Những Cây Nến Mùa Vọng

Những Cây Nến Mùa Vọng

Sự phản chiếu
Thinh lặng
ĐỪNG VỘI XÉT ĐOÁN…

Giáo Hội đã bước vào Mùa Vọng, 4 Chúa Nhật chuẩn bị đón mừng biến cố trọng đại là kỷ niệm ngày hạ sinh của Chúa Cứu Thế. Ngài đến với trần gian qua hình hài một trẻ sơ sinh, và mang thân phận con người. Ngài chính là Emmanuel (Mt 1:23), có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thánh Phaolô Tông Đồ diễn tả về Ngài: “Ngài trở nên giống như con người ngoại trừ tội lỗi” (Hebrews 4:15). Biến cố lịch sử ấy đã diễn ra giữa đêm đông giá lạnh tại đồng quê Belem, hơn 2000 năm trước.

 

Lịch sử Mùa Vọng

Trong ý nghĩa phụng vụ, Mùa Vọng là thời gian của hy vọng và chờ đợi. “Advent” có nghĩa là “đến”. Nó nhắc chúng ta dừng lại mỗi ngày trong tháng Mười Hai để nhớ lại Chúa Giêsu đã đến với nhân loại vào đêm Giáng Sinh. Truyền thống tại nhiều quốc gia tuy khác nhau đôi chút, nhưng cách chung để nhắc nhớ đến ngày sinh nhật của Chúa Giêsu là những vòng hoa, những cây nến Mùa Vọng.

Chữ “Advent” bắt nguồn từ chữ “adventus” của Latin, có nghĩa là “đến”. Nó được dịch từ chữ parousia trong tiếng Hy Lạp. Phần lớn chúng ta ngày nay đều hiểu rằng đây là thời gian của việc chuẩn bị và trông mong ngày giáng trần của Chúa Cứu Thế. Tuy nhiên, những Mùa Vọng đầu tiên ở các thế kỷ thứ 4 và thứ 5 là thời gian mang ý nghĩa ăn chay và cầu nguyện cho những tân Kitô hữu. Nhưng Mùa Vọng mang ý nghĩa chuẩn bị đón mừng ngày hạ sinh của Chúa Cứu Thế chỉ được bắt đầu khoảng năm 300 A.D, trong cuộc họp của các vị lãnh đạo Giáo Hội gọi là Công Đồng Sargossa. Nó được diễn tiến từ từ thành một mùa suốt trong tháng Mười Hai, kéo dài 4 tuần cho đến lễ Giáng Sinh. Mùa Vọng không chỉ là dấu hiệu mong chờ để kỷ niệm ngày sinh nhật của Chúa Kitô, nhưng còn là dấu hiệu chờ đợi ngày Ngài đến lần thứ hai.

 

Những cây nến Mùa Vọng

 Như những cây nến Mùa Vọng chiếu sáng giữ đêm trường tăm tối. Những cây nến Mùa Vọng mang ý nghĩa tượng trưng và nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu đến như Ánh Sáng chiếu vào thế giới tăm tối của con người. Những cây nến được sắp thành vòng tròn trong một vòng hoa Mùa Vọng. Theo một tục lệ, tại Scandinavia các nhà thờ Tin Lành thắp một cây nến mỗi ngày trong tháng Mười Hai. Đến Lễ Giáng Sinh, họ có 24 cây nến sáng.

Truyền thống chung về nến Mùa Vọng chính là 4 cây nến quanh một vòng hoa. Mỗi cây được thắp lên vào đầu mỗi Chúa Nhật trong tháng Mười Hai. Mỗi cây mang một ý nghĩa tượng trưng riêng. Nhưng cây nến số 1, số 2, và số 4 có màu tím. Riêng cây số 3 là màu hồng. Cũng có nơi, tất cả 4 cây nến đều là màu đỏ, hoặc 4 cây nến cùng là màu xanh da trời hoặc trắng. Một vài nơi còn dùng cây nến thứ 5 màu trắng để ở giữa và nó được đốt lên ngay chính lễ Giáng Sinh.

 

Ý nghĩa và biểu tượng

1. Cây nến đầu tiên, tượng trưng cho Hy Vọng. Nó cũng còn được gọi là cây nến “Tiên Tri” để tưởng nhớ đến các tiên tri trong Cựu Ước, đặc biệt là tiên tri Isaiah, người đã nói tiên tri về việc hạ sinh của Chúa Cứu Thế. Nó chính là biểu tượng cho niềm hy vọng hòa nhập trong mong chờ Đấng Thai Sai (Messiah). Ngài là Đấng sẽ xuất hiện để giải thoát nhân loại khỏi tội tình, khỏi vòng nô lệ của Satan.

2. Cây nến thứ hai, tượng trưng Đức Tin. Nó cũng được gọi là cây nến “Bethlehem” mang ý nghĩa tưởng nhớ đến cuộc hành trình về Bethlehem của Mẹ Maria và Thánh Giuse. Đức Tin của Mẹ Maria và Thánh Giuse đã phải trải qua những thử thách khi chứng kiến Con Thiên Chúa làm người giáng sinh trong máng bò lừa đơn hèn giữa đêm trường giá lạnh.

3.Cây nến thứ ba là cây màu hồng và tượng trưng niềm Vui Mừng. Nó còn được gọi là cây nến “Mục Đồng”. Theo tinh thần phụng vụ, màu hồng tượng trưng cho niềm vui. Cũng vì thế, Chúa Nhật thứ ba mùa Vọng còn được gọi là Chúa Nhật Gaudete. Nó mang ý nghĩa nhắc nhở chúng ta sự vui mừng mà thế giới đã kinh nghiệm về sự giáng trần của Chúa Giêsu, cũng như sự vui mừng mà những Kitô hữu đã cảm nhận được ở giữa Mùa Vọng.

4.Vào Chúa Nhật thứ tư của Mùa Vọng, chúng ta thắp cây nến màu tím cuối cùng để kết thúc tuần lễ cuối của kinh nguyện, thống hối khi chúng ta trông chờ ngày hạ sinh của Chúa Cứu Thế của chúng ta. Cây nến cuối cùng cũng được gọi là cây nến “Thiên Thần” tượng trưng cho sự Bình An. Nó nhắc nhở chúng ta về thông điệp của các thiên thần: “Bình an dưới đất cho người lòng ngay” (Luc 2:14). Chúa đến để giải thoát nhân loại tội tình. Chúa đến để ban cho nhân loại hồng ân con Thiên Chúa. Món quà mà Ngài mang xuống từ trời cao cho con người là sự bình an. Sự bình an của con cái Chúa. Luôn luôn hạnh phúc vì có Chúa ở cùng.

Mùa Vọng đã bắt đầu, những ngọn nến Mùa Vọng sẽ từ từ được thắp lên để nhắc nhở chúng ta về thời gian chuẩn bị và đón chờ. Như 5 cô trinh nữ khôn ngoan, chúng ta cũng hãy trang trí cho hang đá tâm hồn mình được thắp sáng bằng những ngọn nến vui mừng, bình an, và hy vọng cùng với niềm tin yêu tha thiết để đón tiếp Hài Nhi Giêsu khi Ngài ngự đến trong đêm Giáng Sinh.

 

Noel 2020

Trần Mỹ Duyệt

Nguồn: Sưu tầm và tóm lược trên Internet