Tản Mạn Về Kỷ Niệm 10 Năm Thụ Phong Linh Mục (19/06/2010 – 19/06/2020)

Tản Mạn Về Kỷ Niệm 10 Năm Thụ Phong Linh Mục (19/06/2010 – 19/06/2020)

Ân hận – Ân sủng
Thánh Giuse
Phones* và Trẻ Em Dưới Cái Nhìn Giáo Dục

TẢN MẠN VỀ KỶ NIỆM 10 NĂM THỤ PHONG LINH MỤC (19/06/2010 – 19/06/2020)

Ngày 19 tháng 6 năm nay không phải là một ngày như bao ngày khác; trái lại, nó có một ý nghĩa đặc biệt đối với tôi – ngày tôi tròn 10 tuổi đời linh mục (ordained priest).

THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC

Tôi còn nhớ rất rõ ngày 19 tháng 6 năm 2010 ấy. Đó là một ngày hè nắng nóng, oi bức đặc trưng của Miền Trung, với nhiệt độ lên đến 40°C. Năm đó cái nắng nóng được xem như chưa từng có trong lịch sử. Nhiệt độ liên tiếp dao động trong khoảng 34 đến 40°C kéo dài từ đầu mùa hạ cho đến cuối mùa. Sức nóng còn gia tăng đáng kể do nguồn cung cấp điện không đủ nên hiện tượng cúp điện diễn ra liên tục và kéo dài, không chỉ trong ít giờ mà thậm chí cả tuần, rồi hết tuần này đến tuần khác. Nhiều đêm anh em chúng tôi phải mang những manh chiếu ra hành lang Nhà chung, hoặc thậm chí ra vườn Toà Giám mục Xã Đoài (TGM) để ngủ, bởi trong phòng quá nóng vì không có điện. Do đó, chỉ khoảng 10 ngày tập trung ở TGM, tất cả chúng tôi đều được “biến đổi”, không chỉ bởi Thần khí, mà còn là hình dạng: ai nấy đều đen như những ngư phủ và gầy guộc như những thợ đốn củi.

Dẫu cho thời tiết khắc nghiệt và điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhưng 21 anh em chúng tôi – những ứng sinh chức thánh – luôn đầy ắp tiếng cười và sự hào hứng hướng lòng về ngày trọng đại sắp tới của mình. Cái gì đến cũng đã đến. Chiều tối 18/06/2010 Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên truyền chức phó tế cho chúng tôi trong ngôi nhà thờ Chính toà của giáo phận. Rạng sáng 19/06/2010, Đức Cha Phaolô truyền chức linh mục cho chúng tôi tại quảng trường Toà Giám mục với sự tham dự của khoảng 130 linh mục, hàng trăm nam nữ tu sĩ, và hàng ngàn giáo dân cùng với ân nhân và thân nhân của các ứng sinh. Thánh lễ kéo dài trong gần 3 tiếng đồng hồ giữa cái nắng nóng như thiêu đốt. Tạ ơn Chúa, mọi sự đều diễn ra cách tốt đẹp!

Có rất nhiều cảm xúc trước và sau ngày chịu chức, nhưng có 3 điều vẫn còn đọng lại cách rõ nét trong tâm trí tôi. Trước hết, đó là giây phút nằm phủ phục dưới nền lễ đài trong khi cộng đoàn dân Chúa hát lên lời Kinh cầu các Thánh. Chưa bao giờ cảm nhận của tôi về mầu nhiệm các thánh thông công lại sống động như giây phút đó! Tôi cảm nhận mình được hoà vào trong sức sống và tinh thần của cộng đồng dân Chúa đang hiện hiện chung quanh tôi, của các vị Thánh trên trời, và sự kết nối diệu kỳ với những người đã khuất. Đó là sự thông ban ân sủng trong nhiệm thể Giáo Hội Chúa Kitô. Lúc đó cảm nhận yếu đuối và giới hạn của bản thân trước những thách đố và trọng trách trong sứ vụ linh mục mà tôi đã từng mường tượng không còn khiến tôi e ngại và lo sợ. Bởi tôi thâm tín rằng chính Chúa, Đấng mời gọi tôi, sẽ hướng dẫn và đồng hành với tôi trong sứ vụ; Ngài sẽ ban sức mạnh cho tôi. Hơn nữa, khi thi hành sứ vụ trong lòng Hội Thánh tôi sẽ không bao giờ cô đơn.

Cảm nhận thứ hai là về việc ban phép lành sau khi lãnh nhận chức thánh. Ngay sau khi Thánh lễ truyền chức linh mục kết thúc, tất cả 21 tân chức chúng tôi hướng về cộng đoàn dân Chúa ban phép lành đặc biệt dành riêng cho các tân thánh chức. Sau đó mỗi tân chức về phòng tiếp khách riêng của mình ở TGM để gặp gỡ những người thân trong gia đình và bạn bè. Ở đó tôi lấy làm vinh dự, với lòng khiêm tốn và sốt mến, khẩn cầu lên Chúa Ba Ngôi ban phép lành xuống trên những người đến với tôi. Khi ban phép lành cho bố mẹ của tôi, lòng tôi bỗng trào dâng một sự xúc động và lòng biết ơn đặc biệt. Họ không chỉ là các đấng sinh thành và dưỡng dục tôi nên người nhưng còn là nguồn khích lệ lớn lao để tôi đáp lại tiếng gọi của Chúa. Lúc đó, một đàng tôi ý thức rõ về sự giới hạn và yếu của bản thân; đàng khác tôi cảm nhận cách sâu xa về ân sủng Chúa hoạt động trong và qua tôi. Nói khác đi, Chúa đã dùng tôi như khí cụ hầu có thể thông chuyển ân huệ của Ngài đến cho người khác.

Cuối cùng, tôi luôn nhớ đến với lòng tri ân người cậu họ của tôi đã ra đi vĩnh viễn sau khi tham dự Thánh lễ truyền chức. Mặc dầu đã có sự can ngăn và cảnh báo về những rủi ro do tình trạng sức khoẻ kém cỏi của cậu, nhưng không ai có thể ngăn cản được ước muốn tham dự Thánh lễ của cậu. Cậu nói: “Nếu có chết để được tham dự Lễ truyền chức của thầy Thanh, thì tui cũng coi đó là niềm hạnh phúc và vui lòng đón nhận.” Và, sự thật luôn làm tôi khắc khoải trong những năm tháng qua là: ngay sau Thánh lễ truyền chức được một hôm, cậu đã ra đi vĩnh viễn… Trước đó, tôi đã ban Bí tích xức dầu bệnh nhân và đem của ăn đàng (Viaticum) đến cho cậu. Một ngày sau Thánh lễ Tạ ơn, tôi cũng đã cử hành Thánh lễ an táng cho cậu. Tuy đấy là một biến cố đau thương, nhưng mỗi khi nhớ lại, nó càng tiếp thêm sức mạnh và nghị lực cho tôi trong sứ vụ mà tôi đang thi hành. Tôi tin rằng, ở trên Thiên đàng cậu vẫn đang dõi bước và cầu nguyện cho tôi. Sự hy sinh của cậu như một lời nhắc nhở rằng tôi phải quảng đại cho đi tất cả, không giữ lại điều gì cho riêng mình. Hơn nữa, khi đứng trước những chọn lựa khó khăn trong cuộc sống, thì nhất thiết phải chọn những giá trị vĩnh cửu, ngay cả khi phải đánh đổi nhiều thứ khác, kể cả mạng sống.

BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Ngày 19 tháng 6 năm 2010 trùng hợp với 3 sự kiện quan trọng đối với Giáo Hội Việt Nam lẫn Giáo Hội Hoàn vũ: (1) ngày bế mạc Năm Thánh Linh mục (Jubilee Year of Priests) do Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI khởi xướng; (2) kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam (1960); và (3) kỷ niệm lần thứ 22 ngày tôn phong 117 Thánh tử đạo Việt Nam do Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II chủ phong năm 1988. Như thế, phải chăng qua việc chọn ngày 19 tháng 6 năm 2010 để cử hành Thánh lễ truyền chức linh mục cho chúng tôi, Bề trên giáo phận, cụ thể là Đức Cha Phaolô Cao Đình Thuyên cùng với Ban Giám đốc Đại Chủng viện Vinh-Thanh lúc bấy giờ, đã muốn nhắn gởi một sứ điệp nào đó cho các thánh chức?

Tuy không ai biết được thiển ý chính xác của các ngài, nhưng cá nhân tôi mạo muội đưa ra một vài cái nhìn như sau. Trước hết, ngày thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam đánh dấu sự trưởng thành của Giáo Hội Việt Nam. Nếu như trước đó sứ vụ loan báo Tin Mừng và sự vận hành của Giáo Hội Việt Nam được đặt trên đôi vai và khối óc của các nhà truyền giáo phương Tây (1533-1960), thì nay vai trò đó đã được trao phó cho hàng Giáo phẩm địa phương, trong đó các linh mục là những cộng sự viên đắc lực. Điều này ngụ ý rằng các tân chức cần ý thức về vị thế mới của Giáo Hội Việt Nam. Nhờ đó họ có thể thi hành sứ vụ của mình trong sự hiệp thông mật thiết hơn và tuân phục đối với Đấng bản quyền của giáo phận nói riêng và hàng Giáo phẩm Giáo Hội địa phương nói chung. Hơn thế, việc thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam cũng cho thấy rằng hạt giống Tin Mừng cần phải được gieo vãi trong môi trường văn hoá riêng biệt, đặc thù. Do đó, những nhà truyền giáo hiệu quả nhất phải là những người có khả năng am hiểu và sống trong nền văn hoá đó. Đây cũng chính là đặc tính của các giáo đoàn Kitô hữu tiên khởi. Các Tông đồ là những người đặt nền móng. Nhưng sau đó việc gìn giữ và phát triển đức tin được trao cho các vị đáng kính trong cộng đoàn. Cũng vì lí do này, cho nên song song với việc thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, Toà Thánh Vatican đã cho phép thành lập Học viện Công giáo Việt Nam đầu tiên (1960) tại Đà Lạt mang tên Học Viện Giáo Hoàng Pio X để làm nơi đào tạo nhân sự cho Giáo Hội địa phương.

Thứ đến, ngày 19 thánh 6 hàng năm nhắc nhớ về một trong những sự kiện đáng nhớ nhất trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam – ngày tuyên phong 117 Thánh tử đạo (1988). Ngày này mở ra một chương sử sáng ngời cho Giáo Hội Việt Nam. Từ khi hạt giống Tin Mừng được gieo vãi trên mảnh đất hình chữ S, chưa lúc nào người Kitô hữu Việt Nam lẫn các nhà truyền giáo phương Tây được nếm trải sự tự do và dễ dãi trong thực hành đạo, nếu không muốn nói là rất khắc nghiệt!!! Bước đầu là những khó khăn do sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá, cách trở địa lý; liên tiếp về sau là sự bách hại đạo Chúa và sự xung khắc về ý thức hệ. Hậu quả là hàng triệu người Công giáo đã phải rơi vào chốn lao tù, thậm chí phải đánh đổi mạng sống vì niềm tin của họ. Nhưng, như học giả Tertulliano đã nói: ‘Máu các vị tử đạo là hạt giống trổ sinh các Kitô hữu.’

Triết lý sống đó cũng đã được Chúa Giêsu rao giảng và minh chứng bằng chính cuộc sống của mình cách đây gần 2000 năm: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ sinh ra nhiều bông hạt” (Ga 12,24). Trong nhãn quan thần học thì Đức Kitô chính là hạt giống đã được Chúa Cha gieo vào lòng thế giới. Cái chết của Ngài trên thập giá là tột đỉnh của tình yêu và sự tuân phục hoàn toàn đối với thánh ý Chúa Cha. Từ sự chết đi trong tình yêu tinh tuyền và sự quy phục tuyệt đối chương trình của Chúa Cha, Ngài đã được Chúa Cha siêu tôn và nhờ đó nhân loại được giao hoà với Thiên Chúa. Đây chính là ý nghĩa cứu độ: nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô, một sự sống mới bất diệt được tái sinh trong Chúa Thánh Thần và cửa trời rộng mở trở lại cho toàn thể nhân loại. Cũng như Chúa Kitô và các môn đệ của Ngài, sứ vụ linh mục sau ngày chịu chức là một hành trình đầy hy sinh, thử thách và dấn thân cho việc loan báo Tin mừng. Các thánh tử đạo Việt Nam vừa là chỗ dựa vững chắc vừa là tấm gương và nguồn động lực dồi dào cho người linh mục trên nẻo đường gian nan này.

Cuối cùng, ngày 19/06/2010 là ngày bế mạc Năm thánh Linh mục của Giáo Hội Hoàn vũ. Khi mở Năm thánh Linh mục, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mong muốn một sự canh tân toàn diện đời sống linh mục trước các trào lưu thế tục và vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em trong hàng giáo phẩm. Đức Thánh Cha đã không chọn những vị thánh là những thần học gia lỗi lạc như thánh Augustino, Bônaventura, hay Tôma Aquino làm mẫu gương cho các linh mục. Ngài cũng không chọn các bậc tu đức đáng kính như thánh Giê-rôm, thánh Biển Đức Viện phụ, thánh Gioan Thánh giá, hay các vị thánh là những nhà lãnh đạo kiệt xuất như thánh Giáo Hoàng Leo Cả, Grêgôriô Cả, v.v… Trái lại, ngài chọn Gioan-Marie Vianey (1786-1859), một vị thánh đơn sơ, khiêm nhường và cũng là bổn mạng của các linh mục. Thật vậy, cuộc đời thánh Gioan-Marie Vianey chẳng có gì nổi trội ngoài sự khiêm nhường. Nhưng như các nhà tu đức học đã quả quyết, không có nhân đức nào quan trọng hơn nhân đức khiêm nhường; nó là nền tảng của mọi nhân đức. Đó cũng là nhân đức làm vui lòng Chúa nhất! Do đó, đời sống và sứ vụ linh mục cũng phải lấy đức khiêm nhường làm nền tảng. Bởi linh mục là công cụ chứ không phải là nguyên lý; người làm thuê vườn nho chứ không phải ông chủ; sứ giả được sai đi chứ không phải Đấng Cứu thế. Theo cảm nhận cá nhân, các linh mục rất dễ đánh mất nhân đức nền tảng này, nhất là ở những nơi các giáo sĩ được đề cao và nuông chiều cách thái quá. Bệnh giáo sĩ trị chính là con sâu mọt đã và đang đục khoét Giáo Hội làm suy yếu đời sống thuộc linh nơi chính linh mục và đàn chiên họ coi sóc, điển hình như Giáo Hội trong những thế kỷ cuối thời Trung cổ.

HÀNH TRÌNH 10 NĂM LINH MỤC VÀ NHỮNG ƯU TƯ

“Tuần trăng mật” sau ngày chịu chức linh mục sớm qua đi nhường chỗ cho sứ vụ nhiều thách thức ở phía trước. Tôi được bổ nhiệm làm giám đốc phụ trách công tác đào tạo linh mục ở Tiền Chủng viện Xã Đoài vào đầu tháng 8 năm 2010, nghĩa là sau ngày lễ truyền chức khoảng hai tháng. Bên cạnh vai trò là nhà đào tạo tôi còn được bổ nhiệm phụ trách giáo xứ Ngọc Liễn, một xứ đạo thân thương mà tôi thường ví như “mối tình đầu” của mình. Mặc dầu tuổi đời không còn quá trẻ, nhưng đối với một tân linh mục, việc thi hành hai vai trò cùng lúc là một thử thách không nhỏ. May mắn thay – với ơn Chúa cùng với kiến thức và kinh nghiệm học được từ nước ngoài cũng như sự nhiệt huyết của tuổi trẻ – tôi đã chu toàn sứ vụ được trao phó. Tôi yêu mến công việc trong hai lĩnh vực. Tuy nhiên, càng dấn thân và đi sâu vào công việc tôi càng nhận ra rằng ngoài những kiến thức chuyên môn, nền tảng tu đức, thì kinh nghiệm mục vụ và tuổi đời là điều cần thiết cho một nhà đào tạo. Thế nên, sau hai năm phụ trách đào tạo linh mục tôi đã xin được chuyển công tác, với chủ ý là có cơ hội làm giàu thêm kinh nghiệm mục vụ để phục vụ tốt hơn. Sau ít lần trình bày lên Bề trên giáo phận, tôi đã được “giải thoát”. Thế nhưng, thay vì được cử đi trông coi một giáo xứ, tôi được bề trên cử đi học. Mong muốn của tôi là cố gắng tiếp cận những môi trường mục vụ mới, tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm mục vụ ngõ hầu một ngày nào đó trở về giáo phận mẹ đóng góp phần nhỏ bé của mình.

Việc trở lại Melbourne, Úc châu, để theo học chương trình cao học thần học đã đem đến cho tôi sự hứng khởi nhất định. Tôi đã cố gắng học tập và hoàn thành một vài khoá học trong hai năm. Trong thời gian vừa đi học vừa giúp mục vụ ở một giáo xứ, tôi được đánh động bởi lời mời gọi để đi theo một sứ mạng mới: trở thành nhà truyền giáo ngay trên mảnh đất mà tôi đã sống và học tập nhiều năm. Thế rồi sau một thời gian suy nghĩ, cầu nguyện cùng với sự tư vấn với đấng bản quyền của hai giáo phận, tôi đã quyết định ở lại làm việc cho Tổng giáo phận Melbourne. Và như thế tôi tạm gác lại dự định trở về giáo phận mẹ để phục vụ. Lúc bấy giờ ưu tư của tôi là làm thế nào để trở thành một linh mục giàu nhiệt huyết tông đồ và dấn thân hết mình cho sứ vụ được trao phó.

Từ năm 2015 tôi chính thức được bổ nhiệm với các vai trò là linh mục phụ tá trong vòng 1 năm, rồi làm cha sở từ đó đến nay tại Tổng giáo phận Melbourne – giáo phận lớn nhất nước Úc với 1.2 triệu tín hữu Công giáo. Môi trường mới đã cho tôi rất nhiều cơ hội nhưng đồng thời đem đến những thách thức mới. Những khó khăn lớn nhất bước đầu là khả năng ngôn ngữ và hội nhập văn hoá trong một quốc gia đa văn hoá, đa ngôn ngữ và chủng tộc. Với thời gian, những rào cản đó ngày càng nhỏ dần. Nhưng càng dấn thân và làm việc trong môi trường mới, tôi dần nhận ra những thách thức khác; chúng đòi hỏi nhiều cố gắng hơn để vượt qua. Đơn cử như tính chuyên nghiệp cần phải có trong công việc, gánh nặng cả về mục vụ lẫn quản trị do sống trong một quốc gia pháp trị và phải đảm trách việc quản trị các trường học hay chăm sóc mục vụ tại các bệnh viện, nhà dưỡng lão. Tuy nhiên, với những cố gắng và ý chí mạnh mẽ, tôi ngày càng cải thiện được những kỹ năng cần có và thi hành mục vụ cách hiệu quả.

Bên cạnh những vấn đề trên, có lẽ thách thức lớn nhất đối với tôi là phải đối diện với hai thực trạng phổ biến tại những quốc gia phát triển phương Tây. Trước hết, đó là thực trạng xói mòn đức tin. Thật vậy, đời sống đức tin, đặc biệt về chiều kích phụng vụ, ngày càng trở nên yếu ớt trong đại đa số người tín hữu Úc châu. Tại nước Úc, Kitô giáo chiếm 61.1% trên tổng dân số và là tôn giáo lớn nhất tại quốc gia này; tổng tất cả các tôn giáo còn lại chỉ chiếm 7.3%. Như thế, vị thế của Kitô giáo có một tầm ảnh hưởng hết sức quan trọng đối với mọi sinh hoạt và sự phát triển của nước Úc, nhất là các lãnh vực như giáo dục, y tế, bác ái xã hội và sự ổn định kinh tế xã hội. Tuy nhiên, dường như đứng trước các cơn cuồng phong của chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tương đối và các trào lưu thế tục, niềm tin Kitô giáo đã và đang chịu những tác động xấu, nhất là nơi tầng lớp người trẻ. Nếu xét trên bình diện thực hành đức tin qua việc tham dự Thánh lễ Chúa nhật, số liệu hiện nay là rất đáng lo ngại. Cụ thể, vào năm 1972 tỷ lệ số người tham dự Thánh lễ Chúa nhật ít nhất mỗi tháng 1 lần là 36%; đến năm 2017 tỷ lệ này đã giảm xuống còn 14.5% (theo National Church Life data).

Đứng trước tình trạng xói mòn về niềm tin này thì không người tín hữu nghiêm túc nào lại không khỏi trăn trở, ưu tư, cách riêng các linh mục. Làm sao có thể vực dậy được đời sống đạo đức của người tín hữu, đặc biệt các bạn trẻ? Làm thế nào để Lời Chúa được thấm nhập vào trong đời sống và mọi sinh hoạt hàng ngày của con người? Đâu là những phương thức hiệu quả trong mục vụ, truyền giáo, v.v…? Rất nhiều câu hỏi nảy sinh trong tâm trí tôi. Nhưng dường như tất cả đều vượt lên trên khả năng của mình. Dẫu vậy, không phải mọi thứ đều chung một gam màu tối. Ví dụ, nếu lấy số liệu bình quân người Úc đến nhà thờ ít nhất mỗi tháng một lần là 3.495 triệu so sánh với những người tham gia các sự kiện thể thao phổ biến tại nước Úc như AFL, NRL, A League, Ruby Super League chỉ là 1.684 triệu thì vẫn còn rất khích lệ. Hay khi nhìn nhận dưới nhãn quan đức tin, chúng ta không thể phủ nhận được những hoa trái thiêng liêng vẫn đang nở rộ khắp nơi trên toàn nước Úc, nhất là trong lĩnh vực bác ái và công bình xã hội.

Một thực trạng khác khiến tôi luôn trăn trở, đó là các phong trào bài Kitô giáo ngày một lan rộng. Dường như Giáo Hội tại Úc nói riêng và, Giáo Hội Hoàn vũ nói chung, đang phải đối diện với sự thờ ơ và chống đối mạnh mẽ không chỉ đến từ bên ngoài nhưng ở ngay trong lòng Giáo Hội! Đơn cử như các phong trào nhân danh quyền nữ giới, quyền con người, quyền bình đẳng; hay các phong trào canh tân đòi hỏi Giáo Hội phải thay đổi các giáo huấn về truyền chức linh mục cho nữ giới, vai trò của người giáo dân trong các tổ chức của Giáo Hội, các vấn đề phá thai, hôn nhân đồng tính, ly dị, chết êm dịu, v.v. Một mặt, tôi vẫn tin rằng Giáo Hội sẽ luôn giữ vững lập trường giáo huấn và truyền thống tốt đẹp của mình. Bởi Giáo Hội luôn ý thức về vai trò là tiếng nói lương tri cho nhân loại và là hiện thân của Đức Kitô. Nếu phải mượn một hình ảnh sống động để diễn tả vai trò của Giáo Hội đối với thế giới thì ta có thể nghĩ ngay đến vai trò của cây xanh đối với môi trường sống. Sự hiện diện của cây xanh là khá thầm lặng, êm ắng, và thậm chí không được để ý tới. Nhưng chúng ta hãy hình dung một ngày nào đó trái đất này không còn bóng dáng của các loài cây xanh. Lúc đó nhiệt độ trái đất sẽ nóng lên, những thảm hoạ thiên nhiên ập tới, môi trường sống trở nên ngột ngạt, ô nhiễm… Đó là chưa nói đến sự hiện diện của Giáo Hội mang tính chỉ đường và là máng thông truyền ơn cứu độ. Mặt khác, tôi nghĩ rằng những vị lãnh đạo trong Giáo Hội cần có thái độ khiêm tốn và cởi mở hơn để có thể lắng nghe những “tiếng kêu rên rỉ” ngày đêm từ những chi thể trong Nhiệm thể Giáo Hội, cũng như những thành phần khác trong cộng đồng nhân loại. Nói theo ngôn ngữ của Công đồng Vatican II, “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ.” (Gaudium & Spes, số.1). Nếu Giáo Hội là hiện thân của Chúa Kitô và thi hành sứ vụ của Chúa Kitô, thì không có cách thức nào thích hợp hơn cho bằng việc mang lấy tâm tư, khát vọng và sức sống của chính Chúa Kitô. Có lẽ đây cũng chính là mong ước của Hội đồng Giám mục Úc châu khi triệu tập Công đồng toàn thể Úc châu (Plenary Council) năm 2020. Hy vọng rằng, qua tác động của Chúa Thánh Thần, một “luồng khí mới” được thổi vào mảnh đất đang hanh khô này hầu đem lại sức sống mới cho Giáo Hội nơi đây.

Thay lời kết

Đối với tôi, linh mục là một ơn gọi, là lý tưởng sống chứ không phải nghề nghiệp. Công việc linh mục thực hiện là sứ vụ và là lối sống chứ không phải một dự án. Do đó, điều cần thiết không phải là cố gắng để giữ được chức nào đó trong Giáo Hội hay xã hội. Cũng chẳng phải là nhẫm tính xem tôi đã làm được bao nhiêu việc trong tư cách linh mục. Càng không phải là việc tìm kiếm một cuộc sống dễ dãi, tiện nghi, an toàn. Trái lại, điều thiết yếu là bước theo chân thầy Giêsu chí thánh và dâng hiến trọn cuộc đời tôi cho Ngài. Ơn gọi linh mục nhắc nhở tôi về sự cao quý của nó vì được chia sẻ sứ vụ của Đức Kitô và chức tư tế đời đời của Ngài. Đồng thời nó mời gọi tôi trở nên đồng hình đồng dạng hơn với Đức Kitô mỗi ngày trong mọi chiều kích của cuộc sống. Đây chính là ưu tư và thách thức không nhỏ đối với bản thân. Tuy nhiên, đời sống chứng tá đức tin của người tín hữu trong cộng đoàn giáo xứ và Giáo Hội là nguồn trợ lực cho tôi trong sứ vụ linh mục. Hơn nữa, tôi luôn xác tín vào sứ mạng và sự trợ giúp của Chúa, như lời Chúa Giêsu đã hứa: ‘Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ giảng dạy muôn dân; Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế’. (Mt 28, 19-20).

Sau hết, tôi xin mượn lời kinh của thánh Inhaxiô Loyola như một lời cầu nguyện tha thiết dâng lên Chúa Giêsu, Mục tử Nhân lành, nhân kỷ niệm 10 năm linh mục của tôi.

Lạy Chúa Giêsu,
Xin dạy con biết sống quảng đại,
Biết phụng sự Chúa cho xứng đáng,
Biết cho đi mà không tính toán,
Biết chiến đấu mà không sợ thương tích,
Biết làm việc mà không tìm an nghỉ,
Biết hiến thân mà không mong chờ một phần thưởng nào khác
hơn là biết mình đã hành động theo Thánh ý Chúa. Amen.

Thanh Tran