Cha…

Màu áo trắng…
Mùa Chay
Sự phản chiếu

Linh mục, người cô đơn đi giữa đám đông…

             Thế là cha đã xuất quân được hơn một tháng!
             Nhớ ngày cha đi, người bạn gọi, nghẹn lời: “Chị ơi, sáng nay cha L. bay rồi! Nghe nói đi Trung Đông! Chắc có gì đặc biệt, nên người ta không cho biết trước lệnh xuất quân lúc nào, mãi đến 11 giờ trưa hôm nay… Nghe tin cha đi mà em thấy lo lo làm sao. Cảm giác có gì chẳng lành!”…
            Nói cứng với bạn, dẫu trong bụng đánh… lô-tô: “Thôi, không sao, cầu nguyện cho ngài. Người tốt lành như ngài Chúa còn dùng để làm nhiều việc. Đừng lo…”
          Tôi biết cha khi tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng. Giáo phận nơi tôi sinh sống dài rộng về mặt địa hình, có tiếng về mặt xã hội, nhưng tỉ lệ người Công giáo Việt Nam chỉ chiếm thiểu số so với các sắc dân khác…Cộng đoàn nhỏ, cộng đồng ít nhân sự, nhưng tình thân thì chẳng hề vơi…
          Tôi nhớ ngày đầu tiên gặp cha qua… điện thoại! Chưa tiếp xúc với cha bao giờ, nhưng chỉ câu chào đầu tiên của ngài đã xua tan tất cả ngại ngùng, xa lạ trong tôi: “Chị ơi, em đây, cha L. , PĐD đây… Em nói chuyện với chị chút được không?”.
           Thoáng chút ngỡ ngàng, tôi hỏi :
         – Ủa, sao cha biết con? Con nghe tiếng cha lâu lắm rồi mà bây giờ mới được hân hạnh nói chuyện đây.
           Giọng cười thật tươi, cha bảo:
          – Em mà nổi tiếng chắc toàn tiếng… xấu! Chị mới là người được nhiều người chú ý đó!..
          Nói xong, cha cười khanh khách. Hai cha con cùng cười. Hôm đó, chỉ 15 phút ngắn ngủi trò chuyện, cha đã “mở mắt, mở tim” cho tôi – một con người vốn được xem là… “nhiệt thành việc Nhà Chúa”!
         Ngày đó, cho dẫu “nhiệt thành”, tôi đã từ chối không nhận trách nhiệm cộng đồng giao phó.
         Ngày đó, cho dẫu “nhiệt thành”, tôi đã trả lời chắc như đinh đóng cột: “Phục vụ vậy đủ rồi, giờ là thời gian để sống với gia đình, để anh em khác có cơ hội phục vụ nữa chứ!”.
        Ngày đó, cho dẫu “nhiệt thành”, tôi đã… tôi đã… Đủ thứ lý do “êm tai”, tôi đưa ra để thoái thác việc chung…
        Nhưng rồi gặp cha, chẳng chút mỵ dân, chẳng chút ép buộc…, chỉ với chân thành, ngài đã giúp tôi nhìn lại hồng ân Chúa ban: “Chị ơi, Chúa ban khả năng nhiều thì mình nên sử dụng để cộng tác vào công trình của Ngài. Chúa cần chị lúc này để làm việc cho Ngài, cho sự hiệp nhất anh em. Sao chị lại chọn con đường rút lui? Lúc nào đó nhìn lại công trình mình từng vun đắp chưa đủ chắc chắn đã bị vỡ tan, chị yên lòng không? Vậy, chị nhé, suy nghĩ thêm, cầu nguyện thêm. Em cầu nguyện với chị…”
         Lời cha nói, nhẹ nhàng lắm, vui tươi lắm, nhưng thật thấm thía! Đúng, chẳng có gì là của tôi! Tất cả tài năng, sức lực, của cải… Mọi sự là của Chúa ban cho. Sao tôi lại có thể nói “không” khi được Chúa chọn là “cây bút chì nhỏ trong bàn tay Ngài”?
T
hế là, tôi lại sẵn sàng nhận mọi công việc mà tôi nghĩ là… Chúa trao, cho dẫu gánh vác thêm, mệt mỏi thêm. Từ đó, tôi và cha trở nên… “người thân trong Chúa”.
         Cha trẻ, tài năng, hòa đồng. Tôi nhìn gương ngài để mạnh mẽ phục vụ Thiên Chúa, qua Giáo hội và anh em. Tôi ngưỡng mộ ngài vì lòng nhiệt thành và sẵn sàng lo việc mục vụ mọi lúc, mọi nơi, bất kể thời gian, khoảng cách địa lý. Anh em cần cộng sự để mở kênh truyền thông Công giáo, cha sẵn lòng tiên phong là người đầu tiên… lên sóng! Đang ở nhà xứ, nghe có người bạn gọi: “Cha ơi, có anh bạn gần mất, cần xức dầu gấp, cha giúp nha…”, là cha lại nhanh nhảu lái xe đến tận nhà xức dầu, cho dẫu mất hai tiếng lái xe! Công việc bề bộn, vậy  mà biết một linh mục hưu trí trong địa phận sắp mất, cha chẳng ngần ngại ở suốt bên cạnh vị mục tử ấy vào những giây phút cuối đời và cùng mọi người lo việc an táng. Mỗi lần chạy đi chạy về thăm vị linh mục đơn côi ấy mất cả buổi trời!… Giới trẻ thích đá banh, lập tức, cha quy tụ mở sân chơi, không câu  nệ “cơ chế”… Giới trẻ cần tĩnh tâm, lập tức, cha khăn gói vào… sa mạc với các em… Cha là vậy! Mệt nhọc, vất vả, lời ra, tiếng vào… cha chẳng màng, lúc nào cũng cười tươi, nụ cười hiền hòa! Cha chỉ mong “làm một chút gì đó để mọi người nhận ra tình yêu của Chúa”. Ngày cha báo tin “nhập ngũ làm tuyên úy”, bao nhiêu người thương mến đã… cản: “Cha đi chi vậy? Đang làm chánh xứ ngon lành… Nệm êm chăn ấm không muốn, đi chi vào cửa tử..”. Cha chỉ cười: “Mình làm linh mục mà, nơi nào cần và có lợi ích cho các linh hồn thì sẵn sàng thôi.” Và, cha đã vâng lời Đức Giám mục, nhận lời vào Hải quân Hoa Kỳ làm tuyên úy. Cha bảo: “Đó cũng là cách để trả ơn cho đất nước đã nhận em và gia đình đến định cư. Nếu không đến Mỹ, chắc giờ này em chẳng có cuộc sống thế này, chẳng là linh mục, chỉ là anh phu xe xích lô…”
          Đêm trước ngày chia tay, anh chị em chúng tôi quây quần bên ngài, thấy bịn rịn lắm! Tôi thương ngài, thương các linh mục! Tôi cảm được nỗi khổ tâm của người “làm dâu trăm họ”! Cả đời dấn thân phục vụ, khi đau yếu, bệnh tật chỉ quạnh quẽ riêng mình. Ấy thế mà, bao nhiêu điều tốt người ta chẳng nhớ, chỉ cần một tiếng đồn là cả cuộc đời của họ bị… tì vết! Mà có ai hiểu linh mục, sau những bận rộn, lo nghĩ mục vụ, khi cánh cửa nhà thờ đóng, quay về chỉ có “mình với ta”, “ta với mình” lặng lẽ. Tôi nhớ đến bài thánh ca của một nhạc sĩ Công giáo nổi tiếng: “Linh mục người là ai? Người là không và người là có. Người cô đơn đi giữa đám đông. Người thợ săn không biết kiếm cung…”
           Quả vậy, linh mục là người cô đơn đi giữa đám đông. Tôi tin, Thiên Chúa vẫn luôn đồng hành để các linh mục của Ngài vững chãi làm ngôn sứ Tin Mừng. Không có nguồn trợ lực linh thiêng các ngài có thể đứng vững giữa cuộc đời đầy cạm bẫy, sóng gió.  Nhưng, vẫn cần lắm những tình thương, lời cầu nguyện và sự nâng đỡ từ mỗi người, từ cộng đoàn tín hữu…
          Tôi lại nhớ đến lời cầu nguyện của chị bạn vào cuối giờ tập hát hôm cha xuất quân, nhớ đến giọng chợt nghẹn lại của chị: “Xin Chúa gìn giữ và ban cho cha L. được bình an…”
          Vâng, bình an cha nhé… Tôi tin Chúa vẫn cần những mục tử nhân hậu, nhiệt thành như ngài và chẳng bao giờ để… hư  mất!

SONG MAI