Chúng Ta Là Đền Thờ Của Thiên Chúa

Chúng Ta Là Đền Thờ Của Thiên Chúa

Tâm Lý Tha Thứ Trên Hành Trình Tìm Hạnh Phúc
Hai Tiếng Xin Vâng
Giáo hội Hoa Kỳ sẽ bị phá sản

 Trần Mỹ Duyệt

Trong ngày cung hiến đền thờ Giêrusalem, vua Salomon đã thưa với Thiên Chúa rằng: “Trên trời không có đủ chỗ sao lạy Chúa là Thiên Chúa. Làm sao Ngài lại có thể ngự trên trái đất trong ngôi đền mà con đã xây dựng này?” Và ông đã dâng lời cầu xin: “Đây là đền thờ nơi Ngài đã chọn để được thờ phượng. Xin Chúa hãy nhìn đến nó ngày đêm và lắng nghe khi con hướng về đó và cầu nguyện” (1 Các Vua 8:22-26). Dưới thời vua Solomon, đền thờ Giêrusalem đã được nổi bật với vai trò quan trọng, cao cả, và thiêng liêng cả về mặt tôn giáo, chính trị, và xã hội. Ngày nay Giêrusalem còn là biểu tượng của ba tôn giáo độc thần lớn nhất gồm Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo.

 

Giêrusalem thời Chúa Giêsu là đền thờ được xây dựng lại trong vòng 46 năm trên nền ngôi đền cũ do Solomon xây xưa. Đối với người Do Thái, Đền Thờ Giêrusalem là tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa ngự trị và ở giữa dân Ngài. Nhưng vì lỗi đã chối bỏ, đã đóng đinh Đức Kitô mà hình phạt đã đến với họ, đã đến với Giêrusalem của họ: “Giêrusalem! Giêrusalem! Kẻ đã giết các tiên tri! Và ném đá các người đã được sai đến cùng ngươi. Đã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi lại, như gà mẹ ủ con dưới cánh mà ngươi không muốn. Thì đây, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang sơ… Và đền thờ của các ngươi sẽ bị phá hủy không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào” (Mt 23: 37-39; 24:2). Lời tiên tri này đã được thực hiện vào năm 70 sau Chúa giáng trần, khi người Roma đã phá hủy bình địa đền thờ Giêrusalem. Ngày nay dấu vết của đền thờ còn sót lại là bức tường than khóc (Western Wall) mà người Do Thái vẫn đến đó đập đầu vào tường, khóc lóc, để tưởng nhớ về một Giêrusalem huy hoàng thời vàng son, và cầu mong Đấng Thiên Sai.

 

Thánh Gioan trong Phúc Âm của mình (2:3-22) đã diễn tả phản ứng của Chúa Giêsu khi đứng trước cảnh buôn bán nhộn nhịp ở khuôn viên đền thờ. Hiểu đây là một hành động buôn thần bán thánh do các thượng tế bày ra và các con buôn lợi dụng để cả hai cùng có lợi, nên Ngài đã nhân cơ hội bày tỏ sự bất bình bằng cách đánh đuổi họ, chiên bò của họ, cũng như xô đổ bàn ghế, tiền bạc của họ. Ngài nói với họ: “Đừng biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán” (16). Qua hành động làm sạch nhà của Cha mình, Chúa Giêsu còn muốn mặc khải về cái chết của Ngài, về sự thánh thiện và quí trọng của thân xác con người – những đền thờ do Thiên Chúa tạo thành cho sự sống mai sau – trong đó có thân xác của chính Ngài: “Hãy phá hủy đền thờ này đi, nội ba ngày Ta sẽ xây lại” (19).

 

Để nối kết ý nghĩa giữa đền thờ Giêrusalem, đền thờ thân xác Chúa Kitô và đền thờ thân xác của các Kitô hữu, trong thư gửi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô gọi thân xác con người, và con người chúng ta là đền thờ Thiên Chúa, là nơi Thánh Thần Thiên Chúa hoạt động. Điều này cũng nói lên thân phận của chúng ta khi được ơn làm con Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết: “Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần, Đấng sống trong anh em và được ban cho anh em bởi Thiên Chúa sao? Anh em không thuộc về mình, nhưng thuộc về Thiên Chúa, Đấng đã mua anh em bằng một giá. Vì thế, hãy dùng thân xác anh em cho vinh quang Thiên Chúa” (1 Cor 6:19-20).

 

Khi Thánh Kinh gọi chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần, có nghĩa là Thánh Thần Thiên Chúa sống trong thân xác này, ngự trị trong đó với sự hiện diện và vinh quang Thiên Chúa. Ngoài ra, ý nghĩa của những lời này còn cho biết thêm Thiên Chúa đang muốn nói với chúng ta rằng, chúng ta là một nơi thánh, và chúng ta phải cẩn thận gìn giữ mình: linh hồn, thân xác, và tâm linh. Do đó, nếu chúng ta dùng thân xác mình mà phạm tội, thí dụ, rượu chè, thuốc xái, ngoại tình, dâm dục, phá thai, sửa đổi giới tính là tự phá hủy đền thờ của Thiên Chúa, đập đổ ngôi đền mà Ngài đã xây dựng. Theo một số nhà thần học thì việc sửa đổi hoặc xâm mình cũng là những hình thức làm mất đi vẻ đẹp của ngôi đền do Thiên Chúa đã sáng tạo. Ngài phán: “Chúng ta hãy tạo dựng nên con người giống hình ảnh chúng ta” (Gen 1:26).

 

Sau khi gọi thân xác chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần, thánh Phaolô tiếp tục gọi tất cả chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa: “Vì chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống. Như Thiên Chúa đã phán: “Ta sẽ ngự trong chúng và bước đi giữa chúng, và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta”” (1 Cor 3:16). Như vậy, vẫn theo Thánh Phaolô, mỗi người chúng ta và toàn thể chúng ta đều là đền thờ của Thiên Chúa. Ngài ngự trong chúng ta và đi giữa chúng ta. Đây cũng là hình ảnh nói về sự hiệp thông giữa các thánh, và tại sao chúng ta gọi Giáo Hội là “Hội Thánh”. Vì Hội Thánh tức là hội của những người thánh, những người đã được dòng nước rửa tội tẩy sạch và được Thiên Chúa nhận làm con. Mặc dù chúng ta chưa hẳn là thánh, nhưng chắc chắn ai cũng mong mỏi, cũng đang cố gắng bước đi trên con đường dẫn đến sự thánh thiện.

 

Vậy nếu “chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa”. Những đền thờ sống động, biết nói, biết cười, biết giận hờn, biết đau khổ và hạnh phúc, chúng ta cũng là nơi mà ở đó người khác có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Vì qua mỗi người chúng ta, Ngài đã chuẩn bị để chúng ta trở thành sự hiện diện thánh thiện của Ngài trên trái đất – một tâm điểm trong dự án Thiên Chúa để ở với con người. Nếu chúng ta sống như những nhân chứng Chúa Kitô hôm nay, mỗi người chúng ta, thân xác chúng ta, sẽ là một đền thờ của Thiên Chúa.