THA THỨ: YẾU TỐ HẠNH PHÚC CỦA HÔN NHÂN
Trần Mỹ Duyệt
Ta không thể sống hạnh phúc trong đời sống hôn nhân nếu không học biết tha thứ cho chính mình và cho người phối ngẫu. Tha cho mình vì đó là việc làm chứng tỏ ta biết mình, chấp nhận giới hạn và những lầm lỡ của mình. Tha cho chồng hoặc cho vợ vì họ cũng chỉ là con người giới hạn với những khuyết điểm tương tự như ta.
Hai cuộc khảo cứu thuộc đại học Buffalo và Georgia đã cho thấy tha thứ là một việc làm vừa công bằng, vừa hữu lý, và vừa cần thiết vì nó có thể được coi như những yếu tố quan trọng xác định những lý do đưa đến khủng hoảng trong hôn nhân, cũng như đem lại sự hòa giải cần thiết.
Khảo cứu đầu tiên cho thấy tha thứ là những hành động đi trước về sự bất ổn của tâm lý. Khảo cứu này do Frank D. Fincham thuộc đại học Buffalo thực hiện. Khảo cứu thứ hai đề cập đến những thù hận. Khảo cứu này do Steven R. Beach, đại học Georgia thực hiện. Hai kết quả một tiêu cực và một tích cực, nhưng chung quy đòi hỏi phải có sự tha thứ.
Tình trạng tiêu cực chỉ cho thấy có sự căng thẳng tâm lý, và riêng đối với những người chồng, tình trạng tích cực đến từ sự hóa giải trong cách đối thoại, giao tiếp. Chúng tùy thuộc vào sự hài lòng cả hai phía đến từ người phối ngẫu.
Xung khắc hay còn được gọi là “khắc khẩu” trong hôn nhân đã trở nên đề tài thu hút cho nhiều cuộc khảo cứu suốt 25 năm qua. Những cuộc khảo cứu này đã đem lại những bức tranh rõ nét về chi tiết của những tác dụng cũng như vô tác dụng qua thái độ (Fincham & Beach, 1999). Tuy nhiên, những dấu hiệu đó còn tùy thuộc trong cách giải nghĩa. Một điều mà ai cũng cho là vô lý, đó là những người mà chúng ta yêu lại thường là những người làm cho chúng ta buồn lòng. Không những thế còn không luôn luôn là những người mà chúng ta có thể dễ dàng trao đổi, hoặc tâm sự một cách thoải mái. 75% đàn ông được ghi nhận đã xử dụng những lời nói cộc cằn, thô lỗ, thiếu tế nhị khi nói năng với vợ. Tương tự, 80% phụ nữ cũng đã dùng những ngôn từ khó nghe, trêu tức và chọc giận chồng (Stets, 1990).
Kết quả cuối đến từ cuộc khảo cứu của Murphy và O’Leary (1989), cho thấy người ta tìm ra rằng cay đắng tâm lý trong hôn nhân (ngôn ngữ chua chát và những thái độ, cử chỉ thiếu hòa hoãn, thiếu nhẹ nhàng tế nhị) là những báo hiệu của hành động tức giận. Thêm vào đó, cay đắng tâm lý có thể đưa đến những ảnh hưởng tồi tệ qua hành động thể lý (Arias & Pape, 2001).
Sau cùng, những nạn nhân của đau khổ, cay đắng do những ảnh hưởng tâm lý gây ra thường cho rằng sự cay đắng tâm lý tệ hại hơn sự cay đắng về thể lý (Murphy & Cascardi, 1993; O’Leary & Jouriles, 1994). Điều này không mấy ngạc nhiên, vì căng thẳng tâm lý (Murphy & O’Leary, 1989) và thái độ không thân thiện, cô lập dẫn đến những bất hạnh của hôn nhân (Roberts & Krokoff, 1990). Tóm lại, nếu ta để cho sự thiếu hiểu biết về diễn tiến của cay đắng tâm lý và những thái độ thiếu cộng tác của đối thoại trong hôn nhân ảnh hưởng đến hạnh phúc của đời sống chung mà không tìm cách giải quyết, nó sẽ làm băng hoại hôn nhân và dẫn đến ly dị. Một trong những phương thức chữa trị và giải quyết vấn đề, đó là sự tha thứ.
TẠI SAO THA THỨ?
Tha thứ là một đóng góp có thể giúp ta hiểu những biến chuyển căng thẳng tâm lý và những tác động thông thường của đối thoại trong hôn nhân.
Tất cả chúng ta đều có những đau khổ và phần lớn là không biết làm sao để tránh khỏi vết thương lòng này. Ai trong chúng ta cũng muốn tìm kiếm một đời sống không bị những buồn phiền và đắng đót dằn vặt. Và đó là một vấn nạn lớn trong mối giao tiếp lành mạnh mang tính xã hội, đặc biệt đối với những ai đang sống trong đời sống hôn nhân. Để tha thứ, nhất là tha thứ cho người chồng, người vợ đã làm buồn lòng mình, sau đây là một số những gợi ý mang tính cách tâm lý:
Giận hờn, cay đắng có thể coi như độc tố ngấm vào mọi hành động thường ngày và đã cướp đi hạnh phúc của nhiều cuộc hôn nhân. Đối với những cuộc hôn nhân này, sự chia rẽ, rạn nứt, ly thân và ly dị không xảy ra ngay, nhưng một cách từ từ, chậm chạp và thầm lặng – như những triệu chứng đau tim, cao máu, cao mỡ, tiểu đường…đã giết chết nhiều bệnh nhân một cách âm thầm.
Phải chăng tha thứ có nghĩa là bỏ qua như chuyện đó không bao giờ xảy ra? Có nghĩa là người đó không tiếp tục làm cho mình buồn lòng và nghĩ ngợi?!
THỰC HÀNH THA THỨ
Có ít nhất 4 điểm chính cần thiết để giúp cho sự tha thứ được thức hiện. Nếu áp dụng một cách nghiêm chỉnh và có ý thức vào những điều đang làm cho mình trở nên bực tức, khó chịu, phương pháp này sẽ làm thay đổi hoàn cảnh và giúp ta hướng về phía trước một cách tự do hơn.
- Tìm giải pháp chữa lành thay vì ăn miếng trả miếng.
“Đâu có công bằng, ở đó không có bác ái”. (St. Augustine). Đây cũng là tư tưởng được rút ra từ lời Đấng Khôn Ngoan, đó là chúng ta không thể sống với nhau theo như quan niệm “mắt đền mắt, răng thế răng” (Xuất Hành 21:24). Ngược lại, “Hãy làm cho người khác những gì mà ta muốn người đó làm cho mình” (Matthêu 7:12). Những nguyên tắc công bằng này nếu được áp dụng triệt để, nó cũng chỉ ngăn cản con người ít ra vì sự an sinh của chính mình mà đừng làm hại hoặc xúc phạm đến kẻ khác. Nhưng cái cao cả của tình yêu, của giá trị tinh thần là ở chỗ: “Nếu ai tát má ngươi, hãy đưa má kia cho nó” (Luca 6:29). Và đó là tinh thần yêu thương, vượt ra khỏi những tính toán của tự nhiên.
Câu chuyện sau đây đã xảy ra trong một khu săn sóc người nghèo của các nữ tu Bác ái Thánh Têrêsa ở Calcutta. Câu chuyện rất đời thường, nhưng người đã thực hành được điều nó quả là phi thường, đáng nể phục. Chuyện kể một hôm cảnh sát đến phỏng vấn một người vô gia cư bị đổi xử tàn tệ và bị hành hung. Cảnh sát hỏi ông, tên người đã đánh ông ta là gì, và hiện nay người này đang ở đâu? Nhưng người vô gia cư im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Sau này, ông ta mới tiết lộ lý do ông giữ im lặng cho vị nữ tu phụ trách nghe. Ông nói: “Nếu tôi không nói thì chỉ một mình tôi bị đối xử bất công và bị đánh, còn nếu nói ra thì lại thêm một kẻ khác bị đánh và còn bị nhốt tù nữa.”
Người này không giảng đức bác ái, không nói về tình yêu, nhưng ông ta đã sống đức ái và tình yêu. Còn Phaolô qua thư gửi cho giáo đoàn Rôma đã viết: “Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hòa thuận với mọi người. Anh em thân mến, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời chép: “Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả” (Rôma 12:18-19).
Trả treo, ăn miếng trả miếng là lối suy nghĩ và lối sống thường tình. Nó không đem lại hạnh phúc và bình an.
- Đừng nuôi dưỡng vết thương lòng.
Trong bất cứ mối tương giao nào, rồi ra cũng có lúc ta cảm thấy bị đau đớn, phũ phàng, và phản bội. Và khi một người ta yêu làm mình phải đau khổ bằng hành động, hoặc lời nói, bản năng tự nhiên của ta là trả thù lại người ấy. Nhưng thay vì làm vậy, ta hãy tìm một giải pháp để cho qua đi nỗi đau ấy, và hơn nữa, hãy tìm cách chữa lành chính ta cũng như chữa lành mối tương giao vợ chồng. Tóm lại, hãy làm ngược với những tư tưởng tự nhiên muốn trả đũa, hoặc bị cám dỗ giữ kín vết thương tâm hồn để tìm cách trả thù. Ôm lấy những vết thương trong lòng là làm cho những vết thương ấy mưng mủ, và có thể biến thành khối tế bào ung thư. Tha thứ thật lòng đòi hỏi ta phải mở toang những vết thương vô hình ấy.
Chữa lành không thể xảy ra khi ta vẫn khư khư giữ lấy những điều khiến mình phải đau khổ trong quá khứ. Trong mối tương quan mà ở đó người ta giữ lấy những hơn thua thì như vậy cả hai cùng bị thua thiệt. Trong mối tương quan mà ở đó người ta chọn sự tha thứ, ở đó cả hai đều là người thắng cuộc. Giữ lấy lòng thù hận, không tha thứ là như tự mình uống thuốc độc rồi ngồi đó chờ người mình ghét phải chết. Đừng để mình bị rơi vào cạm bẫy của sự thù hận, bất khoan dung.
- Tha thứ khác với tin tưởng.
Khi ta chiến đấu để tha thứ, thường vì tin rằng tha cho người ấy sẽ khiến người ấy sửa đổi. Sự thật là tha thứ không mang tính chất lợi lộc, nhưng chỉ là một cái gì cho đi (nó được gọi là phúc đức). Còn tin tưởng rằng người phối ngẫu sẽ biến đổi, sẽ làm mình hài lòng cũng chỉ là một điều mong mỏi, một tâm thức chung. Thực tế ra sao, chỉ có tình yêu và sự tha thứ mới thực sự có giá trị. Khi một người phối ngẫu làm gì lầm lỗi với ta, ta tha thứ ngay lập tức, nhưng tin tưởng một cách từ từ. Mặc dù tin tưởng không đòi hỏi để tha thứ, nhưng về phía người được tha việc đáp lại lòng tin tưởng của nhau cũng chính là lý do làm cho người phối ngẫu cảm thấy an tâm và tiếp tục tha thứ cho mình.
- Chấp nhận sự xin lỗi mặc dù không bao giờ xảy ra!
Một số người thường tích lũy sự thù ghét, nhất là đối với những người không bao giờ nói lời xin lỗi. Trong nhiều trường hợp, người bị xúc phạm chẳng bao giờ nghe được câu: “Anh hoặc em xin lỗi vì đã nhầm. Anh hoặc em thành thật xin lỗi”. Chính vì vậy, nhiều trường hợp, sự thù hận này được mang xuống tuyền đài. Có nghĩa là người làm lỗi có chết cũng không được tha, và người có thể tha thì dù có chết cũng không tha.
Nhưng nếu đối xử với nhau như vậy thì không còn là tình nghĩa, không còn là vợ chồng. Có chuyện gì người phối ngẫu làm cho ta buồn lòng thì cũng phải tha thứ, vì điều này sẽ giúp cho lòng mình bình an mà tiếp tục cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Đức Thích Ca cũng đã dạy rằng: “Giữ sự giận hờn như lấy than hồng bỏ vào tay người, chính mình bị bỏng trước” (Holding on to anger is like grasping a hot coal with the intent of harming another; you end up getting burned.)
Trong đời sống vợ chồng, nhiều khi lời xin lỗi không nhất thiết phải thốt ra bằng lời, nhưng nó có thể được biểu lộ qua nhiều hình thức. Điều quan trọng là ở chỗ khi đã thấy người phối ngẫu của mình nhận ra khuyết điểm của họ và đang tìm cách để xin lỗi thì ta phải sẵn sàng tha cho họ và tạo điều kiện để họ nói ra, hoặc biểu lộ hành động xin lỗi.
(Được hiệu đính từ bài viết THA THỨ: ỨNG DỤNG THỰC HÀNH TRONG HÔN NHÂN của cùng tác giả, phổ biến trên facebook Duyet Tran, December 10, 2016)