Chúa Ở Trong Ta Bao Lâu Sau Khi Rước Lễ?

Chúa Ở Trong Ta Bao Lâu Sau Khi Rước Lễ?

Chụp Lại Những Tấm Hình Của Satan
Ma quái, sợ hãi, thánh thiện – Người Công giáo nhìn về lễ hội Halloween cách nào tốt nhất?
Đối Phó Với Những Lo Âu Trong Cuộc Sống

Trần Mỹ Duyệt

 

Trong một buổi sinh hoạt nhóm, khi anh chị em đang trao đổi với nhau về cách thức hành đạo và sống đạo, đặc biệt nhấn mạnh đến việc tham dự thánh lễ và rước lễ. Một anh trong nhóm đã trích dẫn lời Chúa: “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Gioan 6: 57), rồi  hỏi mọi người: “Như vậy thì Chúa Giêsu Thánh Thể ở trong ta bao lâu sau khi rước lễ?”

Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa. Thắc mắc của anh mang ý nghĩa vừa tâm linh vừa thực tế trong đời sống đạo. Tuy nhiên trong nhóm ai cũng e dè không dám góp ý, vì thực tế là nhiều tín hữu vẫn thường xuyên tham dự thánh lễ và rước lễ mỗi ngày, nhưng có mấy người để ý đến thực tại tinh thần như vậy. Và câu hỏi ấy vẫn luẩn quẩn trong đầu tôi. Nó thôi thúc tôi cần phải tìm ra câu trả lời không những cho anh mà còn cho chính tôi.

 

Thánh Thể và sự cao trọng của Rước Lễ

Theo Thánh Tôma Aquinô, dù Thiên Chúa thông minh và quyền năng vô biên, thì Ngài cũng không thể làm gì hơn khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể.

Để diễn tả về sự cao trọng của Bí Tích Thánh Thể, theo Sách Giáo Lý Công Giáo đã ghi: “Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô giáo. Những bí tích khác cũng như mọi thừa tác vụ trong Hội Thánh, và các hoạt động tông đồ, đều gắn liền và quy hướng về Bí Tích này. Trong Thánh Thể chứa đựng toàn bộ gia tài thiêng liêng của Hội Thánh, là chính Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua” (x. GLCG số 1324).

Điều này cho phép linh hồn “cảm nếm” được sự hiện diện của Chúa sau khi rước lễ, và là một cuộc gặp gỡ thân mật như Maria ngồi dưới chân Chúa nghe và tâm sự với Ngài khi Ngài ghé thăm nhà tại Bêtania.

Thánh Giáo Hoàng Piô X nói: “Các Thiên thần phải ghen với chúng ta vì chúng ta được rước lễ”. Ngài đã hạ thấp tuổi rước lễ lần đầu xuống bảy tuổi, vì muốn Chúa Giêsu ngự vào lòng thanh sạch các trẻ em, chúng còn giống như các thiên thần. Còn thánh Mađalêna Sophi Barat định nghĩa rước lễ là “Thiên đàng trần thế”. Chính vì vậy, các thánh như Phanxicô Assisi, Catarina Siena, Paschal Baylon, Veronica Alacoque, Đaminh Saviô, và Gemma Galani… luôn khao khát được rước lễ. Không những chỉ có các ngài, mà toàn thể các thánh cũng như mọi tâm hồn đạo đức đều tha thiết, ao ước để được kết hợp với Chúa Giêsu qua Phép Thánh Thể.

 

Sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể

Nhưng như câu hỏi của người bạn đã đặt ra, chúng ta biết gì về sự hiện diện “bí tích” của Chúa Giêsu trong ta sau khi rước lễ?

Theo Sách Giáo Lý Công Giáo, “sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể không chấm dứt lập tức ngay khi chúng ta rước lễ. Sách Giáo lý giải thích rằng, “Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể bắt đầu từ lúc truyền phép và kéo dài bao lâu hình bánh rượu còn tồn tại (GLCG 1377). Đây là sự hiện diện bí tích, sự hiện diện của “mình và máu, cùng với linh hồn và thần tính của Chúa Giêsu Kitô được ẩn chứa cách rõ ràng, chân thật và bản thể.” (Số 1374)

Từ sau rước lễ, khi bánh thánh được tiêu hóa, nó không còn là mình của Chúa Kitô nữa. Chúa chỉ hiện diện bao lâu bánh đó còn hiện hữu. Theo cha Bob Levis, “Mình thánh Chúa Giêsu ở lại trong chúng ta chừng 15 phút, cho đến khi bánh đó được tiêu hóa. Nhưng điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu từ giã chúng ta khi tấm bánh được tiêu hóa. Ngài tiếp tục hiện diện trong chúng ta không phải dưới hình thức một bí tích.” [1]

Lời Giải thích của cha Levis và dựa theo truyền thống Giáo Hội, thiết tưởng cũng là câu trả lời cho thắc mắc của người bạn tôi, mặc dù, vẫn chưa có một khảo cứu khoa học nào xác định về thời gian này.

 

Lòng yêu mến của các thánh

“Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy.” (Gioan 6: 57).

Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa. Đối với những tâm hồn thánh thiện và có niềm tin vào Phép Thánh Thể thì việc được ở trước Chúa khi một mình âm thầm bên nhà tạm, hay được tham dự thánh lễ và được rước lễ là những giờ phút hạnh phúc nhất. Để chuẩn bị cho những thời khắc này, có những vị thánh tự cho mình bất xứng rước Chúa vào lòng nên các ngài đã phải sửa soạn linh hồn mình bằng cách lo xưng tội. Thánh Hugô, Tôma Aquinô, Phanxicô Salêsiô, Ignatiô, Carôlô Boromeô, Giuse Cupertinô, Leonarđô Maurice   xưng tội hằng ngày trước khi dâng lễ Misa.

Thánh Anphongsô, Giuse Caphasô, Gioan Boscô, Piô X cũng rất năng xưng tội. Thánh Phanxicô Salesiô dạy các con thiêng liêng của ngài: “Đi xưng tội với lòng khiêm tốn và sốt sắng, nếu có thể, mỗi khi anh chị em đi rước lễ, ngay cả khi không thấy lương tâm trách móc mình về tội trọng nào”.

 

Chúa ở trong ta

Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện trong mỗi người tùy thuộc vào sự tiêu hóa của từng người và tùy vào từng lứa tuổi. Lâu hay chóng. 5, 10 hay 15 phút sau rước lễ chỉ là thời gian mang tính cách vật lý, dựa trên tiến trình sinh học. Điều này phù hợp với lối giải thích của Giáo Lý khi cho rằng sự hiện diện của Chúa Kitô “kéo dài bao lâu Thánh Thể còn tồn tại”.

Nhưng dù là thân xác Ngài không còn hiện diện trong ta sau một thời gian rước lễ, nhưng sự kết hợp mật thiết giữa ta và Ngài vẫn tồn tại như sự kết hợp giữa Ngài và Chúa Cha. Chúa Giêsu đã trả lời cho Phillip khi ông thắc mắc về điều này: “Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy sao?” (Gioan 14:10).

Tóm lại, điều quan trọng là chúng ta hãy dành thời giờ sau khi rước lễ để thờ lạy, yêu mến, và tâm sự với Chúa Giêsu. Hãy cùng Mẹ Maria, triều thần thánh cảm tạ vì hồng ân Ngài ở trong ta, và ta được ở trong Ngài. Đây là thời gian hết sức đặc biệt đối với những linh hồn yêu mến Phép Thánh Thể. Trong truyện của thánh Philiphê Neri kể rằng, một ngày nọ, có một người sau khi rước lễ liền vội vã rời khỏi nhà thờ. Thấy vậy thánh nhân sai hai chú giúp lễ cầm đèn đi sau người đàn ông đó. Ông đã quay lại nhà thờ và hỏi thánh nhân tại sao hai chú giúp lễ làm như vậy. Thánh nhân đã trả lời, đại khái vì ông đã không dành thời giờ để thờ lạy và yêu mến Chúa, Đấng ông đang mang trong mình, nên ngài đã sai hai chú giúp lễ cầm đèn đi theo để làm việc đó thay ông.

______________________________________________________________________________________

Tham khảo:

1. Frequently Asked Questions: Fasting after communion.

https://www.catholicdoors.com › faq