407.872 (-2.347). Tu sĩ không phải linh mục giảm 795 vị, xuống còn 49.774. Nữ tu cũng giảm 10.588 vị, xuống còn 608.958. Và đại chủng sinh, giáo phận và tu sĩ giảm trong năm nay, trên toàn cầu có 1.960 vị, đạt tổng số 109.895. [1]
Khi mấy chữ “đạo nghĩa làm sao ấy” mà các bạn tôi cũng như những người cao niên nói về Giáo Hội là ám chỉ chuyện các cha đòi lấy vợ, các bà muốn làm linh mục, hôn nhân đồng tính, chuyển đổi giới tính, chuyện phá thai và số người bỏ đạo… Thêm vào đó là những điểm liên quan đến giáo lý của Giáo Hội như có đến 70% người không tin phép Thánh Thể, một số linh mục không tin Phép Thánh Thể, không tin phép Giải Tội. Hàng giáo phẩm, linh mục, tu sỹ dính dáng đến tình dục, ấu dâm. Hội chứng giáo sỹ trị, và chuyện giảng giải của các cha cụ… Tất cả đều là những đề tài nóng mà không có hồi kết.
Trong lúc tình hình Giáo Hội gặp phải những thử thách như vậy, kéo theo vô số những vấn đề cần phải quan tâm, thì trong Thượng Hội Đồng, ngày 16 tháng 10, 2023 các đại biểu lại để ý đến: “Việc phong chức phó tế cho phụ nữ”, và tranh luận với nhau về “Tính ‘tổn thương’ của giới đồng tính” (LGBTQ). [2]
Nhà thần học Renée Köhler-Ryan, Khoa Trưởng Khoa Triết học và Thần học tại Đại học Notre Dame ở Sydney, một trong 54 đại biểu nữ tham dự Thượng Hội Đồng đã phát biểu trong cuộc họp báo ngày 17 tháng 10: “Là một phụ nữ, tôi không hề tập trung vào thực tế rằng tôi không phải là một linh mục”. Đối với nhà thần học này, các đại biểu đã dành quá nhiều thời gian cho “vấn đề phù phiếm” về các nữ linh mục hoặc phó tế, sẽ khiến Giáo hội mất tập trung vào việc giải quyết những gì phụ nữ thực sự cần. Vị giáo sư Công Giáo nói thêm: “Tôi nghĩ rằng có quá nhiều sự nhấn mạnh vào câu hỏi này”. [3]
Ngược lại, một giám mục lại ủng hộ việc phong chức phụ nữ. Giám Mục Mackinlay nói với tờ National Catholic Reporter rằng “vấn đề truyền chức phó tế cho phụ nữ rõ ràng là một vấn đề cần được giải quyết một cách phổ quát… Và nếu kết quả là việc truyền chức phó tế được mở rộng cho phụ nữ, tôi chắc chắn sẽ hoan nghênh điều đó.” [4]
Những người hô hào cải cách còn muốn Giáo Hội phải đi xa hơn nữa. Nhà báo Diane Montagna khi hỏi Giám Mục Franz-Josef Overbeck, và ngài đã trả lời rằng nếu “truyền thống và dấu chỉ thời đại đối nghịch nhau, nên bỏ qua truyền thống”. Vị giám mục này có ý nói về những đòi hỏi của thế giới hiện nay và Tông Truyền trong Giáo Hội. Và ngài đã nhấn mạnh hai lần là cần bỏ qua Tông Truyền. [5]
Thật ra, những vấn nạn trên cũng chẳng mới mẻ gì trong suốt chiều dài hơn 2000 năm lịch sử của Giáo Hội. Hiển nhiên, Chúa Giêsu cũng đã nhìn ra nó trước khi xây dựng Giáo Hội của Ngài trên nền tảng Phêrô và trao quyền điều hành cho ông cũng như các vị kế nghiệp ông. Chính vì vậy, trong lúc có nhiều hoang mang về tình trạng của Giáo Hội, cũng như lo lắng không biết Giáo Hội phải đối phó thế nào với những đòi hỏi mở cửa và đổi mới theo những trào lưu cấp tiến, thế tục và duy vật, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Thánh Lễ kết thúc Phiên Họp Đầu Tiên của Thượng Hội Đồng về Tính Đồng Nghị, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ngày 29 tháng 10 năm 2023, với khoảng 5.000 người tham dự theo ước tính của CAN, đã nói trong bài giảng như sau:
“Thưa anh chị em, phiên họp Toàn Thể của Thượng Hội đồng đã kết thúc. Trong “cuộc đàm luận của Thánh Thần” này, chúng ta đã cảm nghiệm được sự hiện diện yêu thương của Chúa và khám phá ra vẻ đẹp của tình huynh đệ. Chúng ta đã lắng nghe nhau và trên hết, trong những nền tảng và mối quan tâm phong phú khác nhau, chúng ta đã lắng nghe Chúa Thánh Thần. Ngày nay chúng ta không nhìn thấy thành quả đầy đủ của quá trình này, nhưng với tầm nhìn xa trông rộng, chúng ta nhìn về chân trời mở ra trước mắt…” [6]
Giáo Hội cần mở những cánh cửa để làn gió mát của Thánh Thần làm trong sạch không khí bên trong. Nhưng mở cánh nào? Khi nào mở? Và mở đến đâu là việc của Chúa Thánh Thần.
Tóm lại, chuyện giáo sỹ trị, giáo sỹ có gia đình, phụ nữ làm linh mục, linh mục yếu đuối, linh mục giảng giải dài dòng, hợp thức hôn nhân đồng tính… là thuộc lãnh vực điều hành, và cá nhân con người, chúng không thuộc bản tính của Giáo Hội. Hoặc chuyện đồng tính, hôn nhân đồng tính, phá thai và thay đổi giới tính là chuyện của con người. Những người Công Giáo thuần thành, và các bạn cao niên của tôi cũng đừng quá lo lắng. Trước mắt chúng ta sẽ không phải tham dự thánh lễ do một linh mục “có vợ” cử hành, hoặc cũng đừng sợ phải xưng tôi với một “mẹ linh mục”, vì con đường dẫn đến những cải cách đó vẫn còn dài, và chắc không xảy ra trong tương lai gần. Sau cùng, nếu Giáo Hội Đức hay bất cứ giáo hội nào muốn tách rời hoặc tìm cho mình một hướng đi mới thì cũng không vượt ra khỏi quyền hạn của Thiên Chúa. Và như lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Phái Luthêrô truyền chức cho phụ nữ, nhưng vẫn có ít người đến nhà thờ. Các linh mục của họ có thể kết hôn, nhưng mặc dù vậy họ không thể tăng số lượng mục sư. Vấn đề là văn hóa. Chúng ta không nên ngây thơ và nghĩ rằng những thay đổi chương trình sẽ mang lại cho chúng ta giải pháp.” [7]
Như vậy, từ hôm nay khi đọc kinh Tin Kính đến chỗ: “Tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo, và Tông Truyền”, chúng ta hãy vững tin và hãnh diện về niềm tin của mình.
___________
Tham khảo
1. https://vietcatholic.net/News/
2. https://vietcatholic.net/News/
3. https://vietcatholic.net/News/
4. https://vietcatholic.net/News/
5. https://www.thecatholicthing.
6. https://vietcatholic.net/News/
7. https://vietcatholic.net/News/