Ngày…tháng….năm….
Ngày qua thật mau. 11:50 tối rồi, “Hot hours. Big sale. Black Friday”. Tin chắc ngoài đường bây giờ, các cửa hàng đã mở. Những dãy dài người chen lấn xếp hàng chờ vô cửa, tranh mua cho được hàng tốt, giá rẻ. Tại các nhà hàng, vũ trường đầy người, vì ai ai cũng mừng lễ với nhau. Nhà nhà, mọi người họp mặt đoàn tụ. Năm nay, đại gia đình tôi dùng bữa sớm chút, để tranh thủ đưa các con đi chơi xa. Nhưng mẹ tôi lớn tuổi, chẳng muốn đi đâu cả. Tôi chọn ở nhà với bà. Hai mẹ con bên nhau hủ hỉ, ăn cơm, ra vườn ngắm hoa. Ngồi bên hồ xem đàn cá đủ màu sắc tung tăng bơi, lại có tiếng róc rách nước chảy thật êm tai. Thiệt lãng mạn và êm đềm quá đỗi. Mơ màng chán, mẹ con đưa nhau đi viếng Chúa. Sau đó quay về, pha trà nhâm nhi với bánh ngọt, cùng xem phim. Bên ngoài ra sao? Ngày mai thế nào? Chẳng ai đoán biết được. Chỉ là trong giây phút hiện tại, tôi muốn sống với hết lòng của mình, tận hưởng trọn niềm vui sum vầy bên người thân. Càng lớn tuổi, tôi càng nhận ra hồng ân Chúa trao ban cho mình, quả thật là rất nhiều so với những gánh nặng khổ lụy trong đời.
Hiểu chứ, hạnh phúc mà tôi và rất nhiều người có được ngày hôm nay, không phải tự nhiên mà có. Nó phải đánh đổi bằng sự cố gắng hy sinh của nhiều người khác. Tôi nhớ đến Chúa trên thập giá, máu và nước đổ xuống từ cạnh sườn Người chỉ vì để đem đến ơn cứu rỗi và hy vọng. Nhớ cả những người lính giờ này trời lạnh, gió thổi rét buốt thấu tận xương tủy, ngoài biên cương đang trấn giữ để người dân được bình bình yên yên ăn mừng với nhau, ngày lễ Tạ Ơn.
Có lần, một em trong thiếu nhi, cũng từng đi lính tâm sự : “Mấy ngày lễ tụi em buồn lắm, đứa nào cũng uống vài chai, tâm trạng uể oải, chán nản, sống trong lo lắng phập phồng. Em luôn ước gì có được vị linh hướng, để xưng tội và tham dự thánh lễ. Có lần, chịu không nỗi nữa , vừa đóng quân, được ra ngoài tự do, là em đi tìm nhà thờ ngay. Mấy đứa chung đoàn hỏi, em chỉ bảo “Tao đi lễ”. Tụi nó đâu có đạo, nhưng cũng chạy theo em “I go with you”. Đi xong về, em thấy lòng như nhẹ nhõm nhiều lắm. Có Chúa với mình có khác Chị ạ.”
Khi ấy, tôi nói thầm : “Giá như trong quân đội mà có cha Tuyên Úy thì tốt há“. Câu chuyện tưởng chừng quên mất, vì người em đó bây giờ cũng đã giải ngũ, quay về nhà bằng yên.
Cho đến hôm, một giáo lý viên gởi cho tôi đoạn video clip chia sẻ tâm tình của một anh tân binh. Oai lắm nhé! Anh không phải là một người lính hải quân bình thường, mà là một linh mục Tuyên úy. Với học thức và bằng cấp của anh, tin chắc cũng phải là một đại úy (captain) gì đó, chứ chẳng chơi đâu. Wow. Tuyệt vời!
*
Nhiều năm trước, có lần mẹ tôi đưa về nhà một anh chàng và giới thiệu là thầy Phó tế L. ( Deacon). Tôi biết nhân vật này cũng phải khá đặc biệt đây. Mẹ bảo: “Mỗi ngày đi lễ xong, Mẹ và các ông bà Mỹ già kéo nhau qua nhà nguyện kế bên để chầu Mình Thánh Chúa và lần hạt Mân Côi, thầy L. cũng đi cùng“. Riết rồi quen nhau, vì cộng đoàn gần nơi tôi ở rất ít người Việt tham dự. Thời gian ngắn thôi, hai bác cháu cứ thế mà làm bạn với nhau. Lâu lâu Me bảo: “Thầy L. có tài, vẽ đẹp lắm con ạ“. Tôi biết và dần quý mến thầy L. qua những chia sẻ từ mẹ của mình. Nhưng nếu có gặp thì cũng chỉ chào hỏi, chưa bao giờ nói quá ba câu.
Có lần anh chị em giáo lý viên chúng tôi đi tìm người giúp linh hướng tĩnh tâm cho các em lớp giáo lý. Mẹ lại bảo: “Con cứ đi hỏi cha L. đi” (thầy phó tế trước kia nay đã lãnh tác vụ linh mục). Thật ra các linh mục rất là bận. Có một vị chánh xứ đã từng chia sẻ: “Con à, bây giờ thiếu ơn gọi. Có nhiều linh mục vừa nhận chức thánh đã phải đảm nhận coi xứ. Công việc nhiều lắm”. Biết thế nhưng từ bé đã được dạy “Nếu bạn thử đi làm thì ít ra cũng có được 1% cơ hội thành công. Nhưng nếu không dám thử, thì chẳng bao giờ có được“. Cho nên tôi bạo gan tìm đến chia sẻ tâm tình của người giáo lý viên, cùng nêu lên nhung ưu tư của các bậc phụ huynh lo lắng cho các con khi bước vào tuổi thiếu niên. Lứa tuổi “ngựa non háu đá“, dể mất niềm tin và lạc lối. Khi ngài nghe xong, biết mục đich là giúp cho giới trẻ, ngài nhận lời ngay. Chỉ bảo:” Em sẵn sàng giúp, nhưng các anh chị phải góp tay“. Tôi biết vì thương và quan tâm cho bọn trẻ, mà cha bằng lòng chất thêm việc lên đôi vai gánh nặng.
Lần nọ, các bà mẹ công giáo gọi bảo tôi đến nhà thờ phụ giúp giáo xứ cha làm “fundraising”. Khi đến, gặp các chị em đang khệ nệ khiêng các khây đồ ăn. Nhìn dáo dát chăng thấy cha đâu. Một bác hiểu ý, đến bên khều “Đố con tìm được cha L“. Ông ta nói mà mắt nhấy về phía dãy nhà lụp xụp bên kia. Một hồi lâu, có bóng dáng chàng thanh niên trẻ từ xa đi lại phía chúng tôi. “Eo ôi, ai mà nhận ra cho nỗi. Đúng là cha rồi”. Ngài bận chiếc áo thun trắng bạc màu, cũ lắm lắm luôn. Mặc mày đầy bụi, tay chân và quần dính sơn. Cha tiến đến chỉ cười chào và cảm ơn mọi người. Xong lại đi tiếp “Em lót gạch xong rỗi giờ còn đang sơn nhà “. Thì ra là cha muốn tự tay làm, muốn giáo xứ được khang trang chút.
Trong một buổi họp mặt với giới trẻ, cha nói “Em muốn chinh phục bầu trời, muốn học lái máy bay“. Tôi thầm trong bụng “Cha ước mơ cao thế. Nhưng thì đã sao. Yes, why not “. Chẳng biết cho đến hôm nay ngài đã làm được chưa. Nhưng tôi tin rằng điều mà Ngài mong muốn hơn hết vẫn là theo bước chân các tông đồ ngày xưa đi “lưới người”. Thật đúng như Mẹ Teresa đã từng nói “Hãy vươn cao, vì những vì sao nằm trong tâm hồn của bạn. Giấc mơ sâu thẳm, từng giấc mơ là một mục tiêu phía trước. Reach high, for stars lie hidden in your soul. Dream deep, for every dream precedes the goal”
Đêm nay, chẳng hiểu sao tôi lại nghĩ đến ngài, vị linh mục trẻ tuổi, dám nói dám làm. Nhớ lại lời thầm thì mong có một vị linh hướng cho các chiến sĩ ngoài mặt trận, giờ lại thành sự thật. Cha đến với ước ao có thể xoa dịu nỗi nhớ nhà da diết, làm bình tâm và thêm niềm hy vọng trong lúc hốt hoảng lo sợ khi đối đầu giữa lằn ranh của sự sống và cái chết cho người lính chiến. Giữa thời buổi nhiễu nhương, sự có mặt của vị linh hướng trẻ này, phải chăng là ân sủng mà Thiên Chúa ban tặng cho họ. Chắn chắn là vậy rồi.
Cám ơn cha, anh lính trẻ dám mơ thật cao, dám bước ra bắt lấy vì sao trên bầu trời, dám tiến thẳng vào lòng biển cả để tóm gọn “lưới người” đem về cho Chúa. Xin Chúa chúc lành cho Cha và tất cả các anh lính đã, đang đổi lấy sự an nhàn, thoải mái, đôi khi cả tính mạng của mình ,để người dân có được sự bằng yên của hiện tại.
Thúy Hương