Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh hạt lúa rất quen thuộc để diễn tả sự chết nhiệu màu: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều bông hạt.”
Hình ảnh hạt giống cung cấp cái nhìn đầy tích cực về cái chết. Chết là sự thay đổi để bước vào đời sống mới phong phú hơn chứ không phải là một sự tiêu tan chả còn gì. Cái nhìn tích cực ấy giúp ta có tâm trạng hy vọng cậy trông thay vì tuyệt vọng ngã lòng trước cái chết. Đồng thời, hình ảnh hạt giống cũng trở thành qui luật sống cho toàn thể nhân loại. Qui luật đó là: Bất cứ ai muốn cuộc đời mình sinh nhiều hoa trái thì đều phải chấp nhận hi sinh. Quả thật, không có gian lao không sao thắng lợi!
Chính Chúa Giêsu đã như hạt giống mà Chúa Cha gieo vào thế giới này. Hạt giống Giêsu đã dấn thân hi sinh, đã dám chết đi để trổ sinh sự sống cứu độ muôn loài. Cái chết của Chúa Giêsu đã lay động lương tri nhân loại và thức tỉnh nhân sinh quan về vẻ đẹp sự sống đích thực: Sống không còn là chỉ giới hạn chăm lo cho riêng bản thân mình và cuộc đời này, nhưng sống đích thực là vươn ra dấn thân chăm lo cho hạnh phúc người khác và vươn xa chăm lo cho sự sống đời đời.
Qua cái chết, Chúa Giêsu lại công bố Tin Mừng về sự sống: Chúng ta sống được là nhờ ơn Chúa và nguồn sống từ Chúa. Và chúng ta hãy thực hành một lối sống giống Chúa: Lối sống hi sinh vươn ra với tha nhân và vươn xa tới vĩnh cửu. Sống được như thế, thì chính giờ chết lại là giờ chúng ta được tôn vinh, chính lúc biệt ly giã từ ngôi nhà trần thế lại là lúc chúng ta được đoàn tụ đi về Nhà Cha hưởng phúc.
Lạy Chúa, Chúa đã gieo những hạt giống tin tưởng, yêu thương, vui mừng, hi vọng… vào trong mảnh vườn tâm hồn và cuộc đời mỗi người chúng con. Xin cho chúng con dấn thân hi sinh chăm bón, vun trồng cho những hạt giống ấy lớn lên mỗi ngày và trổ sinh nhiều bông hạt. Amen.