Ý Nghĩa “Một Nhịn Chín Lành” Trong Hôn Nhân

Ý Nghĩa “Một Nhịn Chín Lành” Trong Hôn Nhân

Chúng Ta Là Đền Thờ Của Thiên Chúa
Thiên Chúa hoặc Satan: Đừng để ma quỷ có chỗ trong đời sống của chúng ta
Người Bạn Nghèo Trong Mùa Giáng Sinh

Ý NGHĨA “MỘT NHỊN CHÍN LÀNH” TRONG HÔN NHÂN

Trần Mỹ Duyệt

Chúng ta thường nghe nói: “Một nhịn chín lành”. Câu nói được áp dụng cho những mối tương quan xã hội, bạn hữu, hôn nhân và gia đình, Đặc biệt trong đời sống hôn nhân, mỗi khi vợ chồng có chuyện xích mích, bất hòa người ta thường khuyên: “Một nhịn chín lành”.

Nhiều người khi nghe câu nói trên đều cho rằng đó chỉ là một câu nói nhằm khuyên nhủ và giải hòa giữa hai người trong khi cãi vã, hay trong lúc nông nổi, giận hờn. Nhưng nếu bình tâm suy nghĩ, phân tích sâu hơn, và nhất là có dịp so sánh kết quả của những cuộc tranh cãi, chúng ta mới nhận ra giá trị của chân lý này.

Nóng nảy, khó chịu, giận hờn, bực tức, ghen tương, hành động một cách bốc đồng không chỉ đơn thuần là những biểu lộ cá tính của một người. Chúng còn là những triệu chứng tâm lý bất ổn, và có thể dẫn đến những trạng thái liên quan với trầm cảm. Tâm lý trị liệu xem đây là những dấu hiệu của hội chứng tự ty, tự kỷ hoặc tự tôn thái quá. Cái tôi được thể hiện của người thiếu trưởng thành, không kiểm soát được tình cảm và lý trí khi bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài.

Vì là người tự ty nên họ luôn nghĩ tiêu cực về mình và về người khác. Họ thiếu bình tĩnh, nông nổi khi cần giải quyết một vấn đề mà họ cần phải đối diện, cần phải chấp nhận sự thật trong cuộc sống. Họ rất nhạy cảm khi ai đó đụng chạm đến những điều mà họ cho rằng những thứ đó làm họ trở nên xấu xí hơn, kém duyên dáng hơn, kém thông minh hơn, thua thiệt hơn. Và vì là người tự tôn thái quá, nên tất cả những cái kém cỏi kia đều không phải là của họ. Chúng là những gì người khác gán ghép cho họ, đem vào cuộc sống họ. Và hậu quả là họ phải tranh cãi, phải la lối, phải đập phá, phải giận hờn, mặc dù trên thực tế lúc đó họ là người có lỗi, người cần phải xin lỗi. Tóm lại, đối với họ, chỉ có người khác sai, cần phải xin lỗi, cần phải sửa lỗi, riêng họ, họ không có gì để phải thua, không có gì để phải nhịn.

Trong đời sống hôn nhân, cá tính của một người mang những tâm lý bất ổn trên nếu đem áp dụng vào tương quan vợ chồng sẽ dẫn đến những hậu quả nào? Liệu chúng ta có cần phải suy nghĩ và tìm hiểu xem câu nói của người xưa có phải là khuôn vàng, thước ngọc đem lại hạnh phúc hay không? Có ít nhất 9 điều lành, điều tốt, điều hợp lý mà chúng ta có thể nhận được khi cần phải nhịn.

1-Không nhức đầu: Kết quả đầu tiên của một người khi nhịn nhau trong lúc tranh cãi hoặc giận hờn. Thông thường, “Giận mất khôn”. Khi cãi nhau, người ta bao giờ cũng dễ để cho tình cảm điều khiển, lấn át lý trí. Ngôn ngữ và hành động mất kiểm soát. “Tránh voi không xấu mặt nào”, là hành động khôn ngoan, ngăn ngừa những hậu quả xấu có thể xảy ra trong lúc cả hai đều nóng nảy. Trong cuộc cãi và, người nhịn là người có sự bình an trước nhất, nhờ đó làm chủ được cơn nóng giận của người đối diện. Không nhức đầu đôi co tranh cãi.

2-Không cao máu: Theo khảo cứu của y khoa, khi bị căng thẳng thì tim đập mạnh dẫn đến tình trạng cao máu, cao áp huyết. Hậu quả là khi nóng giận mặt mày thường đỏ ửng hoặc xám ngắt. Tim đập loạn nhịp. Tay chân run rẩy. Miệng ấp úng. Có những trường hợp tức quá lăn đùng ra chết. Cái chết do bị nhồi máu cơ tim vì tăng áp huyết.

3-Không lở loét dạ dầy: Cũng theo những kết quả của khoa học, nóng nảy, bực tức, khó chịu, giận hờn thường ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa, bài tiết. Các chất cường toan trong dạ dày tiết ra, và dẫn đến triệu chứng ợ chua, ho, khó tiêu hóa, hoặc lở loét dạ dầy.

4-Ngủ ngon hơn: “Ăn được, ngủ được là tiên”. Nhiều người mất ăn, mất ngủ sau những lần tranh luận, cãi vã. Trằn trọc không ngủ được vì tức, vì ức, vì suy nghĩ cách trả thù hoặc giận hờn. Tâm hồn bất an sẽ làm cho người ta ăn không ngon, ngủ không yên, tinh thần trở nên bạc nhược. Mất ngủ thường xuyên còn dẫn đến mất trí nhớ.

5-Bình an trong tâm hồn: “Chính khi thứ tha là khi được tha thứ”. Có ai khôn mà không dại bao lần. Nếu cứ khư khư cho rằng mình đúng, mình phải, mà không tha thứ cho người khác, tâm hồn ta sẽ trở nên ích kỷ, hẹp hòi, đôi lúc vô cảm. Đó cũng là lý do dẫn đến tình trạng bất an trong cuộc sống.

6-Đổi mới cái nhìn về tình yêu: “Sau cơn mưa, trời lại sáng”. Những lần vợ chồng cãi vã, giận hờn, nếu biết hòa hoãn, chấp nhận và tha thứ sẽ là thời gian hòa bình, hạnh phúc.   Vợ chồng sẽ có dịp ngồi lại để kiểm điểm, để nhìn lại tình yêu của nhau, khám phá những điểm đáng yêu, đáng mến của nhau và cùng nhau thăng hoa tình yêu.

7-Vợ chồng bớt căng thẳng: Và như một kết quả tất yếu, vợ chồng khi tha thứ, nhịn nhục nhau sẽ có cơ hội làm hòa, giảm bớt căng thẳng. Tha thứ, nhịn nhục không chấm dứt tranh cãi, giận hờn, nhưng nó làm giảm thiểu, và nhẹ nhàng cho vấn đề giải quyết nếu khi tranh cãi xảy ra.

8-Con cái bớt hoảng sợ: Trong tâm lý giáo dục, đa số các em, đặc biệt, vị thành niên muốn bỏ nhà, muốn đi hoang vì cha mẹ cãi vã, vì cha mẹ không thể hiện những cử chỉ và hành động thương yêu nhau. Cha mẹ tranh cãi, giận hờn tạo cho con cái khi còn nhỏ cảm giác hoảng sợ, khi chúng lớn, chúng cảm thấy ngột ngạt, bất mãn.

9-Hòa khí gia đình: Kết quả của sự tha thứ, nhịn nhục là hòa khí gia đình. Gia đình là tổ ấm, là nơi mà mỗi khi đi xa ta muốn về. Hoặc mỗi khi lầm lẫn bước ra khỏi, ta hối hận và tìm đường quay trở lại.

Nhưng sẽ có người cho rằng nếu mình cứ nhường nhịn như vậy người kia sẽ lấn lướt và coi thường, sẽ làm tới. Thực sự đó chỉ là suy luận nhằm bảo vệ cái tôi của một người. Sợ mất mặt. Sợ thua thiệt. Sợ bị coi thường. Nhưng không phải thế, trong nhiều trường hợp, mà cũng có thể là kinh nghiệm của chính bản thân mỗi người, trong khi nóng nảy chúng ta quát mắng, la lối chồng, vợ, con, người thân trong gia đình, nhưng nếu thấy những người này im lặng, bình tĩnh trước cơn nóng giận của mình, nhiều người đã thấy xấu hổ, rồi tự im lặng, hay âm thầm bỏ đi. Vì nếu ta nóng nảy la lối, khó chịu với một người mà người đó im lặng thì tự mình, ta phải hiểu rằng có một cái gì đó bất ổn đang xảy ra giữa hai người. Tại sao người kia lại im lặng. Phải chăng họ thua hay họ sợ ta? Hay vì người đó can đảm chấp nhận phần thiệt cho hạnh phúc lớn hơn của gia đình, của con cái…“Một giọt mật bắt được nhiều ruồi hơn một bát giấm”. Còn người Việt mình thì nói: “Một nhịn chín lành”.

Nhịn nhục đúng nhất không có nghĩa là nhu nhược hoặc khiếp sợ. Tôi nhịn anh, tôi nhường em không có nghĩa là tôi thua anh hay sợ em. Chừng nào hòa thuận trở lại, ta phải biết dùng lời từ tốn để chinh phục đối phương: “Hôm nọ anh nói những lời đó với em như vậy anh thấy có đúng không?” Người tự trọng và thành thật yêu thương vợ con sẽ tự cảm thấy mình có lỗi, và tuy không xin lỗi vì “mặt mũi”, nhưng chắc chắn trong tâm hồn cũng có một chút hối hận.

Một cách tích cực hơn, nhịn nhục phải được xây dựng trên đời sống chung, lấy hạnh phúc và tình yêu của nhau làm căn bản. Thử hỏi, sau một trận tranh cãi, ẩu đả ta được gì và mất gì? Biết tự hỏi mình câu hỏi như vậy, chắc chắn sẽ biết kìm hãm lời ăn tiếng nói, và hành động.

Cái mà người tự ái được sau một cuộc tranh cãi là cái tôi. Tôi thấy mình có giá. Tôi thấy tôi được người khác sợ hãi. Tôi thấy thỏa mãn vì tôi có lý. Nhưng những thứ đó lại không phải là những yếu tố đem lại hạnh phúc lứa đôi, không bảo đảm được tình cảm vợ chồng, cha con, anh chị em trong gia đình. Ngược lại, những điều đó chỉ đem lại cho cá nhân người thắng những gì đắng đót, hối hận. Như một hậu quả tiêu cực, nó làm cho tình cảm và tình yêu bị sứt mẻ, nhiều khi đưa đến tan vỡ một gia đình. Và đây là sự thua thiệt rất lớn. Có khi phải mất cả tuần, cả tháng hoặc cả năm mới hàn gắn được. Tóm lại, để xây dựng và bảo đảm hạnh phúc hôn nhân, duy trì những mối quan hệ tốt trong gia đình, câu nói: “Một nhịn chín lành” luôn là khuôn vàng thước ngọc.