Lòng Chúa lòng con

Lòng Chúa lòng con

Chúa Chết: Tang Tội Tình
Tình Yêu Cho No Ấm
Chúa Ban Sự Sống Đời Đời

Chúa Nhật Hai Phục Sinh cũng là Chúa Nhật Lòng Chúa thương xót. Chúa thương ban nhiều ơn phúc cho ta, và ơn lớn nhất phải chăng là ơn làm cho lòng ta nên giống Lòng Chúa thương xót.

  1. Lòng Chúa thương xót.Chúa Phục Sinh đã cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn Ngài – đó là những thương tích của Lòng Chúa yêu thương đến độ dám chết vì yêu. Chúa Phục Sinh vẫn mang thương tích trên mình nghĩa là Chúa sống lại không rời xa chúng ta, mà Người vẫn mang nỗi đau của nhân loại để cảm thương, xoa dịu và chữa lành. Chúa Phục Sinh cũng ban ơn tha thứ cho thấy Lòng Chúa thương xót luôn lớn hơn tội lỗi.
  2. Lòng con tin yêu.Lời Chúa trong Bài đọc 1 diễn tả tấm lòng tin yêu tuyệt vời của cộng đoàn các tín hữu ban đầu.

a)Lòng yêu.Mọi người một lòng một ý, hiệp nhất, đoàn kết, yêu thương nhau.

b)Lòng chung.“Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.”

c)Lòng quảng đại.“Tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.”

d)Lòng tin.Ông Tô-ma lúc đầu cứng lòng, nhưng sau đó đã mạnh mẽ tuyên xưng lòng tin Đức Giêsu là Thiên Chúa. Lòng tin đã giúp cho các môn đệ Chúa thắng được thế gian. Vì thế, các tượng ảnh Lòng Chúa thương xót thường có  câu về lòng tin: “Lạy Chúa Giêsu, con xin tín thác vào Chúa.”

Thực sự để có tấm lòng như cộng đoàn tín hữu ban đầu là điều rất khó. Thế nên, chúng ta rất cần dâng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa.” Khi xưa, Chúa Giêsu Phục sinh thổi hơi đổi đời các môn đệ, thì nay xin Chúa tiếp tục thổi tinh thần yêu thương của Ngài cho chúng ta, để tất cả những ai tin Chúa cũng có tấm lòng thương xót giống Ngài. Amen.