– “Tại sao Thiếu nhi Thánh Thể tại Palawan, Phillipines lại có thể giữ được tình thân và ngày càng nối kết với nhau, dù rằng mỗi người mỗi người mỗi nơi?” Đây là câu hỏi mỡ đầu của cha già yêu dấu Nguyễn Trọng Tước trong dịp TNTT họp mặt tại nam Cali 2018.
– Vì chúng con có cha linh hướng
– Vì chúng con sống với nhau, cùng nhau trải qua gian khổ
– Có những kỷ niệm khó quên lúc tuổi trẻ, với cùng ước ao tìm được đời sống tốt ngày mai
– Tình thương mến thương, cùng nhau đọc kinh cầu nguyện xin Chúa ban ơn
Tôi đã từng trăn trở với câu hỏi này. Vui chơi, đâu mà không có. Bất cứ một hội đoàn nào cũng có cha linh hướng chia sẻ. Sống ở Mỹ cả hơn 20 năm, sinh hoạt và gặp gỡ nhau không ít. Chỉ là, dù cố thế nào, tôi vẫn thấy thiếu điều gì đó. Thật ngu ngơ, chẳng tìm ra câu trả lời.
*
Nhớ lại ngày tháng ở trại tị nạn. Một mình giữa xứ lạ. Ban đầu động lực để tôi có thể đứng lên, cố gắng vượt qua những khó khăn, những bất tiện chỉ vì: “Mong có ngày định cư ở một nước đệ tam thứ ba, kiếm tiền mang về để người thân no ấm hơn, và bản thân mình biết đâu cũng có thể được học thêm lên“. Thế nhưng, tư tưởng Chúa thật khó hiểu biết bao. Ba năm nơi ấy, với tôi lại là một hồng ân và cũng là trường học dạy tôi những lý lẽ sống, chuẩn bị để tôi có thể là tôi của hôm nay. Cha già vẫn hay nói, “đời người là một hành trình. Sẽ có những lúc thăng trầm, lúc hăng hái, lúc chán nản , lúc thánh thiện, lúc tội lụy“. Câu nói này không sai, tôi thật sợ sự cám dỗ và hai tiếng nói đồng lúc phát ra từ chính mình. Trái ngược và luôn đối chọi lẫn nhau, khiến tôi chới với. Nhưng nhờ vậy, tôi mới hiểu mình nhỏ bé biết bao, được yêu thương biết bao, cần ơn Chúa đến thế nào.
Có lẽ chỉ những ai đã từng gian nan đau khổ, mới hiểu sự khát khao được chia sẻ và cảm thông. Đến với TNTT, đơn thuần vì tôi mong tìm gặp những người bạn có thể cùng tôi đi trên con đường thánh thiện và giúp nhau nên thánh. Vốn ít nói, lại rất rụt rè, mang tiếng huynh trưởng chứ mỗi lần đứng trước các em, tôi run cầm cập. Không lâu sau, một vài việc chẳng như ý, tôi quyết định không sinh hoạt nữa. Thế nhưng, hầu hết những họp mặt, cầu nguyện chung, cả những đêm ôm chiếu ra giếng nước ngắm trăng và vui đùa. v.v..Các anh chị trong đoàn chẳng để tôi bị ra rìa bao giờ. Tuần lễ cuối cùng chuẩn bị lên tàu rời trại để được đi định cư, cha già mở khóa Linh Thao. Tuy không biết việc gì sẽ xảy ra ba ngày đó, nhưng có tiếng thổn thức, ước ao thật sâu từ tấm lòng, nơi chỉ có Chúa và tôi.
Hôm ấy, tôi đã cầu nguyện thật lâu và thật tham lam vòi vĩnh Chúa cho thêm một ân huệ đó là : “Xin cho chuyến tàu dời trại cuối tuần được dời lại, để con có thể được dự khóa tĩnh tâm“.
Khi ấy, không dám chia sẻ nhiều, vì với các anh chị em còn ở lại, tôi là một người may mắn. Tấm lòng ước ao này, chỉ có thể nói cùng Anh Cả mà thôi. Hôm đó là ngày thứ ba, tiếng loa từ cao ủy cất lên: “Dự báo có bão, lịch chuyển trại ngày thứ bảy sẽ dời lại“.
Đây là một phép lạ và cũng là một món quà mà Thiên Chúa, qua mọi người đã ưu ái ban cho tôi. Vừa nghe xong, nhanh như cắt tôi chạy đến tìm hai người bạn già nói ước ao của mình. Vì là bạn của nhau, thương và luôn mong tôi được những điều tốt nhất là chuyện đương nhiên. Thế nhưng, cả chị Trang, trưởng đoàn, cũng rất nhẹ nhàng bảo:
– Hương ao ước thật phải không?
– Vâng, em mong được dự khóa
– Được, nếu vậy mình sẽ thưa với cha. Chuẩn bị nhé.
Tình cảm của anh chị em TNTT là thế đó. Tôi cảm được sự đùm bọc, yêu thương, ôm ấp và trân quý nhau. Cảm ơn hai bạn già, cảm ơn chị Trang, và TNTT. Đặc biệt cảm ơn cha già đã cho con cơ hội tuyệt vời đó. Một khởi đầu tìm gặp, để rồi ngày một lớn hơn và sâu hơn, với khát khao được Chúa “dò xét” mọi ngõ ngách trong cuộc sống và mong Ngài hãy ẩn náu trong nội tâm của riêng mình. Gánh hành trang thiêng liêng này, như những ly nước mát diệu vời giúp tôi có được sự an yên khi thưa cùng Ngài “xin hãy nhẫn nại, hãy chờ đợi con trong những lúc mỏi mệt”, “xin hãy vực con đứng dậy trong lúc chán nản và thất vọng”, “xin hãy đi cùng con và thay đổi con để con biết nhận ra những biến cố trong đời xảy ra đều là hồng ân“. Tôi tin rằng như tất cả anh chị em, tình người, tình thân, sự ôm ấp yêu thương qua sự dìu dắt của Mẹ Maria đã đưa chúng ta đến gần với nhau và hiểu rằng Thiên Chúa yêu ta đến thế nào, như sợi dây vô hình gắn kết mọi người gần nhau hơn.
Thế nhưng lý ra phải thân và yêu nhau lắm chứ. Tại sao lại có những lúc gây gỗ làm khổ nhau. Càng tệ hại hơn, người mà tôi hay cằn nhằn, trách cứ lại chính là những người mà tôi hết mực quý mến. Đã đi qua hết những kinh nghiệm của phận người, sao lại để cho việc này xảy ra?
– Tại sao tôi cứ xử tệ với những người này?”
– Lý do rất đơn giản: “Vì họ thương tôi, họ chịu đựng và chấp nhận tất cả”.
– Chúng ta bị đánh cắp hạnh phúc quá dễ dàng. Thay vì họ thương tôi, chịu đựng tôi, tôi phải xử tốt với họ, tại sao tôi lại cứ xử tệ với họ?
Những câu nói này của cha già, khiến anh em chúng tôi ngẩn ngơ. Đúng vậy, làm sao mà dám trách cứ người ngoài đường, họ sẽ mắng cho. Nếu có thì chỉ là những người đang ở cùng và hàng ngày vẫn âm thầm chịu đựng nhau thôi. Có thể trong một lúc không thể cất đi gánh nặng hay mang lại hạnh phúc cho người khác. Nhưng chìa khóa là người bên cạnh có cùng chịu khổ với tôi, cùng tôi giải quyết hay không?
Hôm nay chúng tôi đã không còn là những đứa trẻ nhỏ nữa, mà đã làm cha mẹ. Những kinh nghiệm trong gia đình lớn thiếu nhi, có giúp gì cho gia đình bé nhỏ của riêng mình không?
Có tiếng chia sẻ: “Đúng là trong cuộc sống hôm nay, người ta mất đi cái ở cùng. Bận bịu quá, lúc nào cũng tranh thủ làm sao cho tiện lợi, làm sao để cùng khoảng thời gian ấy lại có thể chu toàn mọi sự. Nhưng cũng chính vì cái thực tế này, mà vợ chồng chẳng còn giờ với nhau. Giá như, cả hai cùng đi chợ, đi chơi bên nhau, có nhiều giờ nói chuyện thì hay biết mấy “.
Lại có người lên tiếng:”Cha mẹ, ai cũng rất lo cho các con. Cố công làm việc, có khi làm cả ca đêm với hy vọng kiếm thật nhiều tiền cho các con sau này có thể lên học đại học, có được nhà cao cửa rộng, đời sống sung túc hơn. Ban đầu chỉ vì các con, nhưng khi có địa vị, có cơ sở làm ăn, xã giao ngày một rộng hơn, tham vọng được trở thành ông này bà nọ, đắm mình trong những lời chúc tụng ngợi khen….. họ đã vô tình biến gia đình của mình trở thành những nạn nhân. Họ ở cùng nhau, nhưng không còn sống trong lòng của nhau”.
Tuổi trẻ hôm nay, nếu họ chịu cố gắng, chỉ cần rất cơ bản, tốt nghiệp trung học. Gắng kiếm một trường nghề nào đó, hay gắng chút nữa học xong mấy năm đại học, thì việc có nhà, có xe, có được một đời sống tạm gọi đầy đủ là chuyện vô cùng dễ dàng. Các con, không cần đến tiền và nhà cửa của cha mẹ để lại. Cái mà chúng cần là những bữa cơm trong gia đình, những giờ phút ở cùng bên nhau. Hỏi có mấy gia đình trên xứ người này có được cái diễm phúc này?
Cả sự hy sinh và chìu lòng lẫn nhau, làm thế nào là đúng đây? Có một đứa trẻ từng hỏi: “Tại sao phải cần Chúa trong đời?”
Có người cũng bảo:”Nếu hai vợ chồng đến nhà thờ mà gây gổ thôi thì ở nhà tốt hơn“.
Thử hỏi:”Nếu một người muốn hướng con cái đến với Thiên Chúa, tìm bạn và lớn lên trong môi trường đạo đức lành thánh. Và, một người muốn các con hãy cứ ích kỷ lo cho bản thân trước, đừng bao giờ bỏ ra điều gì. Chuyện của người dưng cứ mặc họ. Hướng các con tìm lao vào kiếm tiền, tìm bạn nơi những bàn rượu, những cuộc chơi thâu đêm. Dạy con “khôn ngoan” luồn lách để kiếm lợi ” thì sự ở cùng sẽ ra sao? Làm cách nào để có được đời sống hạnh phúc đây?”
Thiên Chúa không giúp ta cất đi những gánh nặng này. Chỉ là, khi nào bạn dám buông xuống tất cả những toan tính, khiêm nhường trao trong tay Chúa đời mình sau khi đã cố gắng chu toàn và sử dụng tất cả “nén bạc” được giao, có lẽ lúc ấy bạn mới hiểu nổi thế nào là “ở cùng”. Hai từ nghe thật đơn giản, nhưng lại chẳng giản đơn tí nào. Ở cùng nhau trong thể lý, sống cùng nhau trong tâm linh, nhìn cùng nhau một hướng đi…. chỉ khi nào có thể kết hợp cả ba điều này thì mới mong được hạnh phúc, mới có thể không làm khổ người hết mực thương yêu bên cạnh mình. Khó thế, con người mỏng giòn, không có ơn Chúa sao có thể làm nổi. Không biết câu trả lời này có thỏa mãn được đứa trẻ khi nói đến sự cần thiết của Chúa trong đời em chưa?
Rất đặc biệt trong những ngày qua, dó là những gì tôi cảm, nghe, ngửi, đã nếm thử và động chạm đến,. Như chia sẻ của cha già linh hướng, ước gì chúng ta thấu hiểu thế nào là tình yêu ở cùng, để rồi biết cẩn trọng trân quý, đừng để hạnh phúc bị đánh cắp một cách nghịch lý. Chúc mọi người trong ơn nghĩa Chúa, qua lời cầu bầu của Mẹ Maria luôn có đưoc sự bình an và hạnh phúc.
Trầm Hương