Đừng giả hình – Tin Mừng ngày thứ Bảy tuần XX Thường niên B – Mt 23,1-12

Chân thành giúp nhau – Tin Mừng ngày thứ Bảy tuần VIII Thường niên- Mc. 11, 27-33
Can đảm từ bỏ mọi cám dỗ – Tin mừng ngày thứ Năm tuần VII Thường niên – Mc 9,41-50
Sự sống đời đời – Tin Mừng ngày thứ Bảy tuần III Phục Sinh năm C – Ga 6,51.60-69
Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng : “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được người ta gọi là thầy. “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”
Suy niệm
Đức Giêsu thừa nhận quyền bính của các kinh sư và người Pharisêu. Họ ngồi trên tòa Môsê, tức là có quyền giảng dạy lề luật, nên người ta cần phải tuân theo. Tuy nhiên, Ngài trách họ hai điều.
1) Ngài trách họ « nói mà không làm », họ chỉ biết « bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta », tức là giải thích luật để người khác tuân giữ, còn họ thì « không buồn động ngón tay vào », tức là chính họ thì không giữ.
Ta cũng thường có khả năng nói hay, khả năng « dạy dỗ » người khác, nhưng chính ta lại không thực hiện điều mình khuyên người khác làm.
Ước chi ta biết làm điều ta khuyên và bớt nói, làm nhiều.
2) Ngài trách họ về thói khoe khoang. Nếu họ có làm gì, thì với mục đích « cốt để thiên hạ thấy ». Vì vậy họ « đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài, ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi và thích được gọi là thầy ».
Như thế, họ đã biến từ việc thờ phượng đến những sinh hoạt hằng ngày thành cơ hội, thành dịp để được khoe khoang, để được người ta thán phục. Đến Hội Đường, thay vì hướng lên Chúa, thì họ lại hướng về chính họ.
« Căn bệnh » này của các kinh sư và người Pharisêu có lẽ cũng là căn bệnh của mỗi chúng ta.
Nhiều khi ta giúp người khác, nhưng ta không làm vì lòng yêu thương, bác ái. Ta làm cốt để khoe khoang.
Ta cũng nên tự hỏi, khi đi lễ, đi hành hương, có phải là dịp để ta thể hiện niềm tin, tình yêu sâu xa nơi Chúa, hay là dịp để ta khoe khoang vẻ bên ngoài (áo, túi, kiểu tóc…) và muốn người khác khen là mình đạo đức ?
Mong sao trong xã hội luôn đầy tràn thói háo danh, thói « thích nói không thích làm », thói sống giả hình, thì chúng ta là những người tin, luôn âm thầm, chân thành thực hiện điều Chúa dạy. Như thế là ta đang cố gắng nên hoàn thiện và đang góp phần xây dựng xã hội cách thiết thực.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Hội CSsR.