Những điều bạn cần biết về Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Ngã rẽ giữa đức tin và tự kỷ
Nhóm khủng bố Hồi giáo IS tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ đánh bom ngày Lễ Phục sinh ở Sri Lanka
“Hãy cầu nguyện với chuỗi Mân côi hằng ngày để bảo vệ Giáo hội khỏi Sa-tan”

Mười ngày sau lễ Chúa Giêsu lên trời, Giáo hội cử hành Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, một trong những ngày lễ quan trọng nhất của năm Phụng vụ để kết thúc mùa Phục sinh và kỷ niệm ngày khởi đầu của Giáo hội.
Đây là những điều bạn cần biết về ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Thời điểm và nguồn gốc của Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống luôn cử hành 50 ngày sau cuộc tử nạn và sự phục sinh của Chúa Giêsu, và mười ngày sau khi lên trời. Bởi vì Phục Sinh không phải là lễ có ngày cố định, và Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống phụ thuộc vào thời điểm lễ Phục Sinh, nên lễ CTTHX có thể rơi vào bất cứ ngày nào trong khoảng thời gian từ ngày 10/5 đến ngày 13/6 hằng năm.
Thời điểm của những ngày lễ này cũng là lúc người Công giáo có được khái niệm về Novena – (tuần cửu nhật) chín ngày cầu nguyện – bởi vì trong Sách Công vụ  thứ nhất, Mẹ Maria và các Tông đồ đã cùng nhau cầu nguyện “liên lỉ” suốt 9 ngày sau Lễ Thăng thiên dẫn đến Lễ CTTHX. Theo truyền thống, Giáo hội cầu nguyện Tuần Cửu Nhật với Chúa Thánh Thần trong những ngày trước Lễ Hiện Xuống.
Tên của ngày lễ bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “pentecoste”, có nghĩa là thứ 50.
Song song với ngày này thì có một ngày lễ của người Do Thái, lễ Shavu’ot, rơi vào 50 ngày sau Lễ Vượt qua. Shavu’ot đôi khi được gọi là lễ hội của các tuần, đề cập đến bảy tuần kể từ lễ Vượt Qua.
Ban đầu chỉ là một bữa tiệc thu hoạch mùa màng, hiện tại Shavu`ot  là kỷ niệm việc niêm phong Giao ước cũ trên núi Sinai, khi Chúa ban Torah (Giới răn) cho ông Môise trên núi Sinai. Hàng năm, người Do Thái tuyên hứa lại việc đón nhận món quà của Giới răn trong ngày lễ này.

Điều gì xảy ra tại Lễ Hiện Xuống?
Theo truyền thống Kitô giáo, lễ CTTHX là lễ tôn vinh Chúa Thánh Thần hiện hữu trên các Tông đồ, Mẹ Maria và những người theo Chúa Giêsu đầu tiên,  khi đang qui tụ với nhau trong Phòng Ăn (nơi bữa Tiệc Ly đã diễn ra).
Một “luồng gió, mạnh mẽ,” thổi vào căn phòng nơi họ tập trung và những ngọn lửa bùng lên trên đầu họ, cho phép họ nói bằng các ngôn ngữ khác nhau để họ có thể hiểu nhau. Đó là một hiện tượng kỳ lạ đến nỗi một số người nghĩ rằng các Kitô hữu chỉ say rượu thôi – nhưng Phêrô đã chỉ ra rằng bấy giờ mới chỉ là buổi sáng, và hiện tượng này là do sức mạnh từ Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần cũng ban cho các tông đồ những món quà và hoa quả khác cần thiết để hoàn thành sứ mạng vĩ đại – là ra đi và rao giảng Tin mừng cho tất cả các nước thiên hạ. Điều đó đã hoàn tất điều Đức Kitô đã hứa trong Tân ước rằng các Tông đồ sẽ “mặc lấy Thánh Thần” trước khi họ được sai đi để truyền bá Tin Mừng (Lu-ca 24: 46-49)

Điều này diễn tả ở đâu trong Kinh thánh?
Sự kiện chính của lễ CTTHX (gió lái mạnh và lưỡi lửa) nói đến trong Công vụ 2:13, mặc dù các sự kiện diễn ra ngay sau đó (lời giảng dạy của thánh Phêrô và rửa tội cho hàng ngàn người) tiếp tục qua câu 41.

Chúc mừng sinh nhật Giáo hội
Ngay sau ngày lễ CTTHX, Phêrô, được linh cảm từ Chúa Thánh Thần, đã thuyết giảng bài giảng đầu tiên của mình cho người Do Thái và những người ngoại đạo khác, trong đó ngài mở thánh thư của Cựu Ước, cho thấy tiên tri Joel đã tiên đoán các sự kiện và sự hiện xuống của Chúa Thánh Thần tại lễ CTTHX.
Ngài cũng nói với mọi người rằng Chúa Giêsu mà họ đã đóng đinh là Thiên Chúa và đã sống lại từ cõi chết, điều đã “làm trái tim họ cảm thấy đau đớn”. Khi mọi người hỏi họ nên làm gì thì Thánh Phêrô khuyên họ hãy ăn năn tội lỗi của mình và chịu phép Rửa tội. Theo tường thuật trong Công vụ, đã có khoảng 3.000 người đã được Rửa tội sau bài giảng của Phêrô.
Vì lý do này, Lễ CTTHX được coi là ngày sinh của Giáo hội – Phêrô, vị Giáo hoàng đầu tiên, lần đầu tiên giảng đạo và cải đạo cho hàng ngàn tín đồ mới. Các tông đồ và tín hữu, lần đầu tiên, được hợp nhất bởi một ngôn ngữ chung,  cùng một lòng nhiệt thành và mục đích chung để đi rao giảng Tin Mừng.

Phẩm phục của Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và phong tục của Giáo hội hoàn vũ
Thông thường, các linh mục sẽ mặc phẩm phục màu đỏ vào ngày lễ CTTHX, tượng trưng cho ngọn lửa đang bừng cháy của tình yêu Thiên Chúa và những lưỡi lửa đổ tràn xuống trên các tông đồ.
Tuy nhiên, ở một số nơi trên thế giới, Lễ CTTHX còn được gọi là Lễ “WhitSunday,” hay Chúa nhật trắng, đề cập đến những phẩm phục màu trắng thường được mặc ở Anh và Ireland. Màu trắng là biểu tượng của chim bồ câu của Chúa Thánh Thần, và biểu tượng của những chiếc áo trắng mà người tân tòng mặc trong ngày rửa tội.
Theo truyền thống của người Ý, trong ngày lễ CTTHX người ta rắc những cánh hoa hồng từ trần nhà thờ xuống để nhớ lại phép lạ của những lưỡi lửa, và vì vậy ở một số nơi ở Ý, lễ CTTHX đôi khi được gọi là Pascha Rosatum (hoa hồng Phục sinh).
Ở Pháp, theo truyền thống, người ta thổi kèn trong Thánh lễ để tưởng nhớ lại âm thanh gió mạnh của Chúa Thánh Thần.
Ở châu Á, cũng có thêm những nghi thức, được gọi là genuflexion (quỳ một gối), trong khi đó những bài thơ và lời cầu nguyện dài được đọc. Ở Nga, những người đi lễ CTTHX thường mang theo hoa hoặc cành cây xanh trong các nghi thức phụng vụ.

(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết đăng trên CNA)