Có phải đại dịch coronavirus là một phán xét từ Thiên Chúa?

Sự chăm sóc từ bi khẳng định phẩm giá của bệnh nhân
Sứ vụ thực sự của Planned Parenthood đã bị phơi trần
Vụ kết án Đức Hồng y George Pell: Ý nghĩa pháp lý, chính trị, tâm linh và Giáo luật

Các nhà thờ vắng lặng trong thời đại dịch coronavirus

Đại dịch coronavirus có phải là một phán xét từ Thiên Chúa không? Đó là một câu hỏi đang được tranh luận bởi nhiều Kitô hữu – ngay cả các giám mục và hồng y.
ĐTC Phanxicô, trong buổi cầu nguyện đặc biệt vào ngày 27/3/2020, được truyền hình trực tiếp từ Quảng trường thánh Phêrô trống vắng không người, đã cầu nguyện:
“Lạy Chúa, Ngài đang gọi chúng con, kêu gọi chúng con đến với đức tin. Đây không phải là thời gian để phán xét của Chúa, mà là phán xét của chúng con: lúc để chúng con chọn những gì là quan trọng và những gì đã qua đi, một thời điểm để phân tích những gì cần thiết và những gì không quan trọng.”
Mặt khác, một số nhà thần học và người bình thường đã lưu ý rằng nhiều đoạn trong Kinh thánh nói về những tai họa, bao gồm cả dịch bệnh (bệnh truyền nhiễm chết người), như phán xét của Chúa về tội lỗi của nhân loại.
Chúa cảnh báo con người, ví dụ, nếu họ nổi dậy chống lại Người, “ta sẽ gửi những tai ương đến cho các ngươi, và các ngươi sẽ được giao vào tay kẻ thù” (Leviticus 26:25). Ngay cả trong Tân Ước, Sách Khải Huyền mô tả một người cưỡi trên một con ngựa, “người được trao quyền trên một phần tư trái đất, để giết bằng gươm giáo và với nạn đói và với dịch bệnh và bởi những con dã thú của trái đất” (Khải huyền 6: số 8).
Những quan điểm này có vẻ không mâu thuẫn như chúng ta thấy. Điểm then chốt để giải thích chính xác các đoạn Kinh thánh về sự trừng phạt của Thiên Chúa là đọc chúng dưới quan niệm của một sự phân biệt đã trở thành truyền thống trong thần học Công giáo: sự phân biệt giữa Thánh ý tích cực của Thiên Chúa và Thánh ý cho phép của Ngài.
Thiên Chúa là đấng giầu long thương xót – Thiên Chúa là ánh sáng, và trong Ngài không có bóng tối nào cả (1 Gioan 1: 5) – và do đó Ngài không thể trực tiếp làm điều xấu. Thay vào đó, Ngài cho phép cái ác bởi vì trong sự khôn ngoan của Ngài, Ngài có thể mang lại một điều tốt hơn từ nó.
Do đó, khi Kinh thánh nói về Thiên thần gửi đến một tai họa, điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa trực tiếp gây ra nó. Thay vào đó, từ tình yêu to lớn của Ngài dành cho chúng ta, Ngài cho phép loài người trải nghiệm những hậu quả của những lựa chọn của chúng ta. Khi xã hội cố tình quay lưng lại với Thiên Chúa, lựa chọn tôn thờ những thần tượng do chính họ tạo ra, như văn hóa toàn cầu của chúng ta đã làm, điều đó đã tự xa lánh khỏi sự phù hộ và bảo vệ của Thiên Chúa và từ đó dẫn vào nhiều loại tội ác.
Chúa coi trọng sự tự do của chúng ta – nghiêm túc hơn nhiều so với chúng ta. Và phán đoán của Ngài về tội lỗi là cho phép chúng ta trải nghiệm hậu quả của tội lỗi của chúng ta. Nhưng phán xét đó là với một mục đích khắc phục. Mong muốn của Chúa luôn luôn là cho những đứa con của Ngài quay trở lại với Ngài và được chữa lành và phục hồi. “Vì ta không có niềm vui trong cái chết của bất cứ ai, lời của Thiên Chúa; hãy quay lại và sống” (Ezekiel 18:32).
Kinh thánh cũng nói rõ rằng chúng ta không được phán xét tội lỗi của bất kỳ cá nhân nào. Bởi vì con người rất liên kết với nhau, những người vô tội thường phải chịu đau khổ cùng với người tội lỗi.
Chúa Giêsu đã giải thích điều này liên quan đến hai thảm họa của thời đại của mình: một vụ thảm sát chính trị, trong đó một số người Do Thái ở Galilê đã bị giết và một tai nạn xây dựng:
“Các ngươi có nghĩ rằng những người Galilê này là tội nhân tồi tệ hơn tất cả những người Galilê khác, bởi vì họ phải chịu đựng theo cách này không? Không, ta nói với các ngươi; nhưng trừ khi các ngươi ăn năn, tất cả các ngươi cũng sẽ bị diệt vong. Hoặc 18 người mà tòa tháp ở Siloam đã sập và giết chết họ: Các ngươi có nghĩ rằng họ là những kẻ phạm tội tồi tệ hơn tất cả những người khác sống ở Jerusalem không? Không, ta nói với các ngươi; nhưng trừ khi các ngươi ăn năn, tất cả các ngươi cũng sẽ bị diệt vong” (Lu-ca 13: 1-5).
Do đó, một đại thảm họa không phải là một bảo chứng để kết án người khác. Đó là một lời kêu gọi để kiểm điểm cuộc sống của chính chúng ta và đến với Thiên Chúa, hãy nhớ rằng không ai trong chúng ta biết được chúng ta còn bao nhiêu thời gian trên trái đất.
Rõ ràng, vi khuẩn gây ra COVID-19 là tệ hại. Nó đang mang đến bệnh tật, cái chết, sự tàn phá và sự hủy diệt – tất cả trái ngược với kế hoạch của Thiên Chúa về sự trọn vẹn cho cuộc sống của con người mà Ngài tạo ra trong hình ảnh của mình. Chúa Giê-su nói, tên trộm chỉ đến để đánh cắp, giết chóc và tiêu diệt. Ta đến là ban cho họ có sự sống và sống rất phong phú (Gioan 10:10). Hơn nữa, kẻ ác đang tìm cách khai thác dịch bệnh này để mang đến những tệ nạn xa hơn đó là: sợ hãi và hoảng loạn, ích kỷ và tham lam, căng thẳng và chia rẽ trong các gia đình, tội ác và đổ lỗi giữa các nhà lãnh đạo chính phủ.
Vì vậy, chúng ta nên cầu nguyện – thực sự, cầu nguyện và ăn chay nhiệt thành, với niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa – để chấm dứt đại dịch này.
Một trong những điều thương xót của Thiên Chúa là đại dịch đã nổ ra trong Mùa Chay. Bài đọc thứ nhất trong thánh lễ vào Thứ Tư Lễ Tro, khởi đầu Mùa Chay, cho chúng ta một ý tưởng về cách cầu nguyện. Bài đọc của tiên tri Joel, người đã tiên tri vào thời điểm Do-thái đang trải qua một thảm họa thiên nhiên, một bệnh dịch châu chấu đã phá hủy tất cả các loại cây trồng và đe dọa sẽ gây ra nạn đói hàng loạt (không giống như bệnh dịch châu chấu tàn phá năm nay ở Đông Phi) .
Trước tai họa này, Thiên Chúa kêu gọi dân của mình:
Ngay cả bây giờ, Chúa nói,
Trở lại với ta với cả trái tim của ngươi
hãy ăn chay, khóc lóc và thống hối;
xé lòng chứ đừng xé áo ngươi,
và trở về với Chúa, Thiên Chúa của ngươi.
Vì Ngài nhân hậu và hay thương xót. ….
Zion hãy trổi kèn lên!
Hãy mau ăn chay hãm mình;
Triệu tập một hội đồng;
Tập hợp mọi người,
loan báo cho dân chúng. …
Giữa mái hiên và bàn thờ
hãy để các tư tế, các thừa tác viên của Chúa, khóc lóc,
Và nói, “Lạy Chúa, Hãy nương tay với con cái của Ngài,
và đừng để cho di sản (heritage)của Ngài là một lời trách mắng,
với các quốc gia đang cai trị họ!
Tại sao họ kêu la giữa các dân tộc,
Thiên Chúa của họ ở đâu?’”
Nhà tiên tri sau đó ghi lại câu trả lời ngắn gọn đầy lòng thương xót của Chúa
Thiên Chúa đã động lòng quan tâm đến đất đai của Ngài
và thương hại những con dân của mình (2: 12-18).
Chúa lại ban đầy tràn lương thực, nhưng Ngài còn làm nhiều hơn thế nữa: Ngài hứa sẽ đặc biệt tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần, không chỉ cho chính dân của mình mà trên toàn thế giới, mang lại ơn cứu độ và ơn hiểu biết về Thiên Chúa (Joel 2:28 -32).
Vì vậy, hôm nay, chúng ta được triệu tập để cầu nguyện, ăn chay hãm mình và ăn năn, vì lợi ích của chúng ta và của thế giới. Lời cầu nguyện của Daniel trong một thiên tai quốc gia khác cho ta một hình ảnh tuyệt vời của lời ăn năn và cầu nguyện trong khiêm tốn. (Daniel 9).
Dưới đây là một vài cách cụ thể người Công giáo có thể kiểm điểm lương tâm của chúng ta, đặc biệt là trong Tuần Thánh này khi chúng ta đi vào mầu nhiệm thương khó của Đức Giê-su.
Chúng ta đã bị cướp mất cơ hội để tham dự thánh lễ và nhận Bí tích Thánh Thể. Đôi khi chúng ta có xem thường Bí tích Thánh Thể không? Có phải chúng ta đã lỏng lẻo và hờ hững trong việc thực hành đức tin, tham dự thánh Lễ (nếu có) một cách miễn cưỡng và chỉ khi chúng ta có dư thời giờ, sau khi đã đặt những việc khác ưu tiên hơn là thánh Lễ, thay vì làm cho Chúa trở thành ưu tiên hàng đầu của cuộc đời chúng ta?
Một nửa dân chúng thế giới đang bị cách ly dưới một hình thức nào đó, như thể đột nhiên bị buộc phải rút lui không tự nguyện. Có đôi khi chúng ta thất bại trong việc tôn vinh Thiên Chúa bằng cách giữ Ngày của Chúa? Có phải chúng ta đã xem Chúa nhật như mọi ngày khác, như một thời gian để đi mua sắm, hoàn thành công việc và theo đuổi chương trình của riêng mình, thay vì dành thời gian để làm sâu sắc mối tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu và thư giãn với gia đình và bạn bè? Trong Cựu Ước, Thiên Chúa ra lệnh rằng dân Do Thái sẽ phải sống lưu vong trong một thời gian tương ứng với tất cả các ngày sa-bát mà họ đã không giữ, cho đến khi đất đai lấy lại được ngày sa-bát bị mất (2 Sử ký 36:21). Vì vậy, bây giờ, có lẽ xã hội điên cuồng của chúng ta đang lấy lại những ngày nghỉ đã mất.
Hàng triệu người đang bị ép buộc ở nhà và dành nhiều thời gian ở gần với các thành viên trong gia đình hơn bao giờ hết. Đôi khi chúng ta đã xem thường việc dành thời gian cho người phối ngẫu, con cái, anh chị em hoặc cha mẹ của chúng ta không? Chúng ta đã đặt những việc này xuống thấp trong danh sách ưu tiên của chúng ta? Có bao giờ chúng ta đã đối phó với cảm giác bất lực, sợ hãi hay thất vọng của chính mình bằng cách trút hết những khó khăn trên những người trong gia đình không?
Tuần này là thời cơ thích hợp để cầu xin sự tha thứ không chỉ của Thiên Chúa, mà cả những người gần gũi nhất với chúng ta và bày tỏ tình yêu của chúng ta dành cho họ. Cha mẹ đặc biệt có thể làm gương này cho con cái của họ.
Nền kinh tế đang xuống dốc. Chúng ta đã làm tiền bạc và của cải là thần tượng của chúng ta không? Có phải chúng ta đã cố gắng tôn thờ cả Chúa và sự giầu sang phú quý không?
Nếu các Kitô hữu khiêm nhường hạ mình xuống trước mặt Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, ăn chay và ăn năn, và chỉ đến khi đó, thì chúng ta mới có thể kêu gọi cả thế giới để sám hối và tin vào Chúa Kitô một cách đáng tin cậy. Trong thời kỳ khủng hoảng này, khi mọi người phải đối mặt với những hạn chế của con người và thực tế của cái chết, chúng ta có thể được trao một cơ hội chưa từng có để làm nhân chứng cho Chúa Kitô.
Như thời tiên tri Joel, kế hoạch của Thiên Chúa, không chỉ đơn giản là chấm dứt tai họa: Ngài mong muốn đưa tất cả các quốc gia đến với sự hiểu biết về ơn cứu rỗi Con của Ngài, người đã chiến thắng tội lỗi, bệnh tật, Satan và sự chết.

(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết của Mary Healy đăng trên National Catholic Register)