Cuộc sống hôm nay, hầu hết ai cũng than “bận quá”. Họ ước gì một ngày có thêm vài giờ để thu xếp hết mọi chuyện. Đúng thôi, thời đại điện tử đó mà. Bấm nút một cái chạy ra hàng đống thứ, khiến người ta phát chóng mặt nhưng lại rất thích thú. Và thế là, cứ như con thiêu thân lao vào mong tìm gặp được hạnh phúc.
Ai đó sau hơn mười mấy năm gặp lại đã từng lên tiếng: “Bạn tôi thay đổi quá. “Người ấy” của thuở xa xưa. Một thời thơ mộng, áo dài thướt tha, mắt mơ huyền với nụ cười dịu ngọt, đâu rồi?” “Sống chậm lại chút để cảm nhận, để suy nghĩ và để nắm giữ một cách sâu sắc hơn những việc mà bạn đã vô tâm lướt qua như những vật thể vô hình hàng ngày. Chỉ có vậy mới mong bình yên đến”.
Thật chí lý! Tôi muốn thử. Nhưng không đơn giản tí nào. Bởi vì ý nghĩa của nó là làm sao có thể tĩnh lặng trong một biển tâm thức mênh mông sâu thẳm của cõi lòng. Ai là người tôi sẽ gặp? Dự tính gì cho tương lai? Giải quyết các vấn nạn trong cuộc sống thế nào đây? Tất cả cứ như từng đợt sóng, lúc êm ả, lúc gào thét đập vào hồn. Chẳng làm ta có được sự an yên. Đời sống cứ thế trôi qua, giống như vạn người trên trái đất này. Chợt một lúc nào đó tôi nhận ra: “Phải thay đổi thôi. Nếu không, cả bản thân mình là ai, muốn gì cũng không biết. Tôi không thể mất đi chính mình”.
Thế là bắt đầu học “BUÔNG”.
“Lạy Cha con đây. Không nghĩ gì hết. Chỉ ở đây, bên cạnh Cha.
Nếu muốn, xin hãy cho con nghe tiếng Người”.
Chúa ơi, thế nhưng chỉ được vài phút ngắn ngủi (có khi chỉ vài giây), con lại ngủ một giấc ngon lành. Đầu óc lại rơi vào trạng thái mông lung, lơ lửng. Những suy nghĩ đâu đâu, cứ chốc lát lai nhảy vô tâm trí. Thật y như đám khỉ chẳng lúc nào chịu ngồi yên. Càng cố gắng con lại càng nghe lòng bồn chồn, vẫn không tìm được sự tĩnh lặng thật sự. Khát khao bình yên sâu thẳm trong tâm hồn.
*
Mùa hè đến, năm nay tôi chuẩn bị rất kỹ cho khóa tĩnh tâm. Cầu nguyện xin Chúa ban ơn. Tha thiết mong Ngài đồng hành với mình qua sự hướng dẫn của vị linh hướng. Thậm chí hai tuần trước đó, hàng đêm ngồi lặng yên, cố gắng tập buông mọi sự. Một lòng ước ao gác lại mọi thứ, để cho đầu óc hoàn toàn trống rỗng. Người Mỹ bảo, “empty yourself”. Hai tiếng nghe đơn giản vậy mà làm khối người điêu đứng. Tôi không đặt câu hỏi cho sự thinh lặng mà chính trong thinh lặng rất nhiều câu hỏi về chính mình lại được phơi bày. Tuy chưa tìm ra câu trả lời và loay hoay với hàng đống những suy tư và hình ảnh bắt gặp chớp nhoáng trong khi chiêm niệm. Nhưng không sao, tôi tin Thiên Chúa sẽ có an bài tuyệt hảo cho những ai thật lòng mong muốn.
Lên đến đất trại tôi biết vị linh hướng vẫn đồng hành với mình những năm trước đó không đến. Đây là lần thứ ba trong năm, vì sự chọn lựa và cứng đầu của mình, tôi đã thay đổi ngày giờ và địa điểm của khóa tĩnh tâm (chỉ vì để được gặp ngài). Tranh thủ trong thời gian chờ đợi anh chị em khác đến, tôi lên phòng. Gập mình, hai đầu gối chạm đất, thầm thì: “Lạy Cha, Cha biết hơn ai hết con muốn gì, nên có điều gì. Xin hãy an bài mọi sự theo ý Ngài. Tuy không hiểu dự tính của Cha, nhưng con tin Ngài có lý do để làm vậy “. Cầu nguyện là vậy nhưng thật tình lòng tôi rối rắm.
Tôi không giỏi nói chuyện, rất sợ chia sẻ vì lúng túng và chẳng biết cách diễn đạt. Hơn 20 năm sau lần tĩnh tâm Linh Thao tại trại tị nạn (được tham dự khóa tĩnh tầm đầu đời đó, là một phép lạ), tôi mới quyết định ghi danh dự khóa Linh Thao với một linh hướng mới. Quyết định này cũng đồng thời đánh dấu một bước ngoặt trong mối tương quan với Chúa, cùng với những đợt sóng hoang mang, rơi vào giai đoạn “tiêu cực của đêm đen”. Tôi biết mình không còn là đứa trẻ, mỗi chút chạy đến níu áo hỏi. Mà phải dành thời gian và cố gắng với hết mọi khả năng trong khiêm nhường xin ơn nhìn lại đời mình, tìm thánh ý và nhận ra sự hiện diện của Chúa qua những biến động của cuộc sống.
Trong lúc chờ đợi đến phiên mình giới thiệu, tôi đã hỏi Chúa dăm ba lần: “Ngài có muốn con nói ra những bất an của con không? Nói vậy, liệu có làm cho vị linh hướng mới trong khóa sẽ không thoải mái khi đồng hành với con trong suốt mấy ngày tới đây không? Xin mở miệng lưỡi con, nếu là ý của Cha“. Cuối cùng, tôi đã thưa điều mình nghĩ trong lòng. Nói ra rồi, tôi thoải mái nhiều.
Tưởng như vậy là sẽ an tâm lên núi trong những ngày kế tiếp. Ai dè, lại thêm việc ngoài ý. Suốt cả năm trời bận bịu, gần như sống vì người khác. Được mấy ngày nghĩ thảnh thơi, tôi muốn hưởng trọn cái cảm giác thư thả ở bên Cha. Thế nhưng, người chị em lại níu áo, “nhờ em chở chị …sáng, trưa, chiều, tối“. Thương chị chân yếu không tiện đi lại, nhưng nghe xong tôi buồn thiu. Bản tính mơ mộng thích tự do, muốn lên núi, được đi đâu đó hay duỗi mình dưới gốc cây đợi bắt ánh mặt trời và đê mê hình dung các mối tương quan với Cha chí yêu…giờ lại bị thu gọn trong giờ giấc. Thật lòng tôi chẳng muốn tí nào cả.
“Bằng lòng giúp cũng chết. Mà không cũng chết. Cái nào cũng không được “. “Vây giữa hai cái, “bằng lòng” và “không bằng lòng”, điều nào nặng hơn?”
Câu hỏi của vị linh hướng khiến tôi quay về ôm đầu: “Chúa ơi, con nhức đầu quá. Con thật mong có được sự an bình trong những ngày này. Nhưng liệu có bị mất đi tất cả không, vì những xáo trộn của nội tâm?” Ngày hôm ấy, tôi được mời gọi đi cầu nguyện với “Bảy mối phước thật”.
Thà là mất đi sáu ngày tĩnh tâm còn hơn loại bỏ tiếng nói của lương tri. Thấy chị buồn, đôi mắt đỏ hoe, tôi không cho phép mình làm ngơ. Vậy đó, đây là dịp để ma quỷ đánh vào làm tôi hốt hoảng vô cùng. Mấy ngày đầu gặp vị linh hướng thổ lộ ý nghĩ khó chịu và không vui của mình. Tôi không muốn mất đi những ngày tuyệt vời này.
“Giữ mặt mũi, nói ra vậy, không phải là đáng ghét lắm sao? Hy sinh có chút xíu xịu mà đã khó chịu, vậy nói gì đến sống theo ý Cha. Kệ, vẫn hơn là giữ trong lòng và sẽ bị sự khống chế của nỗ bực bội lý ra không nên có này” – Tôi rùng mình và sợ cám dỗ.
Cha ơi, hổng lẽ con chịu thua sao? Xin giúp con. Con không muốn bị bó trong cái vòng lẩn quẩn này. Xin ban cho con ơn biết chấp nhận từ bỏ ý riêng của mình dù rằng lòng vẫn luôn cảm thấy không thể khắc phục được.
Chia sẻ với linh hướng và cầu nguyện, đến ngày thứ tư, sau buổi cơm trưa, tôi quyết định nhờ người giúp. “Không thể bỏ qua sự thôi thúc phải yêu thương, nhưng cần phải có không gian cho riêng mình. Biết đâu xung quanh sẽ có nhiều người sẵn sàng góp một tay, và thế là người nào cũng được ích lợi. Vừa làm việc bác ái, vừa có thể cầu nguyện cách sốt sắng. Chúa ơi, con nghĩ vậy có được không? Nếu không ai bằng lòng giúp, thì con sẽ vẫn làm cho đến cuối cùng. Con thà bỏ ý định riêng, hơn là bỏ mặc chị. Xin hãy ban cho con ơn vui vẻ và có được lòng nhẹ nhàng khi làm việc“.
Cảm ta Chúa, khi tôi lên tiếng nhờ, thì một anh trong nhóm sẵn sàng giúp buổi chiều. Thế là, mừng như trẻ con được mẹ “thơm” cái. Khoái quá đi thôi!
Trở lại với khóa tĩnh tâm. Khi nghe cha linh hướng bảo, ngài muốn hướng dẫn mọi người Chầu Mình Thánh Chúa mỗi đêm. Theo cách các nhà sư vẫn hay làm, thiền (Zen meditation). Ngồi dưới đất, trên gối, không dựa lưng. Hoàn toàn buông bỏ tất cả, để quay trở lại chính mình. Nhưng không phải là đi vào thế giới của hư không, mà là tìm gặp Chúa.
Cha ơi, con như bắt gặp được vàng. Vì hơn hai tuần trước đó, con đã nghĩ và đang làm. Nhưng vô cùng rối rắm vì đủ loại suy tư cứ nhảy ra nhảy vào tâm trí làm con hoang mang, không biết cách nào là đúng. Con đang mong được sự hướng dẫn và giúp đỡ tâm linh, nếu không thì “bị tẩu hỏa nhập ma” như người ta nói thì khổ. Giờ không dám ước lại được có. Đúng là “mọi sự con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa“(TV 139).
Ý cầu nguyện trong tuần lễ: “Xin ban cho con ơn hiểu biết mối tương quan sắp tới mà Chúa muốn mời gọi con bước vào với Ngài là gì? Xin cho con biết diễn giải mọi việc cho đúng theo ý Chúa”.
Tôi đang tìm gì? Hãy để ý đến những tâm tình khi gặp linh hướng, ví dụ như những phản ứng, những câu hỏi, những vui buồn. Cần ở lại trong tâm tình này và dành thêm giờ cầu nguyện, để có thể nhìn sâu hơn vấn đề của mình. Ý thức được lòng ước ao sẽ giúp ta biết được mình đang ở đâu? Phải chia giờ cầu nguyện, có kỷ luật cho chính mình. Cần thái độ mở lòng với tâm hồn đơn sơ, can đảm chia sẻ với vị linh hướng nếu thấy bị cám dỗ. Giờ thinh lặng chầu Mình Thánh Chúa, phải quay về với lòng của mình, và nhận thức rõ tâm điểm của mình là Chúa Kitô. Ngồi yên quan sát cho những tư tưởng linh tinh chạy qua và sau đó hỏi lại “Con muốn gì? Con cần gì?” và lắng đọng sau đó.
Tôi trân trọng những lời khuyên bảo và luôn bắt đầu ngày mới trong tuần lễ “trên núi” này với ơn xin ấy. Mỗi ngày, sau giờ ăn sáng, đến gặp vị linh hướng, tôi lên núi. Nói đến việc lên núi, lại là một hồng ân. Đang loay hoay mong tìm được nhành cây cứng chút chống đỡ trên đường đi. Thì một anh trong nhóm nhã ý cho mượn gậy. Năm trước lúc lên núi, nhành cây gãy, cũng được một anh cho cây gậy. Năm nay, cũng có người đưa gậy. Tạ ơn Chúa. Nhưng khi thấy trên tay anh ta có hai cây, cho mình mượn một cây, lại nghĩ đến “Năm tới nhất định phải chuẩn bị kỹ hơn. Mình cũng nên bắt chước như người anh này, mang theo một cây dư, giúp người mới đến có dịp lên núi.”
Bước chân lên núi lần này nhanh và háo hức hơn. Không như tôi tưởng tượng trước đó. Lý ra phải khóc thật nhiều, than thở cho hết những uẩn khúc trong lòng. Ngược lại tâm tình an bình lạ lùng. Một cảm giác của buông xuống nhưng chẳng là đầu hàng, muốn chạy trốn trách nhiệm mà mình không kham nổi. Mà là một thứ cảm giác của một đứa con biết giới hạn của mình và hiểu rằng đã đến lúc phải khiêm nhượng “để Chúa làm việc còn lại“. Tuy rằng có những điều tôi thật sự chẳng thấy được, lòng cũng trơ ra, nhưng lại tin và phó dânng.
Tâm tư tôi suốt mấy hôm này dao động. Có lúc tôi cảm thấy như một người bị trói, đang cố cựa quậy tìm cách tháo bỏ các dây đang quấn xung quanh. Cầu nguyện lại các đoạn Tin mừng và “nghiền ngẫm” chân lý đằng sau nhưng câu hỏi. Tôi nghiệm ra được rất nhiều điều sâu sắc trong cả hai khía cạnh: đời sống tâm linh và cả những nhu cầu trong cuộc sống.
Có thách đố, có đau đầu, có lúc thừ ra không biết “Chúa có ở trong những hình ảnh mà con thấy không? Có phải của Chúa không? Chúa có muốn con ở lại trong tâm tình đó không?….”. Cả đống ngỗn ngang, nếu không có vị linh hướng giúp chẳng tài nào tôi nhận ra được một hình ảnh trọn vẹn, liên tục mà Chúa muốn cho thấy. Có những tâm tình vô thức từ những nhu cầu riêng, sẽ len lỏi và là cớ để ma quỷ dẫn mình đi lối rẽ. Cần phải cẩn thận và cầu nguyện để có thể diễn giải cho đúng theo ý Chúa .
Đối đầu với những cơn cám dỗ, lòng có lúc bâng khuâng vì đủ thứ hình ảnh, cảm giác, và cả tiếng nói đồng lúc dọi vào tâm thức. Nhưng diệu vời thay, tôi lại nghe có âm vang của ủi an và không sợ hãi nhiều như những lần tĩnh tâm trước đó. Tin Chúa sẽ giúp thôi.
Ngày thứ tư, biết có cha đến giải tôi (ngoài dự tính trong khóa). Đây là vị linh hướng đồng hành với tôi mấy năm nay. Tôi mừng lắm.
Lại có hai tiếng nói:
“Biết được lần tĩnh tâm này con phải dối điện với nhiều thách đố. Cha gởingài tới để con thêm vững tin. Và có thể hiểu rõ rằng những gì Cha đã và đang an bài cho con là cần và tốt cho con”. “Mới vừa xưng tội thứ sáu trước khi lên nhà tĩnh tâm. Không cần thiết gặp cha. Để giờ cho các anh chị em khác cần hơn”.
Tôi chần chừ không ghi tên mình. Tuy bụng định vậy, nhưng mắt vẫn để ý xem có còn chỗ cho mình gặp cha giải tội không. Gần cuối ngày rồi, vẫn còn trống đến cả ba chỗ. Lúc này lại thầm nghĩ:
“Chúa đã chiều chuộng con lắm rồi. Hổng lẽ Chúa cho nữa sao? Mà nếu đã là ân sủng Chúa thương ban, không nhận thì thiệt là ngu khờ”.
Về sau tôi biết vị linh hướng của khóa và cha “giải tội” đã nói chuyện về tôi. Tôi tin các ngài muốn tìm cách để giúp tôi có thể có được những giây phút thật ấm áp và cảm nhận được mối tương quan mà Chúa muốn mời gọi tôi bước vào một cách rõ rệt hơn. Với tôi sự có mặt trong vài giờ này của cha giải tội là vì tình thưong mà Thiên Chúa đặc biệt ban cho. Trên ngọn đồi cao, dưới bóng thánh giá con đã không ngăn được lòng cảm tạ và biết ơn.
Xuống núi lần này, lòng tôi ấm lắm. Mang theo khá nhiều bài học hữu ích.
* Phải luôn tín thác và khiêm nhượng hầu có thể chấp nhận và hiểu được rằng cuộc sống sẽ có những đổi thay không như ý. Hồng ân Cha trao ban không hẳn chỉ tìm thấy trong những lúc đời êm ả. Nhưng ân sủng sẽ nhân lên gấp bội nếu cảm nhận được trong hoàn cảnh “gâp ghềnh”.
* Cẩn thận và phải luôn hỏi ý Chúa, xem Ngài có hiện diện và nói gi với mình qua những việc và người mà mình gặp gỡ không. Đôi khi vì quá ước ao, vì nhu cầu bản thân, nhưng tất cả những điều đó chưa hẳ là điều mà lý trí nói với mình. Đôi khi ngay cả là hình ảnh của Chúa cũng có thể là một phỉnh gạt mà ma quỷ đang dùng để ta lạc lối. Đúng là có những lúc việc của Chúa, nhưng ta làm vì ta thích chứ không hẳn đó là việc Chúa muốn con làm.
* Con đường hẹp mà Chúa hay mời gọi con đi, phải chăng là con đường quay lại trong tâm thức của mình. Con đường mà ai cũng sợ. Bởi vì càng bước vào, càng phải đối diện với sự bao la vô tận của lương tâm. Nó có thể làm ta “chùn bước” và không thể thực hiện những hoạch định theo ý của riêng mình.
Cảm tạ vì muôn ngàn tình thương Cha đã ban. Con muốn giữ cảm giác này bao lâu có thể. Phải chăng đã đến lúc con phải nghiêm nghị xin Cha gởi đến con một vị linh hướng để giúp con có thể tiến xa hơn trong đời sống cầu nguyện và mối tương quan với Cha?
“Lạy Chúa! Khi nhìn vào đời con, con chẳng hiểu gì
Nhưng khi nhìn vào đời Chúa con đã tìm thấy con đường con đi “
(Bài hát “Nhìn con Nhìn Chúa”- Lm Ân Đức)
Questhaven, LT 2018
Trầm Hương
PS: Cám ơn hai cha và thầy linh hướng thật nhiều