PHỤ HUYNH VÀ TRÁCH NHIỆM GIÁO DỤC GIỮA NỀN VĂN MINH SỰ CHẾT!

Cảm Nghiệm Sống – Ách Ta Êm, Gánh Ta Nhẹ
Kinh Mân Côi
Sau Đồng Tính, Hôn Nhân Đồng Tính, và Chuyển Đổi Giới Tính – Con Người Sẽ Đi Về Đâu?

Câu truyện 1:
Một người mẹ đã phải lái xe đường dài đến tận Campus để đích thân cùng con trai của bà tham dự lễ Chúa Nhật. Lý do, nếu không làm như vậy con trai bà sẽ bỏ lễ và bỏ đạo.

Trong lần tranh luận về tôn giáo ít tháng trước, con bà đã nói với bà:

“Tại sao mẹ cứ nói với con mấy cái chuyện đạo đức làm gì? Chúa hả? Làm gì có Chúa. Con hết tin Chúa rồi. Mấy đứa bạn của con chúng nó cũng bỏ Chúa hết rồi. Chả đứa nào thèm cầu nguyện vậy mà vẫn học giỏi, vẫn thi vào các trường nổi tiếng. Còn đi lễ hả? Mỗi lần đến nhà thờ nhìn thấy mấy ông cha là trong đầu con lại hiện ra hằng tỷ đô la mà chỉ riêng giáo dân Mỹ đã phải trả cho mấy ông này làm cái chuyện sờ mó bậy bạ mấy đứa con nít. Mẹ bảo con còn tin tưởng gì nữa để mà đi lễ. Mấy ông đó chỉ nói, chỉ giảng cho người khác giữ, còn mấy ông ấy có giữ không? Con thấy chỉ là giả dối, là hypocrite”.

Câu truyện 2:
Người bạn tôi mấy hôm nay điện thoại liên tục xin hướng dẫn và ý kiến. Anh la làng lên là phải đau đầu với đứa con gái vừa bước vào tuổi trưởng thành. Thấy nó lơ là học vấn, lúc nào cũng chúi mũi vào facebook, youtube, internet sợ bị lôi cuốn và dụ dỗ nên đã khuyên bảo con. Không được một lời cảm ơn, nó bắt đầu trả treo và thách thức:

“Con đã lớn. Con có quyền quyết định tương lai của con. Học hành làm gì, má con có học hành gì mà bây giờ cũng giầu có, muốn gì được nấy. Còn ba, lúc nào cũng nói truyện tương lai, đạo đức mà nghèo xác nên mới bị má con bỏ đó. Bây giờ con thấy má hạnh phúc với chồng mới của bả hơn lúc còn sống với ba đó. Con cũng vậy, ông bố dượng của con chiều con, có tiền cho con khi con muốn không như ba. Ba mà cứ nói chuyện học hành, kỷ luật, đạo đức thì từ tuần sau khỏi cần đến đón con về thăm ba nữa. ”

Các bạn nghĩ sao về hai mẩu truyện trên? Biết đâu nó lại đang xảy ra trong chính gia đình bạn?

Đức tin thuộc lãnh vực tâm linh, tôn giáo đối với người lớn tuổi. Còn học vấn, kỷ luật, vâng lời cha mẹ, chuyên chăm cho tương lai là việc của những em nhỏ đang sống với cha mẹ, những bạn trẻ đang vật lộn với đèn sách, học đường chuẩn bị cho tương lai. Tóm lại, những cái đó đều nằm trong lãnh vực giáo dục: Giáo dục gia đình, giáo dục học đường, và giáo dục tôn giáo. Nhưng những gì liên quan đến hai chữ giáo dục hiện nay lại đang gặp rất nhiều thử thách, khó khăn đối với những cha mẹ, phụ huynh, những nhà giáo dục, những nhà lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, những nhà đạo đức. Theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là vì con người ngày nay đang sống trong “nền văn minh sự chết”. Nền văn minh mà từ những em bé tuổi vị thành niên, những sinh viên trẻ, nông nổi, biết ít nhưng lại nghĩ mình biết hết, đến cả nhiều người lớn tuổi, nhiều người cao niên cũng đều bị ảnh hưởng.

Để nhìn ra cái nguy hiểm của nền văn minh này, chúng ta phải đề cập đến triết lý Duy Tương Đối (Relativism). Triết lý này đã được Đức Bênêđíctô XVI coi như yếu tố chính phá hủy “nền văn hóa sự sống”.

Vì quan niệm không gì là tuyệt đối, nên đức tin, những giá trị đạo đức, luân lý, đạo đức xã hội tất cả cũng chỉ là tương đối mà con người có thể thay đổi suy nghĩ của mình cho phù hợp với những nhu cầu đang có trước mặt. Nói một cách đơn giản là “Ai sao tôi vậy.” Bạn bè bỏ đạo mình tại sao phải giữ đạo. Bạn bè uống rượu, hút xì ke, ma túy, giao du tình dục tại sao mình phải nghiêm túc làm mặt đạo đức. Bọn nó làm vậy mà học vẫn giỏi, thi vẫn đậu có sao đâu.

Xã hội quanh mình, người ta sống với nhau trước hôn nhân, tạo sao mình lại không? Người ta phá thai, ly dị, đồng tính, tham lam, gian lận để làm giầu, tại sao mình phải sống với bộ mặt đạo đức? Thiếu gì những kẻ đạo đức giả hình mà vẫn được trọng vọng, kính nể.

Tóm lại, nguy hiểm của nền văn hóa sự chết với triết lý sống Duy Tương Đối chính là thuận theo lòng người, chạy theo đám đông chú trọng vào những gì làm thỏa mãn giác quan, dục vọng, và dễ dãi cho cuộc sống vật chất. Ngoài ra, vì không còn gì để tin, không còn gì để định giá những việc làm đúng, sai, phải, trái, nên hậu quả đang ở trước mắt, đang đứng chờ ngoài cửa, đang xuất hiện ngay trong nhà của nhiều người mà hai câu truyện ví dụ trên là những thí dụ.

Vậy câu hỏi được đặt ra là:

Cha mẹ có phải quan tâm đến vấn đề giáo dục nhân cách, đạo đức và đức tin cho con cái không? Thưa có và rất cần thiết. Tuổi trẻ tuy không hiểu, không biết nhiều về đức tin, về đạo đức và luân lý nên chúng càng cần được giáo dục, hướng dẫn. Và người thầy tốt nhất trong lãnh vực này chính là cha mẹ. Thánh Alphongsô nói: “Tất cả những gì tôi có là do mẹ tôi cho”. Phụ huynh không nên bán cái việc giáo dục con cái cho các vị tu hành và học đường.

Riêng đối những bạn trẻ đã lớn và đang tự cho mình biết tất cả thì sao? Thưa, vẫn phải giáo dục bằng cách tiếp tục theo dõi để nâng đỡ và khuyến khích. Đức tin, lòng đạo đức không phải một sớm, một chiều mà có. Nó cần phải có thời gian trồng trọt, tưới bón, cắt cành, và tỉa lá. Và đó là việc làm của phụ huynh, của cha mẹ.

Một số phụ huynh cho rằng, mình đã quá vất vả khuyên răn, bảo ban, chỉ vẽ mà con cái vẫn chống đối, vẫn bỏ đạo nên thôi không thèm nói năng gì nữa hoặc làm gì thêm nữa. Quan niệm như vậy cũng là sai. Giáo dục và huấn luyện là việc làm của cha mẹ, của phụ huynh. Con cái sống đạo, phát triển đức tin là việc của Chúa và tùy thuộc vào sự cộng tác của chúng. Cha mẹ nên nhìn công việc giáo dục theo cái nhìn của Thánh Phaolô: “Tôi trồng, Apolo tưới, Thiên Chúa cho mọc lên” (1Cor 3:6). Và kết luận quan trọng chính là công việc gieo trồng, hay thực tế hơn là việc giáo dục của phụ huynh.